PHÂN TÍCH: Người giàu Trung Quốc tháo chạy trong bối cảnh suy thoái kinh tế, ĐCSTQ đàn áp dòng vốn chảy ra
Người giàu Trung Quốc đang rời khỏi đất nước với tốc độ ngày càng tăng, chuyển hàng loạt tài sản của họ ra hải ngoại để tránh trở thành mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã sử dụng khái niệm “thịnh vượng chung” để thúc đẩy quá trình gọi là phân phối lại của cải một cách công bằng. Trên thực tế, một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng nhà cầm quyền này đang tìm cách chiếm đoạt tài sản của các cá nhân giàu có, và việc áp dụng chiến lược này là do nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống.
‘Tình hình kinh tế khá tệ hại’
Ông Mike Sun, chiến lược gia đầu tư và chuyên gia về Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Tôi không tin vào ông [Tập Cận Bình]. Người dân Trung Quốc nhìn chung thiếu niềm tin [vào sự lãnh đạo của Trung Quốc], dẫn đến việc người dân chỉ muốn rời khỏi đất nước.”
Hôm 28-29/11, ông Tập đã đến thăm Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin mục đích chuyến thăm của ông là thúc giục ngành tài chính phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế quốc gia.
“Ông ấy đã đến đó để trấn an thị trường,” ông Sun nói. “Trên thực tế, cổ phiếu hạng A của Trung Quốc đang giảm, đặc biệt là cổ phiếu tài chính. Người ta chỉ đơn giản là không mua những cổ phiếu đó. Dù họ có cố gắng trấn an thị trường bằng cách nào đi chăng nữa thì cũng không có hiệu quả. Điều này có nghĩa là tình hình kinh tế chung của Trung Quốc khá tệ hại.”
Ông Sun cho biết hiện chỉ có ĐCSTQ đang đầu tư lớn; nhà cầm quyền này vẫn đang chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, nhưng khu vực tư nhân thì trì trệ. Ông cho biết các nhà đầu tư tư nhân đang thiếu niềm tin đáng kể và các cá nhân giàu có đang tìm cách chuyển tài sản của họ ra hải ngoại thay vì đầu tư vào thị trường trong nước.
“Nhiều người bạn của tôi ở Trung Quốc hiện đang muốn rời đi. … Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn mà họ phải đối mặt là không thể mang tiền của mình ra khỏi đất nước. Điều này đặt ra rất nhiều hạn chế đối với các cách mà mọi người có thể rời khỏi Trung Quốc.”
Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ dự trữ ngoại tệ của mình, hạn chế người dân Trung Quốc mỗi năm chỉ được phép rút số tiền tương đương với 50,000 USD khỏi tài khoản ngân hàng của họ. Để qua mặt sự kiểm soát của cơ quan quản lý, nhiều cá nhân giàu có đã sử dụng các ngân hàng ngầm như một phương tiện bí mật để chuyển tiền ra khỏi đất nước.
Lén chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc
Hôm 28/11, một bài báo trên tờ New York Times tuyên bố rằng những người có tiền ở Trung Quốc đã chuyển hàng trăm tỷ USD ra khỏi đất nước trong năm nay, hướng nguồn vốn này vào ngoại tệ, vàng thỏi, và địa ốc ở thị trường ngoại quốc.
Theo Giám đốc điều hành của công ty địa ốc trực tuyến GA Technologies có trụ sở tại Tokyo, khách hàng Trung Quốc đã trở thành người mua chính cho những căn hộ ở Tokyo có giá từ 3 triệu USD trở lên và họ mang theo những vali đầy tiền mặt để thanh toán. Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times trước đây từng đưa tin rằng không ít khách du lịch Trung Quốc giàu có đã đến Nhật Bản để mua địa ốc.
Theo ông Sun, những người giàu có ở Trung Quốc lấy du lịch làm cái cớ để mang số tiền mặt rất lớn ra hải ngoại vì ĐCSTQ nghiêm cấm đầu tư vốn trực tiếp ra ngoại quốc. Về căn bản, các cá nhân Trung Quốc được phép mang tiền ra khỏi đất nước để đi du lịch và học tập ở ngoại quốc nhưng không được phép mua cổ phiếu, trái phiếu, hoặc địa ốc. Vì vậy, để mua địa ốc ở ngoại quốc, người dân đã tìm ra những cách thức để né tránh sự kiểm soát của nhà nước và chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Sun cho biết ĐCSTQ đang nhắm vào hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc để ngăn chặn dòng ngoại tệ chảy ra ngoài.
Ông nói: “Ma Cao từng là trung tâm cho rửa tiền và hoạt động ngân hàng ngầm, nhưng giờ đây tuyến đường này đã bị chặn.”
Ông Châu Trác Hoa (Alvin Chau), cựu CEO của Suncity, người được mệnh danh là “ông trùm sòng bài” ở Ma Cao, đã bị kết án 18 năm tù hồi tháng Một năm nay vì điều hành một sòng bạc xuyên biên giới bất hợp pháp và tổ chức rửa tiền.
Ông Sun nói, “Khi tôi hỏi một vài người bạn trong lĩnh vực kinh doanh về cách họ chuyển tiền của mình ra khỏi Trung Quốc qua Ma Cao, họ đều đồng ý rằng tất cả những khoản tiền đó đều được chuyển lậu. Tiền mặt được vận chuyển bằng tàu cao tốc đến Ma Cao và một số nước thứ ba ở Đông Nam Á. Từ đó, tiền đã được chuyển đến các nước như Nhật Bản thông qua các phương tiện hợp pháp.”
Một phương thức chuyển tiền khác không chịu sự giám sát của ĐCSTQ là thông qua các công ty xuất nhập cảng. Các công ty này cố tình tăng giá sản phẩm của họ trong khi giao dịch với Trung Quốc và hợp tác với các đối tác quốc tế để chuyển tiền ra ngoại quốc thông qua tài khoản của công ty.
Phương pháp ít phức tạp hơn là mang tiền mặt ra khỏi Trung Quốc trong vali, vì đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể đổi lấy USD ở Đông Nam Á và Hoa Kỳ.
Ông Mạnh Quân (Meng Jun), một doanh nhân Trung Quốc hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng một số giao dịch địa ốc hạng sang ở miền Nam California đã được thực hiện bằng tiền Trung Quốc.
Ông nói, “Một số người bán yêu cầu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ vì họ đang về Trung Quốc, vì vậy họ để người mua thanh toán bằng đồng nhân dân tệ từ Trung Quốc. Họ có thể chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản như thế này. Hành động này là hợp pháp ở California và nhiều người tôi biết đã làm như vậy.”
Dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc
Trung Quốc đang trải qua đợt tháo chạy vốn lớn nhất trong nhiều năm. Nikkei Asia tiết lộ dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE) hồi tháng Chín cho thấy dòng vốn ròng chảy ra là 53.9 tỷ USD, mức lớn nhất kể từ tháng 01/2016, khi mà dòng vốn chảy ra là 55.8 tỷ USD do đồng nhân dân tệ Trung Quốc mất giá.
Nếu diễn giải số liệu kể trên thì đầu tư trực tiếp, bao gồm cả đầu tư vào các nhà máy sản xuất, sẽ lên tới 26.2 tỷ USD, trong khi dòng vốn chảy ra ròng liên quan đến đầu tư chứng khoán, như cổ phiếu và trái phiếu, đạt 14.6 tỷ USD. Số liệu về đầu tư chứng khoán đã liên tục theo xu hướng có dòng tiền chảy ra ròng kể từ tháng Hai năm 2022.
Trong tháng Tám, tài khoản vốn của Trung Quốc chứng kiến dòng vốn chảy ra trị giá 49 tỷ USD, số liệu lớn nhất kể từ tháng 12/2015. Dòng vốn chảy ra cũng khiến tỷ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 16 năm.
‘ĐCSTQ đang cạn tiền’
Ông Mạnh cho biết ĐCSTQ hiện đang cố gắng thanh lọc tài sản của giới giàu có ở Trung Quốc. “ĐCSTQ đang cạn tiền nên giờ đang viện đến sách lược cướp bóc những cá nhân giàu có ở Trung Quốc. Việc này đã diễn ra được một thời gian, nhưng hiện giờ nó đang diễn ra một cách công khai và trắng trợn. Chế độ này đang cố gắng hết sức để moi tiền của người dân thông qua cái gọi là kiểm toán thuế và kiểm soát vốn.”
The New Yorker đưa tin hồi tháng Mười rằng theo một chủ nhà máy ở Thượng Hải, các quan chức Đảng bị cáo buộc đã sử dụng hồ sơ ngân hàng để nhắm vào các cá nhân có tài sản lưu động từ ít nhất 30 triệu nhân dân tệ (khoảng 4 triệu USD) trở lên và yêu cầu họ giao nộp 20% tài sản hoặc phải chịu “một cuộc kiểm toán thuế đầy đủ.”
The Epoch Times không thể xác minh các tuyên bố.
Ông Mạnh nói, “Cuối cùng, những người giàu sẽ đổ xô đi bán tài sản của họ và chuyển tiền ra ngoại quốc bằng mọi cách. Nhiều người sẽ rời khỏi Trung Quốc vì sự an toàn của mình. Nếu chần chừ lâu hơn, họ thậm chí có thể sẽ không được phép xuất ngoại. Vì vậy, chúng ta phải thấu hiểu hành động của ĐCSTQ.”