Phim tài liệu ‘Không có nông dân, Không có lương thực: Quý vị sẽ ăn bọ chứ?’ phơi bày đại kế hoạch đằng sau nghị trình khí hậu
Bộ phim tài liệu độc quyền này cung cấp một góc nhìn sâu sắc về việc chính phủ các nơi trên thế giới đang định hình một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu như thế nào.
Một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu âm thầm xuất hiện khi chính phủ các nơi trên thế giới thúc đẩy “những chính sách xanh” buộc nông dân phải rời bỏ hoạt động kinh doanh.
Trong bộ phim tài liệu độc quyền của The Epoch Times “Không có nông dân, Không có lương thực: Quý vị sẽ ăn bọ chứ?” anh Roman Balmakov phơi bày một đại kế hoạch kéo dài cả thập niên nhằm phá hủy nguồn cung cấp lương thực trên thế giới.
“Đây sẽ là cuộc khủng hoảng toàn cầu tiếp theo mà giới truyền thông khắp thế giới không màng đến,” anh Balmakov, người dẫn chương trình “Facts Matter” của EpochTV cho biết.
Anh Balmakov sẽ đồng hành cùng quý vị xuyên suốt một cuộc hành trình mà ở đó ghi hình lại những câu chuyện đời thật của những người nông dân tại Mỹ quốc, Hà Lan, và Sri Lanka. Họ là những người đang bị mất đi đất đai và sinh kế dưới chiêu bài biến đổi khí hậu.
Bộ phim của The EpochTV được ra mắt vào lúc 8 giờ 30 phút tối theo giờ Miền Đông, hôm Thứ Hai 25/09.
Điểm phim
Anh Balmakov phơi bày lịch sử của khủng hoảng khí hậu và cách mà các nhà lãnh đạo thế giới nhìn nhận vấn đề này tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển, còn được biết đến là Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất vào tháng 06/1992, ngay sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc.
“Mọi con đường đều dẫn đến Liên Hiệp Quốc (U.N),” anh Balmakov, cũng là đạo diễn bộ phim, chia sẻ với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước ngày ra mắt phim tại Thảm Đỏ hôm 23/09, nơi mà bộ phim được công chiếu cho khoảng 200 khán giả tại Hội nghị Thượng đỉnh Stop 30×30 ở Irving, Texas.
Bộ phim đi sâu vào Nghị trình 30, trước đây được biết đến là Nghị trình 21, và việc Liên Hiệp Quốc đặt ra các chính sách toàn cầu nhằm chấm dứt hoạt động nông nghiệp tư nhân và tạo ra sự phụ thuộc vào một chính phủ toàn cầu vốn sẽ kiểm soát nguồn cung cấp lương thực của thế giới như thế nào.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới quy trách nhiệm cho sự biến đổi khí hậu đã khiến cho giá lương thực tiếp tục tăng trên toàn cầu.
“Và giải pháp của họ có thể làm quý vị ngạc nhiên,” anh Balmakov cho biết trong bộ phim. “Theo Liên Hiệp Quốc, [loài bọ] có thể thực sự trở thành bữa tối của quý vị trong tương lai.”
“Những người phụ trách một số tổ chức quyền lực nhất hành tinh cho rằng ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chăn nuôi, là nguyên nhân gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu và rằng sự ấm lên toàn cầu là nguyên nhân khiến cho giá lương thực đắt đỏ và gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực.”
Bộ phim khám phá ra cách các chính phủ đang lợi dụng nghị trình khí hậu — cả ở trong và ngoài nước — để kiểm soát đất nông nghiệp tư nhân.
“Quý vị sẽ cho rằng chính phủ muốn giúp đỡ người nông dân,” anh Balmakov cho biết. “Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là chuyện này đã đi đến mức nào rồi.”
Trong bộ phim, các chủ trang trại ở California giải thích cho anh Balmakov về cách mà cơ quan cung cấp nước của tiểu bang đưa ra các quy định kiểm soát hạn hán khẩn cấp vào năm ngoái, với lý do là bảo vệ loài cá hồi Coho mà tiểu bang tuyên bố đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Bà Theodora Johnson, chủ trang trại gia súc ở Thung lũng Scott, cho biết những quy định đó ngăn cản chủ sở hữu đất tiếp cận nguồn nước ngầm của chính họ. Bà cho rằng nếu không có nước thì việc chăn nuôi không thể tiếp tục được.
“Nước là thứ khiến cho mọi việc hoạt động được,” bà Johnson cho biết trong phim. “Ở Thung lũng Scott, quý vị không thể làm được gì nếu không có nước.”
Các chuyên gia địa phương kể lại với anh Balmakov rằng cá hồi Coho không phải là loài thuộc địa phương sông Klamath, dòng sông chảy qua Thung lũng Scott.
‘Cuộc khủng hoảng nitơ’ tại Hà Lan
Anh Balmakov còn đi tới Hà Lan. Ở đây, nông dân bị buộc phải giảm số lượng bầy đàn gia súc từ 50 đến 90% dưới danh nghĩa biến đổi khí hậu.
Năm 2019, chính phủ Hà Lan tuyên bố một cuộc “khủng hoảng nitơ” và bắt đầu thực hiện các quy định nhằm cắt giảm mạnh 50% lượng phát thải khí nitơ vào năm 2030.
Quốc gia nhỏ này có lịch sử lâu đời về chăn nuôi, từng là quốc gia xuất cảng thịt lớn nhất châu Âu, nhưng cục diện đang thay đổi, và các trang trại gia đình có niên đại hàng thế kỷ đang dần phá sản.
Một số nông dân và chuyên gia cho rằng toàn bộ cuộc khủng hoảng nitơ này được tạo ra để chính phủ có thể kiểm soát đất đai.
Ông Martijn Vorkink, một nông dân thế hệ thứ tư, cho biết đất đai trở nên vô giá trị khi không thể canh tác được nữa. Vì vậy, nhiều nông dân đang bán đất của họ cho chính phủ vì họ không đủ khả năng giữ đất nếu như đất không thể nuôi gia đình họ được nữa.
Một người nuôi dế và sâu bột cho anh Balmakov biết côn trùng đang được đưa ra thị trường như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực trong tương lai.
Đói kém ở Sri Lanka
Bộ phim tài liệu này sẽ cho quý vị thấy trực tiếp điều gì sẽ xảy ra khi các quy định của chính phủ áp đặt lệnh cấm phân bón hóa học giúp cho nông dân sản xuất cây trồng.
Vào năm 2021, chính phủ Sri Lanka đã cấm phân bón hóa học và thuốc trừ sâu với lý do nhằm cung cấp phương áp ăn [thực phẩm] hữu cơ cho tất cả người dân trong nước.
Hành động này đã phá hoại nghiêm trọng các vụ lúa, nguồn lương thực chính của quốc đảo có khoảng 22 triệu dân này, và đẩy quốc gia này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và thiếu hụt lương thực.
Năm ngoái, chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm vừa mới ban hành đối với phân bón hóa học, và quốc gia này đang bắt đầu phục hồi trở lại.
Phản ứng đối với bộ phim
Bộ phim tài liệu làm nổi bật một số chính sách nghe có vẻ vô thưởng vô phạt đối với nguồn cung cấp lương thực.
“Điều đáng lo ngại nhất là họ đang đặt ra những luật lệ để đẩy những tiểu nông rời đi,” bà Margaret Byfield, giám đốc điều hành của American Stewards of Liberty, chia sẻ với The Epoch Times sau buổi chiếu. Bà Byfield cũng góp mặt trong bộ phim này.
Một số khán giả khác cho rằng bộ phim là lời cảnh tỉnh về sự lừa dối ẩn giấu đằng sau “những chính sách xanh” trên toàn cầu.
Bà Stephaine Cross chia sẻ với The Epoch Times: “Anh Roman Balmakov đã làm được một việc phi thường khi tiết lộ những thực tế khắc nghiệt và những câu chuyện cần được đưa ra ánh sáng nhưng chưa có ai kể.” Bà Cross, chủ sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Địa ốc Tennessee, đã tham dự buổi ra mắt phim tại Irving.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times