Sự bất thường trong số liệu thống kê việc làm tăng lên: Có bao nhiêu người Mỹ thực sự làm việc?
Trong 4 tháng qua, một hiện tượng bất thường đã xuất hiện: Khi được chính phủ khảo sát, các nhà tuyển dụng cho biết họ đã nhanh chóng bổ sung người vào bảng lương của mình. Nhưng khi các nhà khảo sát của chính phủ hỏi người Mỹ, ít người nói rằng họ thực sự làm việc. Sự khác biệt giữa hai kết quả khảo sát đó đã phát triển đến một mức độ mà gần như chưa từng thấy trong hơn nửa thế kỷ.
Hôm 05/08, Cục Thống kê Lao động (BLS) đã báo cáo 528,000 việc làm được tạo ra trong tháng Bảy – một con số bom tấn bỏ xa những tiên lượng. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (bao gồm cả những người đang làm việc và đang tìm việc) đã giảm, từ 62.2% trong tháng Sáu xuống còn 62.1% vào tháng Bảy.
Hơn nữa, kể từ tháng Tư, số người trong bảng lương tăng gần 1.7 triệu việc làm, đồng thời tổng mức việc làm giảm khoảng 170,000.
Lý do cho các kết quả trái ngược này bắt nguồn từ các nguồn dữ liệu — hai cuộc khảo sát khác nhau đo lường những điều hơi khác nhau.
Dữ liệu về mức độ việc làm đến từ cuộc khảo sát hộ gia đình của Cục điều tra dân số, trong đó điều tra mọi người xem liệu họ hiện có đang làm việc hay không, và BLS sử dụng những kết quả đó để đưa ra tỷ lệ thất nghiệp hàng tháng. Cuộc khảo sát này có biên độ sai số khoảng 400,000 người lao động.
Dữ liệu về bảng lương đến từ cuộc khảo sát cơ sở của BLS trong đó tìm hiểu xem các công ty họ tuyển dụng bao nhiêu người. Khác với khảo sát hộ gia đình, khảo sát này không bao gồm người làm việc trong nông trại, những lao động tự do nhưng không làm cho công ty, lao động gia đình và lao động gia đình không được trả lương. Kết quả của khảo sát có biên độ sai số khoảng 100,000 người lao động.
Kết quả của các cuộc khảo sát này thường tăng và giảm song song và bất kỳ sự cách biệt nào thường có xu hướng giảm dần trong vòng vài tháng.
Tuy nhiên, sự chênh lệch trong khoảng thời gian bốn tháng hiện tại – hơn 1.8 triệu – là đặc biệt hiếm.
Các con số này đã bị rối loạn vào năm 2020 do những khó khăn trong việc thu thập dữ liệu và do mỗi cuộc khảo sát đã phân loại một số người lao động bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 theo các cách khác nhau. Nếu không tính khoảng thời gian đó, thì lần cuối cùng khoảng chênh lệch trong thời gian 4 tháng tăng lên lớn như vậy là vào năm 1968.
Dường như không có một lời giải thích dễ hiểu nào trong chính dữ liệu. Khoảng cách dường như quá lớn để có thể xóa bỏ vì lý do biên độ sai số. Những thay đổi trong các nhóm người lao động bị loại trừ bởi cuộc khảo sát cơ sở – người làm việc nông, những lao động tự do không làm cho công ty, lao động hộ gia đình và lao động gia đình không được trả lương – dường như cũng không đủ lớn để giải thích sự chênh lệch này.
Khi đưa ra bình luận, Phòng Thống kê Lực lượng Lao động của BLS giải thích rằng các bản công bố hàng tháng của họ “tập trung vào thước đo đáng tin cậy hơn về sự thay đổi việc làm từ cuộc khảo sát bảng lương trong bản tin hàng tháng” vì nó có biên độ sai số nhỏ hơn và cũng bởi vì “nhiều người sử dụng dữ liệu, đặc biệt là những người không quen thuộc với sự khác biệt về khái niệm và phương pháp luận giữa hai nguồn dữ liệu, đã nhận thấy rằng hai thước đo khác nhau (và đôi khi có sự khác biệt lớn) về sự thay đổi ‘việc làm’ trong một tháng nhất định có thể khá khó hiểu.”
BLS cho biết trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times, “Chúng tôi không có bất kỳ lời giải thích hoặc suy đoán thêm nào về sự khác biệt trong những tháng gần đây,” đồng thời lưu ý rằng “nhìn vào sự thay đổi ròng trong 12 tháng của chúng… thì hai chuỗi số liệu này gần giống nhau hơn nhiều”.
Các số liệu phản ánh tình hình thực tế ở mức độ nào là rất quan trọng vì chúng là một chỉ số quan trọng đối với các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách. Cục Dự trữ Liên bang đã chỉ ra số lao động nhận lương mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp là các chỉ số cho thấy nền kinh tế hiện không suy thoái, mặc dù tổng sản phẩm quốc nội thực tế đã giảm trong hai quý liên tiếp, dựa trên dữ liệu sơ bộ, vốn được coi là quy tắc chuyên môn lâu nay về một cuộc suy thoái.
Một số nhà kinh tế đã chỉ ra rằng sự thiếu hụt lao động rõ ràng không phải là thước đo của tăng trưởng kinh tế bất thường, mà là do mọi người đang rời bỏ thị trường việc làm.
Trong tháng Sáu, ước tính có khoảng 10.7 triệu cơ hội việc làm và không tới 6 triệu người được phân loại là thất nghiệp . Nhưng con số thất nghiệp này không bao gồm những người không tìm kiếm việc làm trong 4 tuần trước đó.
Nếu nền kinh tế trước đại dịch COVID-19 ít nhất đã cố gắng theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số, tạo thêm khoảng 74,000 việc làm trung bình hàng tháng, thì quốc gia này lẽ ra phải có thêm khoảng 2.9 triệu người làm việc vào tháng Bảy.
Anh Petr Svab là một phóng viên tại New York. Trước đây, anh đã đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và thực thi pháp luật.