Quan chức WHO yêu cầu ngừng sử dụng biện pháp phong tỏa để kiểm soát Covid-19
Đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới về COVID-19 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ngừng sử dụng phong tỏa làm phương pháp chính để kiểm soát sự lây lan của virus Vũ Hán.
Phát biểu với tạp chí The Spectator trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 8/10, ông David Nabarro cho biết: “Chúng tôi trong Tổ chức Y tế Thế giới không ủng hộ việc phong tỏa là phương tiện chính để kiểm soát loại virus này. Lần duy nhất chúng tôi tin rằng biện pháp phong tỏa là hợp lý khi chúng ta cần có thời gian để tổ chức lại, tập hợp lại, cân bằng lại các nguồn lực, bảo vệ các nhân viên y tế đang kiệt sức, nhưng nhìn chung, chúng tôi không khuyến cáo sử dụng biện pháp này”.
Chỉ ra những thiệt hại khôn lường của biện pháp phong tỏa trên toàn thế giới, đặc biệt đối với những nhóm dân số nghèo hơn, ông Nabarro nói rõ: “Hãy xem những gì đã xảy ra với ngành du lịch, chẳng hạn như ở vùng biển Caribe hoặc Thái Bình Dương, khi mọi người không đi nghỉ lễ nữa. Hãy xem điều gì đã xảy ra với những tiểu nông trên khắp thế giới, khi thị trường của họ bị bóp nghẹt. Hãy xem điều gì đang xảy ra với mức độ nghèo đói. Có vẻ như tỷ lệ đói nghèo trên thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm tới. Có vẻ như tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em ít nhất sẽ tăng gấp đôi vì trẻ em không được ăn ở trường và cha mẹ của chúng, trong các gia đình nghèo, không có đủ khả năng chi trả”.
Cho rằng “đây thực sự là một thảm họa toàn cầu khủng khiếp, khủng khiếp”, ông Nabarro kêu gọi: “Tất cả các nhà lãnh đạo thế giới: Hãy ngừng sử dụng lệnh phong tỏa như một biện pháp kiểm soát chính, hãy phát triển các hệ thống kiểm soát dịch bệnh hữu hiệu hơn, hãy làm việc cùng nhau và học hỏi lẫn nhau, nhưng hãy nhớ rằng – lệnh phong tỏa có thể đem đến hệ quả khôn lường, và điều đó đang khiến những người nghèo trở nên nghèo hơn rất nhiều”.
Ông Nabarro không phải là nhà khoa học duy nhất phản đối biện pháp phong tỏa. Một số nhà khoa học y tế hoặc sức khỏe cộng đồng và các bác sĩ đã ký vào bản Tuyên bố ‘Great Barrington’, trong đó nêu rõ rằng “các chính sách phong tỏa hiện nay đang tạo ra những tác động tàn phá trong ngắn hạn và dài hạn đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng”.
Những người tham gia ký tên bao gồm: “Tiến sĩ Martin Kulldorff, giáo sư y khoa của Đại học Harvard, một nhà thống kê sinh học, và nhà dịch tễ học chuyên về phát hiện và giám sát các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm và đánh giá độ an toàn của vaccine; Tiến sĩ Sunetra Gupta, giáo sư Đại học Oxford, một nhà dịch tễ học có chuyên môn về miễn dịch học, phát triển vaccine, và mô hình hóa toán học về các bệnh truyền nhiễm; và Tiến sĩ Jay Bhattacharya, giáo sư trường Y Khoa Đại học Stanford, bác sĩ, nhà dịch tễ học, nhà kinh tế học sức khỏe, và là chuyên gia về chính sách y tế cộng đồng tập trung vào các bệnh truyền nhiễm và các nhóm dân số dễ bị tổn thương”.
Tuyên bố [Great Barrington] cũng nêu rõ: “Cách tiếp cận nhân văn nhất, cân bằng giữa rủi ro và lợi ích để đạt được miễn dịch cộng đồng là cho phép những người có nguy cơ tử vong thấp có được một cuộc sống bình thường, để họ có khả năng miễn dịch với virus thông qua lây nhiễm tự nhiên, đồng thời bảo vệ tốt hơn những người có nguy cơ cao nhất”.
Ngoại trừ một vài trường hợp, [hầu hết] các nhà lãnh đạo thế giới đều nghe theo sự hướng dẫn của chính quyền Trung Quốc – áp dụng việc phong tỏa chưa từng có tiền lệ để ứng phó với sự bùng phát của virus. Thụy Điển, một quốc gia không áp dụng lệnh phong tỏa, có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với một số quốc gia và địa phương sử dụng các biện pháp hạn chế.
Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump đã trao quyền quyết định về các biện pháp đóng cửa cho các thống đốc của từng tiểu bang. Cuối cùng, ngoại trừ một vài tiểu bang, tất cả đều đã ban hành một số biện pháp hạn chế.