Sự công kích của bà Harris vào ‘quá khứ đáng hổ thẹn’ của Hoa Kỳ là một cách diễn giải lịch sử sai lệch nghiêm trọng
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã gọi thời kỳ thuộc địa hóa của Hoa Kỳ là một “quá khứ đáng hổ thẹn”.
Theo bài diễn văn gần đây của bà Harris trước Đại hội Toàn quốc của Người Mỹ Bản địa vào Ngày Columbus, thì những người Mỹ xuất thân từ những người khai hoang Âu Châu đó nên thấy hổ thẹn về lịch sử đất nước mình.
Bà cho biết quá trình chiếm Bắc Mỹ làm thuộc địa là dựa vào việc cướp đất đai và đã gây ra sự tàn phá đối với các quốc gia bộ lạc. Bà tiếp tục cam kết rằng chính phủ Tổng thống Biden sẽ đối mặt với “nỗi hổ thẹn” này.
Có vẻ như thật lạ thường khi một nhà lãnh đạo thế giới có thể đưa ra một cái nhìn hạn hẹp như vậy về lịch sử. Nhưng, tất nhiên, quan điểm nông cạn này lại nhận được sự đồng tình từ nhiều nhà hoạt động cánh tả, những người muốn viết lại lịch sử để khắc họa các đế chế Âu Châu là xấu xa và đê hèn.
Phe cánh tả cực đoan ủng hộ những câu chuyện quá ư đơn giản về kẻ ác-nạn nhân bởi vì toàn bộ chiến lược của họ phụ thuộc vào việc thuyết phục các bộ phận của xã hội rằng họ là nạn nhân, sau đó kích động những “nạn nhân” này hành động và làm cách mạng chống lại những người bị cho là kẻ ác.
Chủ nghĩa tích cực loại này phát động tuyên truyền dựa vào việc diễn giải lịch sử một cách chọn lọc. Một cách diễn giải mà trong đó [họ] chỉ chọn lọc theo hướng có lợi và nhấn mạnh những cái xấu, trong khi bỏ qua những cái tốt.
Bằng cách tiếp nhận cái phiên bản quá khứ đã được phe cánh tả chọn lọc này, bà Harris sẽ coi người Mỹ da trắng như những kẻ ác đáng hổ thẹn và những kẻ bóc lột phân biệt chủng tộc.
Không chừng, bước tiếp theo trong câu chuyện về kẻ ác-nạn nhân này sẽ là một phiên bản mới của mô hình chuyển giao của cải cũ theo kiểu xã hội chủ nghĩa, trong đó có thể thấy người Mỹ da trắng phải trả giá để chuộc lại tội lỗi cho tổ tiên của họ.
Tuy nhiên, thật lạ là, những hậu duệ của những kẻ thực dân này, những người đáng phải hổ thẹn về quá khứ của họ, dường như đã xây dựng nên một xã hội quá hấp dẫn đối với những người bên ngoài đến nỗi biên giới của Hoa Kỳ hiện đang ngập tràn bởi một số lượng lớn “những nạn nhân” khao khát muốn di cư và cùng sống trong cái xã hội của những người bị coi là xấu xa này.
Vì vậy, những người Âu Châu khai hoang và con cháu của họ hẳn có điều gì đó đúng phải không?
Người ta thắc mắc tầm nhìn của bà Harris đối với nước Mỹ thực sự là gì.
Chắc chắn là không phải bà ấy đang lý tưởng hóa các nền kinh tế tự cung tự cấp vốn thịnh hành trong các xã hội bộ lạc và được nhà triết học Jean-Jacques Rousseau thần thoại hóa lên.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là vụ công kích của bà Harris nhắm vào lịch sử quốc gia của mình đã bộc lộ một sự thiếu tầm nhìn. Đặc biệt, việc bà sử dụng xu hướng nhất thời hiện nay là công kích các đế quốc và người Âu Châu khai hoang đã thể hiện một sự thiếu hiểu biết sâu sắc về cả vai trò của các đế chế cũng như quá trình chiếm đóng thuộc địa của thực dân trong hàng ngàn năm qua.
Đầu tiên, bà Harris có nhận ra rằng không phải tất cả các đế chế đều là người Âu Châu không? Bà có biết rằng nhiều nền văn minh không thuộc Âu Châu đã tham gia vào chủ nghĩa thực dân và chiếm được những vùng lãnh thổ mới rộng lớn làm thuộc địa hay không? Những người này cũng sẽ là “những kẻ xấu xa sao?” Hay cái nhãn mác đó chỉ phù hợp với người Âu Châu?
Để xét vấn đề này một cách toàn diện, hãy xem một số ví dụ không liên quan đến Âu Châu.
Người Bantu ở Phi Châu đã bành trướng phạm vi của mình khi các bộ lạc rời bỏ mảnh đất quê hương ban đầu của họ mà ngày nay là Cameroon để đến định cư ở vùng trung tâm, đông và nam Phi Châu. Những người thực dân Bantu này đã tiêu diệt những cư dân bản địa ở đông và nam Phi Châu được gọi là Khoisan. Vì vậy, theo suy luận của bà Harris, điều đó có cấu thành hành vi cướp đất đai và một giai đoạn lịch sử “đáng hổ thẹn” hay không?
Sau đó là thời kỳ của chủ nghĩa đế quốc Ả Rập khi những người Ả Rập-Hồi giáo rời quê hương Ả Rập của họ để chinh phục và chiếm Bắc Phi làm thuộc địa, bao gồm Ai Cập, Sudan, Libya, Tunisia, Algeria, Morocco, và Mauritania ngày nay.
Một đế quốc khác là đế chế Mughal do các dân tộc Turco-Mông Cổ đến từ Trung Á xây dựng nên. Đế chế Mughal đã chinh phục khu vực mà ngày nay được gọi là Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, và Bangladesh. Chủ nghĩa đế quốc Mughal cũng là một lực lượng có vai trò to lớn trong việc xây dựng nên những gì mà ngày nay chúng ta gọi là nền văn hóa Ấn Độ.
Tuy nhiên, một đế chế Hồi giáo thành công rực rỡ nữa đã được xây dựng bởi người Thổ Nhĩ Kỳ. Đế chế Ottoman-Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm những dải đất rộng lớn ở Á Châu, Âu Châu, và Phi Châu và chứng kiến công cuộc xâm chiếm thuộc địa của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó xóa sổ các vùng thuộc địa của người Hy Lạp trên khắp Anatolia.
Tác động văn hóa do cuộc bành trướng lãnh thổ của đế chế Ottoman vẫn còn hiện hữu đến ngày nay trên khắp vùng Balkan, Trung Đông, và Bắc Phi. Tuy nhiên, liệu bà Harris có mong muốn hậu duệ của những kẻ theo chủ nghĩa đế quốc này phải bày tỏ nỗi hổ thẹn về những gì mà tổ tiên của họ đã làm không?
Còn chủ nghĩa đế quốc của người Trung Hoa hay người Hán thì sao? Khu vực ban đầu mà người Trung Hoa sinh sống chỉ là một phần rất nhỏ trong [lãnh thổ] Trung Quốc ngày nay mà thôi. Câu chuyện về nền văn minh Trung Quốc là một trong những câu chuyện về xây dựng đế chế và xâm chiếm thuộc địa, và ngày nay, chúng ta không thấy người dân Trung Quốc có biểu hiện tội lỗi hay hổ thẹn nào về lịch sử thời cổ đại của họ. Thay vào đó, chúng ta thấy niềm tự hào về những thành tựu của các đế chế này.
Điều thú vị là chúng ta cũng không thấy người Nga hổ thẹn hay mặc cảm tội lỗi về giai đoạn xây dựng đế chế của họ và quá trình thực dân hóa Siberia đã tạo ra một quốc gia trải dài từ Âu Châu đến Thái Bình Dương và xuống tận Caucuses.
Vấn đề là lịch sử rất phức tạp. Các đế chế làm cả việc xấu lẫn việc tốt.
Mô hình đơn giản và ngây thơ về kẻ ác-nạn nhân mà những người theo chủ nghĩa tự do cánh tả áp dụng cho thế giới dựa trên hoặc là sự thiếu hiểu biết về lịch sử hoặc cố tình thuật lại lịch sử một cách không trung thực trong đó chỉ chọn cái gì có lợi nhất cho mình.
Lời kêu gọi [mọi người hãy] “hổ thẹn” chỉ bộc lộ một sự thiếu tầm nhìn mà người ta có thể nhận thấy ở một người mù tịt về lịch sử. Các đế chế và chủ nghĩa thực dân đã trở thành một phần của lịch sử nhân loại hàng ngàn năm qua, và tất cả chúng ta đều là sản phẩm của sự đến và đi của những đế chế này.
Hơn nữa, trọng tâm của việc gây dựng đế chế là những câu hỏi về chủ quyền.
Những nhóm cộng đồng (dù là quốc gia hay bộ tộc) mà không thể tự tổ chức đủ tốt để bảo vệ chủ quyền của mình sẽ bị các đế chế xâm chiếm. Đồng thời, các nhóm xây dựng và quản lý chủ quyền thành công sẽ duy trì được nền độc lập của mình.
Lịch sử cho chúng ta thấy rằng các nhóm cộng đồng có cơ cấu chính trị và nền kinh tế yếu kém đều bị những nhóm người có tổ chức tốt hơn xâm chiếm. Các đế chế phát triển lớn mạnh nhờ việc thôn tính những cộng đồng có cơ cấu tổ chức yếu kém và từ đó truyền bá sự phát triển, kỹ năng tổ chức, và nền văn minh của mình đến những vùng đất mới.
Ý tưởng cho rằng người thành công nên xin lỗi vì đã thành công thật là phi lý.
Thật vậy, đây chính là sự phi lý mà dựa vào đó người ta xây dựng nên hệ tư tưởng của chủ nghĩa xã hội.
Nếu bà Kamala Harris tìm hiểu một vài hiện thực của lịch sử nhân loại, bà có thể nhận ra câu chuyện ngây ngô của mình về “sự hổ thẹn” nghe thật ngớ ngẩn thế nào.
Ngoài ra, bà cũng có thể học được điều gì đó về cách mà nền chủ quyền thực sự phát huy hiệu quả ra sao. Và qua cách giải quyết vấn đề biên giới Hoa Kỳ-Mexico một cách đáng kinh ngạc cho đến nay của chính phủ Biden-Harris, họ chắc chắn có rất nhiều điều để tìm hiểu về cách các quốc gia nên bảo vệ chủ quyền của mình như thế nào.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Eric Louw là một giáo sư đã nghỉ hưu, chuyên về truyền thông chính trị với sự nghiệp trải dài ở các trường đại học Nam Phi và Úc. Trước đó, ông từng là một nhà hoạt động, ký giả, và nhà đào tạo truyền thông thuộc Đại hội Toàn Quốc Phi Châu, nơi ông nghiên cứu về quá trình chuyển đổi của Nam Phi sang thời kỳ hậu Apartheid. Ông Louw là một chuyên gia về quy định chống phân biệt đối xử, phân bổ lại của cải, và các chính sách Trao quyền cho Nền kinh tế Da đen. Bằng tiến sĩ của ông là nghiên cứu về chủ nghĩa Marx, cũng như các nhà lý luận tân chủ nghĩa Marx sau này (Gramsci, Lukacs, Althusser, Trường phái Frankfurt, v.v.) và Chủ nghĩa Marx văn hóa. Ông là tác giả của chín cuốn sách, bao gồm “The Rise, Fall and Legacy of Apartheid”; “Roots of the Pax Americana”; and “The Media and Political Process”.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: