Phát ngôn ngoại giao của lưỡng hội đã thay đổi, Trung Cộng đang mất dần sức ảnh hưởng
Tham vọng bành trướng khắp toàn cầu của Trung Cộng đang bị nhiều quốc gia bao vây cô lập. Trong báo cáo của “Lưỡng hội” Trung Cộng năm nay, cách dùng từ liên quan đề cập đến nội dung ngoại giao cũng đã phát sinh thay đổi. Phân tích cho rằng, điều này cho thấy xu thế suy yếu ngày càng rõ ràng trong chính sách ngoại giao của Trung Cộng.
Báo cáo “Lưỡng hội” của Trung Cộng đối với phát ngôn ngoại giao đã có thay đổi.
Vào lúc 3 giờ chiều ngày 4/3/2021, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân toàn quốc Trung Cộng được tổ chức tại Đại lễ đường Bắc Kinh, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Uông Dương đã đọc báo cáo công tác. So với các báo cáo của vài năm trước, báo cáo này có ít nội dung đề cập đến vấn đề ngoại giao hơn.
Nhìn lại lĩnh vực ngoại giao, trong báo cáo năm nay đã đề cập đến việc vận dụng tổng hợp “Ngoại giao đám mây” và các phương thức giao lưu trực tuyến để thực hiện các hoạt động ngoại giao, nhắm vào các vấn đề như “các dự luật liên quan đến Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và các đề xuất liên quan đến dịch bệnh và chống Trung Cộng của Hoa Kỳ, các ngôn luận hoang đường của một số chính sách cá biệt của Hoa Kỳ, thông qua các hình thức như phát biểu và nói rõ, tổ chức tọa đàm và ủy viên trả lời phỏng vấn… để lên án những điều trên của Hoa Kỳ”.
Ngoài ra, trong báo cáo cũng hiếm thấy đề cập đến sáng kiến ”Một vành đai, Một con đường” của Trung Cộng.
Sáng ngày 5/3, ông Lý Khắc Cường đã báo cáo công tác của chính phủ tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc. Từ ngữ trong báo cáo tổng kết công tác ngoại giao năm ngoái, cũng tương tự như mấy năm trước, sử dụng từ ngữ càng ngày càng thận trọng hơn.
Báo cáo năm 2019 cho biết “Chính sách ngoại giao nước lớn đặc trưng của Trung Cộng đã đạt được “Thành tựu mới”.” Trong báo cáo năm 2020, thuật ngữ “Thành tựu mới” không nhìn thấy dù chỉ một từ, mà được thay thế bằng “‘Thành quả to lớn’ của chính sách ngoại giao nước lớn mang màu sắc Trung Cộng”. Đến cuộc họp “Lưỡng hội” năm nay, ngay cả “Thành quả” cũng không còn nữa, và nó trở thành “Năm ngoái, chính sách ngoại giao nước lớn mang màu sắc Trung Cộng có “hiệu quả rõ rệt”.
So với những năm trước, công tác ngoại giao của Trung Cộng có nhiều thay đổi.
Ví dụ, cả hai báo cáo năm 2019 và 2020 đều đề cập đến “Ngoại giao kinh tế và giao lưu văn hóa con người đạt được thành quả to lớn”, nhưng câu này không thấy xuất hiện trong báo cáo năm nay.
Báo cáo năm 2019 còn đề cập đến Trung Cộng “Thúc đẩy việc xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới”, nhưng cụm từ này này đã vắng bóng trong báo cáo năm 2020 và 2021.
Báo cáo năm 2020 nói rằng Trung Cộng “Tích cực tham gia vào việc xây dựng và cải cách hệ thống quản trị toàn cầu”, nhưng đến năm nay, thì nó đã được đổi thành “Giữ vững chủ nghĩa đa phương”.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Lâm Nhất nhận định rằng từ ngữ của các báo cáo của chính quyền đã thay đổi trong ba năm liên tiếp, từ “thành tựu mới” thành “thành quả to lớn” rồi thành “hiệu quả rõ rệt”. “Hiệu quả rõ rệt” trong ngữ cảnh chính thức của Trung Cộng thực sự có nghĩa là “thường thường”, bởi vì “hiệu quả” không nhất thiết có nghĩa là “có thành quả”. Mặc dù Trung Cộng luôn nói dối, nhưng nó cũng khéo léo thừa nhận, trong bối cảnh đại dịch và bị phương Tây cô lập và thì phương diện ngoại giao của Trung Cộng bị suy giảm vị thế ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Trong thời gian “lưỡng hội” năm 2021 của Trung Cộng, tin xấu về ngoại giao truyền ra thường xuyên
Chính vào lúc “lưỡng hội” mới bắt đầu khai mạc, những tin tức xấu trong lĩnh vực ngoại giao của Trung Cộng truyền ra thường xuyên.
Vào ngày 4/3, Quỹ Di sản đã công bố báo cáo Chỉ số Tự do Kinh tế năm 2021. Lần đầu tiên Hồng Kông bị loại khỏi xếp hạng và được coi là một phần của Trung Quốc Đại lục cùng với Ma Cao.
Trong 26 năm qua, Hồng Kông đã đứng đầu trong 25 năm liên tiếp, trừ năm ngoái bị tụt xuống vị trí thứ hai. Theo báo cáo, các chính sách kinh tế của Hồng Kông bị Bắc Kinh kiểm soát rõ ràng, trong hai năm qua, Hồng Kông đã mất tự do chính trị và quyền tự chủ, khiến nó không khác gì các thành phố khác của Trung Quốc như Thượng Hải và Bắc Kinh.
Được thành lập vào năm 1973, Quỹ Di sản là một trong những tổ chức tư vấn cho chính sách công của Hoa Kỳ và được đánh giá là có ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Vào ngày 3/3/2021, Hội đồng An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ đã công bố “Phương châm chỉ đạo chiến lược An ninh Quốc gia trung hạn” đầu tiên của chính phủ Biden.
Báo cáo nêu rõ Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Đài Loan, một nền dân chủ lớn và là đối tác kinh tế và an ninh quan trọng, điều này phù hợp với cam kết lâu dài của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẽ bảo vệ nền dân chủ, nhân quyền và phẩm giá con người, bao gồm cả Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng. Về những vấn đề này, Hoa Kỳ sẽ làm việc để đạt được sự đồng thuận với các nước có cùng lý niệm.
Điểm đáng chú ý của báo cáo này là Hoa Kỳ đã phớt lờ lời cảnh báo trước đây về “Ranh giới đỏ” của Trung Cộng và một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ đối với Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng.
Ngày 22/2/2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo Hoa Thịnh Đốn không can thiệp vào công việc của Đài Loan. Cùng ngày đó, đại sứ của Trung Cộng tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải tuyên bố rằng, các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng là “Lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh mà Hoa Kỳ không được động đến.
Dương Khiết Trì, quan chức đối ngoại hàng đầu của Trung Cộng, cũng cảnh báo Hoa Kỳ vào ngày 2/2 rằng nghị sự về Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương…và “Các vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc” là không thể đụng tới.
Vào ngày 3/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã có bài phát biểu chính sách đối ngoại đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Ông liệt kê 8 ưu tiên của ngoại giao Hoa Kỳ, một trong số đó là đối phó với những thách thức của Trung Cộng.
Ông Blinken nhấn mạnh rằng, khi nhân quyền ở Tân Cương bị vi phạm và nền dân chủ ở Hồng Kông bị chà đạp, Hoa Kỳ nên đứng lên bảo vệ giá trị của chính mình. “Nếu chúng tôi không làm điều này, Trung Quốc (Trung Cộng) sẽ càng lộng hành hơn nữa”.
“Chính sách ngoại giao vaccine” của Trung Cộng bị hạn chế
Cho đến nay, Hoa Kỳ và các đồng minh cũng bắt đầu kiềm chế Trung Cộng trong vấn đề “Ngoại giao vaccine”.
Tại cuộc họp báo của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân toàn quốc vào ngày 3/3/2021, người phát ngôn của Chính hiệp toàn quốc Quách Vệ Dân khoe rằng tính đến cuối tháng 2, Trung Cộng đã cung cấp hỗ trợ vaccine cho 69 quốc gia và 2 tổ chức quốc tế, đồng thời xuất khẩu vaccine sang 28 quốc gia.
Cùng ngày, tờ “Thời báo Tài chính” của Anh dẫn lời những người hiểu biết về vấn đề này tiết lộ rằng, chính phủ Biden đang sử dụng “Đối thoại an ninh bốn bên” làm động lực cốt lõi của chính sách Á châu, chống lại chính sách lợi dụng vaccine ngoại giao là một loạt các biện pháp mà Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc hy vọng sẽ nhất loạt công bố càng sớm càng tốt.
Theo báo cáo, chính phủ Biden cũng đã hội đàm với các thành viên của Đối thoại An ninh 4 bên để cùng hợp tác xây dựng kế hoạch cung cấp vaccine cho các nước Á châu và còn thảo luận các vấn đề như biến đổi khí hậu và vấn đề an ninh mạng….Cùng hợp tác chống lại sức ảnh hưởng của Trung Cộng.
Trước đó, Ấn Độ và Trung Quốc đã phát động một “Cuộc chiến ngoại giao vaccine”.
Một bài báo của Bloomberg News ngày 26/2 đưa tin rằng, Ấn Độ đang tích cực nỗ lực để đánh bại Trung Cộng trong cuộc chiến xuất khẩu vaccine.
Theo báo cáo, New Delhi đã cung cấp thành công gần 6.8 triệu liều vaccine miễn phí cho thế giới. Bài báo nói rằng, Ấn Độ có đầy đủ khả năng sản xuất vaccine để giúp nước này cân bằng lực lượng với Trung Cộng, hy vọng sẽ có được sức ảnh hưởng chính trị lớn hơn ở tất cả các nước đang phát triển.
Bài báo nói rằng Trung Cộng vẫn đang xuất khẩu vaccine sang Pakistan, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia ở Phi châu và Nam Mỹ…, nhưng xu thế đảo ngược lớn này đã bắt đầu, đồng thời với sự phản kích tích cực từ Ấn độ thì các nước Âu châu và Hoa Kỳ… cũng sẽ phối hợp sản xuất để phá tan các sản phẩm kém chất lượng của Trung Cộng.
Bangladesh, quốc gia đã nhận được số tiền đầu tư lớn từ Trung Cộng trong những năm gần đây, nguyên ban đầu Trung Cộng dự định sẽ tặng 110,000 liều vaccine, nhưng sau khi Bangladesh từ chối trả chi phí nghiên cứu và phát triển vaccine, Trung Cộng đã hủy bỏ kế hoạch tặng vaccine. Ấn Độ ngay lập tức chấp nhận yêu cầu của Bangladesh và cung cấp cho Bangladesh 2 triệu liều vaccine miễn phí.
Có xung đột với hầu hết các nước, Trung Cộng đang mất dần sức ảnh hưởng
Trung Cộng hiện đang phát sinh ngày càng nhiều xung đột khác nhau với các quốc gia khác.
Trong những năm gần đây, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Úc đã xấu đi nhanh chóng. Năm 2018, Quốc hội Úc đã thông qua hai dự luật chống sự can thiệp của nước ngoài nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Cộng, cũng trong năm đó, chính phủ Úc lần đầu tiên công khai cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G của Úc; Vào tháng 4/2019, chính phủ Úc kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành các cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch bệnh.
Ngoài việc chủ trương điều tra nguồn gốc của dịch bệnh đã xúc phạm Trung Cộng, Úc cũng chỉ trích Trung Cộng về Hồng Kông, Biển Đông và Tân Cương…. Do đó, Trung Cộng đã trả đũa, đe dọa trừng phạt kinh tế và thực hiện hành động hạn chế nhập khẩu thịt bò, rượu vang và lúa mạch của Úc. Nhưng Úc thể hiện là sẽ không khuất phục.
Giữa Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên có xích mích ở vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư. Tin tức về các cuộc xung đột giằng co ở biên giới Trung-Ấn cũng không ngừng. Đồng thời, cũng có những tranh chấp tồn tại giữa Trung Cộng và các nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Malaysia về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
Ngày 3/3/2021, tờ “Chính sách Ngoại giao” (Foreign Policy) của Hoa Kỳ đã đăng một bài báo với tiêu đề “Trung Quốc (Trung Cộng) đang mất dần sức ảnh hưởng – Điều này khiến nó trở nên rất nguy hiểm”, hiện tại Trung Cộng vẫn còn vấn đề nhân quyền với các nước Âu châu, tranh chấp về vấn đề đánh bắt cá trái phép với các nước Mỹ Latinh, và tranh chấp nợ phát triển với các nước Phi châu.
Bài báo nói rằng Trung Cộng đã phát hiện mình phát sinh xung đột với ngày càng nhiều các quốc gia và đang mất dần sức ảnh hưởng trên thế giới.
Bài báo đã chỉ ra, lời hứa của Trung Cộng không còn được xem trọng, và không ai muốn nghe tuyên truyền của nó; nhiều dự án “Một vành đai, Một con đường” đã bị đình chỉ; về cơ bản không ai ủng hộ đề xuất “Đường chín đoạn” ở Biển Đông; sau khi Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát Hồng Kông vào năm ngoái, nhiều nước phương Tây đã xếp hàng để cung cấp cho các chuyên gia Hồng Kông cơ hội nhập cư; nhiều quốc gia đã cấm sử dụng các thiết bị mạng do Huawei và ZTE cung cấp; Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản tất cả đều đã hiện đại hóa và nâng cấp quân đội của họ do các mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Cộng.
Do Lin Rui thực hiện
Sương Sương biên dịch
Xem thêm: