Quan chức an ninh được bổ nhiệm làm giám đốc Văn phòng Liên lạc Hồng Kông
Ông Trịnh nổi tiếng với việc ra lệnh đàn áp người dân địa phương bằng quyền lực
Hôm 14/01, chính quyền Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong), cựu Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hồng Kông, lên thay thế cho ông Lạc Huệ Ninh (Luo Huining) làm giám đốc Văn phòng Liên lạc tại Hồng Kông.
Ông Trịnh là người đứng đầu Văn phòng Liên lạc đầu tiên có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực an ninh quốc gia, đồng thời Văn phòng Liên lạc kể trên đại diện cho chính quyền trung ương (Trung Quốc) ở Hồng Kông và thực hiện các mệnh lệnh của Bắc Kinh tại địa phương.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc thăng chức cho một người theo quan điểm cứng rắn như ông Trịnh cho thấy ĐCSTQ sẽ tiếp tục thắt chặt kiểm soát đối với Hồng Kông. Một số chuyên gia cũng tin rằng điều này hoàn toàn trái ngược với chiến lược khôi phục nền kinh tế gần đây của ĐCSTQ.
Lịch sử đàn áp
Vào ngày 30/06/2020, ĐCSTQ đã thi hành “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” tại Hồng Kông, và thành lập Văn phòng An ninh Quốc gia địa phương vào tháng Bảy cùng năm, do ông Trịnh làm giám đốc. Cơ quan này có quyền hạn tối cao ở Hồng Kông và một trong những trách nhiệm chính của cơ quan này là “chỉ thị các vấn đề an ninh quốc gia của Hồng Kông.” Trong hai năm qua, Cục An ninh Quốc gia của Cảnh sát Hồng Kông đã tích cực đàn áp những người bất đồng chính kiến. Cảnh sát an ninh nhà nước đã thanh trừng những người bất đồng chính kiến thông qua các vụ bắt giữ hàng loạt và đóng cửa các hãng thông tấn chỉ trích chính phủ.
Tháng 08/2020, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức và cựu quan chức của Hồng Kông và đại lục, và ông Trịnh là một trong số họ. Những người này bị buộc tội phá hoại quyền tự trị của Hồng Kông và hạn chế quyền tự do ngôn luận và hội họp của công dân Hồng Kông.
Theo thông tin được công khai, ông Trịnh, 59 tuổi, đến từ huyện Triều Nam, thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông. Các chức danh chính thức trong quá khứ của ông bao gồm tất cả các chức vụ quan trọng ở thành phố Sán Vĩ.
Ông Trịnh nổi tiếng với việc ra lệnh đàn áp người dân địa phương bằng quyền lực trong nhiệm kỳ làm bí thư thành ủy Sán Vĩ.
Cuối năm 2011, người dân ở làng Ô Khảm, huyện Lục Phong, thành phố Sán Vĩ đã tổ chức một cuộc biểu tình do đất của họ bị các thành viên của ủy ban làng bán trong các giao dịch tư nhân. Tuy nhiên, cuối cùng vấn đề này đã bị các quan chức ĐCSTQ đàn áp, và chín người dân làng Ô Khảm từng tham gia bảo vệ quyền lợi của họ đã bị kết án tù từ 2 đến 10 năm.
Ông Trịnh, bí thư thành ủy đương thời của thành phố Sán Vĩ, đã chỉ trích những dân làng này vì đã tiết lộ vụ việc với giới truyền thông ngoại quốc, nói rằng: “Nếu truyền thông ngoại quốc đáng tin cậy như vậy, thì heo nái cũng có thể leo cây,” người Trung Quốc có câu nói rằng heo có thể bay (chỉ những việc bất khả thi, chuyện hoang đường). Nhận xét này đã được các hãng thông tấn nhà nước của ĐCSTQ khen ngợi.
Trong nhiệm kỳ của mình với tư cách là Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, ông Trịnh đã công khai nhấn mạnh rằng “Hồng Kông thuộc về Trung Quốc một khi được trao trả,” đồng thời tuyên bố rằng “chúng ta không bao giờ được dung túng cho việc trao trả chỉ trên danh nghĩa, và vẫn nghĩ rằng Hoa Kỳ và Vương quốc Anh vẫn là ông chủ.”
Cuộc bổ nhiệm bất ngờ
Nhà bình luận chính trị Chu Hiểu Huy (Zhou Xiaohui) của The Epoch Times tin rằng ông Trịnh biết chính xác lý do tại sao ông được cử đến Hồng Kông. Đó là để cho cả quan chức địa phương Hồng Kông và người dân Hồng Kông biết rằng họ phải tuân theo chỉ thị của ĐCSTQ và ngừng tham gia vào việc theo đuổi “tự do và dân chủ.”
Bà Carole J. Petersen, một giáo sư luật tại Đại học Hawaii, nói với Wall Street Journal rằng việc bổ nhiệm ông Trịnh cho thấy Trung Quốc vẫn ưu tiên bảo đảm an ninh quốc gia của Hồng Kông hơn là giải quyết nền kinh tế đang chậm lại của thành phố này.
Tờ Wall Street Journal đã dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng việc thăng chức của ông Trịnh khiến ngay cả một số nhân viên của Văn phòng Liên lạc cũng phải ngạc nhiên. Đầu tiên họ nghĩ rằng ông Trần Đông, phó giám đốc Văn phòng Liên lạc có kiến thức về kinh tế, sẽ trở thành giám đốc mới. Tất cả các lãnh đạo trước đây của Văn phòng Liên lạc đều là những người có kinh nghiệm trong chính quyền cấp tỉnh, bộ phận ngoại giao, hoặc văn phòng chính sách Hồng Kông.
Đó là một quy luật bất thành văn rằng trong quá khứ, giám đốc Văn phòng Liên lạc là một ủy viên chính thức hoặc ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Nhưng ông Trịnh không phải là một thành viên của Ủy ban Trung ương lần thứ 20 của ĐCSTQ cũng như không có tên trong danh sách các thành viên dự khuyết.
Hôm 15/01, ông Thạch Sơn (Shi Shan), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng ông Trịnh chỉ có thể là một nhân vật chuyển tiếp. “Giám đốc Văn phòng Liên lạc lẽ ra phải là một ủy viên chính thức hoặc ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương, nhưng ông (Trịnh) chẳng là gì cả. Thứ hạng của ông ấy hơi thấp.”
Đối với ông Lạc Huệ Ninh (Luo Huining), năm nay 68 tuổi, đã từng giữ các chức vụ cao cấp hơn, chẳng hạn như bí thư tỉnh ủy Thanh Hải và tỉnh ủy Sơn Tây. Vào tháng 06/2019, sau khi phong trào “chống dẫn độ” quy mô lớn nổ ra ở Hồng Kông, ông Lạc đã trở thành Giám đốc Văn phòng Liên lạc của Chính quyền Nhân dân Trung ương vào tháng 01/2020 và Phó Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao vào tháng Hai cùng năm. Ông cũng từng là Cố vấn An ninh Quốc gia của Hội đồng An ninh Quốc gia.
Bình luận: Những người theo quan điểm cứng rắn không nên được chỉ định tham gia vào nền kinh tế
Ông Thạch cũng tin rằng: “Giờ đây ĐCSTQ nên tìm một người có thể thiết lập mối quan hệ và thỏa hiệp với tất cả các bên. Bởi vì ĐCSTQ muốn phục hồi nền kinh tế trong tương lai, và nếu muốn làm điều đó càng sớm càng tốt, thì họ phải tận dụng hết mức Hồng Kông. Tôi nghĩ rằng sau hai cuộc họp toàn thể của ĐCSTQ vào cuối năm nay, sẽ vẫn có những thay đổi về địa vị của ông Trịnh, cộng với một số thay đổi khác trong thời gian ngắn nữa.”
Trung Quốc hy vọng sẽ phục hồi sau tác động kinh tế của đợt bùng phát dịch COVID-19. Hiện tại, ít nhất 21 tỉnh ở Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng từ 5 đến 6.5% cho năm 2023. Nhiều tỉnh cho biết họ đã đặt mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng, hồi sinh khu vực tư nhân, và kích thích đầu tư vào sản xuất.
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của ĐCSTQ được tổ chức hôm 15-16/12/2022, “ổn định tăng trưởng” đã trở thành ưu tiên cao nhất, một sự thay đổi so với “ổn định việc làm” trước đây, vốn từng là ưu tiên số một, và hội nghị này không còn đề cập đến chính sách zero COVID nữa.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times