Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc như thế nào – P2
Mặc dù hiến pháp Trung Quốc nêu rõ việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng nhiều nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số vẫn phải đối mặt với sự đàn áp bất hợp pháp dưới chế độ Trung Cộng, điển hình như sự kiện đàn áp các học viên Pháp Luân Công
Chiến dịch bức hại toàn diện
Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Trung Cộng đã chỉ đạo một chiến dịch “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể”. Các nhân viên an ninh Trung Cộng được phép sử dụng bạo lực để bức hại tàn nhẫn các học viên Pháp Luân Công; họ dùng chính sách tiền thưởng để khuyến khích cấp dưới bắt nhiều học viên hơn hoặc ra sức sử dụng các phương pháp tàn bạo hơn.
Tuyên truyền
Truyền thông nhà nước
Trong tháng đầu tiên của cuộc đàn áp, các cơ quan báo chí nhà nước đã đăng hàng trăm bài báo phỉ báng Pháp Luân Công, với mục đích khiến dư luận phản đối những người tu luyện và ủng hộ cuộc đàn áp. Truyền hình nhà nước liên tục phát sóng các tuyên truyền sai sự thật về các học viên, miêu tả họ là những người không có lý trí.
Kiểm duyệt Internet
Sau năm 1999, Trung Cộng đã nhanh chóng xây dựng bức “Đại Tường Lửa” để ngăn cản công dân Trung Quốc truy cập các thông tin chưa được kiểm duyệt về Pháp Luân Công. Cho đến nay, các cụm từ tìm kiếm liên quan đến môn tu luyện tinh thần này đều bị gắn nhãn “nhạy cảm” và người dùng internet bị chặn truy cập nội dung.
Dàn dựng vụ tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn
Vào ngày 23/1/2001, Trung Cộng đã dàn dựng một vụ việc “tự thiêu” tại Quảng trường Thiên An Môn để lèo lái làn sóng dư luận chống lại Pháp Luân Công. Năm người được đưa tin đã “tự thiêu” tại quảng trường. Truyền thông Trung Cộng tuyên bố rằng năm người này là học viên Pháp Luân Công, và các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới lặp lại lời tường thuật của Trung Cộng. Bài tường thuật này đã được đưa vào sách giáo khoa Trung Quốc, với ý đồ khiến Pháp Luân Công tiếp tục bị phỉ báng trong thế hệ trẻ sau này.
Truyền thông quốc tế nói tiếng Trung
Chính quyền Trung Cộng đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình lên các cơ quan truyền thông nói tiếng Trung Quốc khắp thế giới thông qua các mối liên kết về tài chính như đầu tư, chuyển nhượng cơ sở, và quảng cáo. Đổi lại, các cơ quan truyền thông này đăng tải các báo cáo được lấy nguyên văn từ bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng, với mục đích kích động hận thù đối với các học viên Pháp Luân Công ở bên ngoài Trung Quốc.
Giam cầm
Trại tạm giam và nhà tù
Trên khắp đất nước, các học viên Pháp Luân Công không từ bỏ đức tin của họ bị vây bắt và giam giữ trong các trại tạm giam. Họ bị xét xử trong các phiên tòa chỉ có hình thức, với những cáo buộc mơ hồ, và không có đại diện pháp lý. Nhiều người bị kết án nhiều năm tù.
Trại lao động cưỡng bức
Các học viên đã bị kết án tùy tiện không qua xét xử; họ bị buộc phải làm việc tới 20 giờ mỗi ngày để sản xuất các sản phẩm như đồ chơi, đũa, quần áo, và các linh kiện điện tử. Nhiều hàng hóa được xuất cảng sang các nước như Hoa Kỳ. Những người không tuân thủ hoặc không đạt sản lượng tối thiểu sẽ bị đánh đập, tra tấn hoặc không cho ngủ.
Trung tâm tẩy não
Đôi khi còn được gọi là các “trung tâm cải tạo”, các cơ sở này có mục đích ép buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ. Các học viên bị buộc phải xem và đọc những tuyên truyền phỉ báng trong nhiều giờ để mài mòn đức tin của họ. Họ liên tục bị theo dõi và thường xuyên bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần.
Bệnh viện tâm thần
Các học viên khỏe mạnh bị coi là mất trí và bị đưa đến các bệnh viện tâm thần; nơi đây họ bị tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc với liều lượng nguy hiểm. Những thứ này có thể gây ảo giác hoặc làm tổn thương hệ thần kinh. Tính đến năm 2015, có ít nhất 1,000 học viên đã bị giam giữ tại các bệnh viện tâm thần trên khắp Trung Quốc, theo các thông tin do Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp thu thập.
Tra tấn
Bức thực
Khi các học viên phản đối việc giam giữ họ bằng cách tuyệt thực, các cai ngục bèn sử dụng biện pháp bức thực. Các đường ống được đưa qua mũi vào thực quản, gây ngạt thở và đau đớn dữ dội. Những học viên thường bị ép ăn cháo, dung dịch muối, thuốc không rõ nguồn gốc, hạt tiêu nóng, rượu, và thậm chí cả các chất dịch cơ thể.
Đánh đập và làm tổn hại cơ thể
Các phương pháp tra tấn thường được sử dụng là sốc điện, biệt giam, và phơi mình dưới thời tiết khắc nghiệt. Nhiều người sống sót đã kể lại việc họ bị giật bằng dùi cui điện cao thế trong nhiều giờ. Những cú sốc điện đó có thể làm bỏng da và gây tổn thương các cơ quan nội tạng. Các học viên cũng bị còng tay trong những tư thế khó chịu suốt một thời gian dài.
Nhục mạ
Nỗi thống khổ của những người bị giam cầm gia tăng bội phần vì sự lăng mạ và sỉ nhục. Các học viên trong tù không được phép vào nhà vệ sinh, và các học viên nữ không được phép sử dụng băng vệ sinh khi đến kỳ kinh nguyệt. Một số người bị lột trần và làm nhục nơi công cộng; trong khi một số người khác bị buộc phải thú nhận “tội ác” của họ trước máy quay phim.
Bạo hành tình dục
Minghui.org đã ghi nhận hàng ngàn trường hợp bạo hành tình dục như cưỡng hiếp tập thể, sốc điện vào bộ phận sinh dục, và cưỡng ép phá thai. Tại trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng, lính canh đã nhốt 18 nữ học viên vào phòng giam nam và khuyến khích các tù nhân nam cưỡng hiếp họ. Những người sống sót bị tổn thương nặng nề.
Tẩy não
Nhồi nhét hệ tư tưởng trong trường lớp
Hệ thống giáo dục ở Trung Quốc yêu cầu học sinh, từ tiểu học đến đại học, phải tham dự các lớp học chính trị và tư tưởng, nơi họ được dạy để gia nhập Đảng. Trong các bài thi, học sinh buộc phải phê bình hoặc phỉ báng Pháp Luân Công.
Sở làm
Công nhân Trung Quốc ngày nay vẫn phải tham dự “các buổi học tập” tại nơi làm việc, tương tự như những gì đã xảy ra trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Các buổi học này vạch ra những “quan điểm đúng đắn” – chiểu theo Đảng – mà người dân Trung Quốc nên có; trong đó có nội dung lên án Pháp Luân Công dựa trên những bài xã luận từ các phương tiện truyền thông nhà nước và các tài liệu khác của Đảng.
Theo dõi
Giám sát thiết bị điện tử
Điện thoại của các học viên Pháp Luân Công bị nghe lén và các hoạt động trên internet của họ bị theo dõi. Camera giám sát tại các khu vực công cộng và các khu dân cư được dùng để thu hình các học viên phân phát thông tin đúng đắn về Pháp Luân Công hoặc về cuộc bức hại. Lịch sử truy cập Internet, hồ sơ điện thoại, bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội, và những đoạn băng ghi hình được dùng làm bằng chứng để Trung Cộng trừng phạt các học viên vì đức tin của họ.
Giám sát của cộng đồng và cảnh sát
Các tổ dân phố và nhân viên an ninh địa phương được huy động để theo dõi các học viên Pháp Luân Công, đặc biệt là những người vừa mới ra tù. Trong những giai đoạn nhạy cảm, chẳng hạn như các sự kiện chính trị lớn ở Bắc Kinh, cảnh sát đến tận nhà để đe dọa các học viên và bảo đảm họ không tập trung hoặc phổ biến sự thật về chiến dịch đàn áp của Trung Cộng.
Tàn sát
Mổ cướp nội tạng
Ngay sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, số ca ghép tạng được tiến hành ở Trung Quốc tăng vọt. Các cuộc điều tra độc lập đã phát hiện rằng kể từ đó, các bệnh viện trên khắp Trung Quốc đã mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công – trái với ý nguyện của họ – để bán và thu lợi nhuận. Một phiên tòa độc lập gần đây ở London đã đưa ra kết luận rằng có “vô số” bằng chứng về việc thu hoạch nội tạng đang diễn ra “ở quy mô đáng kể”.
Thuốc độc và các hoạt chất không xác định
Theo các tài khoản trên Minghui.org, các học viên đã bị cho ăn thuốc độc và các loại thuốc không rõ nguồn gốc trong lúc bị giam giữ. Các cai ngục trộn các chất này vào bữa ăn hoặc nước uống của những người bị giam giữ. Sau khi được thả ra, các học viên này có thể đột nhiên ngã bệnh và tử vong.
Tác giả: Eva Fu, Frank Fang, và Nicole Hao