Phân tích: Dữ liệu COVID đầy mâu thuẫn của Trung Quốc che giấu con số tử vong rất lớn
Kêu gọi trách nhiệm giải trình khi các số liệu của Trung Quốc tiếp tục mâu thuẫn với nhau
Các đợt bùng phát COVID-19 trên diện rộng đã càn quét khắp Trung Quốc kể từ tháng Mười Hai năm ngoái, sau khi Bắc Kinh đột ngột quyết định chấm dứt các biện pháp phòng chống đại dịch mà họ đã thi hành nghiêm ngặt trong ba năm qua. Hồi cuối tháng Một, trong dịp Tết Nguyên Đán, một quan chức y tế cao cấp của Trung Quốc đã tiết lộ rằng hơn 80% dân số Trung Quốc đã bị nhiễm virus.
Dù cho có nhiều bản tin công bố các tài liệu nội bộ bị rò rỉ cho thấy số người tử vong cao ở nước này, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục công bố dữ liệu chính thức dường như không hợp lý và thiếu thuyết phục đối với công chúng và các chuyên gia trên toàn thế giới.
Căn cứ vào lịch sử làm sai lệch dữ liệu bấy lâu nay của chính quyền Trung Quốc đối với hầu hết các sự kiện thảm họa lớn, hôm 04/01 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) một lần nữa công khai yêu cầu Bắc Kinh chia sẻ dữ liệu cụ thể và theo thời gian thực về các đợt bùng phát mới đang càn quét khắp đất nước này, nhắc lại “tầm quan trọng của sự minh bạch.”
Trong một cuộc họp báo sau đó, WHO nhấn mạnh rằng dữ liệu hiện tại do ĐCSTQ công bố không phản ánh đúng thực tế mà dịch COVID-19 đã và đang thể hiện ra đối với số ca nhập viện, số ca nhập viện chữa trị cấp tính (tình trạng khẩn cấp hoặc bệnh nặng), và đặc biệt là số ca tử vong của quốc gia này.
Bài viết này phân tích sự khác biệt lớn giữa dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) công bố ở trong nước và dữ liệu mà Trung Quốc đã cung cấp cho WHO, đặc biệt là trong khoảng thời gian một tháng kể từ ngày 08/12/2022 đến ngày 08/01/2023.
Bài phân tích này cũng bao gồm các liên kết tham chiếu có liên quan và ảnh chụp màn hình của dữ liệu.
Sự khác biệt về dữ liệu: Ngày 08/12/2022
Vào ngày 08/12, trang web của CDC Trung Quốc đã báo cáo không có ca tử vong mới nào do COVID-19 và báo cáo tổng số ca tử vong do virus này là 5,235 ca.
Cùng ngày, WHO đã công bố những số liệu do Trung Quốc cung cấp. Những số liệu đó cho thấy 48 ca tử vong mới và tổng số người tử vong là 30,653 người.
Sự khác biệt về dữ liệu: Ngày 08/01/2023
Hôm 08/01, CDC Trung Quốc đã báo cáo ba ca tử vong mới và tổng số người tử vong là 5,272 người.
Trong khi đó, dữ liệu mà Trung Quốc cung cấp cho WHO cho thấy có 3,229 ca tử vong mới tính đến ngày 08/01 và tổng số ca tử vong là 76,674 người.
Sự khác biệt về dữ liệu trong vòng một tháng
Dữ liệu do CDC Trung Quốc công bố trong toàn bộ khoảng thời gian từ ngày 08/12/2022 đến ngày 08/01/2023, đã ghi nhận 37 trường hợp tử vong mới do chủng virus này.
Tuy nhiên, dữ liệu mà Trung Quốc báo cáo cho WHO trong khoảng thời gian đó cho thấy có 3,229 ca tử vong mới.
Dữ liệu từ CDC Trung Quốc cho thấy tổng số người thiệt mạng tăng chậm: từ 5,235 vào ngày 08/12/2022 lên 5,272 vào ngày 08/01/2023, chỉ có 37 ca tử vong mới trong khoảng thời gian một tháng.
Tuy nhiên, dữ liệu báo cáo cho WHO cho thấy tổng số người tử vong tăng mạnh: từ 30,653 lên 76,674, trong đó có 46,021 ca tử vong mới trong một tháng.
Nghĩa là số ca tử vong lũy tích trong một tháng được báo cáo cho WHO — là 46,021 ca tử vong — gấp khoảng 1,243 lần số liệu mà CDC Trung Quốc công bố — chỉ 37 ca tử vong.
Khác biệt dữ liệu về số ca nhiễm được xác nhận: Ngày 05/01/2023
Hôm 05/01, CDC Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy 9,548 ca nhiễm COVID-19 mới được xác nhận.
Cùng ngày, dữ liệu mà Trung Quốc báo cáo cho WHO cho thấy sự sai biệt lớn: 1,250,579 ca nhiễm mới được xác nhận.
So sánh hai số liệu cho thấy sự chênh lệch lớn đến 1,24 triệu ca nhiễm COVID-19 theo ngày.
Mâu thuẫn lớn trong các báo cáo nội địa về số ca nhiễm được xác nhận
CDC Trung Quốc đã báo cáo hôm 25/01 rằng “số người bị nhiễm COVID-19 tại các bệnh viện trên toàn quốc đã đạt mức cao nhất là 1.625 triệu vào hôm 05/01/2023.”
Tuy nhiên, CDC Trung Quốc đã báo cáo ở những nơi khác rằng chỉ có khoảng 92,000 ca được xác nhận nhiễm COVID-19 vào hôm 05/01.
Vì không phải tất cả bệnh nhân dương tính với COVID đều phải nhập viện, nên số ca được xác nhận phải nhiều hơn số bệnh nhân nhập viện chứ không ít hơn.
Sự khác biệt lớn giữa hai số liệu là rất khó hiểu và mâu thuẫn đến mức mọi số liệu trở nên hoàn toàn vô nghĩa.
Sự khác biệt: Dữ liệu về bệnh nhân nhập viện
Một sự khác biệt nữa về số liệu cũng xảy ra vào cuối tháng Một. Số ca nhập viện vì COVID-19 của CDC Trung Quốc vào ngày 30/01 là 144,000 ca.
Trong khi đó, số liệu được cung cấp cho WHO cùng ngày hôm đó là 28,000 ca nhập viện vì COVID-19: chênh lệch khoảng 116,000 (người).
Trách nhiệm giải trình đối với dữ liệu gian lận của ĐCSTQ
Dữ liệu chính thức về đại dịch của ĐCSTQ đã được giám sát chặt chẽ cả ở trong và ngoài nước, và rõ ràng là có những lỗ hổng và mâu thuẫn đáng kể trong dữ liệu do các bộ phận khác nhau công bố. Sự khác biệt lớn giữa dữ liệu nội bộ của CDC Trung Quốc và dữ liệu được công bố cho WHO càng củng cố luận điểm rằng các con số chính thức của Trung Quốc phần lớn đã bị làm sai lệch — rất có thể là để che đậy quy mô của đại dịch.
Ngoài ra, CDC Trung Quốc đã giảm tần suất báo cáo từ hàng ngày xuống hàng tuần và thậm chí còn đưa ra ý tưởng báo cáo hàng tháng. Điều này khiến dư luận Trung Quốc hoang mang về tình hình dịch bệnh hiện nay ở quốc gia này. Dường như chính quyền Trung Quốc không có ý định chia sẻ dữ liệu thực tế với người dân Trung Quốc và thế giới.
Hôm 30/12, tờ New York Times đã đăng một bài viết cho thấy Trung Quốc đã biến các con số COVID-19 thành một “trò chơi đoán khoa học” đối với các nhà dịch tễ học phương Tây. Bài báo cho biết, các con số chính thức về COVID-19 của Trung Quốc đơn giản là không thể xảy ra, vì tất cả các mô hình của các nhà khoa học phương Tây đều dự đoán một đợt bùng phát đại dịch nghiêm trọng hơn nhiều.
Tạp chí Forbes đã gợi ý hôm 25/01 rằng dữ liệu COVID-19 không đầy đủ của Trung Quốc đang gây nhầm lẫn trên toàn thế giới về quy mô của đại dịch. Bài báo của Forbes cũng đặt ra nghi vấn về tính hiệu quả của chính sách “zero-COVID” trước đây của Trung Quốc khi quốc gia này đạt đến đỉnh điểm của đại dịch. Những lỗ hổng và sự khác biệt trong dữ liệu của Bắc Kinh cho thấy chính quyền này đang ăn bớt đáng kể các số liệu của mình và gây hiểu lầm cho công chúng.
Hôm 04/01, trưởng bộ phận y tế khẩn cấp của WHO, Tiến sĩ Michael Ryan, đã ám chỉ rằng chính quyền Trung Quốc đã trình bày sai số liệu về số ca nhiễm COVID-19 trong bối cảnh đại dịch bùng phát mạnh ở quốc gia này. Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã nhiều lần kêu gọi ĐCSTQ minh bạch về dữ liệu đại dịch COVID-19 của họ.
Sự thay đổi đột ngột và bất thường của Bắc Kinh trong chính sách dịch bệnh có thể cho thấy rằng ĐCSTQ biết tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh vượt xa ước tính trước đó của họ. Tháng Mười Hai năm ngoái, do rất nhiều yếu tố, Trung Quốc nhận ra rằng ngày càng có nhiều người tử vong bất chấp chính sách zero COVID của họ. Bề ngoài, chính quyền tuyên bố đang nới lỏng quản lý đại dịch, nhưng trên thực tế, họ chỉ đơn giản là buông xuôi hoàn toàn chính sách “zero-COVID” thất bại của mình.
Từ việc che đậy nguồn gốc COVID-19 ban đầu cho đến chính sách cực đoan “zero-COVID”, rồi hiện tại là gần như “không làm gì cả”, ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về hành vi xem thường tính mạng con người và làm sai lệch dữ liệu nhằm lừa dối thế giới.
Dữ liệu nhà tang lễ: Số người thiệt mạng có thể lên tới 6 triệu vào tháng Mười Hai
Theo một cuộc điều tra gần đây của Epoch Times, nhiều nhà tang lễ ở Trung Quốc có một số lượng lớn thi thể đang chờ hỏa táng. Nhà tang lễ lớn nhất ở Thượng Hải, trước đây chỉ hỏa táng khoảng 90 thi thể mỗi ngày, giờ đây con số đó dao động từ 400 đến 500 thi thể.
Theo một bản tin của NTD, kể từ đầu tháng Một, có ít nhất 37 lò hỏa táng đã đăng hồ sơ mời thầu xây dựng lò hỏa táng trên các trang web của chính phủ. Và một số nhà tang lễ đang xây dựng những lò hỏa táng ngoài trời lớn để đáp ứng nhu cầu tăng vọt.
Hôm 14/12, giai đoạn đầu của đợt bùng phát hiện tại, một nhân viên nhà tang lễ nói với The Epoch Times rằng số thi hài chờ hỏa táng đã được lên lịch cho một tuần.
“Ngày nào chúng tôi cũng tất bật, từ trước đến giờ chúng tôi chưa bao giờ bận rộn như vậy,” nhân viên này nói.
“Số người được hỏa táng mỗi ngày đều nhiều hơn trước đây, nhiều cuộc gọi đặt lịch đến nỗi chúng tôi không thể trả lời được hết. Nhiều người đang xếp hàng [chờ dịch vụ của chúng tôi]. Chúng tôi không có thời gian để nghỉ ngơi.”
Nhà tang lễ Bát Bảo Sơn của Bắc Kinh vận hành 19 lò hỏa táng. Nhà tang lễ này được biết đến là nơi có lò hỏa táng đặc biệt và cũng là duy nhất ở Bắc Kinh — lò rộng hơn, dài hơn, và cao hơn dành riêng cho những tử thi cao lớn hoặc có thân hình ngoại cỡ.
Từ hôm 08/12 đến 12/01, khối lượng hỏa táng của Bát Bảo Sơn gần gấp bảy lần khối lượng hỏa táng hồi năm 2019.
Ông Lâm Hiểu Húc (Sean Lin) là một nhà virus học và là cựu giám đốc phòng thí nghiệm tại Khoa Bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed. Nhìn vào nhiều báo cáo về các lò hỏa táng hoạt động suốt ngày đêm, ông ước tính rằng nếu tất cả các lò hỏa táng được báo cáo của Trung Quốc đều hoạt động 24/7, thì những lò này sẽ thiêu hủy khoảng 6 triệu thi thể trong khoảng thời gian kéo dài một tháng.
Bản tin có sự đóng góp của Sean Tseng
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times