SMIC ra thông báo thừa nhận lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ gây ‘ảnh hưởng bất lợi to lớn’
Vào cuối tháng 9, Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) đã phủ nhận việc Hoa Kỳ ban hành các lệnh trừng phạt và lý lịch [trực thuộc] quân sự Trung Quốc của công ty. Tuy nhiên, vào tối ngày 4/10, SMIC đã đưa ra một thông báo thừa nhận việc Hoa Kỳ áp các biện pháp trừng phạt thương mại sẽ gây ra những “ảnh hưởng bất lợi to lớn” cho SMIC.
Các nhà phân tích cho rằng thiết bị bán dẫn của công ty phụ thuộc nhiều vào Hoa Kỳ, và có thể nó sẽ phải chấm dứt hoạt động trong tương lai. Điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp chất bán dẫn của Trung Quốc đại lục.
Vào ngày 4/10, SMIC đã ban hành một thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, cho biết Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ căn cứ vào Điều lệ kiểm soát xuất khẩu Hoa Kỳ EAR744.21(b), đã gửi thư cho một số nhà cung cấp. Trong đó tuyên bố, một phần các thiết bị, phụ kiện và nguyên vật liệu mà Hoa Kỳ xuất khẩu cho SMIC sẽ bị hạn chế hơn nữa bởi các quy định về kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ.
Theo quy định, các nhà cung ứng sẽ phải nộp đơn lên chính phủ Hoa Kỳ để xin giấy phép xuất cảng trước khi họ có thể tiếp tục cung cấp hàng hóa cho SMIC.
SMIC cho biết họ đang đánh giá tác động của lệnh hạn chế xuất cảng này đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Bởi các thiết bị, phụ kiện và nguyên vật liệu nhập cảng từ phía Hoa Kỳ có thời gian cung cấp sẽ bị kéo dài hoặc không chắc chắn, nên điều này có thể gây ảnh hưởng bất lợi to lớn đến hoạt động sản xuất của công ty trong tương lai.
Chỉ vài ngày trước, SMIC đã phủ nhận thông tin về lệnh trừng phạt. Trước đó, vào ngày 26/9, hãng tin Reuters đã trích dẫn một tài liệu do Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành vào ngày 25/9, cho thấy Hoa Kỳ sẽ hạn chế xuất cảng đối với SMIC. Hạn chế áp dụng đối với các chi nhánh và công ty hợp doanh của SMIC tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân, Thâm Quyến, Ninh Ba và Italy, đồng thời các nhà cung ứng cần phải có giấy phép chấp thuận của Hoa Kỳ trước khi có thể cung cấp hàng hóa cho SMIC.
Theo tin Reuters đăng tải vào ngày hôm sau (27/9), SMIC đã đưa ra một thông báo cho biết họ “chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào liên quan đến lệnh hạn chế xuất cảng” và một lần nữa tuyên bố “SMIC chỉ cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người dùng cuối trong lĩnh vực dân sự và thương mại, không hề sản xuất bất kỳ sản phẩm dịch vụ nào dùng cho mục đích quân sự”.
Tại thời điểm đó, SMIC đang mua lượng lớn các sản phẩm [đầu vào] quan trọng từ các nhà cung cấp ở Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, và số lượng hàng hóa mua vào đã vượt quá nhu cầu vào năm 2020.
Trước đó, ngày 4/9, các quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tiết lộ với Reuters rằng chính phủ Hoa Kỳ đang xem xét đưa SMIC vào danh sách đen do lai lịch quân sự Trung Quốc của công ty này. Lúc đó, SMIC đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ, nói rằng họ “không có bất kỳ liên hệ nào với quân đội Trung Quốc và cũng không sản xuất bất kỳ sản phẩm nào phục vụ cho nhu cầu quân sự”.
Tuy nhiên, thông báo hôm 4/10 của SMIC lại xác nhận rằng Hoa Kỳ đã chính thức trừng phạt SMIC. Theo đó, SMIC sẽ nối gót Huawei trở thành một công ty công nghệ khác của Trung Quốc bị Hoa Kỳ trừng phạt vì có lý lịch quân sự.
Về tình hình của SMIC sau khi bị áp lệnh trừng phạt, trong chương trình bình luận thời sự “Thời khắc quan trọng” hôm 3/10, chuyên gia tài chính Đài Loan ông Hoàng Thế Thông (Huang Shicong) phân tích rằng SMIC có thể phải đóng cửa trong thời gian tới. Báo cáo tài chính của SMIC cho thấy một nửa số thiết bị của công ty này là do các công ty Hoa Kỳ cung cấp. Điều này đồng nghĩa với việc khi Hoa Kỳ ngừng cung ứng, SMIC sẽ không có khả năng sản xuất, và nó sẽ có thể phải chấm dứt hoạt động trong tương lai.
Ông Hoàng Thế Thông nói rằng SMIC, với tư cách là nhà sản xuất chip lớn nhất ở Trung Quốc đại lục, một khi nó sụp đổ, sẽ không một có một nhà sản xuất nào khác của Trung Quốc đại lục có thể thay thế nó.
Ông Hoàng nói thêm, công nghệ cao nhất của SMIC là quy trình sản xuất chip 14nm, trong khi các nhà sản xuất chip lớn thứ hai và thứ ba ở Trung Quốc đại lục là Hua Hong Semiconductor (Bán dẫn Hoa Hồng) và China Resources Microelectronics (Vi điện tử Hoa Nhuận) chỉ đạt đến kỹ thuật sản xuất chip 130nm và 180nm.