Phòng thí nghiệm Vũ Hán gây tranh cãi tìm kiếm các đảng viên để bổ nhiệm vị trí cho cơ sở mới
Viện Virus học Vũ Hán (WIV) của Trung Quốc là phòng thí nghiệm ở tâm điểm của sự giám sát gắt gao xem liệu nơi đây có phải là nguồn gốc của đại dịch COVID-19 hay không, hồi đầu năm nay đã thành lập một cơ sở nghiên cứu mới và vẫn đang tìm kiếm để bố trí cho mình những nhân viên trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng).
Cơ sở mới này có tên là Phòng thí nghiệm Giang Hạ (Jiangxia Laboratory), sẽ tập trung vào nghiên cứu các mầm bệnh mới nổi và có khả năng gây bệnh cao, công nghệ an toàn sinh học, cũng như các loại thuốc về phòng vệ an toàn sinh học, theo phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc. Tọa lạc ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, phòng thí nghiệm mới này đã chính thức được công bố trong một buổi lễ hồi tháng Hai (02/2021).
Theo trang web của Viện Virus học Vũ Hán, người đứng đầu cơ sở này là ông Tiêu Canh Phú (Xiao Gengfu), hiện là Bí thư Đảng Ủy của Viện Virus học Vũ Hán.
Ở Trung Quốc, hầu hết các công ty, trường học, tổ chức, và các hiệp hội khác đều có đảng bộ hoặc chi bộ — một cách để chế độ cộng sản duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động và nhân viên của họ.
Kể từ tháng Năm (05/2021), Viện Virus học Vũ Hán đã công bố một số danh sách việc làm trên trang web của mình cho các vị trí tại cơ sở mới. Trong đó, có ít nhất hai danh sách có một yêu cầu trình độ cụ thể — phải là một đảng viên.
Một bài đăng tuyển dụng hôm 17/05 tìm kiếm một đảng viên để bổ nhiệm vào “vị trí quản lý toàn diện”. Người đó sẽ cần phải giải quyết các công việc hành chính như điều phối và tổ chức các cuộc họp quan trọng và các sự kiện lớn.
Ngoài ra, theo vị trí công việc này, người đó sẽ được giao nhiệm vụ giải quyết “quản lý công việc của Đảng”, bao gồm cả trách nhiệm “Xây dựng chi bộ Đảng và quản lý Đảng viên hàng ngày”.
Vào hôm 25/08, Viện Virus học Vũ Hán đã đăng tin tìm kiếm một Đảng viên để bổ nhiệm vào vị trí nhân sự. Người đó sẽ chịu trách nhiệm tuyển dụng và các nhiệm vụ khác như quản lý các hợp đồng.
Phòng thí nghiệm Giang Hạ là một trong bảy phòng thí nghiệm mới được thành lập ở Hồ Bắc trong năm nay, là một phần trong sáng kiến của chính quyền tỉnh này nhằm biến Hồ Bắc thành một tỉnh mạnh về công nghệ. Theo phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc, một trong những phòng thí nghiệm này đang tập trung vào quang điện tử, nghiên cứu các thiết bị điện tử sử dụng ánh sáng và được điều hành bởi Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán, thủ phủ của Hồ Bắc.
Trong số năm phòng thí nghiệm mới còn lại, thì một phòng thí nghiệm dành riêng cho việc nghiên cứu công nghệ trên không do Đại học Vũ Hán điều hành, trong khi một phòng thí nghiệm khác thì tập trung vào mảng chăn nuôi sinh học được đặt trong Đại học Nông nghiệp Hoa Trung (Huazhong) ở Vũ Hán.
Trung Cộng đã ra sức phủ nhận rằng virus Trung Cộng, mầm bệnh gây ra dịch bệnh COVID-19, đã thoát khỏi Viện Virus học Vũ Hán, mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng tình tiết đặt ra câu hỏi về vai trò tiềm tàng của phòng thí nghiệm đó trong việc gây ra trận đại dịch này. Thay vào đó, nhà cầm quyền cộng sản đã lập luận rằng virus này có nguồn gốc tự nhiên.
Vào tháng Một (01/2021), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố một tờ thông tin cho biết một số nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh với các triệu chứng tương tự như bệnh COVID-19 và các bệnh thông thường theo mùa vào mùa thu năm 2019. Khẳng định này mâu thuẫn với tuyên bố của một nhà nghiên cứu tại viện này cho biết là “không có sự lây nhiễm” nào giữa các nhân viên phòng thí nghiệm và nghiên cứu sinh.
Viện Virus học Vũ Hán đã thực hiện nghiên cứu về các chủng virus corona ở dơi trong hơn một thập niên qua và trung tâm này cũng nằm cách một chợ địa phương ở Vũ Hán vài phút lái xe, nơi xuất hiện cụm ca nhiễm đầu tiên được báo cáo.
Phóng viên điều tra người Úc, cô Sharri Markson, trong một tập gần đây của chương trình “Những nhà lãnh đạo tư tưởng Hoa Kỳ” (American Thought Leaders) của EpochTV, nói rằng “bằng chứng khá rõ ràng cho thấy có một sự rò rỉ” tại Viện Virus học Vũ Hán này. Trong số các bằng chứng mà cô trích dẫn bao gồm cách mà một cơ sở dữ liệu Viện Virus học Vũ Hán chứa 22,000 mẫu virus bất ngờ hoạt động ngoại tuyến vào tháng 09/2019, và viện này đã chi 500,000 USD để tăng cường vấn đề an ninh của mình trước khi đại dịch bùng phát.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: