Phân tích: Ông Tập trao huân chương ép cựu lãnh đạo Trung Cộng bày tỏ quan điểm
Vào ngày 01 tháng 07 năm nay Trung Cộng sẽ kỷ niệm tròn 100 năm ngày thành lập đảng và lần đầu tiên sẽ trao tặng giấy chứng nhận “Huân chương 01/7” do lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình ký. Tốp đầu tiên được nhận huân chương rất được mọi người quan tâm. Một số nhà phân tích cho rằng điều kiện để được nhận huân chương sẽ kèm theo yêu cầu mới, việc các nhà lãnh đạo cao cấp có được nhận huân chương hay không, phải nhìn vào thái độ của ông Tập Cận Bình.
Hôm 23/03, Trung Cộng thông báo rằng trong năm nay họ sẽ tổ chức một loạt hoạt động bao gồm bài diễn văn của ông Tập tại hội nghị và lần đầu tiên trao tặng “Huân chương 01/7.” Ông Tập sẽ cấp giấy chứng nhận và trao huy chương v.v.
Được biết “Huân chương 01/7” là huân chương cao quý nhất trong hệ thống giải thưởng vinh dự hiện hành của Trung Cộng, bắt đầu áp dụng từ 07/2017.
Hôm 24/03, tờ “Minh Báo” (Ming Bao) của Hong Kong đã đăng một bài phân tích cho thấy trong số 24 Ủy viên Bộ Chính trị Trung Cộng đương nhiệm, chỉ có hai Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là Hứa Kỳ Lượng và Trương Hựu Hiệp đáp ứng đủ điều kiện “50 năm tuổi đảng,” trong khi ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường không đủ điều kiện trong năm nay.
Theo quy định, điều kiện xét tặng là “Đảng viên có đóng góp xuất sắc về mặt tinh thần cho đảng,” “có ảnh hưởng sâu rộng trong toàn đảng và xã hội, được khen ngợi ở mức cao.” Tuy nhiên, Trung Cộng đã tuyên bố trong thông cáo báo chí hôm 23/03 là có bốn điều kiện để được thưởng “Huân chương 01/7” và thêm các yêu cầu mới bổ sung, trong đó bao gồm tăng cường “Bốn ý thức” [1] và đạt được “Hai điều bảo vệ” [2] v.v.
Bài báo tin rằng dựa theo các tiêu chí trên, những người có đủ tư cách sẽ rất hiếm. Nếu ông Giang Trạch Dân với “Ba đại diện” và ông Hồ Cẩm Đào với “Quan điểm Phát triển Khoa học” đều không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, thì tự hỏi còn ai khác đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Bài báo cho rằng “Bốn ý thức” và “Hai điều bảo vệ” là để duy trì vị trí hạt nhân của ông Tập và duy trì “quyền lực và sự lãnh đạo thống nhất tập trung của Trung ương đảng.” Điều này cũng có nghĩa là hai cựu lãnh đạo của Trung Cộng có thể được trao tặng “Huân chương 01/7” hay không thì phải nhìn vào thái độ của họ đối với ông Tập Cận Bình.
Ngày nay, Trung Cộng đang phải đối mặt với những khó khăn bên trong và bên ngoài. Trong nước, mâu thuẫn nội bộ giữa các lãnh đạo cao cấp của Trung Cộng ngày càng trở nên gay gắt, nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống và tồn tại rất nhiều mâu thuẫn xã hội khác. Còn trên bình diện quốc tế, nó [Trung Cộng] đang phải đối mặt với sự bao vây của các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Anh và Canada…
Ngoài ra, nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy cuộc đấu đá nội bộ trong “cao tầng” của Trung Cộng về lĩnh vực kinh tế ngày càng gay gắt. Ví dụ, ông Tập Cận Bình đã chặn kế hoạch niêm yết trên thị trường của Ant Group vào cuối năm ngoái, lý do thực sự là để đánh vào thế lực phe Giang như ông Giang Trạch Dân, ông Giả Khánh Lâm v.v.
Tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng đằng sau cơ cấu cổ đông phức tạp của Ant Group là một nhóm trong giới quyền quý Trung Cộng có mối liên hệ rộng rãi, bao gồm cả người đứng đầu Trung Cộng trước đây là ông Giang Trạch Dân và cháu đích tôn Giang Chí Thành, Lý Bá Đàm con rể của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Giả Khánh Lâm cũng thuộc phe Giang v.v. Những người này đặt ra một thách thức tiềm tàng đối với ông Tập Cận Bình và vòng tròn hạch tâm của ông ta.
Nhà bất đồng chính kiến ở Bắc Kinh Hồ Giai từng nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng Trung Cộng phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức và khủng hoảng khác nhau, thậm chí ngay cả một số quan chức cao cấp trong thể chế này còn nghi ngờ liệu Trung Cộng có thể tiếp tục tồn tại hay không và không lạc quan về vận mệnh tương lai của Trung Cộng. Ông nói: “Những ngày tháng của một đảng như Trung Cộng sẽ không còn nhiều”.
Ông Vương Quân Đào, Tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Columbia Hoa Kỳ, đã chỉ ra rằng một Trung Cộng chuyên chế, độc tài và tham nhũng hủ bại sắp bước vào tuổi 100, cuối cùng sẽ có một ngày bị ném vào bãi rác của lịch sử và bị đóng đinh vào trụ cột ô nhục của lịch sử.
[1] 1: Ý thức chính trị, 2: Ý thức đại cục, 3: Ý thức hạch tâm (phải luôn coi ông Tập là hạch tâm), 4: Ý thức làm theo: về mặt tư tưởng và hành động luôn phải noi theo Trung ương Đảng với hạch tâm là ông Tập.
[2] Một là kiên quyết giữ vững vị trí hạt nhân của Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong Trung ương đảng và trong toàn đảng, hai là kiên quyết giữ vững vai trò lãnh đạo và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Do Xu Menger thực hiện
Sương Sương biên dịch
Xem thêm: