Ông trùm truyền thông Hồng Kông Lê Trí Anh từ chức Chủ tịch Next Digital
Ông Lê Trí Anh, người sáng lập Next Digital, đã từ chức chủ tịch công ty sau khi phải đối mặt với nhiều cáo buộc. Gần đây, ông đã bị truy tố theo luật an ninh quốc gia mới do chính quyền Trung Cộng áp đặt lên Hồng Kông. Các chuyên gia lo ngại rằng ông Lai có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục để xét xử và kêu gọi chính quyền Hồng Kông thực hiện độc lập tư pháp khỏi Bắc Kinh.
Được thành lập vào năm 1995 với tiền thân là Next Media, Next Digital đã đưa ra một tuyên bố hôm 29/12 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông rằng ông Lai đã từ chức chủ tịch kiêm giám đốc điều hành “để dành nhiều thời gian hơn cho việc giải quyết công việc cá nhân.”
Công ty cũng thông báo rằng giám đốc Diệp Nhất Kiên sẽ thay thế ông Lai làm chủ tịch.
Ông Lai, 72 tuổi, là một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng ở Hồng Kông. Tờ Apple Daily mà công ty của ông sở hữu là một trong số ít các hãng truyền thông còn lại trong thành phố chỉ trích công khai chính quyền Hồng Kông và chế độ Trung Cộng. Ông Lai và các phương tiện truyền thông của ông đã ủng hộ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và phản đối dự luật chống dẫn độ làm rung chuyển thành phố vào năm ngoái (2019). Dự luật dẫn độ chính thức được rút lại vào tháng 10 cùng năm.
Theo luật an ninh quốc gia mới của Hồng Kông, ông Lai bị buộc tội “thông đồng với các lực lượng nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.” Thông qua Apple Daily và tài khoản Twitter của mình, ông đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Cộng và các quan chức Hồng Kông thân Bắc Kinh vì đã phá hoại quyền tự do và tự chủ của Hồng Kông.
Ông Lai bị bắt hồi tháng 8/2020 sau khi khoảng 200 cảnh sát đột kích vào tòa soạn của Apple Daily. Ông cũng bị buộc tội gian lận có liên quan đến việc cho thuê một tòa nhà để đặt trụ sở Apple Daily. Ông bị từ chối bảo lãnh lần đầu trong phiên tòa hôm 03/12 và bị từ chối bảo lãnh lần thứ hai hôm 12/12.
Hôm 23/12, ông Lai cuối cùng đã được Tòa án Tối cao Hồng Kông cho tại ngoại với số tiền 10 triệu HKD (1.3 triệu USD). Các điều khoản tại ngoại rất nghiêm ngặt vì ông Lai bị giam giữ tại nhà, và bị cấm trả lời phỏng vấn với giới truyền thông hay đăng bài trên mạng xã hội, hoặc liên hệ với các quan chức nước ngoài dưới mọi hình thức. Ông cũng được yêu cầu giao nộp hộ chiếu và trình báo với đồn cảnh sát ba lần một tuần, theo Apple Daily.
Các công tố viên Hồng Kông đã đệ đơn kháng cáo khẩn cấp chống lại phán quyết tại ngoại của ông Lai hôm 24/12. Ông Lai sẽ phải đối mặt với phiên điều trần tại ngoại tiếp theo hôm 31/12 trước Tòa Phúc thẩm Cuối cùng của Hồng Kông.
Truyền thông đại lục đã chỉ trích gay gắt quyết định cho ông Lai tại ngoại của Tòa án Tối cao Hồng Kông. Cơ quan ngôn luận của Trung Cộng, tờ Nhân dân Nhật báo gọi phán quyết của tòa án là “không thể tin được” và “làm suy yếu nghiêm trọng thẩm quyền của luật an ninh quốc gia của Hồng Kông.” Tờ báo tuyên bố rằng có cơ sở pháp lý để gửi vụ kiện của ông Lai đến Trung Quốc đại lục để xét xử và yêu cầu Cục An ninh Quốc gia Trung Cộng, một cơ quan mới được thành lập để thi hành luật an ninh của Hồng Kông, can thiệp.
Luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào cuối ngày 30/6/2020 sau một cuộc bỏ phiếu hình thức bởi cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Cộng ở Hồng Kông. Luật hình sự hóa các cá nhân có hành vi bị cáo buộc là lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với các thế lực nước ngoài chống lại Trung Cộng, với mức án tối đa là tù chung thân.
Luật này đã bị phương Tây và các tổ chức nhân quyền lên án. Những người chỉ trích nói rằng nó sẽ được Trung Cộng sử dụng như một công cụ để trấn áp những người bất đồng chính kiến dưới chiêu bài bảo vệ “an ninh quốc gia” và sẽ làm suy yếu tính độc lập về tư pháp của thành phố, vốn được bảo đảm bởi Tuyên bố chung Trung-Anh. Theo hiệp ước năm 1997 quy định việc Hồng Kông chuyển giao chủ quyền cho Trung Quốc từ Vương quốc Anh này, chính quyền Trung Cộng đã đồng ý duy trì quyền tự trị và quyền tự do cho thành phố, điều mà [dân chúng] đại lục vốn không được hưởng, theo khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ.”
Theo Điều 55, 56, và 57 của luật an ninh, nếu một vụ việc có tình tiết phức tạp có sự tham gia của các lực lượng nước ngoài và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, và quyền hạn xét xử của Đặc khu hành chính Hồng Kông gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ việc, thì Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao của chế độ cộng sản Trung Quốc có thể thực thi quyền tư pháp, áp dụng luật hình sự của Trung Cộng.
Ông Chung Kim Wah, Phó giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Hồng Kông vô vụ lợi, nói với BBC rằng các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Cộng đã liên tục chỉ trích việc ông Lai được tại ngoại để gây áp lực cho “các tòa án Hồng Kông” trong những ngày gần đây. Ông tin rằng ông Lai có khả năng bị giam giữ một lần nữa vào ngày 31/12/2020 và rất có thể sẽ bị đưa đến Trung Quốc đại lục để xét xử như một lời cảnh cáo cho những người khác.
Chính trị gia và luật sư cao cấp của Hồng Kông, ông Ronny Tong cho biết tòa án Hồng Kông không vi phạm bất kỳ nguyên tắc pháp lý nào khi đưa ra phán quyết cho ông Lai được tại ngoại, theo một bản tin của đài phát thanh Hoa ngữ Sound of Hope. Ông kêu gọi chính quyền Hồng Kông cho phép các tòa án xét xử các vụ án theo một hệ thống tư pháp độc lập và không sử dụng các biện pháp chính trị để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi.
Lê Trường biên dịch