Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc chơi công bằng, cảnh báo về sự tẩy chay của người tiêu dùng
Trung Quốc cần thực thi các cam kết đối xử bình đẳng đối với doanh nghiệp nước ngoài và từ bỏ hướng dẫn “ngầm” nhằm thay thế các sản phẩm nước ngoài bằng các phương án trong nước, phòng thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho biết hôm thứ Ba (11/05).
Trong sách trắng thường niên, phòng thương mại Hoa Kỳ, hay còn được gọi là AmCham – đại diện cho 900 công ty – cũng đã kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Quốc đối thoại nhiều hơn, hợp tác về biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng.
Mối bang giao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xấu đi nhanh chóng trong vài năm qua do các vấn đề khác nhau từ thương mại đến cách Trung Quốc ứng phó với đại dịch COVID-19.
Ông Greg Gilligan, chủ tịch AmCham Trung Quốc, cho biết khi mối bang giao xấu đi, các công ty Hoa Kỳ chứng kiến việc thực thi các quy định hứa hẹn về đối xử bình đẳng đối với các doanh nghiệp nước ngoài trở nên tệ hơn, ảnh hưởng đến việc phê duyệt dự án đầu tư và tiếp cận thị trường.
“Chúng tôi cảm thấy các quan chức địa phương đang phản ứng ở các mức độ căng thẳng trong mối bang giao này và chỉ đi theo con đường an toàn hơn, đó là ưu tiên cho ngành công nghiệp nội địa,” ông nói trong cuộc họp báo hôm thứ Ba.
Các công ty Hoa Kỳ cũng đã “lo ngại một cách chính đáng” về khả năng bị người tiêu dùng tẩy chay ở Trung Quốc và cần thiết phải lập kịch bản chuẩn bị cho tình huống này.
Hồi tháng Ba, H&M của Thụy Điển và các thương hiệu nước ngoài khác đã gặp phải sự phản ứng dữ dội trên mạng cùng sự tẩy chay sau khi họ nêu lên những lo ngại về tình trạng lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương, miền tây của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc từ lâu đã phàn nàn về khả năng hạn chế trong việc tiếp cận thị trường, các quy trình quản lý không rõ ràng, sự ưu ái cho các công ty hàng đầu ở trong nước và các công ty nhà nước, và tình trạng yếu kém trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Bắc Kinh đã nhiều lần cho biết họ đối xử bình đẳng với các công ty trong và ngoài nước, và hoan nghênh đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, chính quyền này cũng đang cố gắng thúc đẩy đổi mới trong nước và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ và các thị trường nước ngoài.
Sách trắng thường niên cho biết pháp luật hứa hẹn đối xử bình đẳng đối với các công ty nước ngoài và nội địa chỉ được thực hiện thất thường, và cũng kêu gọi mở cửa các lĩnh vực mới nổi như điện toán đám mây cho các công ty nước ngoài.
“Chính quyền này cần từ bỏ việc sử dụng hướng dẫn ngầm, chưa được công bố, hoặc lưu hành nội bộ để thay thế các sản phẩm/các dịch vụ do Hoa Kỳ hoặc nước khác sản xuất bằng các sản phẩm tương đương được sản xuất nội địa.”
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng cạnh tranh với Trung Quốc là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt. Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đều đã cùng tiến tới một đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.
Căng thẳng Hoa Kỳ-Trung Quốc được coi là một thách thức để hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc đối với 78% công ty được AmCham thăm dò ý kiến, theo một cuộc khảo sát được công bố vào tháng Ba.
Tuần trước, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết bà dự kiến sẽ cùng các quan chức Trung Quốc “trong thời gian tới” tiến hành đánh giá việc nước này thực hiện thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa hai nước, vì kết quả đó ảnh hưởng đến số phận các loại thuế quan trừng phạt của Hoa Thịnh Đốn đối với Bắc Kinh.
Bà Tai và các quan chức cao cấp khác của chính phủ ông Biden đang tiến hành xem xét lại từ đầu đến cuối chính sách thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc. Ông Trump đã phát động cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2018. Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 vào tháng 01/2020.
Hiệp ước hết hiệu lực vào cuối năm 2021 này kêu gọi Trung Quốc tăng cường mua hàng hóa xuất cảng của Hoa Kỳ trị giá 200 tỷ USD trong vòng hai năm – một mục tiêu mà Bắc Kinh còn lâu mới đạt được, một phần do đại dịch virus corona.
Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và công nghệ sinh học nông nghiệp cho các công ty Hoa Kỳ.
Do Gabriel Crossley của Reuter thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: