Phân tích: An ninh lương thực của Trung Quốc đối diện với 3 khó khăn lớn
Các chuyên gia cho biết, tuy rằng Trung Quốc là một quốc gia nhập cảng nông sản lớn nhất thế giới nhưng nước này khó có thể đạt được mục tiêu an ninh lương thực đã đề ra là giảm mạnh việc mua lương thực từ ngoại quốc trong thời gian 10 năm tới. Nguyên nhân là vì nước này phải đối mặt với những hạn chế thực tế về đất trồng và nước.
Một tài liệu được chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố vào cuối tháng 04/2024 cho biết chính quyền Trung Quốc dự tính đến năm 2033, tỷ lệ tự cấp của lương thực chính và các loại đậu đạt 92%, cao hơn so với tỷ lệ 84% trong giai đoạn 2021–2023.
Bộ Nông nghiệp nước này dự tính, trong 10 năm tới, đến năm 2033, lượng bắp nhập cảng sẽ giảm 75%, xuống còn 6.8 triệu tấn, lượng lúa mì nhập cảng sẽ giảm 60%, xuống còn 4.85 triệu tấn, và lượng đậu nành nhập cảng giảm 21%, xuống còn 78.7 triệu tấn.
Hãng truyền thông Reuters cho biết các mục tiêu ĐCSTQ đặt ra cho 10 năm tới hoàn toàn trái ngược với xu hướng nhập cảng ngũ cốc và hạt có dầu tăng 87% trong 10 năm qua, và hầu như không có cơ sở nào để đạt được.
Năm nhà phân tích và quản lý cấp cao trong ngành cho rằng ĐCSTQ sẽ khó đạt được mục tiêu này, chủ yếu do thiếu các tài nguyên đất và nước.
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), đến năm 2033, lượng nhập cảng bắp của Trung Quốc gần như không thay đổi so với mức hiện tại, lượng nhập cảng lúa mì sẽ giảm 20%, trong khi lượng nhập cảng đậu nành sẽ tăng 39%.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ còn dự tính nhu cầu thức ăn chăn nuôi (chủ yếu là bắp và đậu nành) sẽ tăng lên vượt qua việc tăng sản lượng sản xuất bắp trong nước của Trung Quốc. Điều này sẽ thúc đẩy việc nhập cảng lúa miến (cao lương) và lúa mạch.
Các ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cơ quan dự báo sản phẩm nông nghiệp toàn cầu được công nhận, là nguồn tham khảo quan trọng cho các cơ quan nghiên cứu và tổ chức đầu tư lớn trên toàn cầu.
Nguồn cung ứng lương thực là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc
Trung Quốc có dân số đông, nhưng diện tích đất canh tác bình quân lại tương đối thấp. Trong những năm gần đây, cùng với tình trạng thành thị hóa dân số, thì cấu trúc bữa ăn cũng thay đổi và số lượng nông dân giảm sút. Điều này khiến Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nhập cảng lương thực để đáp ứng nhu cầu của dân số. Nếu cuộc chiến tranh với Đài Loan xảy ra, Trung Quốc bước vào nền kinh tế thời chiến, thì nguồn cung ứng lương thực sẽ trở thành vấn đề lớn.
Tháng 04/2020, trong cuộc họp Bộ Chính trị của ĐCSTQ, Trung Quốc lần đầu tiên đề xướng “bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng” (thuộc một trong “sáu bảo đảm”). Năm 2022, “Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20” của ĐCSTQ đã đề xướng “củng cố vững chắc nền tảng an ninh lương thực về mọi mặt.” Sau đó, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc kiến nghị “thực hiện một vòng hành động mới để tăng sản lượng sản xuất lương thực lên 100 tỷ cân” [1 cân = 0.5kg]. Còn Hội nghị Công tác Nông thôn Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh “bảo đảm nguồn cung cấp lương thực và các sản phẩm nông sản quan trọng được ổn định, an toàn luôn là nhiệm vụ hàng đầu trong việc xây dựng quốc gia nông nghiệp hùng mạnh.”
Theo dự đoán của ông Vương Hồng Quảng (Wang Hongguang), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Lương thực và Thực phẩm Trung Quốc thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, tỷ lệ tự cung cấp lương thực của Trung Quốc là 86%, tỷ lệ tự cung cấp lương thực tiềm năng chỉ đạt 70%.
Ông Đỗ Ưng (Du Ying), cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải tổ và Phát triển Quốc gia và nhóm làm việc đã sử dụng các phương pháp tính toán khác nhau để tính tỷ lệ tự cung cấp lương thực của Trung Quốc. Kết quả cho thấy, tỷ lệ này giảm từ khoảng 100% xuống còn khoảng 76% trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm giảm hơn 1%. Nhóm của ông Đỗ dự đoán, đến năm 2035, tỷ lệ tự cung cấp lương thực nhìn chung có thể giảm từ mức hiện tại khoảng 76% xuống còn 65%.
Theo tiêu chuẩn an ninh lương thực thế giới do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc đưa ra, thì tỷ lệ tự cung cấp này phải đạt 90%.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine, Trung Quốc đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực. Thêm vào đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cùng với trận thiên tai mưa lớn phá hoại vụ thu hoạch lúa mì của Trung Quốc hồi năm 2023 đã làm gia tăng thách thức này. (Hoa Kỳ là quốc gia cung cấp nông sản lớn thứ hai của Trung Quốc sau Brazil).
Muốn sản xuất đủ lương thực nhưng không có đủ diện tích đất
Tháng 04/2024, Bắc Kinh bắt đầu kế hoạch tăng sản lượng lương thực ít nhất 50 triệu tấn vào năm 2030. Họ tập trung cải thiện đất nông nghiệp và đầu tư kỹ thuật vào hạt giống để nâng cao sản lượng và chất lượng cây nông nghiệp.
Năm 2023, Bắc Kinh tăng sản lượng bắp, đậu nành, khoai tây, và các loại hạt có dầu bằng cách mở rộng diện tích đất trồng trọt chưa qua khai thác, và khuyến khích nông dân chuyển từ trồng cây công nghiệp sang trồng các cây lương thực chính.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất bắp lớn thứ hai thế giới. Năm ngoái, mặc dù sản lượng bắp thu hoạch được 288.84 triệu tấn, nhưng lượng bắp nhập cảng của Trung Quốc vẫn tăng lên 27.1 triệu tấn, gần mức kỷ lục. Điều này là do thương nhân thích bắp ngoại quốc hơn, vì chất lượng tốt hơn, giá cả thấp hơn.
Theo truyền thông của ĐCSTQ, các vấn đề như thiếu đất nông nghiệp, quy mô sản xuất nhỏ, thiếu nông dân và kỹ thuật nông nghiệp là những trở ngại cho sự tăng trưởng sản lượng lương thực của Trung Quốc.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2021 cho thấy, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người của Trung Quốc chưa bằng 1/3 của Brazil và 1/6 của Hoa Kỳ.
Cuộc khảo sát đất đai của ĐCSTQ cho thấy 40% diện tích đất canh tác bị thoái hóa do sử dụng quá nhiều hóa chất và ô nhiễm kim loại nặng.
Trung Quốc đã áp dụng biện pháp biến cát thành đất trồng và trồng các loại cây chịu mặn, nhằm mục đích phát triển thêm đất nông nghiệp. Các chuyên gia trong ngành cho rằng chiến lược này không chỉ cần thời gian mà còn cần đầu tư lớn vào phân bón, thủy lợi, và công nghệ sinh học. Điều này thực sự khó thực hiện nếu xét đến việc đầu tư nông nghiệp vốn đã ít ỏi của Trung Quốc.
Theo số liệu công bố, diện tích đất trồng trung bình theo đầu người ở Trung Quốc là 0,65 hecta, trong khi quy mô nông trại trung bình của Hoa Kỳ là 187 hecta và của Đức là 60 hecta.
Để tăng sản lượng, Bắc Kinh đang chuyển sang cây trồng biến đổi gene. Năm 2024, Trung Quốc chấp thuận trồng các giống bắp và đậu nành có năng suất cao, chống sâu bệnh, cũng như các giống lúa mì kháng bệnh đã được chỉnh sửa gene.
Năng suất đậu nành của Trung Quốc là 1.99 tấn mỗi hecta, trong khi năng suất đậu nành biến đổi gen của Brazil 3.38 tấn mỗi hecta, và Hoa Kỳ là và 3.4 tấn mỗi hecta.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng mục tiêu giảm nhập cảng đậu nành của Bắc Kinh là không thực tế. Giáo sư nông nghiệp Carl Pray từ Đại học Rutgers của Hoa Kỳ nói với Reuters rằng hầu như tất cả đậu nành của Trung Quốc đều là giống đậu nành có hàm lượng protein cao, dùng để sản xuất đậu hũ. Nếu muốn trồng thay thế cho loại đậu nành nhập cảng, thì Trung Quốc cần phải nhanh chóng mở rộng sản lượng các giống [đậu nành] có hàm lượng dầu cao để sản xuất dầu ăn.
Ông Pray cho biết, ngay cả khi thực hiện nghiên cứu vấn đề này thì cũng rất khó để đạt được mục tiêu nói trên.
Ông Pray nói: “Nếu muốn sản xuất đủ lượng đậu nành đủ để thay thế cho lượng đậu nành nhập cảng từ Brazil và Hoa Kỳ thì [Trung Quốc] không có đủ đất trồng.”