PHÂN TÍCH: Ngoại trưởng Đức bước qua lằn ranh đỏ của Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc
Đảng Cộng sản Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhận lấy sự bẽ mặt
Trong chuyến công du gần đây nhất tới Bắc Kinh, ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock, đã được tiếp đón ở cấp cao nhất. Tuy nhiên, bà đã bước qua lằn ranh đỏ của Bắc Kinh trong một số bài diễn văn, đặc biệt là các bài nói về eo biển Đài Loan và cuộc chiến Nga-Ukraine.
Quan điểm không mềm dẻo của bà Baerbock về các giá trị phổ quát đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đau đầu. Nhưng với vị thế của Đức trên trường quốc tế và nền kinh tế suy thoái của Trung Quốc, ĐCSTQ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhận lấy sự bẽ mặt.
Trong bối cảnh những thách thức từ bên trong và bên ngoài ngày càng tăng, Bắc Kinh đang nóng lòng hàn gắn mối bang giao với các quốc gia Tây phương.
Từ ngày 13 đến 15/04, bà Baerbock đã đến thăm Bắc Kinh theo lời mời của Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đồng thời là nhà ngoại giao cấp cao thứ hai của Trung Quốc, ông Tần Cương. Bà Baerbock đã được tiếp đón bởi ba quan chức cao cấp nhất của ĐCSTQ, bao gồm cả Phó Chủ tịch Hàn Chính (Han Zheng), điều này được nhiều người xem là một sự sắp đặt mang tính đột phá.
Trong cuộc gặp với ông Tần vào ngày 14/04, bà Baerbock đã kêu gọi Bắc Kinh không sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.
Bà Baerbock nói rằng “việc đơn phương thay đổi hiện trạng trên eo biển Đài Loan — và đặc biệt là thông qua vũ lực — là điều không thể chấp nhận được đối với chúng tôi, với tư cách là người Âu Châu.”
Bà Baerbock kêu gọi tất cả các bên nên “không leo thang căng thẳng.”
ĐCSTQ tuyên bố Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, mặc dù trên thực tế Đài Loan là một quốc gia độc lập với quân đội, chính phủ được bầu cử dân chủ và hiến pháp. ĐCSTQ chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo này.
Trong cuộc gặp với bà Baerbock vào ngày 15/04, quan chức đối ngoại hàng đầu của ĐCSTQ, ông Vương Nghị (Wang Yi), đã đề nghị Đức ủng hộ việc thống nhất Trung Quốc đại lục và Đài Loan — vì ông Vương Nghị tuyên bố ĐCSTQ trước đây đã ủng hộ “sự thống nhất giữa Đông Đức và Tây Đức.”
Tuy nhiên, việc ông Vương Nghị viện dẫn sự “thống nhất nước Đức” và “thống nhất trong hòa bình” với Đài Loan bị nhiều người xem là lỗi nói lỡ lời, là mâu thuẫn với khẳng định công khai của ĐCSTQ rằng họ có thể chiếm Đài Loan thông qua vũ lực.
Bên cạnh các chủ đề thuộc lằn ranh đỏ của Trung Quốc như Eo biển Đài Loan, bà Baerbock đã thể hiện rõ lập trường của Đức về cuộc chiến tranh giữa Nga-Ukraine cũng như các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Ông Mikko Huotari, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin, cho biết: “Lần đầu tiên, bà [Baerbock] có thể nêu ra một cách rõ ràng cơ sở cho chiến lược mới của Đức đối với Trung Quốc.”
Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xizhen), cựu tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã có những lời khen ngợi chua chát đối với lập trường nguyên tắc của Bộ trưởng Ngoại giao Đức.
“Hoạt động của bà Baerbock ở Trung Quốc là hợp lý, khi bà Baerbock bày tỏ sự bất đồng với Đài Loan, nhân quyền, và Ukraine, mặc dù ngôn ngữ của bà ấy không mang tính đe dọa đối với Bắc Kinh,” ông Hồ viết trên trang web tiểu blog Weibo của Trung Quốc hôm 16/04.
“Trung Quốc tôn trọng Đức, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương của chúng tôi cũng thế, ông đã tới Thiên Tân để tháp tùng bà Baerbock đến thăm các công ty Đức và đã đi tàu cao tốc cùng bà tới Bắc Kinh, tận tình tiếp đón bà,” ông Hồ nói thêm, để sang một bên phong cách ngoại giao chiến lang thông thường của mình.
Thành viên Đảng Xanh
Bà Bareback, 42 tuổi, là nghị viên của Bundestag — nghị viện liên bang Đức từ năm 2013.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, bà làm việc trong quốc hội Liên bang với tư cách là thành viên của Ủy ban Kinh tế và Năng lượng cùng Ủy ban Liên minh Âu Châu.
Vào ngày 27/01/2018, cùng với ông Robert Haberke, bà được bầu là một trong hai chủ tịch của Đảng Xanh.
Năm 2021, bà Baerbock trở thành ứng cử viên thủ tướng của Đảng Xanh. Dưới sự lãnh đạo của bà, Đảng Xanh đã giành được 14.8% số phiếu bầu trên toàn quốc trong cuộc bầu cử năm 2021 và 118 ghế trong Hạ viện Đức, kết quả tốt nhất trong lịch sử của đảng này.
Sau bầu cử, Đảng Xanh tham gia một chính phủ liên minh mới với Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Dân chủ Xã hội (SPU), và bà Baerbock trở thành nữ ngoại trưởng đầu tiên của đất nước.
Trong chuyến thăm Ba Lan vào tháng 12/2021, bà Baerbock đã ủng hộ các nỗ lực của Warsaw nhằm ngăn chặn người Belarus di cư vào Liên minh Âu Châu.
Sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan vào năm 2021, bà Baerbock hứa sẽ thúc đẩy việc di tản 15,000 nhân viên Afghanistan và những người phụ thuộc, bao gồm cả những người làm việc cho chính phủ Đức.
Bà nói: “Chúng ta không thể để hàng trăm ngàn trẻ em thiệt mạng vì chúng ta không muốn hành động.”
Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 02/2022, bà Baerbock tranh luận về việc loại Nga khỏi mạng SWIFT, điều có thể sẽ dẫn đến việc chấm dứt khả năng giao dịch ngoại tệ của Nga. Bà cũng từ chối cung cấp vũ khí của Đức cho Ukraine, với lập luận rằng cuộc khủng hoảng nên được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao thay vì tiếp tục xung đột.
Tuy nhiên, bà Baerbock đã thay đổi lập trường của mình đối với cả hai bên sau khi được tiết lộ rằng quân đội Nga đã sát hại thường dân Ukraine vào tháng Tư.
Bà ủng hộ một chính sách đối ngoại cứng rắn và thống nhất hơn của EU đối với Nga cũng như chính quyền cộng sản Trung Quốc. Bà ủng hộ tiến trình phát triển theo hướng đông của NATO và hy vọng tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ.
Bà Baerbock cũng chỉ trích quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến Nga-Ukraine, bà cho rằng với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc có trách nhiệm đặc biệt và việc Bắc Kinh rút lui về cái gọi là vai trò trung lập là không phù hợp.
Tương phản ngoại giao giữa Pháp-Đức: Mềm mại và Cứng rắn
Chuyến thăm của bà Baerbock trái ngược với chuyến thăm gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Trung Quốc, khi ông dường như đã cố gắng thuận theo Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Pháp đã làm dấy lên phẫn nộ khi kêu gọi Liên minh Âu Châu giảm bớt sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ và chủ động tránh đưa ra lập trường chống lại hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan tự trị.
“Nghịch lý là, bị hoảng loạn nhấn chìm, chúng ta tin rằng chúng ta chỉ là những người đi theo Hoa Kỳ,” ông Macron nói trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm 09/04. “Liệu việc làm leo thang [một cuộc khủng hoảng] ở Đài Loan có mang lại lợi ích cho chúng ta không? Không. Điều tệ hơn là nghĩ rằng người Âu Châu chúng ta phải trở thành những người chạy theo vấn đề này và nhận tín hiệu từ nghị trình của Hoa Kỳ cũng như một phản ứng thái quá của Trung Quốc.”
Những phát ngôn của ông vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội.
Trái ngược hoàn toàn với ông Macron, bà Baerbock kiên quyết phản đối việc sử dụng bất kỳ lực lượng nào ở Eo biển Đài Loan và cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền cộng sản Trung Quốc nhằm kiểm soát Đài Loan sẽ không được châu Âu chấp nhận.
Bà nhấn mạnh rằng “các cuộc xung đột chỉ có thể được giải quyết một cách hòa bình” trong chuyến thăm Trung Quốc của mình.
“50% thương mại thế giới đi qua Eo biển Đài Loan hàng ngày, nên một cuộc leo thang quân sự sẽ là kịch bản xấu nhất có thể xảy ra đối với thế giới … đặc biệt là đối với một quốc gia công nghiệp hóa như Đức,” bà Baerbock nói với giới truyền thông trong chuyến thăm Thiên Tân, theo Voice of America.
Lập trường về Trung Quốc
Hồi tháng 12/2021, bà Baerbock nói với tờ Die Tageszeitung của Đức rằng EU cần một “chính sách Trung Quốc ở châu Âu,” nơi toàn bộ 27 quốc gia thành viên đồng thuận với nhau, thay vì Đức, quốc gia thành viên lớn nhất đưa ra chính sách của riêng mình đối với chính quyền cộng sản Trung Quốc, như nước này đã làm trong quá khứ.
Theo bà Baerbock, chính sách ngoại giao và các giá trị là một sự kết hợp giữa đối thoại và quyết đoán.
Ngày 29/12/2021, bà Baerbock thông báo rằng bà sẽ không dự Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022.
“Qua cách các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đối xử với nữ vận động viên quần vợt Bành Soái (Peng Shuai) hay ký giả Trung Quốc đang bị giam cầm Trương Triển (Zhang Zhan), thực sự cần phải xem xét kỹ về Thế vận hội,” bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc đưa tin không phải là một tội ác và cô Trương nên được trả tự do.
Mộc Miên và Bảo Bảo biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times