Phong tỏa, đóng cửa, và sự xói mòn ý thức đạo đức
Cuối tuần trước, một đứa trẻ 18 tuổi đã khệ nệ mang một món vũ khí lợi hại vào một tiệm tạp hóa ở Buffalo, New York và bắt đầu xả súng vào mọi người vì sắc tộc. Mười ba người đã thiệt mạng. Mục tiêu của cậu ta là bắt đầu một cuộc chiến tranh sắc tộc, dựa trên các cuốn sách viễn tưởng đã truyền cảm hứng cho những người lãnh đạo tinh thần trên mạng của cậu ta. Cậu ta đã phát trực tuyến cuộc tàn sát đó và để lại một bản tuyên ngôn giải thích về những động cơ của mình. Hệ tư tưởng của cậu ta – vốn đã thấm nhuần và là khởi nguồn cho những tội ác diệt chủng — là những lời vô nghĩa ma quỷ mà những đứa trẻ có tính cách không ổn định tìm thấy trên mạng internet khi chúng đang kiếm tìm sứ mệnh và ý nghĩa nhân sinh.
Tại sao đứa trẻ đó lại để cho bộ não của mình bị đầu độc theo cách này? Cậu ta là một học sinh cuối cấp trung học khi các trường học trong thị trấn của cậu bị chính phủ đóng cửa, từ tháng 03/2020 đến hết tháng Chín. Điều này chia cắt cậu ấy khỏi các bạn đồng trang lứa, cuộc sống xã hội bình thường và hiệu ứng văn minh mà chúng có. Cậu ta đã sống trên mạng trong sự cô đơn lẻ loi.
Cậu ta thừa nhận điều này trong “bản tuyên ngôn” nổi loạn của mình.
“Trước khi bắt đầu, tôi sẽ nói rằng tôi sinh ra không phải là người phân biệt chủng tộc cũng như lớn lên để trở thành người phân biệt chủng tộc. Tôi chỉ đơn giản là trở thành một người phân biệt chủng tộc sau khi tôi biết được sự thật. Tôi bắt đầu đọc [trang web] 4chan hồi tháng 05/2020 sau nỗi buồn chán tột bực, hãy nhớ rằng đây là lúc đại dịch covid bùng phát … Tôi thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy thông tin này cho đến khi tôi tìm thấy các trang web đó, vì hầu hết là tôi sẽ đọc tin tức từ trang đầu của Reddit. Lúc đó tôi không quan tâm, nhưng khi tìm hiểu nhiều hơn, tôi đã nhận ra tình hình nghiêm trọng như thế nào. Cuối cùng tôi không thể chịu đựng được nữa, tôi tự nhủ rằng cuối cùng tôi sẽ tự sát để thoát khỏi số phận này. Chủng tộc của tôi chắc chắn phải chịu sự tận diệt và tôi không thể làm gì hơn được.”
Những lời này phản ánh bệnh lý nghiêm trọng. Các cuộc khảo sát gần đây về những người bị buộc phải cách ly vì covid đã phát hiện ra rằng khoảng 30% trong số họ phát triển các triệu chứng mạnh của PTSD (Post-traumatic stress disorder, rối loạn stress sau sang chấn) trong nhiều tuần. Trong trường hợp này, một đứa trẻ vốn đã mất cân bằng đã tìm thấy ý nghĩa cá nhân thông qua nhận thức về bản sắc “chủng tộc” của chính mình. Cậu ta đã tạo ra cảm giác thân thuộc thông qua sự đoàn kết giả tạo trong tưởng tượng với những người khác trong bộ tộc của mình. Các bước tiếp theo rất rõ ràng: sự ma quỷ hóa của những người khác, những người bị đổ lỗi cho cảnh ngộ của cậu ta, việc tạo một sứ mệnh, và cổ xúy những khao khát bạo lực của chính cậu ta. Hệ tư tưởng kỳ cục mà cậu ta áp dụng là sự thay thế cho những gì cậu ta đã mất hoặc chưa bao giờ có.
Sự gián đoạn của việc đóng cửa và cách ly đã ảnh hưởng đến hàng triệu người khác tuy không có kết quả tương tự nhưng có xu hướng đó: mọi người bị cướp đi tâm điểm đạo đức và sự minh bạch về ý nghĩa cuộc sống. Theo thuật ngữ của [nhà thần kinh học Sigmund] Freud, hai năm qua đã tạo ra mọi con đường để bản năng nguyên thủy thay thế bản ngã, bao gồm các chuẩn mực xã hội, thực tế xã hội, nghi thức và quy tắc khi quyết định cách cư xử.
Sự thay thế này không thể để lại gì ngoài bản năng được thúc đẩy bởi sự phẫn uất và hận thù. Cùng với điều này là việc tìm kiếm “những người khác” để đổ lỗi cho mọi vấn đề. Cho dù đó là bản sắc chủng tộc, những kẻ lệch lạc chính trị, những người không tuân thủ quy định về covid, những người không chích ngừa, hay tạo nên bất kỳ danh mục nào khác, chúng ta đều thấy động lực giống nhau trong việc: nỗ lực bêu xấu, loại trừ, làm mất nhân tính và cuối cùng là loại bỏ.
Hành vi của đứa trẻ này chỉ là một dấu hiệu, một cột mốc, một ví dụ điển hình về sự mất tâm điểm đạo đức. Đó cũng là một lời cảnh báo. Hơn hàng triệu người khác đã bị ảnh hưởng như vậy, vì chúng ta đã mất hai năm, không chỉ về giáo dục, mà còn về các cơ hội xã hội hóa. Các mạng lưới đã bị phá vỡ. Sự mong đợi rằng cuộc sống có thể ổn định và tốt đẹp, và luôn luôn sẽ như thế, đã tan biến đối với nhiều người của cả một thế hệ. Ngay cả Tổng Y sĩ cũng đã bình luận về cuộc khủng hoảng của một thế hệ, dĩ nhiên là không nhận định những nguyên nhân rõ ràng nhất.
Những thứ gì giải phóng cái bản năng nguyên thủy theo định nghĩa của Freud luôn ở bên dưới bề mặt này? Điều gì phá vỡ rào cản được tạo ra bởi sự thăng hoa? Sự cô lập. Tuyệt vọng. Sự tước đoạt. Điều này có liên quan đến sự phá vỡ của các mối liên kết xã hội (thông qua “giãn cách xã hội”) và cũng như sự mất mát về vật chất. Những điều này khiến cho hy vọng tan biến. Một tương lai hạnh phúc dường như có dấu hiệu không thể đạt được, và do đó, mất đi mong muốn thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Thay vào đó, tâm lý đảo ngược diễn ra: hành xử theo cách nguyên thủy, mất phương hướng xã hội, và bạo lực.
Ông Freud là một người hướng dẫn tốt cho quá trình bi thảm này, nhưng để thấy đầu còn lại của quang phổ đạo đức, chúng ta có thể chuyển sang tác phẩm bậc thầy của Adam Smith “Lý thuyết về Tình cảm Đạo đức” (“The Theory of Moral Sentiments”). Tác phẩm nặng về việc phân tích ý nghĩa của cảm giác đồng cảm, và không chỉ để cảm nhận nó, mà còn dựa vào nó đến mức mà hạnh phúc của chính chúng ta được kết nối với niềm tin rằng những người khác cũng đang trải qua một điều gì đó giống như một cuộc sống tốt đẹp.
Điều gì dần thấm nhuần ý thức cao cả hơn này trong tâm trí chúng ta? Đó là trải nghiệm thực tế của việc phụ thuộc vào người khác và tìm thấy giá trị trong lao động, năng suất, đóng góp cho đời sống cộng đồng và thấy được hạnh phúc của chính mình như gắn liền với số phận của những người khác. Đây là điều mà thị trường và quá trình xã hội hóa khuyến khích: dần dần công nhận rằng những người khác, và thực sự là tất cả mọi người, đều đáng được đối xử với phẩm giá và sự tôn trọng.
Việc phổ cập ý thức này không bao giờ được hoàn thiện, nhưng khi nền văn minh và thịnh vượng phát triển, chúng ta đang tiến dần tới mục tiêu đó. Đây là những gì mang lại cho chúng ta cuộc sống tốt hơn bao giờ hết. Nếu không có ý thức này, chúng ta rất có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng man rợ theo cách cuốn “Chúa ruồi” (“The Lord of the Flies”) mô tả. Điều này đặc biệt đúng trong những năm đầy biến động của tuổi trẻ, khi việc tìm kiếm ý nghĩa đang diễn ra sôi nổi và tâm trí dễ uốn nắn theo cả những hướng tốt đẹp và nguy hiểm.
Tước đoạt đi cộng đồng và quý vị lấy đi thứ thấm nhuần một cảm giác đồng cảm theo cách mô tả của ông Smith, vốn mở rộng từ lương tâm được sự xã hội hóa tôi rèn. Tất cả những điều này còn tùy thuộc vào thị trường vận hành và trật tự xã hội. Nếu không có điều đó, sức khỏe tâm thần suy giảm có thể dẫn đến sự bùng phát bạo lực và thậm chí là tội ác diệt chủng.
Thế giới có thể bị phá vỡ
Giống như quý vị, tôi không bao giờ muốn sống trong một xã hội đang ngày càng lún sâu vào sự suy đồi đạo đức. Cùng với đó, chắc chắn là sự sụt giảm thịnh vượng chung.
Nhiều năm trước, tôi đang ăn trưa với một trong những nhà kinh tế học vĩ đại, người đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về tự do kinh tế trên toàn thế giới. Ông ấy đã phát triển các thước đo để định lượng sự tiến bộ này và xếp hạng các quốc gia. Tôi đã hỏi ông ấy một câu hỏi quan trọng, liệu có bao giờ ở phương Tây chúng ta có thể đánh mất những gì chúng ta coi là đương nhiên, và thấy mình quay trở lại với những cách thức nguyên thủy hơn bao giờ hết, cuối cùng mất cả tự do và thịnh vượng hay không.
Câu trả lời của ông ấy đến nhanh chóng: cơ hội cho điều đó gần như bằng không. Các thị trường quá phức tạp, luật pháp hầu hết là tốt đẹp, và nhân loại đã học được con đường đúng đắn. Những nền tảng của nền văn minh mạnh mẽ đến mức cần phải có một nỗ lực to lớn để phá vỡ chúng. Mọi người sẽ không bao giờ ủng hộ điều đó. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe điều này và tiếp tục với những phương pháp ngây thơ của mình.
Hai năm trước, vào mùa xuân, sự tin cậy vào tương lai này đã tan vỡ. Một người bạn vừa mới mô tả điều đó với tôi như một cơn ác mộng đang diễn ra trong thời gian thực, khi giới tinh anh thống trị chơi đùa một cách cẩu thả với các quyền và tự do thiêng liêng, trong khi làm tiêu tan rất nhiều thứ mà phải mất hàng trăm năm để tạo dựng.
Hậu quả của việc đóng cửa và phong tỏa bắt buộc là ảnh hưởng đến mọi khía cạnh quanh chúng ta. Đó không chỉ là về những mất mát trong hoạt động giáo dục, mất lạc quan, sức khỏe giảm sút, lạm phát, tài chính suy yếu, kệ hàng trống rỗng và sinh mạng bị rút ngắn. Trên hết, đó là về sự suy giảm ý thức đạo đức của xã hội.
Chúng tôi đã chứng kiến các công chức làm những việc không thể tưởng tượng được — nhốt mọi người trong nhà của họ, đóng cửa trường học và nhà thờ, đóng cửa các địa điểm vui chơi và trị liệu, ngăn cấm mọi người vào các cơ sở công cộng dựa trên tình trạng vaccine — và điều đó đã gửi một thông điệp đến tất cả những người khác.
Chúng ta đã trải qua hơn hai năm cô lập, tách biệt, chia rẽ, loại trừ và làm mất nhân tính. Thông điệp: không còn quy tắc nào dựa trên sự bình đẳng và các quyền. Những gì chúng ta từng nghĩ là quan trọng nay không còn thực sự quan trọng nữa. Sự thay thế không phải là tư duy hợp lý mà là chủ nghĩa nguyên thủy và tư duy phá hoại.
Điều này có thể trở nên tồi tệ đến mức nào?
Nhiều người hiện đang đặt câu hỏi về điều không thể tưởng tượng được: việc này có thể trở nên tồi tệ đến mức nào?
Các cuộc thăm dò nói rằng mối quan tâm số một của người dân Hoa Kỳ ngày nay là lạm phát, một kết quả của sự phát triển trực tiếp từ chính sách đại dịch tồi tệ. Chúng ta có các ví dụ từ lịch sử về cách các lực lượng như lạm phát có thể thúc đẩy quá trình suy thoái nhanh chóng. Venezuela là một ví dụ điển hình: một đất nước thịnh vượng và văn minh rơi xuống vực thẳm khi đồng tiền mất giá trị, sau đó xã hội dân sự cũng sụp đổ. Đức và Nga cũng thế. Một hoặc hai việc làm sai có thể gây ra rạn nứt trong đời sống văn minh, khiến toàn bộ trật tự xã hội bị đặt vào hoàn cảnh mà những điều không tưởng được thực hiện.
Điều kinh hoàng và đáng sợ khi chiêm nghiệm là có bao nhiêu việc sai trái xảy ra cùng một lúc. Chất lượng của đồng tiền đã bị ảnh hưởng rất lớn và có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa. Nhưng chúng ta cũng gặp khủng hoảng về y tế, suy giảm tâm lý, mất mát lớn trong học tập, phụ thuộc vào sự bố thí của chính phủ, mất tinh thần làm việc, tư tưởng nổi dậy chống lại các nguyên lý căn bản của chủ nghĩa tự do truyền thống, cuộc nổi dậy chống lại tôn giáo, phủ nhận sinh học và khoa học căn bản, sự mất niềm tin hoàn toàn vào giới tinh anh, tôn thờ chiến tranh, ngay cả khi nhà nước hành chính cùng với giới tinh anh trí thức vẫn nắm vững quyền kiểm soát đối với bộ máy quyền lực ở tất cả các cấp.
Đây là một sự pha trộn vô cùng nguy hiểm, đến nỗi khó có thể tìm ra những tiền lệ trong lịch sử. Ý thức đạo đức của chúng ta đang bị lu mờ từng ngày. Chúng ta đang quen với việc tội phạm gia tăng, sức mua giảm, mất cơ hội, mất hy vọng vào tương lai, xã hội ngày càng hỗn loạn, và sự bình thường hóa thù hận. Nó có thể xảy ra dần dần và sau đó tất cả cùng một lúc.
Trong hơn hai năm, mạng lưới bạn bè của chúng ta đã tan vỡ, cộng đồng của chúng ta bị phá vỡ, các doanh nghiệp nhỏ bị đánh bại, và nhiều nhà lãnh đạo của chúng ta đã bị kết nạp vào bộ máy tham nhũng, trong khi việc kiểm duyệt đối thoại cởi mở về nguyên nhân và hậu quả đang tăng cường. Các công cụ mà chúng ta nghĩ là sẽ cứu chúng ta và dẫn dắt chúng ta đến ánh sáng — luật pháp và công nghệ của chúng ta — đã phản bội các quyền, sự riêng tư và tự do của chúng ta.
Sự suy giảm và sụp đổ không ngừng không phải là không thể tránh khỏi. Nó có thể được khắc phục nhưng mọi thế lực mạnh mẽ ngoài kia, đặc biệt là truyền thông dòng chính, dường như đang chống lại điều đó. Tất cả là nhằm mục đích khiến chúng ta mất tinh thần và khiến chúng ta bỏ cuộc. Chúng ta không thể chấp nhận số phận này. Vẫn còn thời gian, miễn là chúng ta hiểu điều gì đang xảy ra và hậu quả nghiêm trọng của việc để tất cả diễn ra mà không chống lại.
Từ Viện Brownstone
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Jeffrey Tucker là người sáng lập và là chủ tịch của Viện Brownstone. Ông là tác giả của năm cuốn sách, bao gồm “Right-Wing Collectivism: The Other Threat to Liberty” (“Chủ Nghĩa Tập Thể Cánh Hữu: Mối Đe Dọa Khác đối với Tự Do”).
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: