Philippines đệ trình hơn 100 đơn kháng nghị phản đối các cuộc xâm nhập hải phận của Trung Quốc trong năm nay
Theo các quan chức, các tàu Trung Quốc tiếp tục tràn vào hải phận của Philippines ở vùng Biển Đông đang tranh chấp mặc dù Philippines đã đệ trình hơn 100 đơn kháng nghị phản đối các cuộc xâm nhập của Trung Quốc trong năm nay.
Hôm 08/09, Trợ lý Ngoại trưởng Maria Angela Ponce nói với Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, tính đến hôm 31/08, tổng cộng 172 đơn kháng nghị đã được đệ trình phản đối việc Trung Quốc hiện diện bất hợp pháp, đánh bắt trái phép, sách nhiễu ngư dân địa phương, và nghiên cứu khoa học biển trái phép.
Trong số đó, 48 đơn kháng nghị đã được đệ trình dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., người mới nhậm chức hôm 30/06. Người tiền nhiệm của ông, ông Rodrigo Duterte, đã đệ trình 388 đơn kháng nghị ngoại giao phản đối Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống sáu năm của mình.
Truyền thông địa phương đưa tin, bà Ponce cho biết chính phủ cũng đã đệ trình hai đơn kháng nghị ngoại giao đối với Việt Nam về Biển Đông, vùng biển mà người Philippines gọi là Biển Tây Philippines.
Thượng nghị sĩ Imee Marcos, em gái của tổng thống, đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc đệ trình hàng trăm đơn kháng nghị phản đối Trung Quốc.
“Có ích gì khi gửi hàng trăm đơn kháng nghị ngoài việc gây khó chịu cho cả hai bên?” bà hỏi các quan chức, theo Inquirer.Net. “Thật đáng ngại khi quý vị tiếp tục viết đơn gửi cho họ nhưng lại bị phớt lờ. Quý vị đánh mất phẩm cách và sự tôn trọng của mình, và điều này có vẻ chẳng hay ho chút nào.”
Philippine tìm cách củng cố năng lực hàng hải
Cũng trong cuộc họp nói trên, Thứ trưởng Quốc phòng Angelito de Leon cho biết “các vụ xâm nhập” vẫn dai dẳng trong vùng biển Philippines bất chấp các đơn kháng nghị, thúc đẩy lực lượng tuần duyên quốc gia tăng cường tuần tra và nhận thức về lĩnh vực hàng hải.
Ông De Leon nói với ủy ban thượng viện: “Tình hình hiện tại ở Biển Tây Philippines vẫn cần phải xem xét vì có những lo ngại nhất định về an ninh.”
Ông De Leon cho biết lực lượng tuần duyên Philippines hướng đến tăng cường năng lực thông qua việc tận dụng các liên minh với các đồng minh và đối tác của nước này để tiến hành các cuộc tập trận chung, đồng thời mua sắm thêm thiết bị giám sát và chiến hạm.
Ông nói: “Chúng ta có những hạn chế. Chúng ta không muốn vấn đề leo thang và dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự toàn diện vì việc sử dụng vũ lực không cân xứng.”
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên phần lớn Biển Đông theo cái gọi là “đường chín đoạn”. Hồi năm 2016, Tòa án La Hay đã ra phán quyết có lợi cho Philippines. Nhưng phán quyết này không ảnh hưởng đến hành vi của chính quyền Trung Quốc, khi các tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm vào các vùng lãnh thổ Philippines.
Hôm 09/06, Manila đã đệ trình một đơn kháng nghị ngoại giao phản đối Trung Quốc về việc hơn 100 tàu Trung Quốc hiện diện “bất hợp pháp”, tràn vào bãi đá ngầm Julian Felipe. Đây cũng là nơi hơn 200 tàu Trung Quốc bị phát hiện khi xâm nhập hồi tháng 03/2021.
Trước đó ông Marcos đã tuyên bố sẽ duy trì phán quyết năm 2016 của Tòa án La Hay và nói rằng chính phủ mới của ông sẽ đàm thoại với Bắc Kinh “với một quan điểm cứng rắn” về các vấn đề lãnh thổ.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times