‘Quá nhiều nỗi sợ hãi’ khiến cô gái 9x chạy trốn khỏi Tây Tạng cộng sản
Cô Amor Deng, một người Trung Quốc sinh vào những năm 1990, tin vào Phật giáo Tây Tạng. Vì công việc nên trong những năm gần đây cô sống ở Tây Tạng, cho đến khi gia đình cô chuyển đến Los Angeles hồi năm ngoái.
“Tôi rất yêu Tây Tạng. Ở đó có cảnh sắc núi non sông hồ đẹp đẽ, dân tình thuần phác. Tình yêu của tôi với mảnh đất này không kém gì quê hương.” Tuy nhiên, 5 năm qua đã để lại cho cô Amor “quá nhiều nỗi sợ hãi.” Cô nói với ký giả ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Đó là một nơi hoàn toàn không có dân chủ, không có nhân quyền, không có tự do tôn giáo, mà là nơi có nhiều quân đội và cảnh sát nhất.”
Chân dung lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện diện khắp nơi
Khi đến Tây Tạng vào đầu năm 2019, cô Amor đã rất ngạc nhiên: trên khắp các đường phố đều có những bức chân dung rất lớn của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình (Xi Jinping,) cao gần bằng một chiếc xe buýt. Chính quyền yêu cầu các tín đồ Phật giáo khi thờ cúng bái Phật cũng phải cung phụng, bái lạy lãnh đạo đảng. Do đó, trên bàn thờ của mỗi gia đình Tây Tạng đều có ảnh chân dung của ông Mao Trạch Đông (Mao Zedong) và ông Tập Cận Bình.
Hình ảnh người lãnh đạo đảng đã làm xói mòn sâu sắc cuộc sống của người dân Tây Tạng, vượt qua sự tưởng tượng của người bình thường. Có một lần, cô Amor lái xe trong vài giờ đến một khu chăn nuôi để mua nông sản. “Ở đó hoàn toàn không có tín hiệu điện thoại di động, gần như cách ly với thế giới.” Trong những ngôi nhà hay túp lều đổ nát, dưới ánh đèn dầu mờ ảo, cô vẫn nhìn thấy bức chân dung ông Mao Trạch Đông treo ở đó.
Cô nói: “Ở một nơi xa xôi hẻo lánh như vậy, người ta cũng yêu cầu quý vị phải treo ảnh chân dung của lãnh đạo ĐCSTQ. Tôi thấy điều đó rất, rất nực cười.”
Những Phật tử “mất tích”
Đồng thời, Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần được người Tây Tạng tôn kính, lại là điều cấm kỵ lớn nhất ở Tây Tạng. Cô Amor nói: “Ở Tây Tạng có quy định rõ ràng rằng không được nhắc một lời nào về Đức Đạt Lai Lạt Ma, không được thờ phượng ảnh, không được đăng, truyền tải hoặc xem bất kỳ video nào về ông.”
Cô nhớ vào năm 2022, tại một vùng quê cách xa thủ đô Lhasa, một bé gái bảy, tám tuổi đã chuyển một đoạn video về Đức Đạt Lai Lạt Ma lên TikTok và bị cảnh sát Lhasa phát hiện. Thế là, cảnh sát Lhasa đã lái xe trong 7~8 giờ đồng hồ để bắt cô bé và hỏi tại sao cô bé đăng video này. Cô bé nói: “Con nhớ Đức Đạt Lai Lạt Ma.” Từ đó trở đi không ai còn nhìn thấy cô bé nữa.
“Tôi cảm thấy rất đau lòng.” Cô Amor cho biết, khu chợ nơi cô kinh doanh thỉnh thoảng cũng lan truyền tin tức tương tự: đột nhiên không tìm thấy người đang kinh doanh ở tầng hai nữa. Mọi người đều biết rằng người mất tích hoặc ai đó trong gia đình có thể đã nhắc đến Đức Đạt Lai Lạt Ma trong cuộc trò chuyện, và kể từ đó người này đã biến mất.
Cô Amor nói, người Tây Tạng rất kính trọng Đức Đạt Lai Lạt Ma nhưng lại không thể biểu hiện ra ngoài, “nội tâm họ vô cùng kìm nén.”
Đồn cảnh sát khắp nơi
Cô Amor nói rằng ở Tây Tạng, quý vị cũng sẽ có cảm giác rõ ràng: khắp nơi đều có binh lính hoặc cảnh sát. Các đồn cảnh sát phân bố dày đặc. Ở thành phố, cách vài phút lái xe sẽ có một đồn cảnh sát. Ở nông thôn cũng có đồn cảnh sát giữa các làng.
“Bên cạnh chợ chỗ tôi ở có một đồn cảnh sát, lái xe hai ba phút có một đồn cảnh sát khác, chạy chừng năm phút lại có một cái nữa.” Cô nói: “Nơi đầu tiên phải đi qua khi vào khu trung tâm quận là đồn cảnh sát.”
Trong ký ức của cô Amor, khi đi từ thị trấn cô ở đến Lhasa phải qua vô số đồn cảnh sát. Đi đến đâu, cô cũng phải xuống xe để kiểm tra chứng minh nhân dân, nhận dạng khuôn mặt, kiểm tra an ninh, v.v. “Cảnh sát quá nhiều, quý vị đi vài bước là có thể chạm mặt họ.”
Cảnh sát thường gọi các doanh nghiệp và người dân đến “hội họp” để giảng giải. Nội dung thường là cảnh báo mọi người: “Đừng đi gặp người này người kia (lãnh đạo tôn giáo), ở đây chúng tôi đều có giám sát.” Cô nói rằng có những cuộc họp nhỏ liên tục, những cuộc họp lớn thì thường xuyên. Trong cuộc họp, người dân và doanh nghiệp phải đứng thành hàng theo yêu cầu của cảnh sát, đồng thời cam đoan rõ ràng với cảnh sát rằng bản thân sẽ không đàm luận về vấn đề tôn giáo.
Nếu có cuộc họp nhỏ, cảnh sát hoặc cảnh sát giao thông sẽ trực tiếp gọi cho quý vị. “Tôi đã rất hoảng sợ khi bị gọi đến, tôi vô cùng sợ hãi.” Cô Amor nói: “Chúng tôi cần xem anh ta như một người lãnh đạo, cần nói với cảnh sát rằng: ‘Vâng, thưa lãnh đạo, tôi chắc chắn sẽ tuân thủ quy định của các anh.’” Ở đó, ngay cả cảnh sát giao thông cũng là “lãnh đạo” của người dân hoặc doanh nghiệp.
“Chính quyền đều đang theo dõi”
Ngoài đồn cảnh sát, camera còn có ở khắp mọi nơi. “Ngay cả quán trà nơi chúng tôi thường đến cũng có camera, tất cả đều được kết nối với chính quyền địa phương.” Cô cho biết, mọi người đã hình thành thói quen nói nhỏ và trước tiên kiểm tra xem có camera không. “Chính quyền đều đang theo dõi. Nếu quý vị nói về những điều họ (ĐCSTQ) không cho phép nói đến, thì quý vị có thể không gặp được tôi vào ngày mai.”
“Ngay cả khi nói chuyện riêng ở nhà, chúng tôi cũng nói nhỏ, sợ hàng xóm nghe thấy và báo cáo. Một khi bị báo cáo, không chỉ có mỗi quý vị bị bắt mà cả gia đình của quý vị cũng có thể bị bắt. Đây là một điều rất thực tế.” Cô nói: “Chúng tôi không dám nói về tự do ngôn luận, tự do tôn giáo ở Trung Quốc, căn bản là không dám nghĩ đến vấn đề này một chút nào.”
Hàng năm, cô Amor và gia đình sẽ quay về Chiết Giang hoặc Thượng Hải để sống một thời gian, nhưng cô vẫn cảm thấy bản thân là một người Tây Tạng. Cô không thể nói với người thân và bằng hữu ở Thượng Hải về những điều này, “họ không hiểu.”
“Thành thật mà nói, nếu tôi không ở Tây Tạng thì tôi đã không có được nhận thức như thế này.” Tuy nhiên, sự áp bức tinh thần ngày qua ngày khiến cô rơi vào hoảng loạn, nội tâm vô cùng giày vò. Cuối cùng, cô không còn cách nào khác là phải đào thoát.
Sau khi đến Hoa Kỳ, cô Amor rất vui mừng: “Cuối cùng tôi cũng có thể nói to rồi.” Cô đã quen với việc đè nén trái tim mình một cách sâu sắc, cô có “cảm giác thư thái chưa từng có,” “cảm giác thở cũng là tự do.”