Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật tài trợ tạm thời để ngăn chính phủ đóng cửa
Tối thứ Năm (29/02), Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật tài trợ tạm thời và gửi đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden để ký, trong phút chốc đã ngăn được một đợt đóng cửa tiềm tàng khác của chính phủ có thể xảy ra vào nửa đêm ngày 01/03.
Dự luật này đã được Thượng viện thông qua trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 77 phiếu thuận – 13 phiếu chống vào tối thứ Năm sau khi bốn sửa đổi của Đảng Cộng Hòa bị bác bỏ tại phòng họp.
Trước đó, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua những gì là dự luật chi tiêu tạm thời thứ tư cho năm tài khóa 2024 trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 320 phiếu thuận – 99 phiếu chống.
Dự luật này được đưa ra sau một cuộc tranh luận ngắn gọn nhưng gây tranh cãi ở Hạ viện, một lần nữa cho thấy sự chia rẽ giữa các phe ôn hòa và phe bảo tồn truyền thống hơn trong hội nghị Đảng Cộng Hòa. 97 thành viên Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu phản đối dự luật này.
HR 7463, Đạo luật Mở rộng Phân bổ ngân sách Tạm thời và Các vấn đề Khác năm 2024, là kết quả của một thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo Quốc hội và Tòa Bạch Ốc về chi tiêu liên bang trong năm nay, vốn đã được tranh luận sôi nổi kể từ mùa xuân năm ngoái.
Việc phân bổ tạm thời này sẽ gia hạn tài trợ cho một số cơ quan của chính phủ đến ngày 08/03 và các cơ quan khác đến ngày 22/03, điều mà các nhà lãnh đạo tin rằng cuối cùng sẽ dẫn đến việc thông qua sáu dự luật chi tiêu còn lại cần thiết để tài trợ cho chính phủ.
Các điều khoản của thỏa thuận
Thỏa thuận này được công bố trong một tuyên bố chung của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), Lãnh đạo Khối đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), Lãnh đạo Khối thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York), Lãnh đạo Khối thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), và các lãnh đạo ủy ban phân bổ ngân sách của cả Hạ viện và Thượng viện.
Tuyên bố hôm 28/02 mở đầu rằng, “Chúng tôi đồng ý rằng Quốc hội phải làm việc theo phương thức lưỡng đảng để tài trợ cho chính phủ của chúng ta.” Thỏa thuận này đặt ra các giới hạn tài trợ cho các dự luật tài trợ cho Bộ Nông nghiệp và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm; Thương mại, Tư pháp và Khoa học; Phát triển Năng lượng và Nước; Nội vụ; Xây dựng Quân đội và Cơ quan Cựu chiến binh; và Giao thông và Nhà ở và Phát triển Đô thị.
Theo thỏa thuận này, những dự luật đó sẽ được thông qua thành luật trước ngày 08/03 và sẽ nằm trong các giới hạn chi tiêu tùy ý đã thỏa thuận hồi tháng 06/2023 thông qua Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa và thỏa thuận chi tiêu chính của tháng Một.
Quan điểm của Đảng Cộng Hòa
Lập luận ủng hộ dự luật này, Dân biểu Kay Granger (Cộng Hòa-Texas), chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách, và những dân biểu khác nêu ra trách nhiệm của Quốc hội là phải cung cấp tài chính cho chính phủ và thật vô ích khi lấy việc đóng cửa chính phủ để nắm quyền lực gây ảnh hưởng.
“Xét về sự khác biệt giữa các dự luật của Hạ viện và Thượng viện năm nay, chúng ta biết rằng việc tìm được điểm chung sẽ không dễ dàng, nhưng chúng ta đã có bước tiến. Và chúng ta cần thêm vài tuần nữa để hoàn tất việc soạn thảo các dự luật. … Trong khi đó, chúng ta không thể chấp nhận tình trạng chính phủ đóng cửa tai hại,” bà Granger nói.
“Tình trạng chính phủ đóng cửa — và tôi đã trải qua ba lần — chưa bao giờ có tác dụng,” Dân biểu Chuck Fleischmann (Cộng Hòa-Tennessee) cho biết. “Tình trạng này là lợi bất cập hại.”
Lập luận phản đối dự luật này, các nghị sĩ lưu ý rằng dự luật chỉ đơn thuần mở rộng các ưu tiên chi tiêu của chính phủ Tổng thống Biden. Họ kêu gọi các nghị sĩ sử dụng quyền lực có được từ việc đóng cửa chính phủ có thể xảy ra này để thúc đẩy các dự luật an ninh biên giới và giảm chi tiêu.
“Chúng ta sẽ tiếp tục tài trợ cho chính phủ này ở mức chi tiêu tổng hợp (omnibus) của bà Nancy Pelosi,” Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) cho biết. “Đó là một mức chi tiêu sẽ được duy trì. … để tài trợ cho tất cả các ưu tiên mà chúng tôi phản đối.”
Đề cập đến việc mọi người nhận thấy Tổng thống Joe Biden đã không có hành động gì ở biên giới phía nam, Dân biểu Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona) nói: “Biện pháp khắc phục của Nhánh Lập pháp đối với một nhánh hành pháp từ chối tuân theo luật là gì? Chính là loại bỏ chi tiêu.”
Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) nhận thấy một thực tế là bà Granger và Dân biểu Rosa DeLauro (Dân Chủ-Connecticut), thành viên Đảng Dân Chủ cấp cao trong Ủy ban Phân bổ ngân sách, đã dẫn dắt cuộc tranh luận ủng hộ dự luật này trong khi ông Roy dẫn dắt phe đối lập.
“Tại sao lại có ba thành viên Quốc hội kiểm soát thời gian tại cuộc họp này? Tôi tưởng chỉ có hai bên. Không. Khi nói đến chi tiêu, thì có Độc Đảng (Uniparty),” ông Massie nói.
Rất ít các thành viên Đảng Dân Chủ đứng lên tranh luận về dự luật này, dường như muốn để cho các thành viên Đảng Cộng Hòa thể hiện sự chia rẽ trong hàng ngũ của mình.
Làm thế nào chúng ta lại đi đến mức này
Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa đã được Chủ tịch Hạ viện đương thời Kevin McCarthy, một thành viên Đảng Cộng Hòa đại diện cho California, và Tổng thống Biden đàm phán. Những người có quan điểm cứng rắn về tài khóa đã phản đối vì dự luật này vượt quá các giới hạn được Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện thông qua trong Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Phát triển hồi tháng 04/2023.
Thỏa thuận này yêu cầu các dự luật chi tiêu còn lại phải được thông qua trước ngày 22/03/2023. Những dự luật đó bao gồm chi tiêu cho Bộ Quốc phòng; Dịch vụ tài chính và Quản lý Chính phủ; Nhánh Lập pháp; và Các hoạt động Ngoại giao và Đối ngoại.
Dự luật này kéo dài các mức chi tiêu của năm tài khóa 2023, vốn hết hạn hôm 30/09/2023, để trang trải cho khoảng thời gian khoảng ba tuần này.
Ông McCarthy đã bị bãi nhiệm khỏi chức chủ tịch Hạ viện một phần vì đã sắp xếp thông qua một nghị quyết chi tiêu tạm thời (CR) trong 45 ngày hôm 30/09/2023. Ông Johnson đã chủ trì việc thông qua một CR “theo bậc thang” hồi tháng 10/2023, với ngày hết hạn được ấn định vào ngày 19/01 và ngày 02/02.
Hôm 18/01, Quốc hội đã thông qua CR thứ ba, gia hạn tài trợ cho một số dịch vụ của chính phủ đến ngày 01/03 và những dịch vụ khác đến ngày 08/03.
‘Gián điệp trong nước’
Trên mạng xã hội, Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) đã phản ứng trước thỏa thuận được đề xướng này, chỉ trích việc tái cấp thẩm quyền tạm thời cho Mục 702 của Đạo luật Giám sát và Tình báo Ngoại quốc.
“Theo kế hoạch tài trợ mới của chính phủ do The Firm thúc đẩy, hoạt động gián điệp trong nước một cách vi hiến đối với công dân Mỹ sẽ tiếp tục không bị xáo trộn. Cho dù quý vị ít khi tin tưởng Hoa Thịnh Đốn, thì đó cũng là quá nhiều rồi,” ông Lee viết trên X, trước đây là Twitter, hôm 28/02.
Dân biểu Bob Good (Cộng Hòa-Virginia) lặp lại lời kêu gọi thông qua một CR cho cả năm trong đó có các khoản cắt giảm chi tiêu tự động như một giải pháp thay thế cho thỏa thuận do các nhà lãnh đạo quốc hội đề xướng.
“Chứng nghiện chi tiêu của Hoa Thịnh Đốn đã khiến chúng ta mắc nợ 34 ngàn tỷ USD. Thật đáng buồn khi một nghị quyết chi tiêu tạm thời cho cả năm là lựa chọn thực tế nhất để làm bất cứ điều gì tích cực cho người dân Mỹ, nhưng ít nhất sẽ tiết kiệm được 100 tỷ USD so với ‘thỏa thuận’ hiện tại,” ông Good viết hôm 28/02.
Hôm 27/02, bốn nhà lãnh đạo cao nhất của Quốc hội — ông Johnson, ông Schumer, ông Jeffries, và ông McConnell — đã gặp Tổng thống Biden để thảo luận về ngân sách quốc gia. Sau đó, ông Schumer mô tả cuộc họp đó diễn ra căng thẳng nhưng hiệu quả.
Khủng hoảng biên giới
Ông Johnson ra khỏi cuộc họp và gọi cuộc họp này là “thẳng thắn và trung thực.” Ông nói thêm rằng ông đã nhắc lại quan điểm của các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện rằng nhu cầu của Hoa Kỳ phải được đáp ứng trước khi tiếp tục chi tiêu cho Ukraine, nêu ra cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới phía Nam. Ông Johnson cũng cho biết ông “rất lạc quan” về việc ngăn chặn được chính phủ đóng cửa.
Trước cuộc họp tại Oval Office, ông đã bị một số người trong đảng của mình chỉ trích, trong đó có ông Roy, phàn nàn rằng ông Johnson đã tự cướp đi lợi thế của mình trong cuộc tranh luận bằng cách công khai nói rằng ông có ý định tránh việc đóng cửa chính phủ.
Trong một cuộc họp báo trước cuộc bỏ phiếu được ấn định, ông Johnson đã bảo vệ thỏa thuận này, nói rằng đây vừa là bước cần thiết và vừa là một bước tích cực để cải tổ thủ tục cấp ngân sách liên bang.
Ông nói: “Trách nhiệm đầu tiên của chúng ta là tài trợ cho chính phủ,” đồng thời nói thêm rằng bảo vệ biên giới là nhiệm vụ thứ hai của Quốc hội.
Ông Johnson cho biết nỗ lực cấp ngân sách năm nay cho thấy sự tiến bộ trong quy trình không rõ ràng vốn đã trở thành thông lệ ở Hoa Thịnh Đốn.
“Chúng tôi đã thiết lập một số cải tiến mới. Chúng tôi đã phá vỡ cơn sốt dự luật tổng hợp,” ông nói, ý nói đến thiên hướng của Quốc hội trong việc thông qua các dự luật chi tiêu lớn, bao quát ngay khi nguồn tài trợ sắp hết hạn.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times