Sự hưng phấn kinh tế đằng sau các kế hoạch kích thích chi tiêu là không xác đáng
Doanh số bán lẻ và tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ cho thấy có sự suy yếu, thấp đáng kể so với dự toán, lại trùng với dịp kích thích tài chính và tiền tệ lớn nhất trong lịch sử. Có gì đó không đúng khi những con số này thấp hơn đáng kể so với dự tính trong một môi trường với những các giải pháp cải thiện khổng lồ để hỗ trợ cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tại sao lại như vậy?
Lợi ích thu được từ các kế hoạch kích cầu đang giảm dần là điều rõ ràng. Việc thúc đẩy GDP một cách giả tạo thông qua chi tiêu ngân sách rộng rãi của chính phủ và tăng vay nợ tạo ra tình trạng “đường cao” (sugar high) trong ngắn hạn, sau đó nhanh chóng xuống mức “đường thấp” (sugar low). Các tác động tích cực được cho là của kế hoạch kích thích trị giá 1 ngàn tỷ USD phai nhạt ngay sau ba tháng. Gần đây tôi đã có một cuộc trò chuyện với cựu ứng viên Cục Dự trữ Liên bang Judy Shelton, khi đó bà đề cập rằng sự phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn nếu không có gói kích thích lớn gần nhất này. Suy thoái kinh tế đã xảy ra do chính sách đóng cửa, và sự phục hồi đến từ việc mở cửa trở lại. Chúng ta cần để cho nền kinh tế được hít thở và mạnh lên, chứ không phải làm [thổi] cho nó phồng lên.
Lợi ích đang giảm dần của các kế hoạch kích cầu là hiển hiện. Cú hích tài khóa và tiền tệ trị giá 20 ngàn tỷ USD dự kiến sẽ chỉ mang lại sự phục hồi GDP thực tế ở mức 4 ngàn tỷ USD, sau đó sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng GDP theo lịch sử. Điều này có khả năng dẫn đến mức kỷ lục nợ mới, tăng trưởng năng suất yếu hơn và phục hồi việc làm chậm hơn. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tốc độ các đợt phục hồi [kinh tế] toàn cầu kể từ năm 1975 cho thấy một xu hướng yếu hơn.
Chi tiêu gây thâm hụt ngân sách chủ yếu được dành cho chi thường xuyên, điều dẫn đến việc cải thiện tăng trưởng tiềm năng hầu như không đáng kể. Nếu có, thì bằng chứng cho thấy số nhân tài khóa (fiscal multipliers: số nhân tài khóa đo lường hiệu quả của việc tăng chi tiêu trong chính sách tài khóa của chính phủ đối với GDP hoặc GNP) là đáng buồn, thậm chí bị âm ở các nền kinh tế mở và mắc nợ nhiều.
Chúng ta phải thận trọng với sự hưng phấn thái quá xuất hiện từ nhiều tuyên bố về cái gọi là các quỹ “Thế hệ tiếp theo” của Âu Châu. Rất nhiều trong số các ước tính lạc quan [được đưa ra] dường như đã quên mất hiệu quả không đáng kể của các kế hoạch tương tự trước đó.
Sự gia tăng mạnh mẽ các khoản đóng góp cho ngân sách của Liên minh Âu Châu và việc tăng thuế như một số quốc gia như Tây Ban Nha công bố có dường như làm giảm hiệu quả ròng của những khoản này.
Tất cả sự thành công hay thất bại của kế hoạch phục hồi Âu Châu phụ thuộc vào các dự tính về hiệu ứng của số nhân tài khóa đã thực hiện. Và các triển vọng là không tốt lành gì nếu chúng ta nhìn lại lịch sử.
Tác động trung bình của các chương trình trước đó, chẳng hạn như Kế hoạch Việc làm và Tăng trưởng năm 2009, Kế hoạch Juncker hoặc Chỉ thị Xanh để hỗ trợ đầu tư vào năng lượng tái tạo là rất thấp. Bằng chứng thực nghiệm trong 15 năm qua cho thấy phạm vi của số nhân tài khóa, khi dương chỉ dao động tối đa trong khoảng 0.5 đến 1. Và ở hầu hết các quốc gia ngoại biên có các giá trị [số nhân tài khóa] đều âm.
Theo ước tính của riêng Liên minh Âu Châu, Kế hoạch Juncker đã tạo ra tổng tác động từ năm 2014 đến năm 2019 là +0.9% GDP và tăng thêm 1.1 triệu việc làm từ 439 tỷ euro đầu tư. Lợi tức trên vốn đầu tư của kế hoạch khổng lồ này thật thảm hại. Và chúng ta hãy nhớ rằng Kế hoạch Juncker được chi hoàn toàn cho các dự án đầu tư [được tính toán] theo ước tính lợi tức kinh tế thực và không có các khoản chi tiêu như hiện tại và không có can thiệp chính trị của kế hoạch phục hồi năm 2021.
Trong khi Kế hoạch Juncker đã tạo ra-nếu chúng ta tin con số đó-là 0.9% trong 5 năm, liệu chúng ta có thể thực sự tin tưởng vào tác động 4% lên GDP trong ba năm từ các quỹ Âu Châu này theo như mức ước tính đồng thuận trung bình?
Chính phủ Tây Ban Nha, trong Kế hoạch Phục hồi, Chuyển đổi và Khả năng Ứng phó, tuyên bố rằng “về tổng thể, việc làm do Kế hoạch này tạo ra … sẽ tương đương với khoảng 12 việc làm cho mỗi triệu euro đầu tư.” Mười hai việc làm cho một triệu euro chi tiêu!
Hiệu ứng số nhân [tài khóa] và tác động đến cấu trúc của nó phụ thuộc vào các yếu tố thực thi và hiệu quả. Khả năng những khoản tiền này sẽ bị đầu tư sai hoặc lãng phí là rất lớn.
Ý tưởng cho rằng hàng trăm dự án hoành tráng, có khả năng sinh lời sẽ bất ngờ xuất hiện cũng là điều đáng nghi ngờ. Rất khó để tin rằng bỗng nhiên hàng ngàn dự án sinh lời và tạo việc làm xuất hiện khi mà chúng không được làm được điều đó trong những năm gần đây với lãi suất ở mức thấp lịch sử, thanh khoản không giới hạn và ham muốn đầu tư gia tăng.
Những kế hoạch được gọi là kích thích kinh tế này có rủi ro rất lớn: chúng liên quan đến sự chuyển dịch của cải khổng lồ của các tầng lớp trung lưu và những người đóng thuế để phục vụ cho chi tiêu chính trị mà không đem lại lợi tức kinh tế thực và các khoản đầu tư có khả năng sinh lời đáng ngờ.
Chưa bao giờ có sẵn vốn cho đầu tư công nghệ, số hóa và phát triển bền vững. Những khoản đầu tư này không cần định hướng chính trị hay tài trợ.
Tiền rẻ, sự can thiệp công gia tăng và các kế hoạch kích thích khổng lồ đã không tạo ra động lực cho năng suất và tăng trưởng tiềm năng. Con đường dẫn đến trì trệ và tạo ra các “xác sống” đã là một vấn đề trong năm 2018. Chúng ta cần đầu tư tư nhân và thương mại tự do để thúc đẩy năng suất. Chúng ta cần những nền kinh tế mở với tinh thần kinh doanh phát triển thịnh vượng, chứ không phải một nền kinh tế dựa trên chi tiêu và nợ nần. Những vấn đề được tạo ra bởi chuỗi kích cầu trong những năm qua là rất rõ ràng: nợ tăng cao và tăng trưởng yếu. Chi tiêu ngân sách nhiều hơn và nợ sẽ không giải quyết được vấn đề.
Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Tự Do hoặc Bình Đẳng”, “Thoát Khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương” và “Cuộc Sống Trong Thị Trường Tài Chính.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Daniel Lacalle thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: