Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật tài trợ 1.2 ngàn tỷ USD, ngăn chính phủ đóng cửa một phần
Mặc dù Thượng viện đã bỏ lỡ thời hạn đóng cửa lúc nửa đêm, nhưng Quốc hội đã thông qua dự luật tài trợ 70% chi phí cho chính phủ.
HOA THỊNH ĐỐN — Vào đầu giờ ngày 23/03, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một gói chi tiêu minibus (gói chi tiêu có ít hơn 12 dự luật phân bổ ngân sách) trị giá 1.2 ngàn tỷ USD, vốn đã được Hạ viện phê chuẩn hôm thứ Sáu (22/03).
Thượng viện đã thông qua gói dự luật trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 74 phiếu thuận-24 phiếu chống. Hiện gói dự luật này đang được chuyển đến Tổng thống Joe Biden và ông dự kiến sẽ ký ban hành.
Gói chi tiêu được thông qua trong bối cảnh trên lý thuyết, chính phủ đã ngừng hoạt động một phần, mặc dù thời gian đóng cửa chỉ kéo dài hai giờ ngắn ngủi.
Gói dự luật này, dày hơn 1,000 trang và gồm 1.2 ngàn tỷ USD chi tiêu, đã được Quốc hội thông qua trong tuần này sau khi được giới thiệu vào khoảng 2 giờ sáng hôm thứ Năm. Sau khi dự luật được thông qua tại Hạ viện hôm 22/03, tiến trình tại Thượng viện đã bị trì hoãn trong vài giờ do bất đồng giữa Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ về các quy tắc sửa đổi gói dự luật.
Trước đó vào thứ Sáu, Hạ viện đã thông qua gói dự luật chi tiêu này trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 286 phiếu thuận-134 phiếu chống, với đa số dân biểu Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu chống lại gói này. Các dân biểu theo phái bảo tồn truyền thống đã giận dữ trước việc tăng chi tiêu trong thỏa thuận. Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) đã đệ trình một kiến nghị để tổ chức một cuộc bỏ phiếu truất phế Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) nhằm mục đích “cảnh báo” vị chủ tịch này.
“Đó giống một lời cảnh báo và một tấm giấy thông báo sa thải hơn,” bà Greene nói với các phóng viên, vì bà “không muốn gây tổn thất cho hội nghị của chúng tôi và khiến Hạ viện rơi vào hỗn loạn” — như khi người tiền nhiệm của ông Johnson, cựu Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), bị phế truất khỏi chức vụ này.
Dự luật này sẽ tài trợ cho các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Ngân khố, An ninh Nội địa, Lao động, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, và Giáo dục.
Ngũ Giác Đài sẽ nhận được 825 tỷ USD — nhiều hơn 27 tỷ USD so với năm tài khóa 2023 — bao gồm thêm 92 triệu USD so với yêu cầu của chính phủ Tổng thống Biden để cải thiện khả năng răn đe của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ trong bối cảnh có mối đe dọa từ Trung Quốc. Có 108 tỷ USD được phân bổ cho hợp tác an ninh của Hoa Kỳ với Đài Loan và 300 triệu USD cho Sáng kiến Trợ giúp An ninh Ukraine, bao gồm đào tạo, thiết bị, và các phương tiện khác để giúp đỡ Ukraine.
Tuy nhiên, nguồn tài trợ trực tiếp cho Ukraine và Đài Loan không có trong dự luật chi tiêu này vì Quốc hội đang gặp khó khăn trong việc cố gắng thông qua gói viện trợ bổ sung cho Đài Bắc và Kyiv, vì Đảng Cộng Hòa đã kêu gọi các biện pháp biên giới nghiêm ngặt để đổi lấy việc thông qua. Đảng Cộng Hòa đã chặn một dự luật của Thượng viện có viện trợ cho Ukraine và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan cùng một số biện pháp an ninh biên giới cụ thể.
Khoản tiền 3.3 tỷ USD hàng năm dành cho Israel nằm trong gói dự luật này, như vẫn luôn được chi ra trong nhiều năm qua. Điều này diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và nhóm khủng bố Hamas.
Dự luật này phân bổ 1.8 tỷ USD cho Bộ Ngân khố, ngoại trừ Sở Thuế vụ (IRS), cơ quan sẽ nhận được 12.3 tỷ USD. Việc phân bổ ngân sách cho IRS sẽ giống như trong năm tài khóa 2023.
Gói dự luật phân bổ cũng ngăn IRS chuyển thêm tiền từ các tài khoản của mình để thực thi thuế.
Các khoản phân bổ khác
Bộ An ninh Nội địa (DHS) sẽ nhận được 61.8 tỷ USD, tăng 1.1 tỷ USD so với mức của năm tài khóa 2023. Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới (CBP) sẽ nhận được 400 triệu USD để chống lại dòng fentanyl, một vấn đề lớn khi loại ma túy trí mạng này tràn qua biên giới phía Nam thông qua các băng đảng và các nguồn khác.
Dự luật này phân bổ 2.2 tỷ USD để giải quyết thủ tục cho những người xin tị nạn và các mục đích liên quan.
DHS sẽ có thêm 24% số giường hiện có trong các trung tâm giam giữ người nhập cư bất hợp pháp và thêm 22,000 nhân viên Tuần tra Biên giới, như được đề nghị theo dự luật an ninh biên giới cứng rắn trước đó mà Hạ viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát đã thông qua. Khoản tài trợ này cũng bao gồm 41,500 giường tạm giam, cũng được đề nghị theo dự luật trước đó của Hạ viện.
Cũng sẽ có thêm 12,000 thị thực nhập cư đặc biệt được cấp cho những người Afghanistan đã giúp đỡ Hoa Kỳ trong cuộc chiến kéo dài gần 20 năm ở Afghanistan, một cuộc chiến mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã vội vàng rút lui vào giữa năm 2021 trong bối cảnh chính phủ Tổng thống Biden bị chỉ trích vì bỏ rơi những đồng minh đã đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, chẳng hạn như các thông dịch viên.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh sẽ nhận được 116.8 tỷ USD, giảm 3.9 tỷ USD so với năm tài khóa 2023. Thế nhưng, Viện Y tế Quốc gia sẽ nhận được 48.6 tỷ USD trong năm nay, nhiều hơn 300 triệu USD so với năm ngoái.
Bộ Giáo dục sẽ nhận được 79.1 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với năm tài khóa 2023.
Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ nhận được 11.8 tỷ USD, giảm 5.6 tỷ USD so với năm tài khóa 2023.
Khoản tiền này bao gồm 300 triệu USD cho Đài Loan và các điều kiện viện trợ cho Gaza, nơi Hamas kiểm soát.
Cho đến tháng 03/2025, không có khoản tài trợ nào được phân bổ cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hiệp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA). UNRWA đã bị chỉ trích vì điều mà các nhà phê bình gọi là tuyên truyền lòng căm thù đối với nhà nước Do Thái trong trường học.
Hơn nữa, dự luật cũng bao gồm 200 triệu USD cho trụ sở FBI mới, sẽ được xây dựng ở Greenbelt, Maryland, ngay bên ngoài Hoa Thịnh Đốn. Đây là một vấn đề gây tranh cãi đối với Đảng Cộng Hòa.
Không phải ai cũng hài lòng
Cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đều giành được những chiến thắng về mặt chính sách, mặc dù một số nghị sĩ của cả hai bên dự kiến sẽ phản đối dự luật bất chấp sự ủng hộ áp đảo mà dự kiến gói dự luật này sẽ nhận được ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
“Chúng ta đang trong một tình thế tồi tệ. Và đó là một quá trình tồi tệ, nhưng chúng ta đang ở trong tình thế tồi tệ này vì trước đó chúng ta đã làm những việc lẽ ra chúng ta không nên làm. Và tôi tin rằng chúng ta cần phải phản đối ở Thượng viện,” Dân biểu Morgan Griffith (Cộng Hòa-Virginia) nói với The Epoch Times.
“Nhưng trong quá khứ, đến thời điểm này rồi thì chúng ta có phản đối không? Có lẽ là không,” ông tiếp tục. “Nhưng chúng ta cần sắp xếp các mảnh ghép cho sự hiểu biết về sau, khi mà chúng ta có một số quyền lực để yêu cầu Thượng viện biến đi.”
Cuối cùng, mặc dù bà Greene đã đệ trình một kiến nghị truất phế, nhưng có vẻ như chức chủ tịch Hạ viện của ông Johnson không gặp nguy hiểm, trong khi người tiền nhiệm của ông, cựu Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), đã bị tước bỏ chức chủ tịch sau khi thúc đẩy thông qua một dự luật chi tiêu.
Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida), người đã dẫn đầu nỗ lực lật đổ ông McCarthy, cho biết: “Nếu chúng ta truất phế chủ tịch Hạ viện này, thì rốt cuộc chúng ta sẽ chỉ có một chủ tịch Đảng Dân Chủ.”
Dân biểu Eli Crane (Cộng Hòa-Arizona), một trong những nghị sĩ đã bỏ phiếu truất phế chức chủ tịch Hạ viện của ông McCarthy, cho biết ông sẽ phản đối làm điều tương tự với ông Johnson.
Các thành viên của nhóm House Freedom Caucus theo đường lối cứng rắn đã không kìm được sự thất vọng về gói dự luật này.
Chủ tịch House Freedom Caucus Bob Good (Cộng Hòa-Virginia) đã chỉ trích gay gắt gói này. Ông cho biết gói này còn tệ hơn cả mức chi tiêu khi Đảng Dân Chủ kiểm soát Quốc hội dưới sự lãnh đạo của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York).
“Có vẻ như dự luật này một lần nữa duy trì chính những chính sách và mức chi tiêu của bà Pelosi và ông Schumer,” ông Good cho biết. “Gói này thực sự làm tăng mức chi tiêu lên khoảng 60 tỷ USD so với mức được áp dụng trong gói dự luật tổng hợp omnibus mà tất cả chúng tôi đều bỏ phiếu chống lại cách đây một năm rưỡi, nhưng có một số điều mới mà chúng tôi muốn nêu ra ở đây,” ông nói tại một cuộc họp báo.
Ông Good than thở về các khoản tiền dành riêng cho địa phương để làm hài lòng cử tri và khoản tiền 200 triệu USD cho trụ sở FBI mới.
Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) đã chỉ trích lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội về dự luật chi tiêu chính phủ trị giá 1.2 ngàn tỷ USD, gọi đó là một “bảng thuật ngữ của đầm lầy” — ám chỉ biệt danh “đầm lầy” của Hoa Thịnh Đốn.
Thành viên nhóm House Freedom Caucus này cho biết: “Thành thật mà nói, hoặc là đi theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng Hòa chúng tôi hoặc là về cơ bản đi theo bảng thuật ngữ của đầm lầy.”
Ông trích dẫn những gì ông nói là những lời bao biện từ phía các lãnh đạo đảng của ông, chẳng hạn như thế đa số của Đảng Cộng Hòa trong Hạ viện là rất mong manh.
Ông Roy đã nói rằng những nghị sĩ Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu cho gói dự luật này, dự kiến sẽ được Hạ viện thông qua với tỷ lệ áp đảo, đang “gây nguy hiểm cho cuộc bầu cử.”
Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina) đã kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đóng cửa Hạ viện vì dự luật chi tiêu chính phủ trị giá 1.2 ngàn tỷ USD này.
Ông giải thích rằng ông Johnson có thể làm như vậy bằng cách hạ một cây trượng trang trí mang tính nghi lễ gọi là “Quyền trượng của Hạ viện Hoa Kỳ” xuống. Cây quyền trượng này được đặt cạnh ghế của chủ tịch khi Hạ viện nhóm họp và đó là một phong tục đã 184 năm tuổi.
“Hãy hạ cây quyền trượng đó xuống, tắt đèn, và nói rằng chúng tôi sẽ không quay lại cho đến khi các vị ngăn chặn được cuộc xâm lược ở biên giới,” ông Norman nói, đồng thời kêu gọi Thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát thông qua một dự luật an ninh biên giới chặt chẽ mà Hạ viện đã thông qua hồi năm ngoái.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times