Phi công lái F-16 sẵn sàng cho ‘nhiệm vụ cảm tử’ vào ngày 11/09: ‘Có một điều sâu thẳm hơn gắn kết tất cả chúng ta’
Khi các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/09 xảy ra, cựu Trung úy Hoa Kỳ Heather “Lucky” Penney lúc đó là một tân binh phi công chiến đấu lái chiếc F-16 và là thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Kiên định với quyết tâm bảo vệ và phòng thủ, bà Penny đã biết rõ rằng bà cùng người sĩ quan chỉ huy của mình sẽ không thể quay về một khi đã đảm nhận nhiệm vụ cho chiếc phi cơ của họ lao vào chuyến bay số 93, chiếc phi cơ thứ tư bị bọn khủng bố giành quyền kiểm soát.
Mặc dù, hai phi công này đã sẵn sàng cảm tử vào ngày hôm đó, nhưng điều vẫn sống mãi trong tâm khảm của bà Penny không phải là sự tự nguyện hy sinh cho tổ quốc của họ mà là lòng quả cảm và yêu nước của những hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay số 93. Bà Penny chia sẻ rằng những người anh hùng bình dị ngày ấy đã minh chứng cho điều sâu thẳm hơn khiến những người Mỹ chúng ta gắn kết với nhau.
Bà Penney chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình The Nation Speaks của đài NTD: “Tình yêu tổ quốc, tình yêu đất nước, tình yêu người dân đồng hương của chúng ta đó không nên gắn liền với tất cả các cuộc đàm thoại châm chọc phẫn nộ mà chúng ta chứng kiến ngày nay.”
“Có điều gì đó sâu thẳm gắn kết tất cả chúng ta. Và đó là những điều đã khích lệ những người ngày hôm đó. Đó là những điều đã thúc đẩy họ vì họ biết tổ quốc đang cần họ.”
Vào khoảng 10 giờ sáng hôm đó, những người Mỹ trên chuyến bay số 93, cố gắng hết sức để ngăn chặn bọn khủng bố tấn công Điện Capitol Hoa Kỳ, đã vật lộn với ba tên không tặc khiến chúng đâm chuyến bay này xuống một cánh đồng ở Pennsylvania làm tất cả những người trên chuyến bay đều thiệt mạng, nhưng lại cứu sống rất nhiều người có thể trở thành nạn nhân [của âm mưu khủng bố này].
Thay vì chỉ nghĩ về những nỗi đau và tổn thương do ngày tồi tệ đó mang lại, bà Penny đã chọn nhìn vào tinh thần dũng cảm và vị tha kiểu Mỹ mà các hành khách và phi hành đoàn chuyến bay 93 đã thể hiện.
Bà Penny nói: “Làm thế nào để tôi để khiến thế giới này tốt đẹp hơn? Làm thế nào để tôi đưa tinh thần phụng sự, lòng dũng cảm đó vào cộng đồng của mình, khiến đất nước của chúng ta tốt đẹp hơn, và tôi cho rằng đó là những gì mà sự kiện 09/11 thật sự đã lưu lại.”
“Tôi hy vọng rằng chúng ta luôn ghi nhớ lòng dũng cảm, tinh thần phụng sự, cộng đồng, lòng nhân ái, những điều thực sự làm nền tảng cho ý nghĩa của việc là một công dân Mỹ.”
Lịch sử gia đình
Đối với bà Penney, ý thức phục vụ đã chảy trong huyết mạch bà bởi bà xuất thân từ một dòng dõi các phi công chiến đấu. Cha bà đã bay trong Chiến tranh Việt Nam, và ông của bà từng là một giáo viên huấn luyện bay trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến.
Ngay trước hôm 11/09, bà Penney đã trở thành một trung úy mới thăng cấp, sau khi hoàn thành khóa đào tạo phi công và có cho mình “đôi cánh sắt”. Bà kể rằng hồi tháng 03/2001, bà đã đạt đủ tiêu chuẩn để điều khiển chiếc F-16 cùng tất cả các hệ thống vũ khí của phi cơ này.
Theo lời kể của bà Penny, buổi sáng hôm 09/11, do phi đội của bà vừa hoàn thành khóa huấn luyện “gian nan” ở Nevada, nhiều thành viên trong đơn vị của bà đã về nhà, chỉ còn lại một đội ngũ cốt cán gồm các phi công chiến đấu trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Thủ đô.
Bà kể rằng khi đơn vị bà đang họp vào sáng hôm đó, thì một quân nhân trong phi hành đoàn cắt ngang cuộc họp để thông báo rằng tòa tháp thứ nhất đã bị một phi cơ dân dụng đâm phải.
Bà Penney nói: “Thế là chúng tôi chỉ đưa ra giả định rằng đó là một chiếc phi cơ hàng không hạng nhẹ thông thường đang đáp xuống phi trường Hudson thì có thể vì không chú ý nên đã đâm xuống một tòa nhà nào đó.”
Cho đến khi chúng tôi đứng dậy và bật chương trình tin tức, thì mới thấy chiếc phi cơ thứ hai đâm vào Tháp Đôi New York, “và rõ ràng là quốc gia chúng ta đang bị tấn công.”
Không kịp ứng phó
Bà Penny cho hay, tại thời điểm đó, không có sẵn hệ thống cảnh báo hoặc tiêm kích cơ có vũ trang nào bảo vệ thủ đô vì Hoa Kỳ đã tập trung vào mối đe dọa từ Nga, tuy nhiên từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô, vẫn chưa có “chiến đấu cơ nào được trang bị các vũ khí thật, hỏa tiễn thật, sẵn sàng ứng phó ngay khi có thông báo.”
Lúc đó, Hoa Kỳ chỉ có năm đơn vị tiêm kích cơ bảo vệ biên giới, đó là ở Portland, Oregon, Fresno, California, Jacksonville, Florida, Norfolk, Virginia, và cuối cùng là New York.
Bà Penny nói: “Và tất cả họ đều hướng ra [ngoại quốc] chứ họ không nhìn vào [khu vực nội địa], và chúng tôi không nằm trong số đó.” Nhóm của bà Penny đã được đào tạo nhưng phi cơ của họ lại không được trang bị vũ khí hoặc có một “chuỗi chỉ huy” trong loại tình huống khẩn cấp như thế.
Bà cho hay: “Nhận lệnh xuất phát rồi lại phải lắp vũ khí lên phi cơ là hai vấn đề lớn nhất của chúng tôi.”
Ban lãnh đạo có mặt vào buổi sáng hôm đó gồm có: Tổng Tư lệnh Cánh quân David Worley, (hiện là sĩ quan chiến dịch), Thiếu tá Marc Sasseville (hiện giữ cấp tướng), và Sĩ quan Vũ khí Dan Kane (hiện giữ cấp tướng), bà Penney cho biết.
Ban đầu, cả ba sĩ quan nói trên quyết định thử trang bị vũ khí, sẽ phải được lắp đặt bằng các bộ phận được cất giữ ở tận bãi bom nằm ở Căn cứ Không quân Andrews. Tuy nhiên, ngay cả sau khi lắp xong bom, thì nhóm này sẽ vẫn cần được Tòa Bạch Ốc cho phép sử dụng bom, bà Penny thuật lại.
Không còn lựa chọn nào khác
Bà Penny nói: “Chúng tôi đã biết mục tiêu đó ở đâu, những người Mỹ vô tội trong các phi cơ dân dụng cùng với những tên khủng bố. Và đó là điều mà chúng tôi không thể tự ý hành động nếu lãnh đạo quốc gia của chúng tôi không cho phép và đưa ra ý định rõ ràng. Vì thế, đơn giản là chúng tôi đã phải chờ đợi.”
Sau khi nhóm khủng bố tấn công Ngũ Giác Đài bằng chiếc phi cơ bị cướp thứ ba, Phó Tổng thống Dick Cheney đã ra lệnh cho đơn vị của họ truy đuổi chiếc phi cơ cuối cùng, chuyến bay số 93, quyết tâm là thực hiện một nhiệm vụ cảm tử tương tự.
“SAS nhìn tôi và nói, ‘Lucky, cô đi với tôi.’ Và anh ấy quay sang anh Dan Kane và nói ‘Raisin, anh cùng với Igor, Brandon [và] Rasmussen, mọi người hãy đợi cho đến khi nhận được hỏa tiễn. Được rồi, Lucky, chúng ta đi thôi’,” bà Penny nhớ lại mệnh lệnh mà Thiếu tá Sasseville đã đưa ra vào sáng hôm 11/09.
Khi hai người họ gấp rút chuẩn bị nhiệm vụ, bà nghĩ ‘đừng làm hỏng chuyện này’ — “bởi vì nếu có bất kỳ điều gì quan trọng mà tôi từng làm trong đời, thì đó chính là sứ mệnh này,” bà Penney nói.
Bà Penney tâm sự: “Chúng tôi đã biết rằng nếu chúng tôi cất cánh và thực hiện sứ mệnh thành công, đó là lao những chiếc phi cơ của chúng tôi vào chiếc phi cơ dân dụng đó, thì chúng tôi sẽ không thể trở về nhà, đó là nếu chúng tôi thành công thì nhiệm vụ này sẽ là một nhiệm vụ cảm tử.”
“Xét đến những hiểm nguy, và chúng tôi đã chứng kiến chiếc phi cơ trên ti vi đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Chúng tôi biết phải làm gì. Tôi không có thắc mắc nào trong đầu hết.”
Lúc đó họ không biết gì ngoài việc có nhiệm vụ đánh hạ chuyến bay số 93, và tất cả những điều họ biết là có thêm những chiếc phi cơ khác bị bọn khủng bố tấn công.
Những người anh hùng bình dị
Các hành khách trên chuyến bay số 93 đã hy sinh mạng sống của mình để cứu vô số những người khác bằng cách buộc kẻ khủng bố phải đáp phi cơ xuống trước khi chúng có thể đến được Điện Capitol.
Bà Penny nói rằng bà đã không thể làm tròn nhiệm vụ và chuỗi chỉ huy của chính phủ cũng không thành công bởi những hành khách ngày hôm đó đã phải hy sinh mạng sống của họ.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times