Sri Lanka nhận được sự hỗ trợ của Ấn Độ cho thỏa thuận IMF, đang chờ Trung Quốc chấp thuận
Sri Lanka đã nhận được sự hỗ trợ của Ấn Độ cho kế hoạch tái cơ cấu nợ của mình, một chìa khóa để Sri Lanka có được gói cứu trợ trị giá 2.9 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng nước này vẫn cần sự hỗ trợ từ bên cho vay song phương lớn nhất là Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu (20/01), Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết Ấn Độ sẽ mở rộng các bảo đảm tài chính với IMF để dọn đường cho Sri Lanka tiến tới phục hồi kinh tế.
Ông Jaishankar đã đưa ra nhận xét này tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Sri Lanka, ông Ali Sabry, và Tổng thống Ranil Wickremesinghe ở Colombo hôm thứ Sáu.
Trong cuộc họp, ông Jaishankar tái khẳng định cam kết của Ấn Độ là một “đối tác đáng tin cậy” của Sri Lanka, nói rằng Ấn Độ đã quyết định “không chờ đợi nước khác mà sẽ làm những gì đúng đắn,” theo Văn phòng Tổng thống Sri Lanka.
“Chúng tôi cảm thấy mạnh mẽ rằng các chủ nợ của Sri Lanka phải thực hiện các bước chủ động để tạo điều kiện cho nước này phục hồi. Ấn Độ quyết định không chờ đợi nước khác mà sẽ làm những gì chúng tôi tin là đúng đắn,” ông nói với các phóng viên.
“Kỳ vọng của chúng tôi là điều này sẽ không chỉ củng cố vị thế của Sri Lanka mà còn bảo đảm rằng tất cả các chủ nợ song phương đều được đối xử bình đẳng,” ông nói thêm.
Văn phòng Tổng thống Sri Lanka cho biết cả hai bên đã đồng tình về khuôn khổ năng lượng tái tạo để làm sâu sắc hơn sự hợp tác song phương. Ông Jaishankar cũng đề nghị Sri Lanka tận dụng năng lượng tái tạo của mình để tăng doanh thu.
“Tôi tin tưởng rằng mức độ nghiêm trọng của tình hình đã được các nhà hoạch định chính sách nhận ra. Vì vậy, an ninh năng lượng ngày nay là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất của Sri Lanka. Việc tìm kiếm các giải pháp nhất thiết phải bao gồm cả khu vực rộng lớn hơn. Chỉ khi đó Sri Lanka mới nhận được toàn bộ lợi ích,” ông nói.
Sri Lanka có khoản nợ song phương 13.8 tỷ USD tính đến tháng 09/2022, trong đó 52% là nợ Trung Quốc, theo Bộ tài chính Sri Lanka (pdf). Nhật Bản nắm giữ 19.5% nợ của Sri Lanka, trong khi Ấn Độ nắm giữ 12% khác.
Đang chờ sự ủng hộ của Trung Quốc
Sri Lanka và IMF đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về kế hoạch cứu trợ trị giá 2.9 tỷ USD trong vòng 4 năm, nhưng sự chấp thuận cuối cùng phụ thuộc vào việc các chủ nợ đưa ra những bảo đảm về tái cơ cấu nợ.
Năm ngoái, Nhật Bản đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch tái cơ cấu nợ của Sri Lanka, khiến Trung Quốc trở thành chủ nợ duy nhất chưa phê chuẩn kế hoạch này.
Hôm thứ Sáu, Thứ trưởng Bộ Ngân khố Priyantha Ratnayake cho biết Sri Lanka kỳ vọng Trung Quốc sẽ đưa ra các bảo đảm về tài chính trong “vài ngày tới” khi các cuộc thảo luận với chính quyền Trung Quốc đã đi đến “giai đoạn cuối cùng”.
“Thật khó để đưa ra chi tiết về các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ vì tính bảo mật của các cuộc thảo luận,” ông Rahnayake nói với các phóng viên, theo Reuters.
Hồi tháng 11/2022, ông Wickremesinghe thông báo rằng các khoản vay từ Ngân hàng Exim Bank Trung Quốc của một số doanh nghiệp nhà nước sẽ được phân loại là nợ chính phủ.
Các công ty này bao gồm Hội đồng Điện lực Ceylon, Cơ quan Cảng vụ Sri Lanka, và Dịch vụ Hàng không và Phi trường. Sri Lanka cũng sẽ tiếp nhận khoản nợ ngoại hối được bảo đảm của Tập đoàn Dầu khí Ceylon.
Theo tổng thống, việc loại bỏ các khoản vay khỏi bảng cân đối kế toán của các công ty này sẽ củng cố báo cáo tài chính của họ, điều này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
Cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có của đất nước này đã khiến hàng triệu người dân cần viện trợ cứu sống, với tình trạng thiếu hụt trầm trọng các loại thuốc men thiết yếu và cắt điện thường xuyên gây nguy hiểm cho hệ thống chăm sóc y tế của nước này.
Kể từ đó, Sri Lanka đã cho thấy một số dấu hiệu tiến triển với tình trạng thiếu hụt đã giảm và các chức năng hàng ngày được phục hồi. Tuy nhiên, việc cắt điện hàng ngày vẫn tiếp diễn do thiếu nhiên liệu và chính phủ đang gặp khó khăn trong việc tìm tiền để trả lương cho nhân viên chính phủ và thực hiện các chức năng hành chính khác. [AP]
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times