PHÂN TÍCH: Khảo sát của Fed cho thấy việc thắt chặt tín dụng của ngân hàng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế
Hồi tháng trước (tháng 07/2023), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã xác nhận với các phóng viên tại cuộc họp báo về chính sách sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) rằng các nhân viên là các nhà kinh tế đã loại bỏ dự báo suy thoái kinh tế của họ.
Trong tháng qua, một nhóm các nhà kinh tế học và nhà phân tích thị trường đã giảm xác suất về khả năng diễn ra suy thoái của họ, chỉ đến nhiều điểm dữ liệu — và các buổi hòa nhạc của Taylor Swift — chứng minh rằng suy thoái không còn là một điều chắc chắn nữa.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 đạt mức tốt hơn mong đợi là 2.4%, thị trường lao động vẫn đang tạo thêm hàng trăm ngàn việc làm mỗi tháng, lạm phát đã chậm lại, và sự lạc quan của doanh nghiệp và người tiêu dùng đã được cải thiện. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ cũng đang hoạt động tốt, với các chỉ số chuẩn hàng đầu tiến sâu vào vùng tích cực.
Những thời gian tốt đẹp này có thể kéo dài mãi mãi không?
Nhiều chỉ số chính vẫn đang nhấp nháy màu đỏ, từ Chỉ số Kinh tế Hàng đầu của Hội đồng quản trị (LEI) đến sự đảo ngược đường cong lợi suất trên thị trường công khố phiếu Hoa Kỳ.
Ủy ban thiết lập lãi suất cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước rằng, một hệ thống ngân hàng thận trọng hơn cũng có thể ảnh hưởng đến các điều kiện kinh tế.
Tuyên bố của FOMC tháng Bảy cho biết, “Các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các gia đình và doanh nghiệp có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, việc tuyển dụng, và lạm phát. Mức độ của những tác động này vẫn chưa chắc chắn.”
Khảo sát Ý kiến Nhân viên Cho vay Cao cấp (SLOOS) hàng quý mới nhất của Fed cho thấy rằng việc các tổ chức tài chính e ngại cho vay có thể gây áp lực lên nền kinh tế.
SLOOS và nền kinh tế
Theo báo cáo SLOOS quý 2 của Fed, các ngân hàng Hoa Kỳ đang mất dần hứng thú cho vay do tình trạng bất ổn kinh tế, lo ngại về quy định, và lo ngại dòng tiền chảy ra đã dẫn đến môi trường thắt chặt tín dụng hơn và nhu cầu vay yếu hơn trong quý 2. Nhưng cuộc khảo sát này cũng đã nhấn mạnh rằng các tổ chức tài chính dự đoán các tiêu chuẩn tín dụng thắt chặt hơn nữa trong thời gian còn lại của năm.
Kể từ tháng 03/2022, ngân hàng trung ương này đã tăng lãi suất thêm 525 điểm căn bản, và dữ liệu SLOOS cho thấy các ngân hàng đã ứng phó với tình hình lãi suất tăng cao bằng cách giảm hoạt động cho vay. Sự hỗn loạn của lĩnh vực ngân hàng từ mùa xuân vừa qua cũng góp phần vào xu hướng này trong lĩnh vực tài chính.
Báo cáo SLOOS, được công bố hôm 31/07, đã thu thập câu trả lời từ các ngân hàng và đã xác nhận các tiêu chuẩn tín dụng thắt chặt hơn và nhu cầu yếu hơn về các khoản vay về thương mại và công nghiệp (C&I) đối với các công ty thuộc mọi quy mô trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu. Diễn biến tương tự cũng diễn ra đối với các khoản cho vay địa ốc thương mại (CRE). Trong ba thập niên qua, chỉ có hai lần khác mà hoạt động cho vay bị thắt chặt như vậy: cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đại dịch năm 2020.
Nhìn chung, cuộc khảo sát báo cáo rằng 50.8% ngân hàng đã thắt chặt các điều khoản tín dụng trong quý trước đối với các khoản vay C&I cho các doanh nghiệp vừa và lớn, tăng từ 46% trong cuộc khảo sát quý đầu tiên. Để so sánh, con số này là 55.4% trong quý 2 năm 2008.
Con số này thấp hơn một chút đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn ở mức 49.2%, tăng từ 46.7% trong cuộc khảo sát trước đó.
Các gia đình cũng đang phải chịu gánh nặng của một thị trường tín dụng thắt chặt hơn.
Số liệu của SLOOS đã cho biết rằng các tiêu chuẩn cho vay đã thắt chặt đối với các khoản cho vay địa ốc nhà ở, hạn mức tín dụng vốn chủ sở hữu nhà ở (HELOC), và gần như toàn bộ các danh mục cho vay tiêu dùng, ngoại trừ thẻ tín dụng.
Báo cáo đã nêu rõ, “Nhìn chung, các câu trả lời cho các cuộc khảo sát vào tháng 07/2022 và năm 2023 cho thấy rằng các tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng đã thắt chặt hơn kể từ năm 2022 đối với toàn bộ các loại cho vay, gồm có một số khoản đã chuyển từ phía dễ dàng hơn một năm trước sang phía chặt chẽ hơn vào tháng 07/2023.”
Sự bất ổn về kinh tế là một phần nguyên nhân dẫn đến diễn biến thắt chặt tín dụng này trong hệ thống ngân hàng.
Fed cho biết trong báo cáo: “Những lý do được viện dẫn nhiều nhất cho kỳ vọng thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay là triển vọng kinh tế kém thuận lợi hơn hoặc bất ổn nhiều hơn, dự kiến giá trị tài sản cầm cố giảm, và dự kiến chất lượng tín dụng của CRE (địa ốc thương mại) và các khoản vay khác giảm.”
Các phát hiện của SLOOS đã cho thấy rằng sự bối rối xung quanh triển vọng kinh tế dự kiến sẽ góp phần thắt chặt thêm các tiêu chuẩn cho vay trong thời gian còn lại của năm 2023.
Ngoài những lo lắng về tương lai của nền kinh tế, hầu hết các ngân hàng cho biết họ sẽ giảm khả năng chấp nhận rủi ro do tình trạng thanh khoản có thể suy giảm, những tác động có thể xảy ra từ những thay đổi về kế toán, luật pháp, và giám sát, cũng như hậu quả của các dòng tiền chảy ra và chi phí tài trợ.
Ông Powell cung cấp bản xem trước
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp FOMC, ông Powell đã cho biết một chút bản xem trước về những gì dự kiến có trong báo cáo của SLOOS.
“Nội dung báo cáo của SLOOS nhìn chung phù hợp với những gì quý vị mong đợi. Quý vị có các điều kiện cho vay chặt chẽ và ngày càng thắt chặt hơn một chút, quý vị có nhu cầu yếu, và quý vị biết đấy, điều đó cho thấy một bức tranh về các điều kiện tín dụng khá chặt chẽ trong nền kinh tế,” ông nói với các phóng viên. “Tôi nghĩ thật khó để xác định xem bao nhiêu trong số đó là từ nguồn này hay nguồn kia, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là bức tranh đại thể về các điều kiện cho vay ngày càng thắt chặt.”
Ông Powell nói thêm rằng việc thắt chặt tín dụng đang diễn ra “sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế,” mặc dù hoạt động cho vay của ngân hàng “tăng đáng kể” so với một năm trước.
“Có vẻ như nền kinh tế đang vượt qua tốt giai đoạn này,” chủ tịch Fed cho biết tại cuộc họp báo. “Tất nhiên, chúng tôi đang theo dõi cẩn thận và hy vọng sẽ tiếp tục làm điều đó.”
Biên bản từ một số cuộc họp gần đây nhất của FOMC cho thấy rằng họ đang dự đoán một cuộc suy thoái kinh tế bắt nguồn từ hậu quả của những lượt sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank, Signature Bank, và First Republic. Thay vào đó, ông Powell lưu ý, các nhà kinh tế của ngân hàng trung ương mong đợi “một sự chậm lại đáng chú ý.”
Ông nói: “Vì vậy, đội ngũ nhân viên hiện dự báo một sự tăng trưởng chậm lại đáng chú ý bắt đầu từ cuối năm nay, nhưng với khả năng phục hồi của nền kinh tế gần đây, họ không còn dự báo suy thoái nữa.”
Tình hình của ngành ngân hàng
Theo dữ liệu H.8 của Fed, kể từ tháng 04/2022, tiền gửi tại tất cả các ngân hàng thương mại đã giảm đều đặn, giảm 5% xuống mức thấp nhất là 17.23 ngàn tỷ USD. Tiền gửi đã và đang phục hồi với một tốc độ khiêm tốn, tăng 0.6% kể từ đầu tháng Năm.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại nhỏ trong nước đã không hồi phục sau cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi đầu năm nay. Tiền gửi vẫn thấp hơn khoảng 200 tỷ USD so với mức trước khi xảy ra biến động, ở mức khoảng 5.2 ngàn tỷ USD.
Trong nhiều tháng, các quan chức Hoa Kỳ đã khẳng định rằng hệ thống ngân hàng an toàn, mạnh mẽ, lành mạnh, và có khả năng phục hồi. Bất chấp sự trấn an này, các cơ quan quản lý từ Fed, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) đã ban hành một kế hoạch dài 1,000 trang để thắt chặt sự giám sát ngân hàng rộng hơn. Nhưng kế hoạch này cũng gồm một đề nghị tăng các yêu cầu về vốn đối với ngân hàng lớn.
Trong Báo cáo Chính sách Tiền tệ bán niên trước Quốc hội và trong phiên họp báo sau [cuộc họp của] FOMC hồi tháng trước, ông Powell đã bày tỏ sự hoài nghi đối với kế hoạch của Phó Chủ tịch Fed phụ trách giám sát Michael S. Barr. Ông cảnh báo rằng sẽ có những sự đánh đổi liên quan đến mức tăng trưởng kinh tế chậm hơn và tiêu chuẩn về vốn cao hơn.
“Các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ và toàn cầu đã tăng đáng kể các yêu cầu về vốn ngân hàng lớn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu,” ông Powell cho biết. “như mọi lần, trong khi vẫn có thể có những lợi ích từ mức vốn cao hơn [tại ngân hàng], nhưng chúng ta cũng phải xem xét các chi phí tiềm ẩn.”
Tuy nhiên, ông Barr bảo vệ đề nghị này, nói rằng một khoản đệm vốn lớn hơn “bảo đảm được rằng các ngân hàng có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng của họ trong việc phục vụ các gia đình và doanh nghiệp.”
Ông nói: “Mục tiêu hành động của chúng ta ngày nay rất đơn giản: tăng sức mạnh và khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng bằng cách điều chỉnh tốt hơn các yêu cầu về vốn với rủi ro.”
Công chúng sẽ có 120 ngày để đưa ra phản ứng sau khi kế hoạch được chính thức công bố. Các chuyên gia nói rằng có khả năng sẽ có phản ứng dữ dội.
‘Tăng lãi suất đưa chúng ta vào một cuộc suy thoái’
Theo CME FedWatch Tool, thị trường kỳ hạn hy vọng Fed sẽ nhấn nút tạm dừng tăng lãi suất vào tháng tới. Vào tháng Mười Một, có 33% cơ hội tăng lãi suất. Vào tháng Mười Hai, có 30% khả năng lãi suất chuẩn các quỹ của fed được tăng lên.
Tóm tắt các Dự báo Kinh tế (SEP) hồi tháng Sáu cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách dự đoán sẽ có thêm hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay, với lãi suất chính sách trung điểm tăng lên 5.6%.
“Tôi có thể nói rằng chắc chắn có khả năng chúng tôi sẽ tăng lãi suất quỹ trở lại tại cuộc họp tháng Chín nếu dữ liệu bảo đảm điều đó,” ông Powell nói với các phóng viên. “Và tôi cũng muốn nói rằng có thể chúng ta sẽ chọn giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp đó.”
Ông Ali Hassan, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Thornburg Investment Management, lo ngại rằng ngân hàng trung ương có thể “đẩy chúng ta vào một cuộc suy thoái.”
“Tôi nghĩ rằng tháng Chín vẫn có khả năng tăng lãi suất. Không có gì thay đổi về cách Fed cân bằng các rủi ro, và họ muốn thấy sự xác nhận từ dữ liệu,” ông Hassan nói trong một ghi chú. “Điểm mấu chốt là tôi vẫn sợ Fed sẽ đẩy chúng ta vào một cuộc suy thoái, và Fed có vẻ thoải mái với rủi ro này.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times