Samsung chọn thành phố ở Texas cho nhà máy bán dẫn trị giá 17 tỷ USD, tạo hơn 2,000 việc làm
Hôm thứ Tư (24/11), Samsung thông báo rằng đã chọn Taylor, Texas, để đặt nhà máy sản xuất vi mạch tiên tiến trị giá 17 tỷ USD, dự kiến sẽ tạo ra 2,000 việc làm trực tiếp trong lĩnh vực công nghệ cao.
Thống đốc Texas Greg Abbott cho biết, theo một thông cáo báo chí: “Cơ sở sản xuất mới sẽ sản xuất các vi mạch logic tiên tiến nâng cao sức mạnh của các thiết bị thế hệ tiếp theo cho các ứng dụng như di động, 5G, máy tính hiệu suất cao (HPC) và trí tuệ nhân tạo (AI).”
Việc xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2022 và sản xuất vào năm 2024, với ít nhất 6,500 vị trí việc làm liên quan đến xây dựng.
Dự án này sẽ là khoản đầu tư lớn nhất của Samsung tại quốc gia này, và là khoản đầu tư trực tiếp ngoại quốc lớn nhất được ghi nhận tại Texas.
Welcome to Texas, Samsung!
Samsung will build a new semiconductor manufacturing facility in Taylor, Texas.
➡️ $17B capital investment The largest foreign direct investment in the state of Texas EVER. pic.twitter.com/a7VhbK3B9Q
— Greg Abbott (@GregAbbott_TX) November 24, 2021
➡️ Thousands of NEW jobs
Nhà máy tiên tiến của Samsung Electronics Co. Ltd. sẽ có diện tích hơn 5 triệu mét vuông. Taylor được chọn vì địa điểm này nằm gần các cơ sở hiện có của Samsung ở Austin cũng như cơ sở hạ tầng phù hợp của thành phố và hệ sinh thái bán dẫn địa phương.
Bên cạnh 2,000 việc làm, nhà máy cũng sẽ hỗ trợ hàng nghìn việc làm gián tiếp có liên quan. Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp Texas trị giá 27 triệu USD đã được trao cho Samsung để hỗ trợ việc tạo việc làm tại địa phương.
Ông Abbott nói: “Cơ sở sản xuất chất bán dẫn mới của Samsung ở Taylor sẽ mang lại vô số cơ hội cho những người Texas chăm chỉ và gia đình của họ, đồng thời sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp tục duy trì sự đặc biệt của tiểu bang chúng tôi trong ngành công nghiệp bán dẫn.”
Với nhà máy này, kể từ năm 1996 Samsung sẽ đầu tư tổng cộng 35 tỷ USD vào Texas và 47 tỷ USD vào Hoa Kỳ.
Ba nhà sản xuất vi mạch toàn cầu lớn nhất là Intel, Samsung, và Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), dẫn đầu ngành này. Cùng với Samsung, Intel và TSMC [cũng] đang đầu tư mạnh mẽ vào các cơ sở sản xuất toàn cầu để đáp ứng nhu cầu tăng vọt sau đại dịch vốn đã kéo công suất toàn cầu lên mức tối đa. Vi mạch rất cần thiết trong mọi thứ, từ máy tính, thiết bị gia đình đến xe hơi, với tình trạng thiếu hụt hiện tại dự kiến sẽ kéo dài trong một thời gian.
Ông Kinam Kim, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Bộ phận Giải pháp Thiết bị Điện tử Samsung, cho biết trong một tuyên bố: “Với năng lực sản xuất lớn hơn, chúng tôi sẽ có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng và đóng góp vào sự ổn định của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.”
Như một động lực cho việc lựa chọn Taylor, chính quyền địa phương sẽ miễn 90% thuế địa ốc trong một thập kỷ và chiết khấu 85% trong 10 năm tới. Khoản đầu tư của Samsung dự kiến sẽ được cắt giảm thuế hơn nữa do nhà máy nằm trong vùng cơ hội của liên bang.
Với kế hoạch kinh doanh này, Taylor và Texas hiện đang dẫn đầu trong một ngành có tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng. Ông Abbott cho biết trong một cuộc họp báo: “Tác động của cơ sở này vượt xa ranh giới của Texas. Dự án này sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới.”
Trước đây, ngành sản xuất luôn hướng về Á Châu vì lợi thế tiết kiệm chi phí thấp. Nhưng tình trạng thiếu vi mạch gần đây đã bộc lộ những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu đa dạng hóa. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã dẫn đến các vấn đề an ninh nghiêm trọng, hàng tỷ USD doanh thu bị mất tại các nhà sản xuất toàn cầu và buộc các nhà máy phải sa thải nhiều công nhân.
Tòa Bạch Ốc cũng đã kêu gọi có Đạo luật CHIPS, dự luật trị giá 52 tỷ USD sẽ được thông qua ngay tại Hạ viện. Đạo luật CHIPS tập trung vào việc tài trợ cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn ở Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (23/11): “Việc gia tăng sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và kinh tế của chúng ta.”
Tuyên bố của Samsung sau một thông báo từ Texas Instruments, cho biết công ty có kế hoạch đầu tư 30 tỷ USD vào Sherman, Texas, cho một nhà máy vi mạch chế tạo lát (wafer) bán dẫn, tạo ra 3,000 việc làm mới.
Bên cạnh đó, GlobalFoundries, một nhà sản xuất hợp đồng bán dẫn đa quốc gia, đang tăng cường đầu tư vào ngoại ô New York, trong khi TSMC đang có kế hoạch đầu tư khoảng 100 tỷ USD trong ba năm để nâng cấp khả năng sản xuất toàn cầu của mình, bao gồm 12 tỷ USD ở Arizona.
Các nhà phân tích dự đoán rằng Samsung sẽ sản xuất vi mạch tiên tiến từ 5 nanomet trở xuống trong nhà máy mới, bên cạnh các vi mạch logic tiên tiến của hãng. Những vi mạch này sẽ được sản xuất cho các khách hàng như Qualcomm và sẽ có khả năng xử lý nhiều dữ liệu hơn trên mỗi khu vực so với những con vi mạch 14 và 28 nanomet hiện được sản xuất ở Austin.
Hiện tại, Samsung có hơn 20,000 nhân viên trên khắp Hoa Kỳ.
Do Naveen Athrappully thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: