Phân tích: ‘Sự kiện Mèo Mập’ bất ngờ trở thành tâm điểm tại Trung Quốc, ĐCSTQ chuyển dời sự chú ý của dư luận
Việc một người có biệt danh Mèo Mập nhảy sông tự tử hôm 11/04 đã trở thành chủ đề được quan tâm nhất trên mạng xã hội ở Trung Quốc trong dịp lễ Quốc tế lao động (01/05), liên tiếp đứng đầu các bảng xếp hạng. Có người phân tích rằng, vào ngày 01/05, phần lớn đường cao tốc Mai Long ở Quảng Đông bị sụt lở, khiến 48 người tử vong và 30 người bị thương. Trong tình hình đó, chính quyền ĐCSTQ đã lợi dụng vụ Mèo Mập để chuyển hướng chú ý của dư luận.
Các hãng truyền thông Hoa lục loan tin, Lưu Kiệt (Liu Jie), một chàng trai 21 tuổi ở Hồ Nam, là một người chơi trò chơi trực tuyến chuyên nghiệp được biết đến với biệt danh “Mèo Mập.” Anh và một cô gái lớn hơn anh sáu tuổi tên Đàm (Tan), người Trùng Khánh, quen biết trên mạng và qua lại với nhau hơn hai năm.
Cật lực làm việc
Trong hai năm, Mèo Mập đã chuyển cho Đàm (Tan) hơn 510,000 nhân dân tệ, trong khi đó bản thân lại sống ở một căn phòng trọ giá rẻ. Mỗi ngày, anh chỉ ăn bữa cơm trị giá 10 nhân dân tệ và cật lực chơi trò chơi trực tuyến để kiếm tiền hơn 10 giờ mỗi ngày.
Sau khi cô gái đề nghị chia tay, Mèo Mập đã mua 760 bông hoa tặng cô để kỷ niệm 760 ngày họ quen nhau. Hôm 10/04, anh đã chuyển 66,666 nhân dân tệ còn lại trong tài khoản Alipay của mình sang tài khoản của cô dưới hình thức quyên góp tự nguyện. Rạng sáng ngày 11/04, Mèo Mập nhảy xuống sông Trường Giang ở Trùng Khánh tự vẫn.
Từ hôm 15/04, chị gái của Mèo Mập đã liên tục đăng tải 25 tin nhắn trên tài khoản “Khả Khả Không Ngủ Được” (Keke shui buzhao), trong đó đính kèm các ảnh chụp màn hình lịch sử trò chuyện và chuyển tiền qua tài khoản của Lưu Kiệt và bạn gái. Tuy nhiên, lúc đó sự việc này không thu hút sự chú ý của xã hội.
Trong kỳ nghỉ 01/05, sự kiện này bất ngờ liên tục đứng đầu trên danh sách chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất. Đến ngày 03/05, dưới áp lực của dư luận, Đàm (Tan) đã lên tiếng xin lỗi.
Hôm 05/05, ông Akio Yaita, chủ nhiệm báo Kinh tế Sản xuất của Nhật Bản chi nhánh Đài Bắc, Đài Loan, đã đăng bài phân tích trên Facebook. Ông cho biết, trong 100 chủ đề được quan tâm nhất trên mạng xã hội ở Trung Quốc, ⅓ trong số đó liên quan đến vụ việc Mèo Mập. Khi đọc tin tức đang được dư luận quan tâm này, ông cảm thấy thật khó tin [là vụ này trở thành tâm điểm] bởi vì việc lừa gạt trong tình yêu, hôn nhân xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, các trường hợp nạn nhân bị lừa đến mức tán gia bại sản cũng không phải ít.
Tất nhiên, vụ việc này đáng được quan tâm, đồng thời cần phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để ngăn chặn có những nạn nhân mới bị lừa. Nhưng vụ tự vẫn này bất ngờ nổi lên thành chủ đề gây xôn xao nhất ở Trung Quốc không khỏi khiến người ta nghi ngờ rằng có ai đó cố tình thao túng đằng sau.
Ông Akio Yaita viết: “Bởi vì sự kiện Mèo Mập nhảy sông tự tử đã xảy ra từ ngày 11/04, mà mãi cho đến tháng Năm thì sự kiện này mới dẫn đầu trong bảng xếp hạng tìm kiếm trên Internet ở Trung Quốc.”
“Trùng hợp là, vào lúc rạng sáng ngày 01/05, một vụ sụt lở lớn xảy ra trên đường cao tốc Mai Long ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, gây ra tai nạn thảm khốc với 48 người tử vong và 30 người bị thương. Theo lý mà nói, việc sụp đổ đường cao tốc là một vụ tai nạn an toàn công cộng nghiêm trọng, liên quan đến an toàn tính mạng và tài sản của mỗi công dân. Nếu xảy ra ở Nhật Bản, có lẽ hậu quả là rất nhiều quan chức bị sa thải, thậm chí cả Thủ tướng cũng có thể phải từ chức.”
“Mọi người đều biết, các chủ đề trên mạng xã hội ở Trung Quốc đều được chính quyền kiểm soát. Vì vậy, người ta không khỏi nghi ngờ rằng sự việc Mèo Mập đã được làm nổi bật để che giấu vụ sụp đổ đường cao tốc.”
Ngoài ra, thông tin lan truyền trên mạng cho thấy vào hôm 03/05, chị gái của Mèo Mập đã công bố chứng nhận hỏa táng của Mèo Mập trên trang truyền thông cá nhân. Rất nhiều cư dân mạng đã đặt mua trà sữa, bánh hamburger gửi tới cây cầu nơi phát sinh vụ việc thông qua các nền tảng đặt hàng trực tuyến. Một số người dùng mạng phát hiện có nhiều gói hàng trống. Đến nay, đã có các thương hiệu là Snowy Village, Chatime, Beef Noodle Castle, Hua Lai Shi cùng nhiều thương hiệu khác đã xin lỗi về việc “gói hàng trống.”