Phản lực cơ F-35 của Hoa Kỳ chặn chiến đấu cơ Nga gần Alaska, 2 lần trong 2 ngày
Theo một tuyên bố từ các quan chức quân sự Hoa Kỳ, hôm thứ Năm (16/02), các phản lực cơ F-35 của Hoa Kỳ đã nghênh cản các phi cơ của Nga gần Alaska lần thứ hai trong tuần này.
Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) đã xác nhận trong một tuyên bố rằng hai chiến đấu cơ F-35A đã chặn bốn phi cơ Nga, bao gồm một oanh tạc cơ TU-95 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, ba tiêm kích cơ SU-30, và SU-35. Theo NORAD, các phi cơ khác của Hoa Kỳ đã được khai triển gồm có một phi cơ E-3 AWACS và hai phi cơ tiếp nhiên liệu KC-135.
Tuyên bố hôm thứ Năm của NORAD cho biết hôm 14/02, những phi cơ nói trên đã bị chặn gần Khu vực Nhận dạng Phòng Không của Alaska, được gọi là ADIZ.
Tuyên bố này cho biết, “Phi cơ Nga vẫn ở trong không phận quốc tế và không đi vào không phận có chủ quyền của Mỹ hoặc Canada”, đồng thời lưu ý rằng đây là “lần thứ hai trong hai ngày phi cơ Nga bị chặn.”
Ngoài ra, tuyên bố này nhấn mạnh rằng hoạt động trên không của Nga nói trên dường như là thường lệ và “không được xem là một mối đe dọa” cũng như không “được xem là khiêu khích.” Trong khi đó, NORAD cho biết hai vụ việc trong tuần này “không hề liên quan đến các hoạt động mới đây của NORAD và Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Hoa Kỳ” vốn đã bắn hạ các vật thể không vận bay trên bầu trời của Hoa Kỳ và Canada trong những ngày gần đây.
Tính đến chiều thứ Năm, Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào về vụ việc mới nhất này.
Nga cho biết hôm thứ Tư (15/02) rằng họ đã thực hiện một số chuyến bay trên vùng biển quốc tế trong những ngày gần đây, bao gồm cả ở Biển Bering giữa Alaska và Nga. Nước này cho biết hai trong số các phi cơ mang hỏa tiễn chiến lược TU-95MS của nước này đã bay qua Biển Bering cùng với các tiêm kích cơ SU-30, và họ đã thực hiện các chuyến bay “thường lệ” tương tự ở phía bắc Na Uy và trên vùng biển quốc tế gần vùng viễn đông của Nga.
Nước này không cho biết liệu các phi cơ của họ có bị chặn hay không. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng cho biết “các phi công hàng không tầm xa của họ thường xuyên thực hiện các chuyến bay trên vùng biển trung lập ở Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương, Hắc Hải, Biển Baltic, và Thái Bình Dương.”
NORAD lưu ý rằng lực lượng không quân của Nga đã thực hiện các hành động tương tự gần không phận Alaska khoảng 6 đến 7 lần mỗi năm. Trong tuần này, các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ đã ngăn cản bốn phi cơ tiến vào vùng ADIZ hôm 13/02, theo một tuyên bố trước đó. Tuyên bố này cũng cho biết vụ việc không liên quan đến việc bắn hạ các vật thể không xác định ở Bắc Mỹ.
Tình trạng báo động cao
Các lực lượng an ninh Bắc Mỹ đang ở tình trạng báo động cao kể từ khi một khinh khí cầu của Trung Quốc nghi là công cụ do thám bay vào không phận của Hoa Kỳ, khiến Hoa Kỳ phải bắn hạ thiết bị này và các vật thể khác khi chúng bay trên các vùng trời.
Cả NORAD và Bộ Chỉ huy Phương Bắc của Hoa Kỳ đều đã xác nhận các chiến đấu cơ của Mỹ đã bắn hạ các vật thể bay trên bầu trời Alaska, Lãnh thổ Yukon của Canada, và Hồ Huron của Michigan vài ngày trước. Điều này diễn ra sau khi một khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc bị nghi ngờ đã bị bắn hạ gần South Carolina sau khi khí cầu này bay qua phần lớn Hoa Kỳ lục địa.
Theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hà Lan, các chiến đấu cơ F-35 của Hà Lan cũng đã nhanh chóng chặn các phi cơ Nga gần không phận NATO hồi đầu tuần này.
“Những phi cơ không xác định khi đó đã tiếp cận khu vực thuộc trách nhiệm của NATO ở Ba Lan từ hướng Kaliningrad,” tuyên Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết. Bộ này đã đề cập đến vùng đất của Nga trước đây gọi là Konigsberg nằm giữa hai nước thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania dọc theo Biển Baltic.
“Sau khi nhận dạng, hóa ra đó là ba chiếc phi cơ: một chiếc IL-20M Coot-A của Nga được hai chiếc Su-27 Flanker hộ tống,” tuyên bố của Bộ Hà Lan tiếp tục. “Các phi cơ F-35 của Hà Lan đã hộ tống đội hình này từ xa và bàn giao việc hộ tống cho các đối tác NATO.”
Mặc dù trước đây Nga đã thực hiện các chuyến bay qua Biển Bering, nhưng các nước láng giềng của họ trong khu vực đã trở nên lo ngại hơn về hoạt động quân sự của Moscow kể từ khi nước này xâm lược Ukraine hồi năm ngoái.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times