Sốc phản vệ nặng sau uống thuốc, bé trai 10 tuổi ở Phú Thọ phù nề 2 mắt…, khó thở
Khoảng 20h ngày 11/5 (giờ Việt Nam), bé trai 10 tuổi ở Phú Thọ, bị ho, sốt, gia đình tự mua thuốc tại quầy gần nhà, 2 giờ sau bé có biểu hiện khó thở, phù nề môi, mí mắt.
Đến đêm 11/5, bệnh nhi được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu trong tình trạng phù nề toàn bộ 2 mắt, vùng môi, khàn tiếng, đau bụng quanh rốn, khó thở, tim nhịp không đều, huyết áp tụt. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng, cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ.
Sau khi chích thuốc chống sốc phản vệ, bệnh nhi giảm khó thở, nhưng 2 mắt và môi vẫn sưng nề. Khoảng 20 phút sau cấp cứu, bệnh nhân dần ổn định và chuyển điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu.
Gia đình cho biết, khi bé bị ho, sốt, gia đình đã cho bé uống Cefadroxil 500 mg, Alphachoay, Medrol 4 mg, Hapacol 250 mg. Số thuốc trên được mua tại quầy thuốc gần nhà. Đây là thuốc bán theo đơn, phải có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, gia đình tự ý cho bệnh nhi sử dụng, không thăm khám và có chỉ định của chuyên gia.
Có rất nhiều nguyên nhân gây sốc phản vệ, trong đó, thuốc là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến là thức ăn, nọc côn trùng.
Các triệu chứng của sốc phản vệ gồm:
- Mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù Quincke
- Mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được
- Khó thở (kiểu hen, thanh quản), nghẹt thở
- Đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ
- Đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê
- Choáng váng, vật vã, giẫy giụa, co giật.
Theo ThS. Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, có thể xảy ra sau vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với chất khiến người bệnh bị dị ứng, không những chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà còn gặp ở người lớn nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Trong những tình huống nặng, sốc phản vệ có thể gây tử vong.
ThS.BS Tống Văn Hoàn, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng cho biết, nguyên tắc khi cấp cứu sốc phản vệ là phải khẩn trương, thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay tại chỗ cho đến khi đảm bảo được đường thở (Airway), hô hấp (Breathing), tuần hoàn (Circulation) bằng adrenalin, truyền dịch… rồi mới được chuyển đi nơi khác.
Ngừng ngay việc tiếp xúc với dị nguyên như các loại thuốc, máu và chế phẩm máu, dịch truyền, các loại thuốc uống, bôi, nhỏ mắt…
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm