Phong tỏa kéo dài của Trung Quốc gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng ở phương Tây
Các bệnh viện ở Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng báo động cao, với một số bác sĩ đang phải ưu tiên những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do đợt phong tỏa COVID-19 kéo dài ở Thượng Hải đã gây ra tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu về hóa chất dùng trong lĩnh vực hình ảnh y khoa.
Đầu tháng này, một số bệnh viện lớn nhất của Hoa Kỳ cho biết họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đáng kể các sản phẩm thuốc cản quang có chứa i-ốt, loại thuốc nhuộm được cung cấp cho bệnh nhân để các cơ quan nội tạng và mạch máu của họ có thể được kiểm tra bằng cách chụp CT, chiếu tia X, và chụp X quang.
Nguồn cung giảm dần là do sự đóng cửa tạm thời của cơ sở sản xuất của bộ phận chăm sóc sức khỏe của General Electric ở Thượng Hải, một trung tâm thương mại đã bị phong tỏa trong gần hai tháng. Theo một tuyên bố hôm 05/05, mặc dù nhà máy đã được phép dần dần hoạt động trở lại, Hiệp hội Bệnh viện Đại New York cảnh báo rằng nguồn cung giảm 80% có thể kéo dài đến cuối tháng Sáu.
Một số bệnh viện đã bắt đầu tiết chế việc sử dụng thuốc nhuộm y tế. Ví dụ, theo một tuyên bố hôm 07/05, Đại học Alabama tại Hệ thống Y tế Birmingham cho biết họ đã kích hoạt một biện pháp đối phó nhằm hạn chế mạnh việc cấp thuốc cản quang tĩnh mạch để giải quyết tình trạng thiếu hụt. Những nỗ lực này có nghĩa là các bác sĩ đang ưu tiên những việc kiểm tra khẩn cấp và hoãn các xét nghiệm tùy chọn.
Các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ không phải là đơn độc trong việc cảm nhận những hậu quả kinh tế. Từ Apple, Microsoft, và Tesla, cho đến Adidas, Estée Lauder và Starbucks, các công ty toàn cầu đã cảnh báo về tác động lan tỏa của việc phong tỏa COVID-19 kéo dài của Trung Quốc.
Khi biến thể Omicron đang phát triển nhanh chóng lan rộng khắp đất nước, các thành phố của Trung Quốc, từ lớn đến nhỏ, đã áp đặt nhiều mức độ hạn chế khác nhau theo chính sách “zero-COVID” của chính quyền. Đợt phong tỏa lớn nhất ở Thượng Hải đã khiến nhiều người trong số 25 triệu cư dân của thành phố phải chịu đựng tình trạng thiếu lương thực. Các quan chức hôm 15/05 cho biết thành phố đã bắt đầu mở cửa trở lại, nhưng người dân cho hay họ vẫn chưa thể bước ra khỏi nhà.
Theo ước tính của ngân hàng Nhật Bản Nomura, kể từ ngày 10/05, khoảng 41 thành phố trên khắp Trung Quốc đã bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ, chiếm gần 30% sản lượng kinh tế Trung Quốc.
Sản xuất bị gián đoạn
Với việc công nhân nhà máy và người tiêu dùng mắc kẹt ở nhà và nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng trưởng xuất cảng của Trung Quốc tháng trước ở mức thấp nhất trong hai năm. Hải quan Trung Quốc đưa tin vào ngày 09/05, xuất cảng tính theo USD đã giảm tốc xuống 3.9% trong tháng Tư so với một năm trước đó, giảm từ mức tăng 14.7% trong tháng Ba.
Các số liệu ì ạch từ lĩnh vực thương mại, chiếm khoảng 1/3 tổng sản phẩm quốc nội, đã thêm vào một loạt các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Các cuộc khảo sát trong ngành cho thấy hoạt động của nhà máy đã thu nhỏ với tốc độ nhanh hơn trong tháng Tư.
Chính quyền Trung Quốc hứa sẽ cho phép một số doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trong một hệ thống được gọi là hệ thống “vòng khép kín,” nơi người lao động sống tại nơi họ làm việc. Nhưng theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc được công bố hôm 12/05, chỉ có 19% trong số 460 công ty của Đức có giấy phép hoạt động trong những điều kiện như vậy. Trong số những công ty được phép sản xuất trong điều kiện bị phong tỏa, các cơ sở đang hoạt động chưa đến một nửa công suất trung bình.
Ông Maximilian Butek, giám đốc điều hành của phòng thương mại Đức, cho biết trong một tuyên bố: “Không thể chấp nhận những kiểu sản xuất theo vòng khép kín như một giải pháp lâu dài cho các công ty Đức hoạt động tại Trung Quốc.”
Cuộc khảo sát chớp nhoáng này, lặp lại kết quả phát hiện gần đây của các nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ và Âu Châu tại Trung Quốc, đã nhấn mạnh những dấu hiệu cho thấy nhân viên ngoại quốc ngày càng có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc do chiến lược COVID-19 nghiêm ngặt của chính quyền.
Các nhà đầu tư thận trọng
Theo một số cuộc khảo sát của các nhóm vận động hành lang ngoại quốc, việc hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt và hệ quả về sự hỗn loạn đối với chuỗi cung ứng đã làm lung lay niềm tin của các doanh nghiệp ngoại quốc.
Một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho thấy hơn một nửa trong số 121 thành viên của tổ chức này đã trì hoãn hoặc giảm các khoản đầu tư do kết quả của việc phong tỏa. Theo cuộc thăm dò được tiến hành từ cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm, khoảng 51% đã giảm dự báo doanh thu trong năm.
Chủ tịch AmCham tại Trung Quốc Colm Rafferty cho biết trong tuyên bố: “Dự báo doanh thu năm nay giảm, nhưng đáng lo ngại hơn là các thành viên không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.”
Một bức tranh ảm đạm hơn được vẽ bởi các doanh nghiệp Âu Châu ở Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Âu Châu tại Trung Quốc công bố hôm 05/05, số lượng công ty cân nhắc chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc đạt tỷ trọng cao nhất trong một thập niên.
Cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối tháng Tư cho thấy gần một phần tư trong số 372 người được hỏi đang xem xét chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc đã có kế hoạch ra khỏi Trung Quốc, nhiều hơn gấp đôi so với con số hồi đầu năm. Khoảng 60% doanh nghiệp đã cắt giảm dự báo doanh thu kinh doanh của họ trong năm nay, trong khi 92% cho biết họ đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa cảng gần đây, sự sụt giảm trong vận chuyển hàng hóa đường bộ, và chi phí vận tải biển tăng.
Ông Frank Tian Xie, phó giáo sư marketing tại Đại học Nam Carolina – Aiken, cho biết chính sách zero-COVID của Trung Quốc là giọt nước làm tràn ly với nhiều nhà đầu tư ngoại quốc, những người đã phải đối mặt với những khó khăn như xung đột thương mại và môi trường kinh doanh đang xấu đi.
Những phản ứng mạnh hơn
Tại cuộc họp hôm 05/05 của cơ quan quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thường vụ Bộ Chính trị, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cảnh báo đối với bất kỳ ai chỉ trích, chất vấn, hoặc xuyên tạc chính sách Zero-COVID của chính quyền.
Theo hãng tin chính thức Tân Hoa xã, ông Tập nói: “Chúng ta đã thắng trong trận chiến bảo vệ Vũ Hán. Chúng ta chắc chắn có thể giành chiến thắng trong trận chiến để bảo vệ Thượng Hải vĩ đại hơn.”
Các nhà kinh tế đã nhiều lần cảnh báo về những hậu quả của các quy định nghiêm ngặt về COVID-19. South China Morning Post đưa tin, nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc Từ Kiến Quốc (Xu Jianguo) cảnh báo tại một hội thảo trực tuyến hôm 08/05 rằng tác động kinh tế của đợt bùng phát mới nhất nghiêm trọng hơn gấp 10 lần so với hồi đầu năm 2020, khi chính quyền ban đầu phong tỏa Vũ Hán.
Ông ước tính các biện pháp hạn chế, bao gồm phong tỏa và hạn chế đi lại, đã tiêu tốn của Trung Quốc 2.68 ngàn tỷ USD trong năm nay, báo cáo cho biết.
Theo ông Từ, ngay cả khi các nhà đầu tư ngoại quốc đe dọa rút vốn và suy thoái kinh tế có thể xảy ra, chính quyền cộng sản sẽ không từ bỏ chính sách Zero-COVID của mình, vì duy trì quyền lực là ưu tiên hàng đầu của họ. Ông nói rằng trong trường hợp xấu nhất, Trung Quốc có thể trở lại là một nền kinh tế kế hoạch.
Ông Gordon Chang, tác giả và là một thành viên cấp cao của Viện Gatestone, cho biết ông Tập có khả năng sẽ mở rộng chính sách Zero-COVID của mình nếu ông bảo đảm được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ tại một cuộc họp quan trọng của đảng vào mùa thu này.
Ông Chang nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times: “Trung Quốc quyết tâm áp dụng tư tưởng con người chiến thắng thiên nhiên của ông Mao Trạch Đông. Biện pháp đó chỉ vô dụng.”
Cô Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times có trụ sở tại Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của Donna He và Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: