Cô Regula Ysewijn: Bảo tồn niềm tự hào làm bánh của Anh quốc
Trong cuốn sách dạy nấu ăn mới của mình, nhà lịch sử về ẩm thực Ysewijn ghi chép lại nền di sản làm bánh phong phú của Anh Quốc, từ các món bánh nổi tiếng đến những loại bánh mà ít người biết đến.
Đa số chúng ta đều có thể nhìn vào cuộc sống và sự nghiệp và chỉ ra một điều gì đó đã định hình nên đường đời của mình: những điều quan trọng, những khoảnh khắc mở mang tầm mắt, những sự kiện đặc biệt, những nhân vật có tầm ảnh hưởng. Đối với cô Regula Ysewijn, đó lại là một giai điệu thơ ngây:
Thiên nga trắng, thiên nga đen
Dong thuyền đến Anh Quốc cùng tôi chứ?
Nước Anh khóa cửa chặt rồi
Chìa khóa thì lại gãy
Bác thợ rèn đi đâu không thấy
Ai sửa chìa khóa cho chúng ta đây
Cho họ qua,
Cho họ qua,
Ai chậm chân thì bị bắt.
Cô Ysewijn, một chuyên gia về lịch sử ẩm thực, tác giả, nhiếp ảnh gia, đã học những vần thơ này khi còn là một đứa trẻ ở tuổi chơi nhảy dây ở quê hương Bỉ của mình.
Khi nghe bài thơ này “Tôi đã bị mê hoặc,” cô Ysewijn nói. “Tôi biết mình phải đi đến nước Anh… Tôi gặng hỏi cha mẹ liệu cả gia đình có thể đi đến nước Anh chơi vào mỗi dịp Giáng Sinh và sinh nhật không.”
Khi cô 9 tuổi, cha mẹ cô đã chấp thuận điều ước của cô, và họ đã đến nước Anh lần đầu tiên – cũng như vào tất cả những kỳ nghỉ sau đó.
Điều cô Ysewijn nhớ nhất về những chuyến đi là những món ăn đầy lôi cuốn. Cô hồi tưởng: “Các món ăn đã để lại ấn tượng trong tâm trí tôi. Thật sự là vậy. Chúng tôi đã ăn ở rất nhiều quán ăn, và thực đơn ở các quán ăn của Anh thì vô cùng đa dạng.”
Chúng bao gồm nhiều món ăn mang hơi hướng nền ẩm thực Ấn Độ do mối liên hệ giữa Anh và Ấn Độ. Cô Ysewijn nhớ lại một kỳ nghỉ khi lần đầu tiên cô được ăn món cà ri gà: “Thật là mê ly. Ý tôi là, món ăn đó tác động đến vị giác và tâm trí tôi – thật là diệu kỳ.”
Cô chia sẻ: “Tôi đã chu du khắp nước Anh và luôn nghĩ về các món ăn. Tôi vừa ăn xong bữa sáng đã bắt đầu nghĩ đến bữa trưa.”
Là một thợ làm bánh với tài năng vừa chớm nở, cô Ysewijn đã trở thành một học viên khá tinh tường về bối cảnh ẩm thực đặc trưng của nước Anh ngay khi cô còn bé. Cô nhìn qua cửa sổ tiệm bánh để xem hôm nay họ bán gì, cô gọi món súp cho bữa trưa và ghi chú lại loại bánh mì ăn kèm (người Anh có hơn bảy tên gọi khác nhau cho bánh mì).
Ở quê nhà tại Bỉ, cô Ysewijn tìm kiếm hương vị của nước Anh. Cô học cách nướng bánh ngọt, sau đó bắt đầu theo dõi bếp trưởng Jamie Oliver. Điều cô học được khi nướng bánh là món ăn là để thưởng thức, chứ không chỉ đơn giản là ăn để sinh tồn.
Kể từ đó, cô tiếp tục làm bánh và nghiên cứu, đồng thời đã xuất bản một số quyển sách về cách làm bánh kiểu Anh. Cuốn sách mới nhất của cô, “Cẩm Nang Làm Bánh Kiểu Anh: Lịch Sử của Các Món Bánh, Bánh Mặn và Bánh Ngọt Kiểu Anh” nêu bật di sản và văn hóa phong phú của nền ẩm thực Anh quốc, ghi lại các sản vật địa phương, và đi sâu vào những câu chuyện đằng sau một số loại bánh phổ biến nhất ở Anh.
Ví dụ như ban đầu bánh nướng được nướng bằng vỉ để trên lửa, và bánh bích quy Cornish, một món ngọt làm từ gừng (và cũng là một trong sáu công thức cho các loại bánh gừng khác nhau trong cuốn sách), đã được bán tại các hội chợ ở Anh trong nhiều thế kỷ.
Niềm tự hào và văn hóa
Vì sao một người Bỉ lại viết sách về ẩm thực và văn hóa Anh? Cô Ysewijn đưa ra một quan điểm xuất sắc: “Từ góc nhìn của người ngoài cuộc, bạn sẽ có cái nhìn khác hẳn về nền văn hóa ẩm thực. Bạn có thể thấy những điều khác biệt của nền văn hóa đó so với nền văn hóa của bạn.”
Điều khác biệt, cô Ysewijn nhấn mạnh, chính là niềm tự hào.
Ngay từ khi còn bé, cô Ysewijn đã nhận thấy niềm tự hào của người Anh khi họ phục vụ những món ăn đặc trưng và được chế biến công phu như: xúc xích địa phương, thực phẩm tươi và các nguyên liệu chất lượng khác.
Chủ đề về niềm tự hào và quyền sở hữu ẩm thực của một dân tộc cũng như lịch sử của những món ăn đó vang vọng xuyên suốt quyển sách, đặc biệt là trong các công thức nấu ăn đặc trưng cho từng vùng của nước Anh.
Hãy lấy bánh nướng Cornish làm ví dụ, một loại bánh hình bán nguyệt truyền thống làm từ thịt, khoai tây, hành tây và củ cải, thường được các ngư dân và thợ mỏ ở Cornwall ăn. Đây là một quận ở bờ biển phía tây nam nước Anh, nơi này được biết đến với những vách đá và phong cảnh tuyệt đẹp. Vào năm 2011, bánh nướng Cornish đã được cấp chứng chỉ bảo hộ về địa lý (PGI). Bánh nướng sẽ chỉ được gọi là bánh nướng Cornish nếu nó được làm ra ở Cornwall, có hình chữ D và được làm bằng bột bánh mềm dẻo với phần rìa được gấp mép, cùng một vài các điểm đặc trưng khác.
Các loại bánh khác của vùng bao gồm bánh bao ngọt Bath, béo ngậy với bơ được trang trí bằng các loại bánh caraway; bánh nướng Yorkshire, hình tròn, giống như bánh brioche với lớp mặt óng ánh vàng; và bánh bannocks, bánh mì nướng nhanh bằng vỉ nướng có nguồn gốc từ vùng Bắc nước Anh, Bắc Ireland và Scotland, được làm bằng hỗn hợp yến mạch, lúa mạch đen và lúa mạch được thu hoạch từ vụ mùa của họ. Các loại cây trồng chính trong các khu vực nhất định ở Anh, như: yến mạch và lúa mạch ở miền bắc khắc nghiệt, ẩm ướt hơn và lúa mì ở miền trung tâm và nam bộ nơi có khí hậu ấm hơn, khô hơn, đã ảnh hưởng đến các loại bánh mang đậm tính đặc trưng vùng miền của họ.
Với các món ăn của Anh, niềm tự hào luôn là một nhân tố. Cô Ysewijn kể câu chuyện về một vị khách người Pháp đã đến Anh vào thế kỷ 17, người này vẫn giữ quyển nhật ký về chuyến thăm nước Anh của mình. Ông ngạc nhiên trước cách người Anh tự hào về công việc chăn nuôi của họ – nhân giống và chăm sóc động vật – và chính niềm tự hào đó đã tạo ra món thịt bò nướng tuyệt hảo ra làm sao. Qua nhiều thế kỷ, người Anh đã gắn liền với di sản, bao gồm cả cảnh quan của họ.
Ví dụ như ở phía bắc nước Anh, có những đàn cừu đã ở đó hàng trăm năm, nhờ quen thuộc về thổ nhưỡng nên chúng biết được cách sinh tồn.
“Những con cừu đến từ nơi khác sẽ không thể sống sót trước các điều kiện thời tiết ở đó,” cô Ysewijn nói. Bởi vì những con cừu là ưu tiên hàng đầu của nền văn hóa, nên chúng vẫn ở đó cho đến ngày nay.
Cô Ysewijn nói: “Niềm tự hào mà người Anh dành cho di sản của họ tỏa sáng xuyên suốt các tầng văn hóa ẩm thực của họ. Đó không chỉ là các món đặc sản hoặc công thức nấu ăn; họ cũng đang bảo tồn cảnh quan, giống vật nuôi bản địa, cũng như công việc chăn nuôi gia súc của họ, vì mọi thứ đều được liên kết với nhau.”
Bảo tồn lịch sử
Trong một lĩnh vực như lịch sử ẩm thực, cô Ysewijn đã hiểu quá rõ về sự thay đổi nhanh chóng của các công thức nấu ăn. Lấy ví dụ, bánh tart Bakewell, một món tráng miệng được làm từ bánh ngọt, mứt và nhân hạnh nhân dày đặc, ở trên cùng được rắc thêm một ít hạnh nhân vụn.
Cô Ysewijn nói: “Tôi rất thích món bánh tart Bakewell trong nhiều năm. Thật thú vị khi thấy một thứ có thể thay đổi như thế nào trong 5 năm. Một tiệm bánh được người chủ mới mua lại. Họ thay đổi món bánh Bakewell một chút, và công thức món bánh đã bị thay đổi mãi mãi.”Ngày nay ở Anh, “cherry Bakewell” – một phiên bản bánh sản xuất hàng loạt được bán ở siêu thị, được phủ lớp kem trắng mịn và một trái cherry bên trên – đã trở nên phổ biến. Theo đúng như lịch sử của món tráng miệng này, thì phiên bản của Ysewijn không có lớp kem phủ.
“Tôi cố gắng nắm bắt mọi thứ trước khi chúng biến mất và dần bị lãng quên,” cô nói. Cô Ysewijn quan tâm đến việc bảo tồn lịch sử và bản sắc của những chiếc bánh mà cô ấy viết. “Tôi cố gắng truyền đạt những thông tin này bằng tiếng Anh đơn giản.”
Món quà lớn nhất đối với tôi, khi đọc cuốn sách này, là cách nó kết nối tôi thêm một lần nữa với những món ăn bị lãng quên thời thơ ấu. Là một người Mỹ được cha mẹ người Anh nuôi lớn, tôi đã rất vui mừng khi tìm lại được những món ăn mà tôi có dịp thưởng thức trong các chuyến thăm Anh quốc: thịt xông khói và thịt nướng trên những vách đá Dover cùng ông bà, bánh nướng cheddar bên ngoài Lâu đài Walmer, bánh mì Chelsea cùng một tách trà trong vườn của dì tôi.
Nướng các loại bánh này trong bếp của mình khiến tôi cảm thấy như được đánh thức bởi những món ăn quan trọng của tuổi thơ và gia đình tôi.
Cô Ysewijn sở hữu lượng kiến thức về văn hóa và di sản nước Anh có thể còn phong phú hơn rất nhiều người Anh bản địa. Bằng cách ghi lại và chia sẻ rất nhiều về lịch sử và bản sắc của Anh Quốc và nền ẩm thực của nó trong cuốn sách, cô đã trở thành người thợ rèn trong bài đồng dao thời thơ ấu đã dẫn cô đến với nước Anh thuở ban đầu. Và cô ấy đã làm lại cho tất cả chúng ta một chiếc chìa khóa.
Cô Rachael Dymski là một tác giả, chủ tiệm hoa, và là mẹ của hai cô con gái nhỏ. Cô đang viết một cuốn tiểu thuyết về sự chiếm đóng của Đức trên Quần đảo Channel và viết blog trên RachaelDymski.com.
Ngọc Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: