PHÂN TÍCH: Hoạt động gián điệp và tham nhũng ám ảnh ngành công nghiệp hải quân của Trung Quốc
Trong những năm gần đây, các nhân sự chủ chốt trong ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc thường xuyên xảy ra chuyện, kết quả là những hoài nghi về hoạt động gián điệp và tham nhũng hiện đang tràn ngập khắp các xưởng đóng tàu quân sự của Trung Quốc.
Trong số những vụ việc đó có ông Lý Kiến Minh (Li Jianming), kế toán trưởng kiêm phó giám đốc Viện Nghiên cứu 711 của Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC). NetEase đưa tin cho biết, theo cáo phó do Viện nghiên cứu 711 công bố hôm 17/05, ông Lý đột ngột “qua đời trong khi thi hành công vụ” ở tuổi 52.
Bản tin chính thức của giới truyền thông về sự qua đời của ông Lý có nhiều nét tương đồng với những ca tử vong hàng loạt gần đây trong giới chuyên gia và người nổi tiếng do nhiễm COVID-19. Những bản tin này không cung cấp chi tiết cụ thể về nguyên nhân tử vong đột ngột của ông Lý, nhưng lại ca ngợi thành tích làm việc của ông với tư cách là một “đảng viên trung thành của Đảng Cộng sản.”
Ông Lý chịu trách nhiệm quản lý “ngân quỹ” của tổ chức quốc phòng này và giám sát một lượng lớn dòng tiền ra vào hàng ngày. Hơn nữa, Viện Nghiên cứu 711, nơi ông Lý làm việc, là một trong những tổ chức nghiên cứu và phát triển quân sự nhạy cảm nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và có liên quan đến dự án phát triển các hệ thống động lực thông thường cho hàng không mẫu hạm và các chiến hạm lớn khác.
Một vụ việc khác gần đây liên quan đến một nhân sự cốt cán trong ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc là ông Trần Phúc Thắng (Chen Fusheng), cựu giám đốc Viện Công nghệ Quang điện tử Hoa Trung (mã ngành quân sự: 717), một bộ phận nghiên cứu quan trọng của Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC). Theo thông báo chính thức của cơ quan giám sát kỷ luật hàng đầu của Trung Quốc hôm 16/03, ông Trần đang bị điều tra vì “bị tình nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Theo thông lệ của ĐCSTQ, “bị tình nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” là một lời buộc tội mơ hồ thường được dùng để đối phó với các vụ án liên quan đến bí mật nhà nước và bí mật của Đảng hơn là các vụ án tham nhũng nói chung, đặc biệt là khi ông Trần đang ở một vị trí lãnh đạo nhạy cảm và quan trọng như vậy trong một viện nghiên cứu quân sự.
Viện Công nghệ Quang điện tử Hoa Trung được cho là tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển về quang điện tử và công nghệ điều hướng dựa trên quang học kỹ thuật, tập trung vào công nghệ laser và công nghệ hồng ngoại cũng như vật liệu quang điện tử đặc biệt có quy mô lớn, chẳng hạn như các loại vũ khí laser.
Ông Trần là một nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này. Tháng 05/2019, ông trở lại trường cũ của mình, Đại học Khoa học và Công nghệ Giang Tô, để thuyết trình về hướng xây dựng và phát triển của hệ thống quang điện tử trên các tàu của Trung Quốc và một số công nghệ vượt trội liên quan đến ngành công nghiệp quân sự.
Được sự chấp thuận của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản thuộc Sở hữu Nhà nước của Quốc Vụ viện, CSIC và CSSC đã sát nhập vào tháng 11/2019 để thành lập một tập đoàn đóng tàu, tổ chức sau khi sáp nhập sử dụng tên gọi là CSSC.
CSIC chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh ở miền bắc và miền tây Trung Quốc, trong khi CSSC chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh ở miền đông và miền nam.
Các tập đoàn quốc phòng này là đơn vị nghiên cứu và chế tạo cốt lõi cho hệ thống tàu quân sự của ĐCSTQ. Hai tổ chức này là lực lượng dẫn đầu trong nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, và bảo trì các loại vũ khí và trang thiết bị của hải quân. Họ chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các thiết bị chiến tranh hàng đầu của lực lượng hải quân, trong đó có hàng không mẫu hạm và tàu ngầm hạt nhân.
Mặc dù có rất ít chi tiết công khai về cả hai trường hợp kể trên, nhưng trong một trường hợp trước đó có liên quan đến một tổng giám đốc của CSIC, người đã bị kết án hơn mười năm tù, thì lại có nhiều thông tin hơn.
Tháng 06/2018, tổng giám đốc CSIC đương thời Tôn Ba (Sun Bo) bị sa thải. Vào tháng Bảy năm sau, Tòa án Nhân dân Trung cấp thứ Nhất Thượng Hải đã kết án ông Tôn 12 năm tù về tội “nhận hối lộ và lạm quyền.” Tòa án này đã tổ chức một phiên tòa xét xử kín đối với vụ án của ông Tôn với lý do liên quan đến “các bí mật quốc gia”.
Ông Tôn bị cáo buộc đã bán thông tin bí mật về thiết kế và thông số kỹ thuật của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cho Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) trong nhiều năm. Ông đã lãnh đạo các nỗ lực tu bổ hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, tàu này do Liên Xô thiết kế và mua lại từ Ukraine vào năm 1998.
Hãng thông tấn Nga Sputnik đưa tin vào ngày 21/06/2018 cho biết ông Tôn cũng chỉ thị thiết kế và đóng tàu Sơn Đông. Đây là hàng không mẫu hạm được chế tạo đầu tiên ở trong nước sau tàu Liêu Ninh, vì vậy có tin đồn rằng ông Tôn có thể cũng đã giao thiết kế tàu Sơn Đông cho CIA.
Hồi tháng 05/2020, cấp trên của ông Tôn là ông Hồ Vấn Minh (Hu Wenming), cựu chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc, được mệnh danh là “cha đẻ của hàng không mẫu hạm Trung Quốc,” đã bị Ủy ban Giám sát Kỷ luật cách chức và thẩm vấn vì “các vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật Đảng nghiêm trọng” đồng thời nhận hối lộ lên tới 5.28 tỷ nhân dân tệ (khoảng 740 triệu USD).
Theo một bài báo trên cổng thông tin Sina của Trung Quốc, vụ việc nói trên được đưa ra tòa hồi tháng 02/2021, nhưng không có thêm tiến triển nào trong hơn hai năm qua.
Ủy ban Giám sát và Kỷ luật không tiết lộ các vấn đề cụ thể về ông Hồ. Tuy nhiên, bản tin của Đài Á châu Tự do vào ngày 13/05/2020 cho biết ông Hồ có thể đã “tham gia vào việc làm rò rỉ [công nghệ chủ chốt của hàng không mẫu hạm nội địa] cho các cơ quan tình báo ngoại quốc,” và “ĐCSTQ đang trừng phạt những người được gọi là phản quốc nghiêm trọng [hơn là tham nhũng].”
Vài tháng sau khi ông Hồ bị bắt, CSIC đã đưa ra một thông báo nói rằng ông Hoàng Quần (Huang Qun,) phó giám đốc đơn vị trực thuộc của Viện Nghiên cứu Đại Liên 760, ông Tống Ngọc Tài (Song Yucai), người đứng đầu một nền tảng thử nghiệm, và ông Tưởng Khải Bân (Jiang Kaibin,) trưởng bộ phận cơ điện của một nền tảng thử nghiệm, đã qua đời vào ngày 20/08/2018 trong khi thi hành công vụ.
Ba người này đều giữ các chức vụ lãnh đạo, và việc họ qua đời được công bố cùng ngày. Ẩn tình sau câu chuyện này là một câu hỏi rất đáng suy ngẫm.
Ba hàng không mẫu hạm
Đã hơn một thập niên trôi qua kể từ khi hàng không mẫu hạm đầu tiên được đưa vào hoạt động hồi tháng 09/2012, nhưng hai hạm đội hàng không mẫu hạm đó vẫn đang trong giai đoạn đào tạo và hội nhập, với những công nghệ và vũ khí chủ chốt đã lỗi thời.
Đầu tháng Tư năm nay, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đến thăm Hoa Kỳ và gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy. Đáp lại, hàng không mẫu hạm Sơn Đông đi qua eo biển giữa Philippines và Đài Loan và tiến vào vùng biển phía đông nam Đài Loan hôm 05/04. Ngày hôm sau, ĐCSTQ đã điều động thêm ba chiến hạm và một trực thăng chống ngầm Ka-28 trong các nỗ lực sách nhiễu và đe dọa Đài Loan.
Tuy nhiên, việc ĐCSTQ phô trương lực lượng để đe dọa Đài Loan đã bộc lộ điểm yếu về sức mạnh quân sự trên biển của nhà cầm quyền này. Ông Richard D. Fisher, Jr., một thành viên cao cấp của tổ chức tư vấn Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế Hoa Kỳ, nói với VOA rằng những nỗ lực hải quân như vậy của Bắc Kinh rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là trước các tàu ngầm tấn công của Hoa Kỳ.
Ông Fischer cho biết ĐCSTQ đã phái hàng không mẫu hạm Sơn Đông cùng với 1,500 thủy thủ đoàn đến phía đông nam Đài Loan, ở vùng nước sâu nhất của Thái Bình Dương. Quyết định này sẽ tương đương với hành vi “tự sát” vì đây là một khu vực lý tưởng để tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh của Hoa Kỳ hoạt động.
Theo ông Fischer, nếu hàng không mẫu hạm Sơn Đông từng có hành động tấn công Đài Loan, thì tàu này sẽ nhanh chóng chìm xuống đáy biển — đó sẽ là một hành động liều lĩnh.
Bản tin hôm 07/04 của VOA cho biết các hàng không mẫu hạm của ĐCSTQ mang tính chất tuyên truyền hơn, khi viện dẫn các chuyên gia quân sự quốc tế nói rằng việc cất cánh và hạ cánh của hàng không mẫu hạm vào ban đêm và trong điều kiện thời tiết bất lợi là những hoạt động thường nhật quan trọng đối với các hàng không mẫu hạm ngoài khơi, nhưng những điều này không được đưa vào trong các cuộc tập trận hàng không mẫu hạm gần đây của Trung Quốc.
Hơn nữa, lực lượng hải quân của ĐCSTQ vẫn chưa phát triển các năng lực sàng lọc bảo vệ thuần thục, đặc biệt là đối với chiến tranh chống tàu ngầm.
Bản tin của VOA cho biết, ngay cả các nhà phân tích quân sự Trung Quốc cũng đã thừa nhận trong hàng chục bài báo đăng trên các tạp chí trực thuộc ĐCSTQ về việc đội hình hàng không mẫu hạm của Trung Quốc thiếu khả năng chiến đấu, và một số bài báo cho rằng các hàng không mẫu hạm này vẫn đang trong chế độ huấn luyện.
Hàng không mẫu hạm thứ ba mang tên Phúc Kiến được hạ thủy rầm rộ vào ngày 17/06/2022 với tư cách là hàng không mẫu hạm lớn nhất của Trung Quốc, nhưng “có lẽ đó không phải là vấn đề lớn nhất trong tâm trí của các chỉ huy hải quân Hoa Kỳ ngay lúc này,” theo một bản tin của hãng truyền thông CNN vào ngày 26/06/2022.
Ông Carl Schuster, cựu thuyền trưởng Hải quân Hoa Kỳ kiêm cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, ước tính hàng không mẫu hạm Phúc Kiến sẽ không hoạt động trong vòng ba hoặc bốn năm nữa.
Nguyễn Lê và Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times