Quan chức Hoa Kỳ cảnh báo sau khi Trung Quốc ‘bùng phát bệnh viêm phổi làm dấy lên những nghi vấn nghiêm trọng’
Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản cho biết dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc “làm dấy lên những nghi vấn nghiêm trọng”
Một quan chức Hoa Kỳ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một đợt “bùng phát bệnh viêm phổi” ở miền bắc Trung Quốc được cho là đã khiến nhiều trẻ em phải nhập viện tại các bệnh viện địa phương.
Theo các bản tin, khoảng 4 năm sau khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc, nhiều trẻ em được cho là đã bị viêm phổi, sốt, hoặc các vấn đề khác về hô hấp. Được biết, các bệnh viện hiện đang bị quá tải do số ca nhiễm gia tăng, khiến cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như một quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ phải đưa ra cảnh báo.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel, cựu chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc thời Tổng thống Obama, cho biết: “Sự bùng phát bệnh viêm phổi gần đây ở Trung Quốc làm dấy lên những nghi vấn nghiêm trọng, và Tổ chức Y tế Thế giới đang đặt ra những nghi vấn đó.”
Ông nói thêm rằng, “Đã đến lúc phải từ bỏ những sự trì hoãn và lừa dối về COVID bởi vì thông tin minh bạch và kịp thời sẽ cứu được mạng người.” Ông nhắc đến những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm che đậy quy mô của đại dịch ở bên trong Hoa lục. “Hợp tác toàn diện với cộng đồng quốc tế không phải là một lựa chọn, mà là một yêu cầu bắt buộc vì sức khỏe cộng đồng. Liệu Bắc Kinh có tiến bộ hơn không?”
Ông R. Nicholas Burns, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, không đưa ra bình luận công khai nào về vấn đề này.
Các quan chức của ĐCSTQ tuyên bố rằng đợt bùng phát bí ẩn này không phải là kết quả của một loại virus mới mà là sự tổng hợp của các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma, cúm, hoặc RSV.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), vi khuẩn mycoplasma gây viêm phổi là một loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng nhẹ ở hệ hô hấp. Tuy nhiên, những vi khuẩn đó có thể gây nhiễm trùng phổi nghiêm trọng hơn đòi hỏi [người bệnh] cần được chăm sóc tại bệnh viện chẳng hạn như “viêm phổi nhẹ” (walking pneumonia), được các quan chức y tế mô tả là một dạng viêm phổi “không điển hình.”
Các bản tin từ Đài Loan cho biết có những hàng dài người và những phòng chờ đông đúc tại một số bệnh viện nhi, kể cả Bệnh viện Nhi Bắc Kinh. Và một số trường học ở Bắc Kinh được cho là cũng tạm ngưng các lớp học ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm.
Những người dùng mạng xã hội đến thăm các bệnh viện ở Bắc Kinh đã đăng tải video cho thấy cảnh những hàng dài người xếp hàng tại bệnh viện. The Epoch Times đã không thể xác nhận tính xác thực của những bài đăng đó.
Tình hình ở Trung Quốc làm dấy lên một cảnh báo trên ProMed, một hệ thống giám sát dịch bệnh vốn cũng từng gióng lên hồi chuông cảnh báo vào cuối năm 2019 ở Vũ Hán khi bệnh COVID-19 xuất hiện trên toàn cầu.
Đầu tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra tuyên bố nói rằng họ đang “theo dõi dữ liệu” từ các hệ thống giám sát do ĐCSTQ vận hành.
Tổ chức của Liên Hiệp Quốc này cho biết trong một tuyên bố: “Kể từ giữa tháng 10/2023, WHO đã và đang theo dõi dữ liệu từ các hệ thống giám sát của Trung Quốc cho thấy sự gia tăng bệnh về đường hô hấp ở trẻ em ở miền bắc Trung Quốc. Hôm nay, WHO đã tổ chức một cuộc họp từ xa với các cơ quan y tế Trung Quốc. Trong cuộc họp này, họ cung cấp dữ liệu được yêu cầu về bệnh hô hấp ở trẻ em ở miền Bắc Trung Quốc.”
“Dữ liệu cho thấy sự gia tăng về số lượng hội chẩn ngoại trú và nhập viện ở trẻ em do viêm phổi Mycoplasma kể từ tháng Năm, và RSV, adenovirus và virus cúm kể từ tháng Mười,” WHO cho biết thêm. “Một số mức tăng này xảy ra sớm hơn trong mùa dịch so với những gì đã xảy ra trong lịch sử, nhưng cũng không bất ngờ do các hạn chế về COVID-19 được dỡ bỏ, như đã xảy ra tương tự ở những quốc gia khác.”
Cả chính quyền Trung Quốc lẫn WHO từng phải đối mặt với những lời chỉ trích về sự tính minh bạch của họ trong việc báo cáo các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên cách đây vài năm. Vẫn còn nhiều nghi vấn về nguồn gốc của loại virus này, và các quan chức Trung Quốc đã chặn các cuộc điều tra phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho biết mọi người nên thận trọng trước nỗi lo sợ về một đại dịch toàn cầu khác.
Nhà virus học Tom Peacock đến từ Đại học Hoàng gia London từng theo dõi sát sao sự xuất hiện của các biến thể virus corona mới. Ông cho biết đã có sẵn những công cụ tốt để phát hiện “khá nhanh” bệnh cúm hoặc virus corona mới xuất hiện, vì vậy có vẻ như dịch bệnh này đã không thấy xuất hiện.”
Nhà nghiên cứu này nói với Reuters rằng “bệnh này có thể trở thành một thứ gì đó bình thường hơn hoặc là một sự kết hợp của nhiều thứ … chẳng hạn như COVID, cúm, RSV.”
Ông Brian McCloskey, một nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng cũng đã tư vấn cho WHO về COVID-19, nói với hãng thông tấn này, rằng, “Những gì chúng ta đang chứng kiến là hệ thống Các quy định Y tế Quốc tế của WHO đang hoạt động,” ý nói đến những luật lệ quản lý cách các quốc gia làm việc với WHO về những đợt bùng phát dịch bệnh tiềm tàng.
Ông nói thêm rằng, “Tôi sẽ không phản ứng một cách thái quá đến mức hoảng loạn vì đại dịch dựa trên những gì chúng ta biết cho đến nay, nhưng tôi sẽ rất quan tâm xem phản ứng của phía Trung Quốc với WHO, và xem đánh giá tiếp sau đó của WHO.”
Tuy nhiên, tuyên bố của WHO nói rằng họ khuyến nghị “người dân ở Trung Quốc tuân theo các biện pháp để giảm nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp, mà trong đó có việc chủng ngừa được khuyến nghị; giữ khoảng cách với những người bị bệnh; ở nhà khi bị bệnh; đi xét nghiệm và chăm sóc y tế khi cần thiết; đeo khẩu trang khi thích hợp; bảo đảm thông gió tốt; và rửa tay thường xuyên.”