Quảng Châu ngưng chích vaccine, lý do đằng sau là gì?
Dịch virus Trung Cộng (virus Vũ Hán, virus corona) đang trở nên nghiêm trọng hơn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Chính quyền thành phố Quảng Châu bắt đầu từ cuối tháng 5 đã ngừng hoạt động chích ngừa vaccine cho toàn thành phố, cho đến hôm nay vẫn chưa mở lại hoàn toàn, thu hút rất nhiều sự chú ý dành cho lý do thực sự đằng sau.
Vào chiều ngày 31/5, thành phố Quảng Châu đã tổ chức họp báo về công tác phòng chống dịch. Tại cuộc họp báo, Lê Minh, Phó thị trưởng thành phố Quảng Châu đã thông báo rằng: Kể từ ngày hôm nay, thành phố Quảng Châu quyết định tạm ngưng việc chích ngừa vaccine cho cộng đồng.
Lê Minh cho biết, quyết định tạm ngưng được đưa ra dựa trên cân nhắc hai điểm: một là tập trung lực lượng y tế và điều dưỡng để tiến hành xét nghiệm acid nucleic trên quy mô lớn; Hai là để giảm nguy cơ lây nhiễm virus có thể xảy ra do nhu cầu được chích vaccine của người dân quá cao, tất cả các điểm chích ngừa đều quá tải.
Dịch bệnh ở Quảng Châu hiện đang trong giai đoạn nghiêm trọng, bắt đầu từ tối ngày 31/5, bạn phải có “mã sức khỏe” mới có thể rời khỏi Quảng Châu, họ đang yêu cầu công dân “không được rời khỏi Quảng Châu trừ khi cần thiết”. Vào thời điểm quan trọng như vậy lại ngừng chích ngừa vaccine khiến người ta nghi ngờ về lý do thực sự đằng sau nó, liệu nguyên nhân có phải chính là ở bản thân vaccine?
Hiệu quả của vaccine nội địa
Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, Trung Cộng đã đang thúc đẩy mạnh mẽ việc phân phối vaccine Kexing và Sinopharm trên khắp thế giới. Vậy hiệu quả của hai loại vaccine này như thế nào?
Ngày 29/4 năm nay, đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan và các nhân viên đã được chích vaccine Kexing liều đầu tiên. Vào ngày 12/5, Hiệp hội bóng chuyền Thái Lan thông báo, đội bóng phát hiện có 4 người đã bị nhiễm bệnh. Sau đó, cả đội bóng 37 người, bao gồm cả huấn luyện viên và cầu thủ đã được tiến hành kiểm tra, kết quả phát hiện thêm 22 người nhiễm bệnh nữa, tổng số ca nhiễm được xác nhận là 26 ca.
Đài Á Châu Tự Do đưa tin vào ngày 15/12 năm ngoái rằng, khoảng 300 trong số hơn 400 nhân viên người Trung Quốc của Công ty Xây dựng Điện Thiên Tân tại Serbia đã được chẩn đoán mắc bệnh. Một số lượng lớn nhân viên trong đó là đến từ Trung Quốc đại lục và đã được chích vaccine Sinopharm từ trước, nhưng họ vẫn bị nhiễm bệnh.
Chuyên gia về vaccine Trung Quốc Đào Lê Nạp từng thẳng thừng tuyên bố trên các trang mạng rằng, vaccine ở Trung Quốc đại lục là “vaccine không an toàn nhất trên thế giới”. Nhận xét của ông gây ra tranh cãi rất lớn cả ở trong và ngoài nước.
Lịch sử của nhà sản xuất vaccine
Công ty Sinovac Biotech có một lịch sử thành tích tồi tệ trong vài năm qua. Tờ “The Washington Post” vào tháng 12 năm ngoái đã xuất bản một báo cáo dài, công khai lịch sử hối lộ của Sinovac Biotech cho Cục Quản lý Dược của Trung Cộng trong những năm đầu thành lập. Báo cáo trích dẫn hồ sơ công khai của tòa án, Doãn Vệ Đông, người sáng lập và giám đốc điều hành của Sinovac Biotech, đã thừa nhận trong lời khai trước tòa vào năm 2016 rằng, từ năm 2002 đến năm 2011, anh ta đã hối lộ cho các quan chức quản lý dược phụ trách việc xem xét vaccine và vợ của họ. Quan chức quản lý dược thừa nhận rằng, đổi lại, họ đã đẩy nhanh việc phê duyệt vaccine Viêm gan A, SARS, Cúm gia cầm, Tay Chân Miệng và Cúm A do Sinovac Biotech phát triển.
Tờ “The Washington Post” còn cho biết, ít nhất 20 quan chức chính phủ và quản lý bệnh viện ở 5 tỉnh đã thừa nhận trước tòa rằng, họ đã nhận hối lộ từ các nhân viên của Sinovac Biotech trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2016.
Vào ngày 12/1 năm nay, Lí Trí Minh, Chủ tịch của công ty Sinopharm Group, đã bất ngờ từ chức vì “lý do cá nhân”. Cùng ngày, Sinopharm thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải rằng Lí Huy, tổng giám đốc của công ty, cũng không còn giữ chức vụ tổng giám đốc nữa vì “lý do cá nhân”.
Trước đó mười ba ngày (ngày 31/12/2020), vaccine bất hoạt của Sinopharm đã được Cục Quản lý Dược phẩm Quốc gia phê duyệt có thể sử dụng trên thị trường trong trường hợp khẩn cấp. Lúc này đang là thời gian Trung Quốc chích ngừa vaccine trên quy mô lớn, hai người cấp cao nhất lại đột ngột cùng từ chức, trang mạng Sohu nói, “Thời cơ là không bình thường”.
Kể từ ngày 7/6, Quảng Châu đã bắt đầu mở lại lịch hẹn chích vaccine liều thứ hai, nhưng chỉ mở cửa cho những người ở “khu nguy cơ thấp“. Cũng tức là những người chưa chích vaccine liều đầu tiên và những người ở các khu vực có nguy cơ trung bình và cao sẽ không được tiếp nhận. Hiện vẫn chưa biết lúc nào sẽ có vaccine cho tất cả mọi người.
Do Dịch Phàm, Trần Mai Ỷ thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: