Ông Trump cho biết sẽ đệ trình ‘bản kiến nghị quan trọng’ thách thức cuộc đột kích của FBI
Cựu tổng thống gợi ý rằng bản kiến nghị này sẽ cáo buộc cuộc đột kích của FBI vi phạm Tu chính án thứ Tư
Hôm 19/08, cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng một “bản kiến nghị quan trọng” sẽ sớm được đệ trình sau khi FBI đột kích vào khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông.
Chưa đầy hai tuần sau cuộc đột kích của FBI vào nhà ông ở Florida nhằm tìm kiếm hồ sơ chính phủ, ông Trump viết trên Truth Social, “Một kiến nghị quan trọng liên quan đến Tu chính án thứ Tư sẽ sớm được đệ trình liên quan đến cuộc đột nhập bất hợp pháp vào nhà tôi, Mar-a-Lago, ngay trước cuộc Bầu cử Giữa kỳ quan trọng hơn bao giờ hết.”
Tu chính án thứ Tư của Hiến Pháp ngăn chặn các cuộc khám xét và tịch thu vô lý.
“Quyền của tôi, cùng với quyền của toàn bộ người Mỹ, đã bị vi phạm ở mức độ hiếm thấy trước đây ở Đất nước chúng ta,” ông Trump tiếp tục. “Hãy nhớ rằng, họ thậm chí còn theo dõi chiến dịch của tôi. Cuộc săn Phù thủy quy mô lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ này đã diễn ra trong sáu năm qua, mà những kẻ mưu đồ bất lương kia lại không gánh hậu quả gì. Điều này không được phép tiếp tục!”
Theo Tu chính án thứ Tư, chỉ các trát khám xét “có lý do chính đáng” thì mới hợp pháp. Tu chính án này cũng yêu cầu rằng các trát khám xét phải được biên minh bởi “cơ sở hợp lý” được “lời khai hữu thệ hoặc lời khẳng định hỗ trợ.”
Trát khám xét tư gia của ông Trump, được gỡ niêm phong hôm 12/08, cho thấy Bộ Tư pháp (DOJ) đang điều tra ông Trump về khả năng vi phạm ba điều luật của Hoa Kỳ liên quan đến việc giải quyết một số hồ sơ, trong đó có thông tin quốc phòng và hồ sơ liên quan đến các cuộc điều tra liên bang. Một danh sách kiểm kê, cũng được gỡ niêm phong hôm 12/08, cho thấy các đặc vụ FBI đã lấy 11 bộ tài liệu được mô tả là mật, tối mật, mật, và bí mật.
Bản khi hữu thệ được nộp để hỗ trợ đơn xin trát khám xét, trong đó có lập luận của DOJ về cơ sở hợp lý, hiện đang được niêm phong. Tuy chính phủ đã yêu cầu tòa án vẫn niêm phong theo cách này, nói rằng việc tiết lộ bản khai hữu thệ này sẽ gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của cuộc điều tra liên bang, nhưng hôm 18/08 một thẩm phán liên bang ở Florida cho biết ông có ý muốn công bố một số phần của bản khai hữu thệ này, đồng thời ra lệnh cho các quan chức chính phủ gửi cho ông một phiên bản đã được biên tập lại của tài liệu này để có khả năng sẽ được phát hành.
‘Rất sớm’
Cuối ngày thứ Sáu (19/08), một trong những luật sư của ông Trump là ông James Trusty cho biết trên chương trình phát thanh của ông Mark Levin rằng thách thức pháp lý này sẽ diễn ra “rất sớm”.
“Đó phải là thứ được nộp công khai, do đó cả nước Mỹ sẽ đọc được bản kiến nghị này,” ông Trusty, một cựu công tố viên liên bang, cho biết. “Và tôi nghĩ điều đó rất quan trọng đối với cựu tổng thống Trump. Ông ấy rất minh bạch trong toàn bộ quá trình này.”
Ông Trusty nói, “Điều này sẽ diễn ra rất sớm thôi”, và cho biết thêm nhóm có thể sẽ nộp bản kiến nghị vào ngày 22/08.
Ông Trusty nói rằng nhóm có kế hoạch yêu cầu sự can thiệp tư pháp thông qua một chuyên gia đặc biệt, do tòa án chỉ định và sẽ giám sát một khía cạnh của vụ án. Ông Trusty nói, trong những trường hợp hiếm hoi chẳng hạn như khi trát khám xét được thực hiện tại văn phòng luật sư, thì cần có một chuyên gia đặc biệt. Ông nói thêm rằng trường hợp này có lý do chính đáng để chỉ định của một chuyên gia đặc biệt vì nó liên quan đến các vấn đề về đặc quyền luật sư-thân chủ và đặc quyền hành pháp.
Ông Trump đã cáo buộc rằng các đặc vụ FBI đã lấy các tài liệu do các đặc quyền luật sư-thân chủ và đặc quyền hành pháp bảo vệ. Đặc quyền luật sư-thân chủ cho phép giữ bí mật thông tin liên lạc giữa luật sư và thân chủ, còn đặc quyền hành pháp cho phép tổng thống và các quan chức khác giữ bí mật một số thông tin liên lạc với những tòa án hoặc Quốc hội.
“Chúng tôi phải nhờ ai đó làm trung gian vì chúng tôi sẽ không để DOJ nói với chúng tôi rằng họ đang thực hiện cuộc khám xét chọn lọc của họ, và họ có phải là những người bảo vệ cho những gì được hưởng đặc quyền hay không,” ông Trusty nói và nói thêm rằng chuyên gia đặc biệt này có thể yêu cầu DOJ dừng đọc các tài liệu.
“Chúng tôi sẽ có tòa án vào cuộc, tức là sự can thiệp tư pháp, ở cấp tòa án địa hạt để có được người vượt trội ở đây có thể giúp chúng tôi chứng minh cho các quyền của Tu chính án thứ Tư của tổng thống.”
Trát khám xét quá chung chung?
Ông Trusty cho rằng đơn kiện sắp tới sẽ tranh luận rằng lệnh khám xét trong vụ này quá chung chung, vi phạm một yêu cầu theo Tu chính án thứ Tư.
“Tu chính án thứ Tư yêu cầu tính cụ thể. Tu chính án này đòi hỏi phải hạn chế việc xâm nhập vào tư gia của một cá nhân,” ông nói, cũng như cho biết thêm trát này có ngôn ngữ cho phép những đặc vụ liên bang lấy “toàn bộ các thùng” và “bất kỳ thùng nào giống như” thứ được xem là các tài liệu mật.
Ông Trusty nói: “Đó thực sự là chức năng tương đương với chức năng của một trát khám xét chung chung. Chính là không có giới hạn phạm vi trong trát khám xét này.”
Ông Jeffrey Clark, cựu phụ tá tổng chưởng lý Hoa Kỳ về Bộ phận Dân sự trong chính quyền cựu Tổng thống Trump, dường như có chung quan điểm này.
Cụ thể, ông chỉ ra một tuyên bố trên “Bản đính kèm B” của trát: “[bất] kỳ Hồ sơ chính phủ và/hoặc Tổng thống nào được tạo từ ngày 20/01/2017 đến ngày 20/01/2021” sẽ bị tịch thu nếu đặc vụ đó xem nó là “bằng chứng, hàng lậu, hoặc thành quả của hành vi phạm tội.”
Ông Clark viết rằng, tuyên bố này đã khiến cho trát khám xét đúng là trở thành loại trát chung chung mà “Những người viết Tu chính án xem thường và tìm cách cấm trong Tu chính án thứ Tư,” trích dẫn hai vụ kiện lịch sử — Wilkes kiện Wood và Entick kiện Carrington — mà ông cho rằng “đã khuyến khích” cho lệnh cấm các trát khám xét nào quá chung chung, theo Tu chính án thứ Tư.
Ngoài ra, ông Clark viết rằng trát này bị “thời điểm mà nó diễn ra làm suy yếu” và vì lý do này nên tờ trát có một động cơ chính trị cơ bản.
“Kể từ khi các sĩ quan [liên bang] đã đến Mar-a-Lago để kiểm tra những tài liệu này ở đó, họ đã biết có tài liệu của [tổng thống] ở đó, và đã có trong [nhiều tháng],” ông Clark viết. “Bản chất chính trị của [cuộc] đột kích [là] rõ ràng bởi vì họ chờ để tìm kiếm những gì họ biết là ĐÃ Ở ĐÓ cho đến ngay trước các cuộc Bầu cử giữa nhiệm kỳ.”
‘Người Mỹ xứng đáng được biết’
Bà Jenna Ellis, luật sư hiến pháp đồng thời là cựu cố vấn cao cấp cho vị cựu tổng thống, cho biết ông Trump “hoàn toàn đúng khi khẳng định các quyền được bảo vệ theo hiến pháp của mình.”
Bà Ellis cho biết trong một tuyên bố với The Epoch Times, “Cựu Tổng thống Trump hoàn toàn đúng khi khẳng định các quyền được bảo vệ theo hiến pháp của mình và yêu cầu Tòa án dừng ngay việc xem xét tài liệu, bổ nhiệm một chuyên gia đặc biệt, và yêu cầu Bộ ‘Tư pháp’ cho biết nguyên nhân cho cuộc đột kích vô lý, bất thường, và có động cơ chính trị của họ.”
“Người Mỹ xứng đáng được biết cơ quan thực thi pháp luật của họ đang hoạt động như thế nào và tuân theo những quy tắc nào,” bà nói. “Nếu Tổng Chưởng lý [Merrick] Garland thực sự muốn cố gắng khôi phục tính hợp pháp trong uy tín của FBI, thì ông ấy phải trả lời về câu hỏi này.”
“Không ai đứng trên luật pháp, nhưng tuyệt đối cũng không có ai ở Mỹ đứng dưới luật pháp, ngay cả khi họ của quý vị là Trump,” bà Ellis nói. “Tất cả những người mang họ Trump và liên quan tới ông Trump đều đã bị cơ quan thực thi pháp luật và các thành viên Đảng Dân Chủ nhắm mục tiêu, cũng như quấy nhiễu trong sáu năm nay. Chuyện này phải dừng lại.”
Anh Gary Bai là phóng viên của Epoch Times Canada, đưa tin về Trung Quốc và Hoa Kỳ.