Sự kiên nhẫn của danh họa Michelangelo: Bài học để đạt được sự vĩ đại
Câu chuyện nghệ thuật: Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của các nghệ sĩ
Michelangelo Buonarroti là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất lịch sử nhân loại. Ông sinh năm 1475 và hưởng thọ 88 tuổi. Mặc dù tự nhận là một nhà điêu khắc, nhưng ông đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm bích họa, kiến trúc và thơ ca kiệt tác trong thời kỳ Phục Hưng.
Điều gì đã làm cho Michelangelo trở thành một tượng đài vĩ đại? Bí mật nào giúp ông tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất chúng như vậy? Tôi chắc chắn rằng đáp án cho câu hỏi này khá phức tạp, nhưng chúng ta hãy nhìn lại một chương trong cuộc đời của Michelangelo cùng với chia sẻ của chính danh họa.
Đạo đức nghề nghiệp
Đạo đức nghề nghiệp của Michelangelo được nhắc đến như sau:
“Nếu mọi người biết tôi đã phải làm việc chăm chỉ như thế nào để trở nên điêu luyện thì dường như không có gì tuyệt diệu cả. … Nếu bạn biết tôi đã đổ bao nhiêu công sức vào đây, bạn sẽ không gọi đây là thiên tài.”
Michelangelo cho rằng kỹ năng điêu luyện của ông không phải là biểu hiện của kiểu thiên tài chỉ dựa vào tài năng bẩm sinh. Thay vào đó, ông gọi “tố chất thiên tài” của mình là “sự nhẫn nại không ngừng”. Thiên tài chính là khả năng rèn luyện tính kiên nhẫn trước những khó khăn không tránh khỏi phát sinh trong khi làm việc. Nói cách khác, khái niệm thiên tài dường như đồng nghĩa với khả năng chịu đựng gian khổ vì tình yêu nghệ thuật.
Giorgio Vasari, họa sĩ thời Phục Hưng Ý, tác giả của “Cuộc đời của các nghệ sĩ” (The Lives of the Artists), là người đầu tiên viết tiểu sử về Michelangelo khi thiên tài còn sống. Trên thực tế, Michelangelo là nghệ sĩ đầu tiên được viết tiểu sử khi đang còn sống.
Giorgio Vasari đã viết về những khổ cực mà Michelangelo phải trải qua trong nghề: “Michelangelo kể với tôi rằng thời trẻ, ông thường đi ngủ với bộ quần áo làm việc, giống như một người ám ảnh với công việc, không buồn thay quần áo, vì sau đó ông phải mặc lại một lần nữa. … Khi đã có tuổi, ông liên tục đi những đôi ủng làm từ da chó trên đôi chân trần không có tất trong nhiều tháng liền, vậy nên khi tháo ủng, da của ông cũng bị bong theo.”
Câu chuyện của Vasari về Michelangelo có vẻ cực đoan và thậm chí có phần ngụy tạo. Tuy nhiên, điều đó cho thấy rằng chúng ta cần phải sẵn sàng hy sinh sự thoải mái của bản thân và chịu đựng gian khổ nếu muốn có được những thành công vĩ đại.
Vượt qua những thách thức khi vẽ kiệt tác ‘Trần Nhà nguyện Sistine’
Một trong những tác phẩm nghệ thuật tái khẳng định sự vĩ đại của Michelangelo chính là mái vòm “Trần Nhà nguyện Sistine”.
Trong lúc Michelangelo đang thực hiện công việc điêu khắc cho lăng mộ tương lai của Giáo hoàng Julius II thì có sự thay đổi, Giáo hoàng muốn ông vẽ mái vòm trần nhà nguyện trước. Vasari Condivi cho rằng việc này khởi nguồn từ họa sĩ kiêm kiến trúc sư Donato Bramante – một người bạn của họa sĩ trẻ Raphael – đã thuyết phục Giáo hoàng để Michelangelo vẽ tranh thay vì điêu khắc.
Bramante xúi giục Giáo hoàng với ý đồ ngăn cản Michelangelo tạo ra những tác phẩm điêu khắc tuyệt vời. Ông ta mong rằng Michelangelo thất bại trong việc vẽ tranh (bởi Michelangelo là nhà điêu khắc) và như vậy sẽ không thể sánh được với Raphael về hội họa, và chứng tỏ Raphael là một họa sĩ siêu việt.
Ban đầu Michelangelo từ chối và nói rằng ông là một nhà điêu khắc chứ không phải là một họa sĩ, tuy nhiên Giáo hoàng đã bị Bramante thuyết phục nên ép buộc ông phải đồng ý. Theo ấn phẩm “Michelangelo: Người nghệ sĩ, con người, và thời đại của ông” (Michelangelo: The Artist, the Man, and His Times) của William Wallace, Michelangelo đã bày tỏ sự khó chịu với những bức tranh khi dự án hoàn thành, ông đã ký vào cuối những vần thơ để bày tỏ sự không hài lòng: “Tôi không ở nơi tốt đẹp, và tôi không phải là họa sĩ.”
Bản thân tác phẩm này cũng có những thách thức. Michelangelo không biết làm thế nào để vẽ bích họa cho chuẩn xác, vậy nên ông đã nhờ các họa sĩ khác đến giúp đỡ, vì tác phong làm việc đủng đỉnh của các họa sĩ nên cuối cùng ông đơn độc vẽ bích họa khổng lồ này. Nấm mốc mọc trên một phần của bức bích họa, và Michelangelo đã phải vẽ lại chỗ đó.
Để phá hoại dự án một lần nữa, Bramante gợi ý Michelangelo nên treo giàn giáo từ trần nhà. Michelangelo phản đối vì cho rằng làm như thế thì sau này phải lấp các lỗ hổng trên tường lại. Ông đã phải phát minh ra một loại giàn giáo mới.
Theo Vasari, việc vẽ lên mái vòm trần nhà là một trải nghiệm vô cùng đau đớn, chỉ có thể nói thế này:
“Những bức bích họa này được thực hiện với sự gian khổ cùng cực, vì Michelangelo phải đứng đó làm việc mà đầu thì nghiêng về phía sau, và nó làm hỏng thị lực đến mức ông không thể đọc hoặc nhìn các bản vẽ nếu đầu ông không nghiêng về phía sau; tình trạng này kéo dài vài tháng sau đó.”
Michelangelo không chỉ đối mặt với những khó khăn khi vẽ tranh và bị các đối thủ cố gắng bôi nhọ thanh danh, mà còn gặp nhiều vấn đề gia đình triền miên. Theo Wallace, khi anh trai của ông qua đời thì người vợ của anh trai ông kiện đòi trả lại của hồi môn, rồi một trong những người anh em không tôn trọng ông, trong gia đình nhiều người bị bệnh tật và hiển nhiên xuất hiện vấn đề khó khăn tài chính.
Wallace cho rằng các khoản chi trả của Giáo hoàng cho Michelangelo rất không đều đặn, và hầu hết danh họa gửi số tiền đó về cho gia đình. Ông tự mô tả mình là “trắng tay, không có một xu dính túi”.
Michelangelo đã mô tả toàn bộ sự kiện qua nhiều lá thư mà Wallace đã trích dẫn và có thể tóm tắt như sau:
“Tôi đang sống với một tâm trạng vô cùng lo lắng và mệt mỏi cùng cực về thể chất: Tôi không có bạn bè và cũng không muốn ai cả. Tôi không có đủ thời gian ăn uống. Vì vậy, đừng ai làm phiền tôi với bất cứ điều gì khác, vì tôi không thể chịu đựng thêm điều gì nữa. … Tôi đã sống 15 năm nay nhưng chưa từng có một giờ hạnh phúc”.
Chịu đựng những điều không thể chịu đựng
Bạn có thể tưởng tượng một cuộc sống như vậy không? Khi bạn được giao một dự án và trước khi bắt đầu, một trong những đồng nghiệp cố gắng phá hoại bằng cách đề nghị người chủ điều chuyển bạn sang dự án khác với khả năng thất bại rất cao? Bạn có thể tưởng tượng được rằng dù bạn phản đối đảm nhận công việc mà mình không có chút kinh nghiệm nhưng bạn vẫn cứ phải làm, và trong quá trình triển khai dự án, đồng nghiệp luôn đưa ra những đề xuất ảnh hưởng đến thành công của bạn?
Không chỉ có vậy. Công việc của dự án đã vắt kiệt sức lực của bạn sau mỗi ngày làm việc và khi trở về nhà lại phải đối mặt với những thứ như: người bạn đời phàn nàn về tiền bạc, cha mẹ già bị bệnh tật cần sự giúp đỡ, con cái bất kính ở trường học. Bạn phải làm việc muộn đến mức hầu như không có thời gian để thay quần áo.
Khó khăn hằng ngày vượt quá sức tưởng tượng, cảm thấy thật khó mà tồn tại. Nhưng Michelangelo đã kiên nhẫn vượt qua tất cả những điều ấy. Đây là một phần lý do khiến ông trở nên vĩ đại. Vì sự kiên trì nhẫn nại của mình, ông đã tạo ra một trong những tuyệt tác vĩ đại nhất thế giới. Michelangelo có thể từ bỏ công việc không đúng chuyên môn ấy, nhưng ông đã không làm vậy. Khi hoàn thành trần Nhà nguyện Sistine thì Michelangelo mới chỉ có 37 tuổi, ông sống thêm 51 năm nữa thì qua đời.
Đôi khi, những tranh đấu có thể làm cho cuộc sống chúng ta trở nên vô nghĩa; những khó nạn vượt ngoài sức tưởng tượng khiến chúng ta chỉ muốn kết liễu đời mình để chôn vùi nỗi đau. Nhưng từ câu chuyện của Michelangelo chúng ta có thể học được điều gì đó, phải chăng là “sự vĩ đại” phụ thuộc vào việc chúng ta đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống bằng “sự nhẫn nại không ngừng”.
Có lẽ trong từng gian khó là một cơ hội để hiểu sâu sắc bản thân và phát triển tiềm năng thực sự của chúng ta.
Lịch sử nghệ thuật là một câu chuyện không có hồi kết, cũng là câu chuyện của loài người chúng ta. Mỗi thế hệ họa sĩ ảnh hưởng đến nền văn hóa của họ thông qua các tác phẩm nghệ thuật và lựa chọn của họ trong cuộc sống. Loạt bài này chia sẻ những câu chuyện trong lịch sử nghệ thuật, khuyến khích việc tự vấn bản thân làm thế nào để chúng ta có thể trở thành những con người chân thành, biết quan tâm và kiên nhẫn hơn.
Eric Bess là họa sĩ hiện đang học Tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Phương Du biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: