‘Quán cà phê đẹp nhất thế giới’ vẫn làm say lòng những người yêu thích cà phê sau 130 năm
Quán cà phê được mệnh danh là quán cà phê đẹp nhất thế giới này là một tuyệt tác kiến trúc theo phong cách chiết trung. Nhưng kiến trúc được trang trí lộng lẫy này không chỉ mang vẻ đẹp thẩm mỹ, mà còn là một địa danh mang tính biểu tượng của Hungary ở Budapest, mang bề dày lịch sử rực rỡ 130 năm bên trong những bức tường tráng lệ của nó.
Ra đời vào năm 1894, quán cà phê này là một phần của dự án xây dựng đầy tham vọng. Tòa nhà New York Palace được xây dựng ở trung tâm thành phố để làm trụ sở chi nhánh Hungary của Công ty Bảo hiểm New York. Được thiết kế theo phong cách Phục hưng Ý hùng tráng, nơi đây có hàng loạt chi tiết trang trí rực rỡ khiến khách hàng như du hành đến một thế giới xa hoa.
Nằm bên trong New York Palace, quán New York Café sở hữu trần nhà cao được trang trí bằng những bức bích họa và đèn chùm kiểu Venice lấp lánh, những cột đá cẩm thạch xoắn, và lan can mạ vàng đã làm say đắm những vị khách đầu tiên, nhanh chóng trở thành nơi tụ hội cho các hoạt động sáng tạo của Budapest. Các nhà văn, nghệ sĩ, và nhà thơ tụ tập để thư giãn, kết giao, suy ngẫm, và sáng tác; các nhà văn đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học mang tính biểu tượng nhờ vào bầu không khí và khung cảnh độc đáo của quán cà phê này.
Nơi đây không chỉ là chốn lui tới của những người thành đạt và nổi tiếng, mà đa dạng các nhóm nghệ sĩ, nhà văn, diễn viên, và nhạc sĩ cũng thường xuyên ghé thăm địa điểm tuyệt đẹp này, ngồi cạnh những văn nhân chủ chốt và giới thượng lưu. Theo Daily News Hungary, vì nhiều nhà văn và nhà thơ thời đó không thể chi trả cho các món từ thực đơn thông thường, quán cà phê đã nghĩ ra một đĩa gọi là “văn học nhỏ”: gồm các món đơn giản, giá thấp như giăm bông, xúc xích salami, và pho mát, thường được phục vụ miễn phí.
Một vị khách thường xuyên ghé quán, nhà văn Jenő Heltai, đã mô tả cảnh tượng này như sau:
“Ở quán New York mỹ lệ này, họ lau giày, ủi quần áo, cạo râu, và cắt tóc cho bạn thậm chí [đến tận] tối muộn. Quán là một nơi làm việc, một bàn viết và một nơi nghỉ ngơi qua đêm trong những thời điểm khó khăn, vì bạn có thể ở lại quán đến lúc bình minh.
“Với tất cả vẻ sang trọng của mình, đó là một quán cà phê dân chủ. Không ai có thể cưỡng lại được nét quyến rũ ấy. Bên trong đó, mọi người đều biết nhau. Người hầu bàn phục vụ bạn ngay lập tức mà không cần gọi món.”
Ngoài ra, những khách hàng nào có ý định viết lách sẽ được tặng “kutanyelv,” nghĩa là “lưỡi chó” (một tờ giấy dài), một lọ mực, và một tách cà phê đen. Giai thoại về quán New York Café kể rằng tục lệ này chỉ dừng lại khi một nhà văn nổi tiếng, ông Karinthy, làm đổ mực lên một trong những chiếc sofa sang trọng.
Các bồi bàn chu đáo thậm chí còn đưa aspirin cho những nghệ sĩ say xỉn, đặc biệt là có một bồi bàn trưởng, ông Gyula Reisz, đã tạo mối quan hệ bền chặt với các khách quen.
Trong những năm sau đó, một nhân vật đáng chú ý làm việc tại quán cà phê xa hoa này cũng thể hiện sự yêu mến tương tự đối với nhóm khách hàng sáng tạo của quán. Cô Irénke Rózsáné là người bảo dưỡng vệ sinh cho khu nhà vệ sinh, không bao giờ tính phí sử dụng cho các biên tập viên của tạp chí mà cô ưa thích. Đổi lại, cô được tặng bản sao mới nhất của tạp chí “Nyugat,” hay “West”.
Đến đầu những năm 1900, New York Cafe đã xác lập chỗ đứng vững chắc là quán cà phê văn học ở Budapest. Thời kỳ hoàng kim này tiếp tục kéo dài trong suốt những năm 1920 và 1930 trước khi tòa nhà Art Nouveau trên Đại lộ Grand của thành phố bị thiệt hại nặng nề trong Đệ nhị Thế chiến. Trớ trêu thay, nơi đây được dùng làm nơi bán thịt ngựa và mật rỉ đường.
Sau chiến tranh, một cửa hàng đồ thể thao cùng một đại lý du lịch đã dời đến đây, và mãi đến những năm 1950, tòa nhà này mới trở về lại là một quán cà phê. Việc thay đổi chế độ ở Hungary vào năm 1989 đã thổi bùng lên cuộc thảo luận rằng tòa nhà xinh đẹp này nên được dùng vào mục đích gì; các ý tưởng bao gồm một trung tâm văn hóa hay Nhà hát Quốc gia. Sau những năm tháng mòn mỏi không có hướng đi rõ ràng, nơi đây đã được một tập đoàn khách sạn sang trọng của Ý mua lại, và bắt đầu khôi phục vẻ huy hoàng trước đây.
Ngày nay, 129 năm sau lần đầu tiên mở cửa, tòa nhà New York Palace và quán New York Café đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với cả người dân Budapest và du khách. Trải nghiệm đến địa chỉ nổi tiếng này thường được ví như dùng bữa trong cung điện. Bầu không khí thanh bình được tạo ra bởi một nghệ sĩ piano và nhóm tứ tấu đàn dây, và các sự kiện văn học được tổ chức để bày tỏ lòng trân trọng đối với lịch sử.
Có hàng trăm quán cà phê ở Budapest được mở cửa từ đầu thế kỷ này, nhưng không có quán nào mang vẻ lộng lẫy huy hoàng bằng New York Café. Thật vậy, văn hóa dân gian Hungary kể rằng một ngày nọ, nhà văn Ferenc Molnár và những người bạn của ông đã ném chìa khóa quán cà phê này xuống dòng sông Danube để cánh cửa của quán mãi được mở ra.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times