SCOTUS bãi bỏ chương trình xóa nợ vay sinh viên — Người vay có thể mong đợi điều gì tiếp theo?
Cuối cùng, cuộc chiến pháp lý về đề xướng “xóa” hàng tỷ dollar nợ sinh viên liên bang của Tổng thống Joe Biden đã đi đến hồi kết, cùng với toàn bộ các câu hỏi và sự nhầm lẫn về thời điểm, hoặc nếu khả dĩ, là về việc những người vay các khoản vay sinh viên sẽ lại phải bắt đầu trả nợ hay không.
Trước phán quyết hôm thứ Sáu (30/06), Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã nghe một loạt tranh luận về tính hợp hiến của kế hoạch trị giá 400 tỷ USD của Tổng thống Biden. Kế hoạch này [đề xướng] sẽ xóa tới 10,000 USD nợ sinh viên cho mỗi người vay nào kiếm được dưới 125,000 USD mỗi năm trong khi xóa tới 20,000 USD nợ cho mỗi người nhận Pell Grant nào đáp ứng tiêu chuẩn thu nhập đó.
Theo ước tính của Tòa Bạch Ốc, kế hoạch này sẽ cung cấp một khoản cứu trợ chung cho tối đa 43 triệu người vay, với khoảng 20 triệu người trong số họ sẽ thấy toàn bộ số dư nợ còn lại của mình được xóa sạch.
Tuy nhiên, toàn bộ sự cứu trợ này sẽ không xảy ra nữa, vì Tối cao Pháp viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 6 phiếu thuận – 3 phiếu chống để phán quyết kế hoạch này là một nỗ lực vi hiến nhằm sử dụng quyền lực này của tổng thống.
Theo bản ý kiến đa số do Chánh án John Roberts chấp bút, Tối cao Pháp viện tuyên bố rằng tổng thống không thể đưa ra một quyết định nào có tác động kinh tế sâu rộng như vậy nếu không có sự cho phép rõ ràng của Quốc hội.
Ông Roberts viết: “Tiền lệ của chúng ta — trước đó và mới đây — đòi hỏi Quốc hội phải cho phép rõ ràng trước khi một vị Bộ trưởng nào đó có thể đơn phương thay đổi khu vực lớn của nền kinh tế Mỹ.”
Điều gì đang xảy ra lúc này?
Với việc xóa nợ sinh viên liên bang bị loại bỏ, người vay sẽ cần phải trả lại mọi khoản nợ còn lại đang chờ họ thanh toán khi thời gian tạm dừng thanh toán ba năm kết thúc.
Theo văn phòng trợ giúp sinh viên của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, các khoản nợ sinh viên liên bang sẽ bắt đầu tính lãi vào tháng Chín, và các khoản thanh toán đầu tiên sẽ tới hạn phải trả vào tháng Mười. Văn phòng này cho biết họ sẽ thông báo cho người vay “trước khi việc trả nợ tái khởi động.”
Thời gian biểu này phù hợp với luật mà Quốc hội đã thông qua vào đầu tháng này như một phần của thỏa thuận lưỡng đảng về việc đình chỉ giới hạn nợ mà chính phủ liên bang có thể vay cho đến tháng 01/2025. Về căn bản, luật đó yêu cầu việc thanh toán nợ sinh viên phải được tiếp tục bất kể Tối cao Pháp viện có thể phán quyết ra sao về các vụ kiện thách thức kế hoạch xóa nợ của ông Biden.
Việc bắt đầu trả các khoản vay có thể khiến nhiều người bối rối, vì thực tế rằng một số công ty quản lý nợ sinh viên lớn, chẳng hạn như Navient và GSMR, đã ngừng gia hạn hợp đồng với Bộ Giáo dục trong ba năm qua. Do đó, theo một phân tích của Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB), một tổ chức thuộc Cục Dự trữ Liên bang, hàng chục triệu người đi vay sẽ phải làm việc với một công ty dịch vụ về nợ sinh viên liên bang hoàn toàn mới đối với họ.
Nếu chưa tìm hiểu xem công ty dịch vụ mới của họ là ai, thì những người đi vay sẽ cần bắt đầu làm việc này. Họ cũng có thể cần tạo thông tin xác thực đăng nhập mới với nền tảng trực tuyến của nhà cung cấp dịch vụ mới và ghi danh thanh toán tự động.
Lãi suất và số tiền thanh toán sẽ thay đổi không?
Nhiều người vay sẽ thấy lãi suất của họ vẫn giữ nguyên như trước tháng 03/2020, khi chính phủ ông Trump đặt lãi suất cho tất cả các khoản vay sinh viên do liên bang nắm giữ là 0%.
Tuy nhiên, đối với một số người vay, lãi suất có thể đã thay đổi do sự hợp nhất các khoản vay của họ trong thời gian tạm dừng thanh toán. Bộ Giáo dục khuyến nghị người vay nên liên lạc với công ty dịch vụ cho vay của họ để biết lãi suất chính xác.
Quy mô của số tiền phải thanh toán hàng tháng là một câu hỏi phức tạp hơn, tùy thuộc vào việc người vay đang theo một kế hoạch trả nợ truyền thống hay kế hoạch trả nợ theo thu nhập (IDR). Những người muốn trả hết khoản nợ của họ càng sớm càng tốt để giảm thiểu phí lãi suất thì ưa chuộng kế hoạch trả nợ truyền thống hơn. Trong khi đó, kế hoạch trả nợ theo thu nhập tập trung vào việc giảm các khoản phải thanh toán hàng tháng để tối đa hóa khả năng chi trả. Kế hoạch IDR cũng có nghĩa là mọi số dư còn lại sẽ phải được thanh toán hết nếu khoản nợ vẫn chưa được hoàn trả đầy đủ vào cuối thời hạn trả nợ, kéo dài 20 hoặc 25 năm.
Đối với những người theo kế hoạch IDR của họ, số tiền thanh toán sẽ hoàn toàn trở lại như trước khi khoản thanh toán của họ được tạm hoãn.
Ngược lại, những người vay theo các kế hoạch trả nợ truyền thống như Kế hoạch Trả nợ Tiêu chuẩn (Standard), Dần dần (Graduated), hoặc Mở rộng (Extended), có thể phải trả một số tiền khác khi thời gian tạm hoãn kết thúc. Công ty quản lý dịch vụ nợ của họ sẽ tính toán một số tiền phải thanh toán mới, chủ yếu dựa trên số dư nợ gốc và lãi hiện tại, cũng như thời hạn trả nợ còn lại..
Sẽ mất nhiều thời gian hơn để trả hết các khoản nợ phải không?
Tương tự như vậy, khoảng thời gian cần thiết để trả hết các khoản vay cũng phụ thuộc vào việc người vay đang sử dụng kế hoạch trả nợ truyền thống hay kế hoạch IDR.
Theo Bộ Giáo dục, đối với những người theo kế hoạch IDR, việc tạm dừng thanh toán không làm trì hoãn tiến trình xóa nợ cuối cùng của họ vì số tháng dành cho việc tạm dừng này đã được tính vào thời hạn trả nợ và cứu trợ của họ rồi.
Trong khi đó, những người vay theo kế hoạch trả nợ truyền thống sẽ vẫn trả cùng tổng số tháng như cũ, mặc dù ngày dự kiến hoàn thành việc trả nợ đã được trì hoãn.
“Chẳng hạn như, giả sử quý vị đã trả nợ theo một Kế hoạch Trả nợ Tiêu chuẩn 10 năm từ ngày 01/01/2018, thì quý vị sẽ có 10 năm kể từ ngày đó để trả khoản vay của mình. Vì vậy, thông thường, quý vị sẽ thanh toán đầy đủ khoản vay của mình trước ngày 31/12/2028,” Bộ Giáo dục giải thích. “Tuy nhiên, việc tạm dừng thanh toán không được tính vào khung thời gian 10 năm đối với kế hoạch trả nợ này. Cho nên, nếu thời gian tạm dừng thanh toán kéo dài hai năm, thì quý vị nên hoàn trả toàn bộ khoản vay trước ngày 31/12/2030.”
Nhiều thay đổi hơn cho kế hoạch IDR đang thực hiện. Vậy có tốt không?
Khi công bố kế hoạch xóa nợ sinh viên liên bang hồi năm ngoái (2022), ông Biden cũng đã công bố một kế hoạch ít được công khai hơn nhiều để mở rộng chương trình IDR, mà một số người chỉ trích cho là hào phóng đến mức kế hoạch này sẽ biến chương trình cho vay thành một thứ gì đó gần giống với chương trình trợ cấp hơn.
Theo hướng dẫn về IDR hiện tại, những người vay tiền học đại học và sau đại học sẽ trả 10% của số tiền kiếm được trên 45,000 USD, hay 150% chuẩn nghèo của liên bang. Tuy nhiên, đề xướng về IDR của ông Biden sẽ tăng thu nhập được miễn thuế từ 150% lên 225% chuẩn nghèo và giảm tỷ lệ phải trả xuống 5% [của thu nhập kiếm được vượt quá 225% chuẩn nghèo] đối với khoản vay để học đại học.
Ngoài ra, đối với những người vay 12,000 USD trở xuống, thì thời hạn cứu trợ cuối cùng sẽ giảm từ 20 năm xuống còn 10 năm. Bộ Giáo dục sẽ tự động ghi danh hoặc tái ghi danh cho những sinh viên nhất định trong kế hoạch này miễn là họ chia sẻ dữ liệu thu nhập của mình với chính phủ.
Theo một phân tích hồi tháng 09/2022 của nhà kinh tế học Adam Looney tại Đại học Utah, kế hoạch IDR mới của ông Biden trên thực tế có nghĩa là những người đi vay được mong đợi chỉ trả lại ít hơn 50 cent cho mỗi USD mà họ vay. Kế hoạch này trái ngược với một chương trình cho vay chịu lãi suất thông thường, trong đó cuối cùng, người tham gia sẽ trả lại nhiều hơn số tiền đã vay do sự tích lũy lãi.
Ông Looney cảnh báo, một trong những vấn đề lớn nhất của kế hoạch này là nó tạo ra một cái lưới an toàn cho sinh viên ghi danh vào các chương trình “chất lượng thấp, giá trị thấp, thu nhập thấp” mà sẽ không thể tạo ra bất kỳ lợi tức đầu tư tốt nào, trong khi sinh viên tại các trường tốt và các chương trình thu nhập cao cuối cùng vẫn phải trả các khoản nợ của riêng họ.
“Mặc dù được đối xử hào phóng theo kế hoạch IDR, nhưng các kỹ sư, y tá, chuyên gia khoa học điện toán, nhà kinh tế học, và nhà toán học được kỳ vọng sẽ hoàn trả toàn bộ hoặc phần lớn số dư ban đầu của họ,” ông Looney viết. “Nhưng những người hưởng lợi chính là các chuyên gia thẩm mỹ, những người đi vay có chứng chỉ về sức khỏe, chuyên gia trị liệu xoa bóp, và các chuyên ngành âm nhạc, kịch nghệ, và nghệ thuật.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times