Quân đội Hoa Kỳ trưng bày vũ khí tối mật: Hỏa tiễn bay ‘không người lái’ tầm xa
Lực lượng Lục quân của Hoa Kỳ gần đây đã công bố một đoạn video mới, lần đầu tiên cho thấy một loại vũ khí bí mật: “hỏa tiễn hiệu ứng tầm xa” hoặc “hỏa tiễn lai vãng”. Nó có thể được điều khiển từ xa như một phi cơ không người lái, hơn nữa có thể bay trong thời gian dài, sử dụng các cảm biến trên không để xác định vị trí mục tiêu, sau đó lao xuống như hỏa tiễn. Có thể nói đây là sự kết hợp giữa hỏa tiễn và phi cơ không người lái.
Loại vũ khí mới này là một phần của loạt hỏa tiễn với tên gọi “hiệu ứng phóng từ trên không (ALE)”, nó có thể được phóng từ trực thăng hoặc các bệ phóng trên mặt đất khác của quân đội. Đoạn video này được quay trong cuộc trình diễn thử nghiệm năm 2021 (thường được gọi là Edge 21) được tổ chức tại Dugway Proving Ground ở Utah vào tháng 5 năm 2021. Video này cho thấy các vũ khí công nghệ mới hoạt động như thế nào. Trong đó có một đoạn ngắn về xe tăng hạng nhẹ phóng hỏa tiễn cỡ nhỏ (ALE-Small). Hỏa tiễn này dựa trên cơ sở của chiếc Altius-600 UAV, một loại phi cơ có khả năng tác chiến rất cao với tầm bắn hơn 250km và cũng đang được nâng cấp với trí thông minh nhân tạo tiên tiến.
Nếu tầm bắn của hỏa tiễn ALE-Small là 250km, vậy tầm bắn của hỏa tiễn ALE tầm xa có thể đạt đến bao nhiêu?
Các phóng viên đến xem cuộc trình diễn đã nhìn thấy loại vũ khí hỏa tiễn mới này, nhưng họ không được phép chụp ảnh hay quay phim, và hầu như không có thông tin chi tiết nào được tiết lộ.
Xuất hiện trong video là những hình ảnh chớp nhoáng, nhưng có một cảnh trong khoảng 48 giây, cho thấy hỏa tiễn lao xuống và phá hủy một hệ thống radar di động mô phỏng. Vì đây là mục tiêu mô phỏng chứ không phải kích thước thật nên không thể so sánh trực tiếp với kích thước của hỏa tiễn, nhưng hình dạng của nó rất độc đáo, có hai khoang cánh lớn với đường viền hoàn toàn khác những hỏa tiễn hiện nay, và dường như nhanh hơn nhiều so với ALE-Small ( ALE-Small có tốc độ bay khoảng 60 dặm/giờ).
Trong các cuộc tập trận trước, trọng tâm của quân đội Hoa Kỳ là kiểm tra khả năng thâm nhập khi bay của hỏa tiễn, họ đã tiến hành rất nhiều thí nghiệm phóng hỏa tiễn từ trên không. Cuộc thử nghiệm Edge 21 lần này là tập trung vào giai đoạn tiếp theo, được gọi là “khai phát”, liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ tấn công trên không tầm xa. Họ lấy xung đột quân sự có thể xảy ra ở “Ấn Độ-Thái Bình Dương” làm tình huống giả định, cũng có nghĩa là thử nghiệm cho một cuộc xung đột toàn diện với quân đội của Trung Cộng.
Trong khi thử nghiệm, mục tiêu giả định được lựa chọn rất cẩn thận. Trước khi quân đội tiến hành tấn công, loại hỏa tiễn này có một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là tiêu diệt hệ thống radar phòng không của đối phương. Video cũng cho thấy các phi công trực thăng đội mũ bảo hiểm có gắn Hệ thống Tăng cường hình ảnh Tích hợp (IVAS), kết hợp tầm nhìn ban đêm với điều hướng và tiếp nhận thông tin. Mũ bảo hiểm IVAS cho phép các binh sĩ nhìn thấy hình ảnh mặt đất từ camera gắn trên mũi trực thăng, đồng thời có thể hiển thị video do ống kính camera lắp trong hỏa tiễn ALE quay lại hoặc trực tiếp sử dụng nó để điều khiển hỏa tiễn ALE.
Chiếc General Atomics MQ-1C Gray Eagle (Đại bàng xám) của Lục quân – phiên bản quân đội của phi cơ không người lái Predator – cũng có thể mang hỏa tiễn ALE. Theo nhà sản xuất, chiếc “Đại bàng xám” không người lái này sẽ được sử dụng như một tàu mẹ, có thể mang nhiều loại vũ khí hỏa tiễn ALE khác nhau.
Đây không phải là loại hỏa tiễn mới duy nhất. Dự án Edge 21 cũng phát triển một loại hỏa tiễn cỡ lớn ( ALE-Large), dựa trên cơ sở của phi cơ không người lái Harris Red Wolf L2. Vào tháng trước, lực lượng Thủy quân lục chiến của Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với uVision để mua hỏa tiễn Hero-120 của họ, được mang trên một xe bệ phóng gồm 8 quả với đầu đạn chống tăng. Cũng trong tháng trước, Lục quân Hoa Kỳ đã cho đấu thầu hệ thống hỏa tiễn tấn công bầy đàn không người lái của họ, đây là hệ thống phóng nhiều quả hỏa tiễn bay không người lái mà có thể được mang trên một chiếc Hummer.
Trung Cộng đã công bố một đoạn video về bệ phóng hỏa tiễn bầy đàn gồm 48 quả, mặc dù không rõ quá trình phát triển diễn ra như thế nào.
Ngoài ra, còn có một loại hỏa tiễn không người lái cỡ nhỏ SwitchBlade, có thể được phóng từ các bệ phóng hỏa tiễn tương tự, Lực lượng mặt đất của Hoa Kỳ đã luôn sử dụng nó cho “các mục tiêu có giá trị cao” (tức là các lãnh đạo) ở Iraq và Afghanistan trong nhiều năm qua. Ngoài ra còn có một hỏa tiễn bay không người lái cỡ lớn mới là SwitchBlade 600, dường như được chế tạo cho dự án ALE.
Hỏa tiễn bay không người lái đang dần trở nên phổ biến, trong khi hỏa tiễn bay không người lái tầm xa vẫn còn đang trong bí ẩn, điều này cho thấy rằng nó phải có một cái gì đó đặc biệt, nhưng trong đoạn video này không cung cấp thông tin gì thêm.
Do Ngô Úy, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: