Ông Tập lo ngại thiếu lương thực giữa lúc giới truyền thông tung hô ‘mùa màng bội thu suốt 18 năm’
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng lương thực trong một cuộc họp gần đây, bất chấp việc các phương tiện truyền thông chính thống đưa tin 18 năm liên tiếp được mùa ở Trung Quốc.
Ông Tập lưu ý rằng “đất canh tác vẫn đang giảm,” theo phương tiện truyền thông chính thống CPC News hôm 12/12, trích dẫn bài diễn văn của ông Tập tại một hội nghị công tác kinh tế hôm 08/12, “Một số nơi có nhiều mảnh đất tốt, nơi họ không trồng ngũ cốc … Vậy còn ngũ cốc thì sao?”
“Sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đã đạt mức cao trong ít nhất 18 năm liên tiếp,” Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc tuyên bố hôm 01/12. Cục Thống kê công bố dữ liệu cho thấy tổng sản lượng ngũ cốc năm 2021 đạt kỷ lục 682.85 triệu tấn, tăng 13.36 triệu tấn, tương đương 2.0% so với năm ngoái.
Theo ông Liệu Thế Minh (Liao Shiming), một tác giả chuyên mục tài chính Hồng Kông, dữ liệu chính thức trên, có khả năng đã không thể trấn an ông Tập. Dữ liệu này cũng đang đặt ra nghi vấn liệu nó có nhiều khả năng là chiến dịch “tuyên truyền chính trị như thường lệ của ĐCSTQ cho sự ổn định của chế độ này hay không, bởi vì năng suất ngũ cốc thấp là một tai ương lớn cho nông nghiệp Trung Quốc.”
Ông Liệu giải thích thêm rằng những vùng đất có năng suất cao ở các tỉnh đông nam — đầu tàu kinh tế của Trung Quốc — về căn bản đã được công nghiệp hóa, trong khi một số vùng đất canh tác mới được khai phá nằm ở phía tây Trung Quốc, nơi điều kiện tự nhiên không thích hợp cho canh tác do lượng mưa không đủ và nhiệt độ xấu.
Hơn nữa, chất thải công nghiệp, phân bón, và thuốc trừ sâu đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất. AmbScience, một doanh nghiệp Dịch vụ và Tư vấn Kỹ thuật Môi trường, đã trích dẫn số liệu tháng 04/2014 của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, cho biết 349 triệu mẫu đất canh tác ở Trung Quốc đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, chiếm khoảng 1/5 (19.4%) tổng diện tích đất canh tác.
Kể từ khi ĐCSTQ khai triển chiến dịch “trả lại đất nông nghiệp cho rừng” trên toàn quốc trong nỗ lực “cải thiện môi trường sinh thái” hồi năm 2002, Trung Quốc đã phải chứng kiến 139 triệu mẫu đất canh tác biến mất tính đến năm 2019, tất cả được chuyển thành rừng hoặc đồng cỏ, một báo cáo hồi tháng 06/2020 của Cục Quản lý Đồng cỏ và Lâm nghiệp Quốc gia cho biết.
Một nhân chứng nói với The Epoch Times rằng một mảnh đất rộng lớn, màu mỡ, có thể canh tác cạnh nằm nhà anh, trong một vùng sản xuất ngũ cốc lớn ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, vốn từng được trồng ngô, đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế lấy khỏi tay nông dân và được giao cho một người đàn ông địa phương để trồng cây xanh.
Phóng viên của The Epoch Times nhận thấy không chỉ chính sách “trả lại đất nông nghiệp cho rừng” không khuyến khích được niềm đam mê làm việc của nông dân, mà chi phí vật tư nông nghiệp cao như hạt giống, phân bón, và thiết bị nông nghiệp, cũng như giá ngũ cốc liên tục bị chính phủ kìm hãm và lệnh cấm vận chuyển ngũ cốc cá nhân liên tỉnh đã làm giảm sút nghiêm trọng động lực làm việc của nông dân.
Một số nông dân ở các khu vực sản xuất ngũ cốc chính của Trung Quốc nói với The Epoch Times rằng, “Ngày nay, [chúng tôi] không thể kiếm được nhiều tiền từ việc trồng trọt, và thậm chí còn bị thua lỗ,” “hạt giống và phân bón lại quá đắt, và những khoản trợ cấp nhỏ thậm chí không đủ để trả cho các nghĩa vụ của thôn này.”
“Nghĩa vụ của thôn” đề cập đến việc nông dân phải trả một số khoản phí nhất định do cán bộ thôn giao dưới nhiều tên gọi khác nhau, đôi khi chúng là những khoản chi phí xám không được liệt kê trong ngân sách quản lý, và họ có thể phải trả khoản tiền bồi thường cho chính quyền khi họ không thể thực hiện công việc tự nguyện do chính quyền thôn phân công.
Hồi năm 2020, ông Viên Long Bình (Yuan Longping), một chuyên gia về lúa gạo Trung Quốc, được đài CCTV nhà nước phỏng vấn. Ông được hỏi liệu có đủ lương thực để nuôi sống người dân ở Trung Quốc hay không, ông Viên đã trả lời rằng hiện không có đủ lương thực và một số loại như ngũ cốc cũng như các loại rau, cần phải được nhập cảng từ các nước khác, nếu không, sẽ có một vấn đề nghiêm trọng về nạn đói ở Trung Quốc.
Ông Liệu nói rằng bắt đầu từ năm ngoái, Trung Quốc đã nhanh chóng thu mua lượng ngũ cốc toàn cầu trong bối cảnh “vụ mùa bội thu” được báo cáo, nhấn mạnh nhu cầu cấp bách của chế độ Cộng sản này là tăng dự trữ kho ngũ cốc của mình.
Tổng nhập cảng ngũ cốc của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong hai năm qua, Triển vọng Nông nghiệp Trung Quốc hôm 15/11 đã trích dẫn dữ liệu của Hải quan cho biết nhập cảng ngũ cốc năm 2020 tăng 27.97% so với năm 2019; 137.956 triệu tấn ngũ cốc đã được nhập cảng trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng gần 23% so với cùng thời kỳ năm ngoái; và tổng lượng ngũ cốc nhập cảng cho năm 2021 dự kiến sẽ vượt năm 2020.
Ông Justin Zhang phân tích và viết về các vấn đề Trung Quốc từ năm 2012. Có thể liên hệ với ông tại [email protected]
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: