Phát hiện thành phố La Mã cổ đại thịnh vượng, đảo ngược những nhận thức trước đây
Gần đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện những di chỉ khảo cổ mới trên khắp thế giới, không ngừng phá vỡ nhận thức cũ của con người. Lần này, cuộc khai quật khảo cổ của Đại học Cambridge tại một vùng hẻo lánh ở Ý đã chứng minh rằng đây là một thị trấn La Mã đã bị lãng quên suốt 1,500 năm, hơn nữa nó từng thịnh vượng và hùng mạnh.
Tiến sĩ Alessandro Launaro đến từ Học viện Cổ điển Đại học Cambridge, Anh quốc, đã dẫn đầu đoàn khảo cổ học của mình từ năm 2010. Sau 13 năm làm công tác khảo cổ tại làng Interamna Lirenas ở vùng Lazio, miền trung nước Ý, họ phát hiện khu vực này phức tạp hơn nhiều so với những gì mọi người tưởng tượng. Nơi đây sở hữu bề dày lịch sử cũng như những câu chuyện tương đối thâm sâu.
Kết quả khảo cổ học này mãi đến tháng 12/2023 mới được công bố. Luận văn của họ được đăng trong cuốn sách “Chủ nghĩa đô thị La Mã ở Ý” (Roman Urbanism in Italy), đồng thời Đại học Cambridge cũng có đưa tin.
Thị trấn Interamna Lirenas được xây dựng vào năm 312 trước Công nguyên, trong thời kỳ Cộng hòa La Mã (thời kỳ trước Đế chế La Mã hùng mạnh). Nhờ giá trị thương mại, thị trấn này đã nhận được sự bảo trợ của tướng La Mã Julius Caesar vào năm 46 trước Công nguyên. Khi đó, Caesar đang ở đỉnh cao quyền lực, nhưng hùng tâm quá lớn đã khiến ông bị Viện nguyên lão phản đối và bị ám sát vào năm 44 trước Công nguyên.
Mặc dù những kiến trúc này không còn tồn tại, nhưng đoàn khảo cổ của Tiến sĩ Launaro đã tiến hành một loạt khảo sát từ tính và quét radar xuyên mặt đất trong khu vực, vẽ ra một bản đồ chi tiết. Họ phát hiện, rất nhiều kiến trúc nguy nga đã bị chôn vùi trong khu vực này, đồng thời khai quật được một số lượng lớn mảnh gốm và nền móng của các công trình kiến trúc, cho mọi người một cái nhìn thoáng qua về sự thịnh vượng của khu định cư này.
Công trình ấn tượng và cấu trúc đô thị phức tạp cũng như hàng chục ngàn mảnh gốm đã chứng minh rằng, thị trấn này chỉ bắt đầu mất dân số và lãnh thổ vào nửa sau thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Điều này đã lật đổ nhận thức của các nhà khảo cổ học vào những năm 1980 cho rằng khu vực này chỉ là một khu định cư nhỏ, lạc hậu và xa xôi.
Mặc dù đã trải qua sự suy tàn của Đế chế La Mã, nhưng thị trấn này vẫn cho thấy khả năng dẻo dai, thích ứng và điều chỉnh đáng kinh ngạc, bảo trì được mức độ thành công và thịnh vượng nhất định. Nó vẫn được sử dụng hoặc chiếm đóng sau khi Đế chế La Mã sụp đổ, mãi đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên thì mới bị bỏ hoang hoàn toàn. Các chuyên gia suy đoán rằng mối đe dọa xâm lược có thể đã khiến người dân phải rời bỏ và di tản khỏi khu vực này.
Giới học thuật cho rằng việc di tản dân cư có thể trùng hợp với thời kỳ xâm lược của người Lombard (vào cuối thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên). Ông Launaro giải thích với Phòng tin tức của Đại học Cambridge rằng, cư dân của Interamna Lirenas có thể đã biết họ đang ở trên đường hành quân của quân đội Lombard.
Các nhà khảo cổ cũng bất ngờ phát hiện, thị trấn này không được chia thành các khu vực hay khu phân cách theo địa vị xã hội, mà dày đặc những ngôi nhà với nhiều kích cỡ khác nhau, cách bố trí rất giống với Pompeii và Herculaneum. Ngoài ra, các công trình kiến trúc ở đây không có lớp tro hoặc các dấu hiệu bị phá hủy dữ dội khác, cho thấy địa điểm này đã bị bỏ hoang vì một lý do khác, không phải do lực tự nhiên gây ra.
Công cuộc khai quật cho thấy thị trấn này sở hữu nhiều ngôi nhà, đền thờ, nhà tắm và một kịch viện [rạp hát] La Mã có mái che cũng như các loại kiến trúc và cơ sở vật chất liên quan đến bến cảng. Các phân tích đo đạc cho thấy những công trình này đã được xây dựng và sử dụng trong một thời gian rất dài.
Từ nền móng của công trình kiến trúc này, các nhà khảo cổ suy đoán thị trấn này có một kịch viện lớn có mái che đủ chỗ cho 1,500 người. Vật liệu xây dựng của công trình này là đá cẩm thạch từ Địa Trung Hải, mỗi viên đá cẩm thạch có kích thước khoảng 150 x 85 feet. Kịch trường có mái che rất hiếm vào thời điểm đó, được xem là sự nâng cấp đáng kể của kiến trúc ngoài trời. Vào thời kỳ đỉnh cao dân số, thị trấn này là nơi sinh sống của khoảng 2,000 người, và con số này vẫn luôn duy trì trong phần lớn thời gian vào thế kỷ thứ 3.
Về việc này, ông Launaro giải thích: “Thị trấn nhỏ này đã xây dựng một tòa kịch viện có mái che tinh xảo. Điều này rất mâu thuẫn với những tuyên bố khảo cổ trước đây khi cho rằng khu vực này là một khu vực hẻo lánh. Kịch trường là một biểu tượng địa vị quan trọng, đồng thời thể hiện sự giàu có, quyền lực và tham vọng của thị trấn này.”
“Trước đây người ta cho rằng ở đây không có kịch viện, cho rằng thị trấn này lạc hậu và đã suy tàn từ rất sớm. Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện tàn tích của kịch viện vẫn luôn ở đó, chỉ là đã bị chôn vùi hoàn toàn,” ông nói.
Bên cạnh kịch viện còn có một công trình công cộng tên là Basilica (từ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp, ý nghĩa là “sảnh của nhà vua”), thường được dùng cho chính phủ hoặc tòa án. Ngoài ra, thị trấn còn có ba phòng tắm, trong đó phòng tắm lớn nhất có một hồ bơi lớn được bao quanh bởi những mái hiên tinh xảo.
Đoàn khảo cổ đã phát hiện tổng cộng 220 tòa kiến trúc trong thị trấn, 190 trong số đó là những kiến trúc khá nhỏ, rộng khoảng 5,380 feet vuông (khoảng 500 mét vuông). Họ cũng tìm thấy 25 tòa kiến trúc với diện tích sàn từ 5,380 đến 10,700 feet vuông (khoảng 994 mét vuông) và năm tòa kiến trúc rất lớn với diện tích hơn 10,700 feet vuông.
Ngoài ra, họ còn tìm thấy 19 tòa kiến trúc “kiểu vườn” trong khu vực, có thể là chợ trong nhà, câu lạc bộ, chung cư hoặc nhà kho công cộng vào thời điểm đó.
Những phát hiện này chứng minh rằng Interamna Lirenas có dân số đông đúc, tính gắn kết cộng đồng cao và nền kinh tế thịnh vượng. Bến cảng sôi động và sầm uất đã thu hút thương nhân và khách du lịch, bảo đảm cho hoạt động xuất nhập cảng của Interamna Lirenas có thể duy trì ổn định, ít nhất là duy trì được dòng vốn đầu tư và vốn từ bên ngoài.
Về kết quả khảo cổ học này, Tiến sĩ Launaro cho biết: “Thị trấn Interamna Lirenas có quy mô trung bình và nằm ở vị trí chiến lược giữa một con sông và một con đường chính. Đây là một nút thịnh vượng trong mạng lưới đô thị khu vực, một đặc điểm có lẽ là đặc trưng cho hầu hết các thị trấn ở Đế chế La Mã trong quá khứ.”