Sâu bọ trên thực đơn? Các chính sách khí hậu và ESG của TT Biden đe dọa đến nguồn cung thực phẩm
Một báo cáo mới cảnh báo rằng các chính sách khí hậu phát thải ròng bằng không của chính phủ Tổng thống Biden có thể khiến chi phí sản xuất lương thực tăng vọt, gây ra mối đe dọa thiếu hụt lương thực và dẫn đến giá cả các mặt hàng bách hóa tăng cao.
Một báo cáo mới từ Viện Buckeye — một nhóm chuyên gia cố vấn thiên hữu — đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các chính sách kiểm soát khí hậu phát thải ròng bằng không (net-zero) của chính phủ Tổng thống (TT) Biden, rằng các đề mục trong nghị trình này sẽ mang lại mối đe dọa đối với ngành sản xuất lương thực của Hoa Kỳ.
Báo cáo công bố hôm thứ Tư (07/02) cho thấy các chính sách và ủy thác về khí hậu do nghị trình về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) dẫn dắt mà chính phủ TT Biden đang thúc đẩy sẽ khiến nông dân và người tiêu dùng Mỹ phải trả một cái giá rất đắt như thế nào.
“Để hiểu rõ hơn về chi phí thực tế mà các trang trại và gia đình Mỹ rất có thể sẽ phải trả cho các chính sách và mục tiêu phát thải ròng bằng không của chính phủ ông Biden, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của Viện Buckeye đã phát triển một mô hình trang trại bắp kiểu mẫu tuân theo các quy tắc phát thải carbon mới của chính phủ,” tác giả bản báo cáo, đồng thời là các nhà phân tích nghiên cứu kinh tế của viện nghiên cứu này, ông Trevor W. Lewis và ông M. Ankith Reddy viết.
Các tác giả bổ sung: “Đúng như dự đoán, các chi phí vận hành của trang trại này đều đã tăng lên đáng kể.”
Khi phân tích các số liệu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nông dân Hoa Kỳ sẽ nhận thấy chi phí vận hành ước tính tăng khoảng 34% do chính sách phát thải ròng bằng không của chính phủ TT Biden.
Mô hình này dự đoán rằng không chỉ các chính sách định giá carbon của chính phủ khiến chi phí vận hành trang trại tăng lên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến ví tiền của người tiêu dùng.
Các nhà nghiên cứu ước tính: “Giá carbon sẽ khiến hóa đơn mua hàng bách hóa ở Hoa Kỳ tăng thêm trung bình khoảng 110 USD/tháng, 1,330 USD/năm, hay tăng thêm 15%.”
Mối đe dọa đối với nguồn cung thực phẩm
Các chính sách phát thải ròng bằng không của chính phủ mà các phân tích trong báo cáo của Viện Buckeye đã suy xét đến bao gồm tác động của việc tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris nhằm kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính.
Để đạt được các mục tiêu trong hiệp ước khí hậu, chính phủ TT Biden đã cam kết lượng cắt giảm phát thải khí nhà kính đạt 50-52% vào năm 2030, và hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Các tác giả của báo cáo viết: “Để hướng đến nền kinh tế carbon thấp như mong muốn của mình, chính phủ sẽ phải áp dụng các chính sách giảm phát thải khí hậu mạnh mẽ nhằm cắt giảm và thay thế nhiên liệu hóa thạch trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế Hoa Kỳ.”
Chính phủ TT Biden đã bắt đầu thực hiện các chính sách quản lý nghiêm ngặt nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon trong ngành công nghiệp năng lượng Mỹ, trong khi đó một quy định cuối cùng về báo cáo ESG sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 04/2024, và có nguy cơ yêu cầu các ngành công nghiệp khác phải tuân thủ yêu cầu cắt giảm lượng carbon.
Nhiều chính sách trong số này đã được thử nghiệm ở châu Âu, và các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận rằng những kết quả sau khi áp dụng cho thấy một “thất bại hoàn toàn.”
Họ lập luận, “Bất chấp những cảnh báo gay gắt từ các đối tác châu Âu, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ vẫn tái cam kết rằng ngành công nghiệp Mỹ sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn tương tự về phát thải ròng bằng không và áp đặt các loại quy định bắt buộc tốn kém tương tự đối với các trang trại và doanh nghiệp mà cuối cùng sẽ khiến nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng giảm đi mà không đạt được lợi ích dự kiến.”
“Kết quả của mô hình từ Viện Buckeye là có thể lường trước được và không có gì đáng ngạc nhiên, tuy nhiên nhiều nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ dường như không muốn giải quyết hoặc thậm chí thừa nhận sự thực này. Điều đó cần phải thay đổi, nếu không Hoa Kỳ sẽ phải đối diện với những hậu quả kinh tế thảm khốc,” phần tóm tắt của báo cáo kết luận.
Tòa Bạch Ốc đã không phúc đáp yêu cầu bình luận về kết quả của báo cáo.
Ông Will Hild, giám đốc điều hành của Consumers’ Research, đã bình luận về báo cáo này trong một bài đăng trên X.
“Những người nông dân và chủ trang trại đang chi ra những khoản tiền rất lớn cho mọi thứ, từ phân bón, hạt giống, thức ăn, cho đến máy móc hạng nặng và thuốc trừ sâu để sản xuất lương thực cho chúng ta ăn. Tuy nhiên, việc chạy theo khí hậu và giới tinh hoa môi trường, xã hội, quản trị đang khiến những chi phí này tăng vọt,” ông cho biết.
“Những thứ này áp đặt gánh nặng tài chính lớn hơn cho các nhà sản xuất nông nghiệp cũng như mức giá lương thực cao hơn cho những người dân Mỹ làm việc chăm chỉ,” ông bổ sung.
“Sinh kế của nông dân và chủ trang trại ở Mỹ không đáng phải chịu rủi ro do chi phí vận hành tăng cao hoặc do mất khả năng tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thức tỉnh. Người dân Mỹ cũng không đáng trở thành nạn nhân của một khoản thuế nặng nề do các nhà hoạt động khí hậu cực đoan áp đặt lên các mặt hàng bách hóa mà họ phải mua.”
‘Nông nghiệp là an ninh quốc gia’
Báo cáo của Viện Buckeye được công bố khoảng một tuần sau khi hàng chục ủy viên nông nghiệp từ các tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo cùng nhau cảnh báo trong một bức thư gửi tới các giám đốc điều hành ngân hàng hàng đầu hôm 29/01 rằng việc các ngân hàng của họ là thành viên trong Liên minh Ngân hàng Phát thải ròng bằng không của Liên Hiệp Quốc sẽ tác động tiêu cực đến người nông dân và đe dọa nền an ninh lương thực của Hoa Kỳ.
Ngoài việc là thành viên trong liên minh kể trên, các ngân hàng như JPMorgan Chase và Bank of America đã cam kết rằng các khoản cho vay mà họ thực hiện sẽ “phù hợp với con đường hướng tới lượng phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỷ này hoặc sớm hơn.”
Ông Tyler Harper, ủy viên nông nghiệp tiểu bang Georgia và là một trong những người ký vào bức thư, đã nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước đó rằng việc cam kết thực hiện các chính sách phát thải ròng bằng không sẽ tác động tiêu cực đến nền an ninh quốc gia.
“Rốt cuộc thì nông nghiệp là an ninh quốc gia, và nếu đất nước chúng ta không thể tự nuôi sống chính mình, thì chúng ta sẽ không thể tự bảo vệ mình,” ông cho biết.
“Chúng ta hãy nhìn vào Sri Lanka và những tác động mang tính tàn phá mà [các quy định bắt buộc về khí hậu] gây ra, hãy nhìn vào Hà Lan và một số chính sách mà họ đã thực hiện cũng như tác động tàn khốc mà các chính sách đó gây ra cho nền kinh tế nông nghiệp của họ — chúng ta đã chứng kiến những hậu quả do các chính sách này gây ra ở các quốc gia khác và chúng ta không thể để điều đó xảy ra ở đây,” ông Harper bổ sung.
Năm 2019, sau khi chính phủ Sri Lanka thực hiện các quy định nhằm cắt giảm việc sử dụng khí nitơ trong phân bón, năng suất cây trồng đã sụt giảm, dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực và rốt cuộc khiến chính phủ bị thay thế.
Ở Hà Lan, những nỗ lực quản lý nhằm áp dụng các chính sách phát thải ròng bằng không đã dẫn đến sự phản đối rộng rãi của nông dân.
‘Quý vị sẽ ăn bọ chứ?’
Trong bối cảnh đó, bộ phim tài liệu độc quyền gần đây của The Epoch Times với nhan đề “Không có nông dân, Không có lương thực: Quý vị sẽ ăn bọ chứ?” đã khám phá các chính sách kiểm soát khí hậu do các chính phủ trên thế giới thúc đẩy và cách các nhà chức trách đang yêu cầu người nông dân ngừng làm việc, đe dọa đến nguồn cung cấp lương thực.
“Đây sẽ là cuộc khủng hoảng toàn cầu tiếp theo mà giới truyền thông khắp thế giới không màng đến,” anh Roman Balmakov, người dẫn chương trình “Facts Matter” kiêm đạo diễn của bộ phim tài liệu này, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước thềm buổi ra mắt thế giới của bộ phim vào tháng 09/2023.
Bộ phim tài liệu đào sâu vào lịch sử của “cuộc khủng hoảng khí hậu” và cách mà các nhà lãnh đạo thế giới nhìn nhận vấn đề này tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển, còn được biết đến với tên gọi khác là Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất, diễn ra vào tháng 06/1992, ngay sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc.
Bộ phim đi sâu vào Nghị trình 30, trước đây được biết đến là Nghị trình 21, và việc Liên Hiệp Quốc đề ra các chính sách toàn cầu nhằm chấm dứt hoạt động nông nghiệp tư nhân và tạo ra sự phụ thuộc vào một chính phủ toàn cầu vốn sẽ kiểm soát nguồn cung cấp lương thực của thế giới như thế nào.
“Những người phụ trách một số tổ chức quyền lực nhất hành tinh cho rằng ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chăn nuôi, là nguyên nhân gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu và rằng sự ấm lên toàn cầu là nguyên nhân khiến cho giá lương thực đắt đỏ và gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực,” anh Balmakov giải thích.
Bộ phim tài liệu khám phá tác động của các chính sách khí hậu cấp tiến ở Sri Lanka và Hà Lan, đồng thời cũng xem xét tác động của các chính sách phát thải ròng bằng không và các quy định khác ở Hoa Kỳ.
Và giải pháp cho sự biến đổi khí hậu của các chính phủ trên khắp thế giới có thể “sẽ khiến quý vị ngạc nhiên,” anh Balmakov cho biết trong bộ phim.
Bản tin có sự đóng góp của Kevin Stocklin và Jana Pruet
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times