PHÂN TÍCH: Cuộc thanh trừng tướng lĩnh của ông Tập để lộ cuộc khủng hoảng lớn trong nội bộ ĐCSTQ
Theo các nhà phân tích, việc hai tư lệnh hàng đầu giám sát kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vừa bị cách chức cho thấy những rạn nứt nghiêm trọng trong chế độ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, và sẽ gây tổn hại đến quá trình hiện đại hóa quân đội của quốc gia này.
Tuần trước (31/07-06/08), Tướng Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), và ông Từ Trung Ba (Xu Zhongbo), chính ủy, chỉ huy thứ hai của lực lượng này, đã bị cách chức sau nhiều tháng không xuất hiện trước công chúng. Hiện vẫn chưa có thông tin nào về lý do sa thải và nơi ở hiện tại của họ.
Hôm 31/07, ông Tập đã bổ nhiệm cựu phó tư lệnh hải quân Vương Hậu Bân (Wang Houbin) làm tân tư lệnh của Lực lượng Hỏa tiễn, trong khi ông Từ Tây Thịnh (Xu Xisheng), một sĩ quan không quân kiêm ủy viên của Ủy ban Trung ương ưu tú của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), được thăng chức làm chính ủy.
Đáng chú ý, cả hai người này đều ngoài ngành và không có kinh nghiệm trong Lực lượng Hỏa tiễn, cánh tay đắc lực của PLA chịu trách nhiệm về kho vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo của đất nước. Các nhà phân tích nói rằng việc bổ nhiệm hai vị tướng mới này có thể sẽ gây nguy hại cho khả năng chiến đấu của chế độ này, vì ĐCSTQ không ngừng tìm cách thách thức các lực lượng hạt nhân của Hoa Kỳ và Nga.
Sự mất tích của Tướng Lý và ông Từ Trung Ba là một trong số các vụ mất tích của một số lãnh đạo của Lực lượng Hỏa tiễn trong những tháng gần đây. Vụ việc này được cho là đang được điều tra, báo hiệu một cuộc thanh trừng toàn diện nhắm vào ban lãnh đạo của lực lượng này.
Theo nhà Hán học Frank Lehberger sống ở Đức, trong số những người mất tích có Trung tướng Lưu Quang Bân (Liu Guangbin), phó tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn, và Trung tướng Trương Chấn Trung, cựu phó tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn.
Bên cạnh những vụ mất tích nói trên, sự kiện Tướng Ngô Quốc Hoa (Wu Guohua), cựu phó tư lệnh lực lượng này qua đời ở tuổi 66 hôm 04/07 mà mãi đến cuối tháng Bảy mới được truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận, đã khiến nhiều người suy đoán rằng những vụ thanh trừng này là do tham nhũng hoặc rò rỉ bí mật quân sự.
Ba tuần sau khi ông Ngô từ trần, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ông qua đời vì một căn bệnh không xác định. Các hãng truyền thông Hoa ngữ ở hải ngoại đã sớm đưa tin về sự ra đi của ông Ngô, làm dấy lên suy đoán rằng vị tướng này đã tự sát.
Những vụ mất tích và tử vong
Các cuộc thanh trừng diễn ra vào thời điểm có nhiều biến động đột ngột trong nội bộ ĐCSTQ.
Ông Claude Arpi, một nhà sử học người Pháp và là chuyên gia về Tây Tạng sống tại Ấn Độ, nói với The Epoch Times: “Có nhiều ẩn ý hơn những gì chỉ xuất hiện ở bề mặt trong những thay đổi gần đây của Lực lượng Hỏa tiễn PLA, đặc biệt là vào thời điểm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc biến mất.”
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tiền nhiệm Tần Cương đã biến mất một tháng trước khi chính thức bị cách chức mà không có lời giải thích cụ thể nào.
Ông Lehberger, nhà Hán học, cũng ghi nhận những tình tiết đáng ngờ xung quanh sự qua đời của Tướng Ngô Quốc Hoa.
Ông Lehberger thắc mắc, “Không có lý do nào được đưa ra để trả lời cho câu hỏi tại sao lại phải giữ bí mật về sự qua đời của Tướng Ngô trong ba tuần. Vào cuối tháng Bảy, người ta đã tổ chức một đám tang kín đáo và dè dặt bất thường cho ông, còn trong cáo phó thì không đề cập đến chức vụ của ông như là một thành viên cao cấp của ĐCSTQ. Về căn bản, đó là một sự sỉ nhục. Không một lời giải thích nào được đưa ra cho hành động này.”
Và Tướng Ngô không phải là quan chức quân sự cao cấp duy nhất qua đời vào đầu năm nay, và rồi được chính quyền Trung Quốc xác nhận một cách muộn màng.
Hôm 27/07, Tân Hoa Xã đưa tin Tướng Vương Thiếu Quân, 67 tuổi, cựu Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương đã qua đời vì một căn bệnh không được tiết lộ ở Bắc Kinh vào ngày 26/07.
Tướng Vương trước đây từng là cận vệ chính của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các thành viên cao cấp khác của ĐCSTQ.
“Không có lý do nào được đưa ra vì sao việc ông ta qua đời lại được giữ bí mật đến ba tháng,” ông Lehberger cho hay và nói thêm rằng trường hợp của hai vị tướng này là “điều gì đó chưa từng có tiền lệ” trong lịch sử của nhà cầm quyền cộng sản.
Tham nhũng
Ông Nishakant Ojha, một nhà phân tích địa chính trị sống tại Ấn Độ, tin rằng cuộc thanh trừng toàn bộ cấp chỉ huy của Lực lượng Hỏa tiễn có liên quan đến một cuộc thanh trừng tham nhũng.
“Lực lượng Hỏa tiễn có thể đã không đáp ứng được một số mục tiêu nhất định của giới lãnh đạo cao cấp,” ông Ojha nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng điều này có thể đã thúc đẩy một cuộc điều tra xem số tiền này đã đi đâu.
Một bản tin hôm 28/07 của tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post), trích dẫn các nguồn ẩn danh, cho biết một số tướng lĩnh hàng đầu của Lực lượng Hỏa tiễn PLA đã bị cơ quan giám sát quân sự điều tra về tham nhũng trong nhiều tháng, bao gồm chỉ huy hiện đương nhiệm của lực lượng này, ông Lý Ngọc Siêu, và hai vị tướng cấp phó là ông Trương Chấn Trung và ông Lưu Quang Bân.
Ông Ojha ví tình hình này giống như cuộc điều tra tham nhũng hồi năm ngoái nhắm vào quỹ đầu tư chất bán dẫn do nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc, được gọi là “Quỹ Đầu Tư Lớn,” đã khiến nhiều giám đốc điều hành hàng đầu, kể cả cựu chủ tịch của quỹ này, bị giam giữ vì các cáo buộc tham nhũng.
Rò rỉ thông tin tình báo
Đối với bà Hà Thanh Liên, một nhà kinh tế và nhà bình luận nổi tiếng gốc Hoa sống tại Hoa Kỳ, sự việc chấn động này là kết quả của vụ rò rỉ các bí mật quân sự được đưa ra ánh sáng khi nhóm chuyên gia cố vấn của Không quân Hoa Kỳ công bố một báo cáo về Lực lượng Hỏa tiễn PLA (pdf) vào ngày 24/10/2022.
Báo cáo này mô tả cấu trúc tổ chức của Lực lượng Hỏa tiễn, một quân chủng nổi lên nhờ tổng bí thư của họ, với mức độ chi tiết đáng chú ý, khiến các nhà phân tích trong đó có cả bà Hà kết luận rằng chỉ có các quan chức cao cấp của lực lượng mới có thể làm rò rỉ thông tin này.
“Không quá khó để nắm bắt loại thông tin này,” bà nói, lưu ý rằng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ thường xuyên chiêu mộ người Trung Quốc làm mật báo.
“Hơn nữa, ĐCSTQ luôn trừng trị nghiêm loại gián điệp phá hoại an ninh quốc gia này – phù hợp với nguyên tắc ‘thà giết nhầm còn hơn bỏ sót,’” bà nói, đề cập đến một câu nói của cựu lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông.
Bà Hà cho biết bà nhớ lại những vụ việc tương tự trước đây như cuộc thanh trừng năm 2010, trong đó ĐCSTQ đã dập tắt một hoạt động gián điệp của CIA bên trong Trung Quốc bằng cách hành quyết hoặc bỏ tù hàng chục điệp viên trong khoảng thời gian hai năm.
Nhiều yếu tố
Một số nhà phân tích đã lưu ý rằng việc thay đổi nhân sự trong ban chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn của ông Tập diễn ra không lâu sau cuộc binh biến Wagner của Nga vào cuối tháng Sáu, được phát động để nhắm vào Tổng thống Vladimir Putin.
Ông Lehberger gọi ông Putin là bằng hữu thân thiết của ông Tập Cận Bình và nói rằng cuộc binh biến ở Nga được cho là đã khiến vị lãnh đạo Trung Quốc này bị một phen thất kinh.
Mặc dù điều này chưa được xác nhận, nhưng ông Lehberger lưu ý rằng “thời điểm đặc biệt và sự vội vàng của việc thay thế [nhân sự] trong nội bộ PLA đang diễn ra” khiến suy đoán này trở nên đáng tin cậy hơn, đặc biệt khi tính đến việc ông Tập có thể đang phải đối mặt với các mối đe dọa đảo chính trong nhiệm kỳ của mình.
“Do đó, một số nhà bình luận gọi toàn bộ vụ việc là ‘thời điểm Wagner của Trung Quốc,” ông nói.
Ông Lehberger cho biết Lực lượng Hỏa tiễn, quân chủng mới nhất của PLA do ông Tập thành lập trong cuộc cải cách quân sự sâu rộng của ông vào năm 2015, giám sát các hỏa tiễn chính xác nhằm vào cả mục tiêu cố định lẫn mục tiêu di động ở bất kỳ đâu tại Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ và các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương như đảo Guam, Wake Island, Hawaii, cũng như trong phạm vi lục địa Hoa Kỳ.
“Hầu hết các hỏa tiễn chính xác (phi hạt nhân), do [Lực lượng Hỏa tiễn] điều khiển theo giả thuyết cũng có thể trở thành mục tiêu của những người mưu toan đảo chính giả định trong tương lai của Trung Quốc nhắm vào chính ông Tập Cận Bình. Do đó, về mặt giả thuyết, đây trở thành một con đường chắc chắn và không sai phạm [để] tước bỏ vị trí lãnh đạo Trung Quốc của ông Tập … rất khác với cuộc đảo chính bất thành của tập đoàn lính đánh thuê Wagner, vốn chỉ được trang bị các loại vũ khí thông thường, những người đã nhắm mục tiêu vào ông Vladimir Putin ở Moscow,” ông nói.
Ông Lehberger cũng cho biết thông điệp gần đây của ĐCSTQ nhắm vào PLA đã tiết lộ nguyên nhân đằng sau cuộc thanh trừng.
Theo ông Lehberger, các bài diễn văn của ông Tập kể từ hôm 24/07 và các bài xã luận khác nhau được đăng trên các phương tiện truyền thông nhà nước của ĐCSTQ đã nêu bật bốn vấn đề chính trong quân đội.
Ông Lehberger nói, bốn vấn đề này là “Thiếu đạo đức trong PLA, thiếu sự giám sát của PLA, hình thành các phe phái bên trong PLA, và PLA đang chủ động làm rò rỉ các bí mật quân sự hàng đầu.”
Theo nhà Hán học này, hai yếu tố đầu tiên có thể liên quan đến tham nhũng và các hình thức vi phạm đạo đức khác nhau, hai yếu tố sau là tội phản quốc và chính trị nghiêm trọng đang đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chính quyền ĐCSTQ và cá nhân ông Tập.
Ông Lehberger nói: “Bốn điểm này chứng thực cho đánh giá của tôi rằng toàn bộ sự việc này không chỉ do tham nhũng hay hành vi hoặc hành động trái đạo đức, mà vị thế của ông Tập với tư cách là nhà lãnh đạo chuyên quyền của Trung Quốc cũng đang bị đe dọa.”
Ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của PLA
Việc bổ nhiệm hai người ngoài ngành, một vị tư lệnh từ Hải quân và một vị phó tư lệnh của Lực lượng Không quân, làm lãnh đạo Lực lượng Hỏa tiễn PLA (PLARF), đã khiến các nhà phân tích không khỏi hoài nghi.
“Tất cả những điều này cho thấy ông Tập Cận Bình không chỉ gặp vấn đề lớn về kỷ luật trong PLA, mà còn gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc tìm kiếm các sĩ quan mà ông có thể tin tưởng,” ông Arpi, nhà sử học ở Ấn Độ cho hay.
Ông Lehberger cho biết việc bổ nhiệm Tướng Vương không chỉ khác thường, mà còn gây bất lợi cho khả năng chiến đấu của Lực lượng Hỏa tiễn.
Ông trích dẫn tiểu sử chính thức của Tướng Vương, trong đó nói rằng ông bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một sĩ quan cấp thấp trong Biệt đội Không quân của Hải quân PLA. Ông Vương giống một vị quan chức bàn giấy hơn vì ông chưa từng lái phi cơ khi ông giữ chức vụ đó, vì thế ông không có kinh nghiệm bay.
Sau đó, ông trở thành một sĩ quan tại trụ sở tham mưu của Hải quân PLA. Thế nên, ông cũng chưa từng tham gia vào hoạt động chỉ huy tàu chiến, do đó ông không hề có kinh nghiệm thực tế.
Ông Lehberger nói, “Ông Vương chỉ được tán dương là một sĩ quan trung thành, biết lắng nghe và chăm chỉ … trong bộ tham mưu. Nghịch lý thay, chính những phẩm chất đó, cùng với việc ông ta hoàn toàn không có kiến thức chuyên môn hoặc kỹ thuật, lại đóng một vai trò quan trọng trong việc ông Tập chọn Thượng tướng Vương Hậu Bân làm tân tư lệnh của PLARF.”
Việc vị tướng này thiếu kinh nghiệm liên quan sẽ đặc biệt gây tổn hại cho Lực lượng Hỏa tiễn vì theo ông Lehberger, lực lượng này lớn hơn nhiều so với các lực lượng khác và lực lượng này cần phải nằm dưới sự dẫn dắt của một vị sĩ quan chỉ huy có kiến thức chuyên môn về hỏa tiễn đạn đạo.
“Hơn nữa, địch thủ chính của PLARF là Lực lượng Hạt nhân Chiến lược đáng gờm của Hoa Kỳ, lực lượng này buộc PLARF không được phạm bất kỳ sai lầm nghiệp dư nào với hậu quả thảm khốc có thể xảy ra đối với … ĐCSTQ,” vị chuyên gia này cho biết.
“Do đó, một người mới và đứng ngoài cuộc như Tướng Vương Hậu Bân với tư cách là người đứng đầu PLARF sẽ chỉ gây ra sự bất bình, khinh thường, và bất phục tùng từ đội ngũ sĩ quan cũng như tức các cấp bậc bình thường, từ đó làm gia tăng thêm thói nghi kỵ và chứng hoang tưởng của ông Tập,” ông nói thêm, mô tả điều này là “một vòng bí hiểm.”
Theo ông Lehberger, cuộc cải tổ quy mô lớn các lực lượng do đích thân ông Tập ra tay cho thấy công cuộc cải tổ quân đội của nhà lãnh đạo Trung Quốc này, bắt đầu từ năm 2015, đang đối mặt với rắc rối nghiêm trọng chưa từng có.
“Điều này được chứng thực bởi thực tế là ngoài một số sĩ quan cao cấp của PLA, những người mà ông Tập biết rõ trong nhiều thập niên, ông ta không bao giờ tin tưởng bất kỳ ai khác trong đám sĩ quan PLA; ông ta khó chịu ra mặt khi gặp các sĩ quan PLA hoặc các sĩ quan có cấp bậc bình thường,” ông Lehberger nói.
Ông Tập đã thành lập cả Lực lượng Hỏa tiễn lẫn Lực lượng Chi viện Chiến lược PLA, chịu trách nhiệm về chiến tranh tâm lý, chiến tranh mạng, và chiến tranh thông tin vào tháng 12/2015.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times