PHÂN TÍCH: Các bản án về sự kiện ngày 06/01 cho thấy cựu TT Trump có thể phải đối mặt với cáo buộc xúi giục nổi loạn
Các nhà phân tích pháp lý cho biết các bản án gần đây dành cho các bị cáo nổi tiếng trong sự kiện ngày 06/01/2021 có thể khiến các công tố viên đưa ra cáo buộc đối với cựu Tổng thống Donald Trump về tội “âm mưu xúi giục nổi loạn” liên quan đến cuộc bạo loạn tại Điện Capitol.
Tuy nhiên, ông Trump dường như có những cách biện hộ hợp lý và vững chắc trước một cáo buộc như vậy. Và các công tố viên có nguy cơ sẽ gây ra phản ứng chính trị dữ dội hơn nếu chính phủ do Đảng Dân Chủ lãnh đạo thúc đẩy một vụ kiện liên bang đối với ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng Hòa này.
Các cáo buộc “làm giả hồ sơ kinh doanh” cấp tiểu bang đã được đưa ra nhằm vào ông Trump ở New York. Một vụ truy tố cấp tiểu bang thứ hai có thể xảy ra vì ông Trump đã phản đối kết quả bầu cử năm 2020 ở Georgia. Các công tố viên Đảng Dân Chủ đang giám sát cả hai vụ kiện, khiến ông Trump cho rằng các cuộc điều tra này có động cơ chính trị.
Trong khi đó, ở cấp liên bang, Biện lý đặc biệt Jack Smith đã đang điều tra ông Trump trên hai phương diện: cáo buộc giải quyết sai các tài liệu mật tại dinh thự Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, Florida, và các hành động của ông Trump xung quanh sự kiện ngày 06/01.
Mặc dù ông Trump cũng có thể dễ bị buộc tội từ “vụ cổng tài liệu”(document-gate), nhưng sau những sự việc gần đây, những tin đồn về việc ông Smith đang tìm cách khởi tố ông Trump về vụ bạo loạn ngày 06/01 ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Hồi tháng Năm, các nhà lãnh đạo của các nhóm cánh hữu đã bị truy tố và bị kết án vì vai trò của họ trong vụ bạo loạn tại Điện Capitol. Viện dẫn những lo ngại về các cuộc điều tra của ông Smith, các luật sư của ông Trump đã gửi thư đề nghị gặp Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ Merrick Garland, người đã bổ nhiệm ông Smith vài ngày sau khi ông Trump công bố chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 của mình.
Lời kêu gọi ‘ôn hòa’ là một minh chứng
Cựu giáo sư luật Rob Natelson, một thành viên cao cấp tại Viện Độc lập, một tổ chức tư vấn theo chủ nghĩa thiên tả có trụ sở tại Colorado, cho rằng các công tố viên có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra bằng chứng cho một vụ án cáo buộc cựu TT Trump âm mưu xúi giục nổi loạn.
“Cựu Tổng thống Trump được ghi nhận là đã nói với những người ủng hộ ông rằng hãy tiến tới Điện Capitol một cách ôn hòa,” ông Natelson nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 26/05 với The Epoch Times.
Ông Natelson nói rằng việc ông Trump kêu gọi một đám đông lớn tuần hành “một cách ôn hòa và yêu nước” dường như mâu thuẫn với những cáo buộc rằng ông Trump đang cố gắng kích động một cuộc tấn công bạo lực nhằm vào chính phủ Hoa Kỳ trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của mình.
“Tôi cần nhắc lại rằng: Tôi không phải là người biện hộ cụ thể cho ông Trump, quý vị biết đấy. Chẳng hạn, tôi không ủng hộ ông ấy tái đắc cử,” ông Natelson nói. “Nhưng tôi nghĩ thật lố bịch khi truy tố ông về tội xúi giục kích động bạo loạn. Điều đó thật vô lý.”
Tuy nhiên, ông Natelson cho biết, ông dự đoán rằng một vụ truy tố có khả năng sẽ được tiến hành “trong thời điểm này, khi mà luật pháp thường được vũ khí hóa.”
Tạm giam hàng trăm ngày để chờ xét xử
Cho đến nay, tối thiểu đã có 1,020 người bị buộc tội liên quan đến sự kiện ngày 06/01, theo cơ sở dữ liệu do trang LookAheadAmerica.org, một nhóm bất vụ lợi, phi đảng phái hướng đến sự liêm chính trong bầu cử và các quyền công dân, tập hợp.
Cơ sở dữ liệu này cho thấy hàng chục bị đơn trong sự kiện ngày 06/01 đã bị tạm giam thời gian dài trong khi chờ xét xử. Tính đến hôm 31/05, có khoảng 145 người đã ngồi sau song sắt do các các buộc trong vụ 06/01. “Nhiều người đã bị giam giữ hơn 800 ngày,” phân tích dữ liệu của nhóm này cho biết. “Ông Jake Lang, người đã đến giúp đỡ cô Rosanne Boyland khi cô ấy đang hấp hối và bị đánh đập trên bậc thềm của tòa nhà Quốc hội, hiện đã bị giam cầm tận 865 ngày, trong khi chờ xét xử. Để dễ so sánh, vào năm 1979, một chế độ Iran thù địch đã giam giữ 52 con tin người Mỹ trong 444 ngày và sau đó thả họ,” tổ chức Look Ahead America cho biết.
Như The Epoch Times đã đưa tin trong bộ phim tài liệu năm 2022, có tựa đề “Câu chuyện có thật về ngày 06/01”, một số lượng lớn người biểu tình đã lo ngại về việc liệu cuộc bầu cử năm 2020 có hợp pháp hay không, họ đơn thuần chỉ mang theo các biểu ngữ, ca hát và hô vang.
Rất nhiều người ở bên ngoài tòa nhà và vẫn rất ôn hòa. Một số người bước vào qua những cánh cửa mở sẵn ở Điện Capitol và đi dạo qua các hành lang như những khách tham quan, không gây hại gì; một vài người đã được mời chào vào bên trong. Tuy nhiên, những người tham gia khác đã trở nên bạo lực, tấn công cảnh sát và phá hoại tài sản.
Theo The Epoch Times đưa tin trước đó, hai tháng sau khi một luật sư bào chữa cho rằng một người phụ nữ không rõ danh tính có biệt danh là “Pink Beret (“Mũ nồi hồng”) đã dụ dỗ mọi người vào bên trong Điện Capitol, cô này đã được đưa vào Danh sách truy nã gắt gao nhất của FBI.
Tranh cãi về tội xúi giục nổi loạn
Ít nhất hơn nửa tá bị đơn ngày 06/01 đã bị kết tội âm mưu xúi giục nổi loạn – một lời buộc tội nặng nề hiếm khi được sử dụng. Tội danh này đã được quy định trong luật kể từ khi Nội chiến kết thúc; thường được sử dụng đối với những người miền Nam muốn nổi dậy chống lại chính phủ liên bang.
Một tội danh như vậy đề cập rằng phải có tối thiểu hai người đã bắt tay với nhau để “dùng vũ lực nhằm lật đổ, hạ bệ, hoặc tiêu diệt” chính phủ Hoa Kỳ, chống lại quyền lực của chính phủ, hoặc ngăn cản việc thi hành luật.
Các công tố viên liên bang đã lập luận thành công rằng các thành viên của hai tổ chức cánh hữu, Proud Boys và Oath Keepers, đã âm mưu can thiệp vào nghi thức kiểm phiếu của Đại Cử tri Đoàn và việc chuyển giao quyền lực từ ông Trump sang tổng thống đắc cử lúc bấy giờ là ông Joe Biden. Các luật sư bào chữa khẳng định rằng thân chủ của họ đã thực hiện quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất.
Tổ chức Proud Boys đã bị kết tội mặc dù một người báo tin của FBI đã làm chứng rằng, theo hiểu biết của ông, không có kế hoạch có tổ chức nào nhằm xâm phạm vào Điện Capitol. Thay vào đó, ông nói, “tâm lý đám đông” đã chiếm ưu thế.
Về phần ông Trump, ông Natelson nói: “Tôi không thấy bằng chứng chỉ ra rằng ông ấy cổ xúy bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào.”
Những người chỉ trích ông Trump chỉ ra rằng ông đã thúc đẩy một lý thuyết pháp lý khẳng định rằng Phó Tổng thống Mike Pence có quyền trì hoãn việc chứng nhận kết quả bầu cử đang gây tranh cãi này. Ông Natelson nói: “Tôi không đồng tình với những lý thuyết pháp lý đó, nhưng tôi không nghĩ quý vị thực sự có thể cho rằng những pháp lý này là không thể đứng vững được. “Và, trong mọi trường hợp, việc thúc đẩy các lý thuyết pháp lý không thể đứng vững được không giống với việc ủng hộ lật đổ chính phủ Hoa Kỳ.”
Ông Natelson tin rằng không có khả năng ông Trump sẽ bị kết tội âm mưu xúi giục nổi loạn. Ông cũng nghĩ rằng nếu có một lời buộc tội và kết án như vậy, thì khả năng chúng có thể đứng vững trước sự kháng cáo là “rất nhỏ cho đến bằng không.”
‘Cái nhìn’ không tốt
Ông John Banzhaf III, luật sư vì lợi ích cộng đồng yếm thế kiêm giáo sư luật tại Đại học George Washington, cho biết bản án gần đây dành cho tổ chức Proud Boys không giúp ích gì cho các công tố viên “xét từ quan điểm tuân theo pháp luật một cách chặt chẽ.” Nhưng những bản án đó “rất có thể tạo ra sự khác biệt lớn về cái mà chúng ta có thể gọi là ‘cách nhìn nhận của công chúng’ về tình huống này,” ông nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn hôm 30/05.
Nói cách khác, giờ đây khi nhiều bị cáo đã bị kết tội và kết án vì âm mưu nổi loạn, thì chính phủ TT Biden trông sẽ “khá hơn một chút” khi theo đuổi những cáo buộc như vậy đối với ông Trump, ông Banzhaf cho biết.
Ông nói: “Trong bất kỳ vụ án nổi bật nào, cách nhìn nhận của công chúng thường có thể rất quan trọng và điều đó đặc biệt đúng trong “vụ án chưa từng có theo nghĩa bề mặt” này. Nếu ông Smith có được một bản cáo trạng truy tố ông Trump, thì trên thực tế, điều đó sẽ buộc một ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Hoa Kỳ – ông Biden – phải chịu trách nhiệm truy tố đối thủ chính trị chính của mình là ông Trump.
Ông Trump và những người khác cáo buộc rằng ông Biden, một chính trị gia chuyên nghiệp và gia đình của ông đã được miễn khỏi diện bị giám sát trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, ông Trump, một doanh nhân từng là một người ngoại cuộc trên chính trường trước khi theo đuổi và đắc cử tổng thống, nói rằng ông đã bị nhắm mục tiêu một cách không công bằng. Cả ông Biden và ông Trump đều phủ nhận rằng mình đã có hành vi sai trái.
Nếu các công tố viên liên bang nằm dưới sự kiểm soát của ông Biden có hành động chống lại ông Trump trong khi cả hai đang vận động để giành được Tòa Bạch Ốc, thì tình hình này có thể khiến quốc gia trở thành “một nước cộng hòa chuối hoặc một quốc gia thuộc Thế giới thứ ba,” ông Banzhaf cho hay.
Do đó, “công tố viên liên bang phải nhận thức được một vấn đề thực sự về việc vô hiệu hóa bồi thẩm viên hoặc vô hiệu hóa bồi thẩm đoàn,” theo đó không có bằng chứng nào có thể thuyết phục các bồi thẩm viên kết tội vì họ đánh giá rằng bản thân việc truy tố đã là sự bất công trắng trợn, ông Banzhaf nói.
Ông Banzhaf dự đoán những người ủng hộ ông Trump hết mình sẽ không đơn độc trong việc bảo vệ cựu tổng thống những trường hợp này. Ông cho rằng một số công dân bình thường, ít có sự thiên lệch về chính trị có thể chia sẻ sự phẫn nộ của họ trước việc sử dụng dường như không phù hợp các nguồn lực của chính phủ.
Câu hỏi quan trọng hiếm khi được đặt ra
Ông Banzhaf cho biết cũng có thể khó đưa ra bằng chứng cho cáo buộc âm mưu xúi giục nổi loạn này.
Hôm 06/01/2021, ông Trump tuyên bố: “Chúng ta chiến đấu hết mình, và nếu quý vị không chiến đấu hết mình, thì quý vị sẽ không có được một đất nước nữa.”
Ông Banzhaf nói, nhưng điều đó có lẽ không đủ để chứng minh rằng ông ấy “kích động” bạo lực. Khi ông ấy nói “chiến đấu”, đó có thể là một cách nói bóng gió. Và, ông Banzhaf lưu ý, những câu nói đó tương tự như tuyên bố của các chính trị gia khác.
Ngoài ra còn cần phải vượt qua một rào cản pháp lý ít khi được nhắc tới: Phán quyết mang tính bước ngoặt của Tối cao Pháp viện trong vụ Brandenburg kiện Ohio.
Trong vụ kiện năm 1969 đó, tòa án này đã phán quyết rằng “bài diễn văn ủng hộ hành vi bất hợp pháp được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất trừ khi bài diễn văn đó có khả năng kích động ‘hành động trái pháp luật sắp xảy ra,’” theo Bách khoa toàn thư về Tu chính án thứ nhất.
Bởi vì có vụ kiện Brandenburg này, nên “quý vị phải tạo ra một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu, và nó phải rất, rất rõ ràng; rất, rất chính xác,” ông Banzhaf nói.
Ông cho biết dường như ít người từng suy nghĩ về câu hỏi then chốt này: “Mối nguy hiểm rõ ràng như thế nào khi ông Trump diễn thuyết?”
Nếu mối nguy hiểm đó quá rõ ràng, thì ai đó lẽ ra phải “gọi điện thoại ngay sau bài diễn văn của ông ấy và nói, Này, giờ thì rõ ràng rồi: Họ sẽ tiến vào Điện Capitol; phải làm gì đó thôi’,” ông Banzhaf nói. “Nhưng không có ai làm điều đó.”
Vụ kiện ở Georgia: nặng ký hay ‘tầm thường’?
Trong số bốn đầm lầy pháp lý mà ông Trump phải đối mặt, ông Banzhaf cho rằng vụ kiện ở New York này là yếu nhất. Vụ điều tra về các tài liệu mật và sự kiện ngày 06/01 của ông Smith là ở tầm trung. Nhưng vụ kiện về việc can thiệp bầu cử ở Georgia có thể là “vụ kiện nặng ký nhất và có nhiều khả năng thắng nhất,” ông Banzhaf nói.
Ông Banzhaf là luật sư đã nộp đơn khiếu nại ban đầu ở Quận Fulton, Georgia, dẫn đến cuộc điều tra của công tố viên Fani Willis đối với ông Trump. Do đó, ông Banzhaf thừa nhận rằng ông “có một chút thành kiến” khi nghiêng về vụ kiện này.
Vụ kiện ở Georgia xoay quanh việc liệu ông Trump hoặc các đồng minh của ông có vi phạm luật hay không khi họ tranh cãi về kết quả chiến thắng được báo cáo của ông Biden ở Georgia.
Hôm 02/01/2021, ông Trump đã có cuộc gọi nổi tiếng với Tổng thư ký Georgia Brad Raffensperger, một thành viên Đảng Cộng Hòa, và nói rằng ông cần “tìm” dưới 12,000 phiếu bầu để giành được chiến thắng.
Tuy nhiên, câu nói này đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khiến việc chứng minh ý định phạm tội có thể có đằng sau câu nói đó trở nên khó khăn.
Ông Natelson, thành viên cấp cao của Viện Độc lập, cho biết ông đã đọc bản ghi chép cuộc gọi của ông Trump tới ông Raffensperger. “Đối với tôi, tôi không thấy bất cứ điều gì nghe giống như phạm tội,” ông nói, thừa nhận rằng luật hình sự không phải là chuyên môn của ông ấy.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times