Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc như thế nào – P1
Ngày 20/07/1999, chính quyền Trung Cộng đã mở một chiến dịch càn quét nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công, một môn tu luyện bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa cổ xưa.
Tổng Bí thư Trung Cộng thời bấy giờ, ông Giang Trạch Dân, cho rằng môn tu luyện thiền định này là một mối đe dọa đối với Trung Cộng vì có khoảng 70-100 triệu người theo tập tại thời điểm đó.
Những người kiên định với đức tin của mình đã bị đưa đến các trại tạm giam. Tại đây họ bị tra tấn tàn nhẫn, và hàng ngàn người đã mất đi sinh mệnh của mình.
Trung Cộng cũng khởi xướng một chiến dịch tuyên truyền phỉ báng các học viên Pháp Luân Công và kích động lòng thù hận của công chúng đối với môn thiền định này.
Giới thiệu về Pháp Luân Công
Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một môn rèn luyện tinh thần của Trung Hoa cổ xưa với các bài công pháp nhẹ nhàng, chậm rãi, dựa trên các giá trị đạo đức Chân – Thiện – Nhẫn, lần đầu tiên được truyền ra công chúng Trung Quốc năm 1992.
Người dân thuộc mọi giai tầng xã hội Trung Quốc đều đón nhận Pháp Luân Công. Ban đầu, giới chức Trung Cộng tôn vinh môn tập luyện này vì những lợi ích đem lại cho sức khỏe thể chất và tinh thần người dân. Nhà sáng lập Pháp Luân Công, ông Lý Hồng Chí, đã nhận được nhiều giải thưởng của chính quyền Trung Cộng vì những đóng góp ông cống hiến cho xã hội.
Tuy nhiên người đứng đầu Trung Cộng lúc bấy giờ, ông Giang Trạch Dân, lại cho rằng sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần cộng sản, dẫn đến việc ông ta lo sợ bị mất quyền kiểm soát tuyệt đối. Vào năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã vượt quá tổng số đảng viên Trung Cộng, trong số học viên có cả các quan chức hàng đầu và gia đình họ.
Tháng 07/1999, ông Giang đã khởi động một chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc, huy động toàn bộ bộ máy an ninh của chính quyền để xác định nơi cư trú và bắt giữ các học viên, bất chấp sự phản đối từ nội bộ đảng. Ông Giang đã thành lập Phòng 610 – một một lực lượng công an bí mật nằm trên cả pháp luật, tương tự như tổ chức Gestapo của Đức Quốc Xã – để thực hiện việc bức hại Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc như thế nào
Vào ngày 20/07/1999, Trung Cộng đã khởi xướng một cuộc đàn áp để tiêu diệt những người tu luyện Pháp Luân Công. Người đứng đầu Trung Cộng thời bấy giờ, ông Giang Trạch Dân, cho rằng môn tu luyện thiền định này là mối đe dọa đối với chính quyền (tính đến năm 1999 đã có khoảng 70-100 triệu học viên). Những người kiên định với đức tin của mình đã bị đưa đến các trại tạm giam; nơi đây họ bị tra tấn tàn bạo, và hàng ngàn người đã bị thiệt mạng. Chính quyền Trung Cộng cũng khởi xướng một chiến dịch kích động lòng thù hận của công chúng đối với những người tu luyện Pháp Luân Công.
Mặc dù hiến pháp Trung Quốc nêu rõ việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng nhiều nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số vẫn phải đối mặt với sự đàn áp bất hợp pháp dưới chế độ Trung Cộng.
Chiến dịch bức hại toàn diện
Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Trung Cộng đã chỉ đạo một chiến dịch “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể”. Các nhân viên an ninh Trung Cộng được phép sử dụng bạo lực để bức hại tàn nhẫn các học viên Pháp Luân Công; họ dùng chính sách tiền thưởng để khuyến khích cấp dưới bắt nhiều học viên hơn hoặc ra sức sử dụng các phương pháp tàn bạo hơn.
Bức hại cá nhân
Gây cảm giác tội lỗi
Trung Cộng thường xuyên quấy rối thân nhân của những học viên đã không chịu từ bỏ đức tin của mình. Vợ, chồng và con cái của họ bị theo dõi và sách nhiễu tại nơi làm việc hoặc trường học, còn nhà của họ thường xuyên bị lục soát. Do đó, các thành viên trong gia đình thường cố gắng ngăn cản các học viên Pháp Luân Công tu luyện, dẫn đến sự bất hòa trong gia đình, mâu thuẫn và thậm chí là ly hôn.
Phân biệt đối xử với trẻ em
Nhiều con cái của các học viên trở thành mục tiêu bị bắt nạt ở trường học. Tương lai của các em, từ học vấn lẫn đường công danh, đều chịu thiệt thòi vì sự phân biệt đối xử. Chính quyền đã sử dụng cảm giác tội lỗi của các bậc cha mẹ khi thấy hoàn cảnh của con cái để đập tan ý chí tiếp tục tu luyện.
Trẻ em mồ côi
Trong khi hàng trăm ngàn học viên bị bắt, bị tra tấn, bị bắt làm nô lệ trong các trại lao động cưỡng bức, hoặc bị sát hại, thì con cái của họ đã bị bỏ mặc không người chăm sóc. Trang thông tin điện tử Minghui.org có trụ sở tại Hoa Kỳ đã ghi nhận gần 900 trường hợp trẻ em không có cha mẹ, do cha mẹ bị cầm tù hoặc bị thiệt mạng vì nhục hình.
Cưỡng bức vô gia cư
Để trốn tránh sự truy sát của chính quyền, nhiều học viên Pháp Luân Công đã phải bỏ trốn. Trong một số trường hợp, chính quyền đã tịch thu nhà của các học viên. Những học viên này buộc phải phiêu bạt từ nơi này sang nơi khác. Để không lưu lại dấu vết, họ thường mang theo rất ít đồ đạc và rất ít phương tiện sinh tồn.
Tiêu hủy sách và tài liệu liên quan
Dưới chế độ Trung Cộng, không ai được phép sở hữu những quyển sách giảng dạy về năm bài công pháp của Pháp Luân Công cũng như băng hình, bằng tiếng, biểu ngữ, áp phích và các tài liệu khác. Chính quyền khoe khoang rằng trong bảy ngày đầu của chiến dịch đàn áp, họ đã tịch thu 2 triệu quyển sách.
Bức hại tài chính
Năm 1999, cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân đã nói rằng cuộc đàn áp sẽ “hủy hoại tài chính [của các học viên]”, bằng cách phạt tiền hoặc sa thải khỏi công việc của họ. Minghui.org đã ghi nhận hàng ngàn trường hợp các học viên bị tòa án địa phương phạt tiền chỉ vì đức tin của mình. Các thành viên trong gia đình cũng thường xuyên bị ép phải trả những khoản tiền lớn để hối lộ giới chức nhà tù với hy vọng sẽ giảm bớt sự đau khổ cho các học viên.
Tác giả: Eva Fu, Frank Fang, và Nicole Hao