Quân đội Sudan phục chức cho thủ tướng, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục
KHARTOUM — Quân đội Sudan đã phục chức cho Thủ tướng Abdalla Hamdok vào hôm Chủ nhật (21/11) và hứa sẽ trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì lý do chính trị sau nhiều tuần bất ổn có thương vong do một cuộc đảo chính gây ra, mặc dù các đám đông lớn đã xuống đường để từ chối bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến quân đội.
Theo một thỏa thuận ký với lãnh đạo quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, ông Hamdok – người được bổ nhiệm đầu tiên sau khi nhà cai trị độc tài Omar al-Bashir bị lật đổ trong cuộc nổi dậy năm 2019 – sẽ lãnh đạo một chính phủ dân sự gồm các nhà kỹ trị trong giai đoạn chuyển tiếp.
Thỏa thuận trên vấp phải sự phản đối từ các nhóm ủng hộ dân chủ yêu cầu có một chính phủ dân sự hoàn toàn kể từ khi ông Bashir bị lật đổ. Sự tử thương của hàng chục người biểu tình kể từ cuộc đảo chính ngày 25/10 càng làm dấy lên sự phẫn nộ của các nhóm này.
Từng là một anh hùng đại diện cho phong trào phản đối, ông Hamdok đã nhanh chóng trở thành nhân vật phản diện đối với một số người.
“Ông Hamdok đã bán đứng cách mạng,” những người biểu tình hô vang sau khi thỏa thuận được công bố. Hiệp hội Chuyên gia Sudan (SPA), một nhóm phản đối hàng đầu, gọi đây là sự “phản bội”.
Hàng chục ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình được lên kế hoạch từ trước ở thủ đô Khartoum và các thành phố song song tương ứng của nó là Omdurman và Bahri. Các nhân chứng cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng và xịt hơi cay để giải tán họ. Ủy ban Bác sĩ Sudan Trung ương cho biết, một người biểu tình 16 tuổi ở Omdurman đã tử vong vì trúng đạn.
“Ông Hamdok đã làm chúng tôi thất vọng. Lựa chọn duy nhất của chúng tôi là xuống đường,” anh Omar Ibrahim, một người biểu tình 26 tuổi ở Khartoum cho biết.
Hoa Kỳ, Anh Quốc, Na Uy, Liên minh Âu Châu, Canada, và Thụy Sĩ đã hoan nghênh việc phục chức cho ông Hamdok và kêu gọi trả tự do cho những người bị giam giữ vì lý do chính trị khác trong một tuyên bố chung. Liên Hiệp Quốc cũng đã hoan nghênh việc [đạt được] thỏa thuận hôm Chủ nhật.
Các cường quốc phương Tây đã lên án cuộc đảo chính diễn ra vào tháng trước và đình chỉ viện trợ kinh tế cho Sudan, vốn đang cố gắng vực dậy sau một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc.
Cuộc đảo chính này đã kích hoạt hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối quân đội, và các lực lượng y tế liên kết với phong trào biểu tình này cho biết lực lượng an ninh đã sát hại 41 thường dân trong các cuộc trấn áp ngày càng trở nên bạo lực.
Ông Hamdok cho biết ông đã đồng ý với thỏa thuận này để tránh thêm thương vong.
“Máu của người Sudan rất quý giá. Chúng ta hãy cùng ngăn chặn đổ máu và hướng sức trẻ vào việc xây dựng và phát triển,” ông nói tại lễ ký kết được phát sóng trên truyền hình nhà nước.
Ông Burhan cho biết thỏa thuận này sẽ bao trọn hết thảy. “Chúng tôi không muốn loại trừ bất cứ ai ngoại trừ Đảng Quốc Đại, như chúng tôi đã cùng đồng ý,” ông nói, nhắc đến đảng cầm quyền cũ của ông Bashir.
Nhưng thỏa thuận trên không đề cập chút gì đến Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC), liên minh dân sự từng chia sẻ quyền lực với quân đội trước cuộc đảo chính. Thêm vào đó, một số người tại buổi lễ ký kết có liên hệ chính trị với ông Bashir.
Không có tính hợp pháp
Lực lượng Tự do và Thay đổi cho biết họ không công nhận bất kỳ thỏa thuận nào với quân đội. Đảng Quốc Hội Sudan (SCP), một thành viên hàng đầu của lực lượng này, và một số lãnh đạo bị giam giữ đã mô tả việc ông Hamdok tham gia thỏa thuận này là “bất hợp pháp và vi hiến” và cung cấp vỏ bọc chính trị cho cuộc đảo chính.
Một số ủy ban kháng chiến tổ chức các cuộc biểu tình cũng đã đưa ra các tuyên bố bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào với quân đội.
Ông Hamdok đã bị quản thúc tại gia khi quân đội giành được chính quyền, khiến cho quá trình chuyển đổi sang bầu cử vào năm 2023 bị trệch hướng.
Quân đội đã giải tán Nội các của ông Hamdok và giam giữ một số thường dân nắm giữ các vị trí cao nhất theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực sau khi ông Bashir bị lật đổ.
Các chính trị gia Omer Eldigair, Yasir Arman, Ali Alrayah Alsanhouri, và Siddig al-Mahdi sẽ được trả tự do vào đêm Chủ nhật, một nguồn tin chính phủ cho biết. Chỉ có ông Arman là nằm trong số các cựu quan chức từng nắm quyền. Nhiều người trong số các quan chức đó đã từng tham gia vào một cuộc luận chiến với các lãnh đạo quân sự trước cuộc đảo chính.
Theo thỏa thuận hôm Chủ nhật, một tuyên bố Hiến pháp được ký kết giữa quân đội và thường dân vào năm 2019 sẽ vẫn là nền tảng trong các cuộc đàm phán tiếp theo.
“Chính phủ tiếp theo sẽ tập trung vào một lượng vấn đề hạn chế, chủ yếu là quá trình chuyển đổi dân chủ,” Al Jazeera dẫn lời ông Hamdok trong một cuộc phỏng vấn. Ông Hamdok cho biết các cuộc bầu cử sẽ diễn ra trước tháng 07/2023, kênh này cho biết thêm.
Do Khalid Abdelaziz của Reuters thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.
Xem thêm: