Sáng 15/6: Thế giới 177 triệu ca bệnh, số ca tử vong tại Ấn Độ tiếp đà tăng cao, biến chủng Delta xuất hiện ở 74 quốc gia
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h ngày 15/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 177,006,213 ca, trong đó, 3,826,819 người tử vong.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 289,848 ca COVID-19 và 6,067 ca tử vong.
Ngày 14/6, thế giới có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tiếp tục giảm nhẹ.
Tại Ấn Độ, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất trong gần 3 tháng với 70,421 ca, tuy nhiên, số ca tử vong lại ở mức cao, với 3,921 ca.
Ngày 14/6, chính quyền bang New Delhi của Ấn Độ đã thông báo nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế như: các nhà hàng được phép mở cửa trở lại với công suất hoạt động phục vụ là 50% số ghế trong nhà hàng; toàn bộ các cửa hàng được phép hoạt động trở lại thay vì chỉ có 50% cửa hàng được phép mở cửa luân phiên hàng ngày như hiện nay; các văn phòng chính phủ hoạt động với sự có mặt của toàn bộ viên chức cao cấp và 50% viên chức cấp thấp.
Ngày 14/6, Chính phủ Ấn Độ thông báo mở cửa trở lại ngôi đền Taj Mahal tại thành phố Agra vào tuần này, sau hai tháng khu di tích nổi tiếng này phải đóng cửa. Giới chức khẳng định sẽ áp đặt mọi biện pháp phòng dịch tại khu vực này. Theo quy định mới, du khách phải thực hiện khử trùng giày dép trước khi vào thăm đền Taj Mahal và không được phép chạm vào lăng mộ bằng đá cẩm thạch.
Tại Đông Nam Á (ASEAN), theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23h59 ngày 14/6, các nước ghi nhận thêm 23,995 ca mắc COVID-19, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 85,100 người.
Trong 24 giờ qua, ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Myanmar.
Indonesia là ổ dịch nghiêm trọng, trong 1 ngày qua, nước này là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất, thậm chí số ca tử vong cao hơn hẳn các nước khác trong vùng.
Trong khi đó, ở Philippines, số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, số ca tử vong trong ngày 14/6 cũng đứng thứ ba toàn khối.
Ngày 14/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, số ca tử vong là 60 (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua.
Myanmar trong 24 giờ qua có 223 ca bệnh mới và có 4 trường hợp tử vong. Thái Lan trong ngày 14/6 ghi nhận thêm trên 3,355 ca bệnh mới, số ca tử vong là 17 người.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng đáng ngại khi nước này có 542 bệnh nhân mới và 13 ca tử vong trong một ngày qua.
Tại châu Âu, Nga đang trở thành quốc gia có số ca nhiễm mới theo ngày cao, với 13,721 ca mắc mới và 371 ca tử vong trong 24 giờ qua. Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện Nga ghi nhận tổng cộng 5,222,408 ca mắc COVID-19 và 126,801 ca tử vong.
Số ca mắc mới tăng nhanh xuất phát từ sự lây lan của biến thể Delta, nước Anh nhiều khả năng đã quyết định hoãn kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Ngày 14/6, Thủ tướng Boris Johnson đã công bố lộ trình tiếp theo về kiểm soát dịch.
Theo thống kê, hơn 90% số ca mắc mới COVID-19 tại Anh là nhiễm biến thể mới có nguồn gốc tại Ấn Độ và tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã tăng 50% trong tuần trước. Cơ quan Y tế vùng England cho biết, biến thể mới tại Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến thể mới có nguồn gốc tại nước này.
Biến chủng Delta của Ấn Độ xuất hiện ở 74 quốc gia
Biến chủng Delta của Ấn Độ đã xuất hiện ở 74 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, các nước châu Phi, bán đảo Scandinavia và khu vực Thái Bình Dương. Sự bùng phát của chủng Delta khiến nhiều người lo ngại chúng có vẻ dễ lây lan và nguy hiểm hơn.
Scott Gottlieb, cựu lãnh đạo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết các ca nhiễm biến thể Delta ở Hoa Kỳ đang tăng gấp đôi hai tuần một lần và chiếm khoảng 10% số ca mới. Trong khi ở Anh, tỷ lệ nhiễm biến chủng này chiếm hơn 90% số ca nhiễm mới. Ở những nước có hệ thống giám sát kém hơn, nhiều người cho rằng biến thể có thể đã lan rộng hơn những gì được báo cáo.
Tuần trước, hiệu trưởng trường y tế cộng đồng thuộc Đại học Brown ở Hoa Kỳ, Ashish Jha gọi Delta là “biến chủng dễ lây lan nhất mà chúng tôi từng thấy cho đến nay”.
Vào tháng 4/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Delta là biến thể đáng quan tâm và nâng cấp thành biến thể đáng lo ngại vào 11/5. Nhiều bằng chứng từ Ấn Độ và các nơi khác cho thấy người nhiễm biến thể này xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn, như đau dạ dày, buồn nôn, chán ăn, mất thính giác và đau khớp.
Ở Quảng Châu, Trung Quốc, quan chức y tế cho biết, 12% người nhiễm biến thể Delta xuất hiện triệu chứng nặng hoặc nghiêm trọng chỉ trong 3-4 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng, nhanh hơn 4 lần so với các đợt bùng phát trước. Đồng thời, người nhiễm biến thể này cũng lây cho nhiều người hơn.
Hoa Nam tổng hợp
Xem thêm