Ông Tập Cận Bình tuyên bố chiến thắng dịch bệnh trước Kỳ họp Lưỡng hội
Sau khi các nhà chức trách của quân đội Trung Quốc ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tuân theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình trong mọi hoạt động, ông Tập tuyên bố “cuộc chiến chống lại dịch bệnh đã thắng lợi” tại một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên. Ngược lại, lần cuối cùng ông Tập tuyên bố chiến thắng COVID là vào năm 2020, tại một buổi đại lễ kỷ niệm lớn.
Ban Thường vụ Bộ Chính trị thường tổ chức họp mỗi tuần một lần, chủ yếu để giải quyết công việc hàng ngày của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đưa ra quyết định về một số công việc và vấn đề lớn. Hiếm khi ban lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những thông báo quan trọng như “cuộc chiến chống dịch bệnh đã thắng lợi” tại các cuộc họp quy mô nhỏ như vậy, vốn sẽ phù hợp hơn khi được công bố tại một cuộc họp của Bộ Chính trị với sự tham dự của ít nhất 24 thành viên Bộ Chính trị.
Điều lệ của ĐCSTQ quy định rằng “Các cuộc họp của Bộ Chính trị cần phải thảo luận kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định về các vấn đề.” Cách làm của ông Tập dường như muốn né tránh “các cuộc thảo luận” được quy định trong hiến pháp. Trên thực tế, ông đã không triệu tập một cuộc họp Bộ Chính trị kể từ đầu năm 2023, trong khi cùng thời kỳ này năm ngoái, ông đã triệu tập hai cuộc họp như vậy vào tháng Một và tháng Hai.
Ông Tập rơi vào tình thế bấp bênh
Tại sao ông Tập không tổ chức một buổi lễ hoành tráng để tuyên bố “cuộc chiến chống dịch bệnh đã thắng lợi,” vốn sẽ là một bối cảnh thích hợp hơn?
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, cho biết trên chương trình Elite Forum (Diễn đàn Tinh hoa) hôm 16/02 rằng ông Tập đã giải quyết thông báo này như cách ông đã làm để đưa ra một kết luận dứt khoát về “chiến thắng toàn diện” cho công cuộc kiểm soát dịch bệnh của mình trước Kỳ họp Lưỡng hội, và do đó ngăn không cho các địch thủ chính trị của ông có cơ hội tấn công ông.
Bà Quách nói, “Ông Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng công cuộc kiểm soát dịch bệnh nói chung của Trung Quốc là do ‘sự lãnh đạo cá nhân’ của ông ấy ngay từ đầu. Việc thông báo về ‘thắng lợi’ lớn này sau một thời gian dài im lặng là một kiểu tuyên thệ và tuyên chiến. Ý ông là kỳ họp lưỡng hội này sẽ sớm được tổ chức, nên đừng đi truy cứu trách nhiệm trong công tác kiểm soát dịch bệnh nữa. Bất cứ ai muốn theo đuổi việc này, thì ông ấy sẽ chiến đấu đến cùng vì ông ấy đã thiết lập quan điểm này trong cơ quan cao cấp nhất của ĐCSTQ.”
Kỳ họp Lưỡng hội của ĐCSTQ dự kiến sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 05/03. Ông Tập đã tuyên bố thắng lợi trong việc lãnh đạo hoạt động kiểm soát đại dịch 17 ngày trước khi Kỳ họp Lưỡng hội bắt đầu.
Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng kỳ họp năm nay đầy rẫy nguy hiểm đối với ông Tập Cận Bình.
Nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) cũng chia sẻ quan điểm tương tự tại Diễn đàn Tinh hoa. Ông cho hay, căn cứ vào số người tử vong quá lớn trong ba năm xảy ra đại dịch, một số thành viên đại diện có thể buộc ông Tập phải đưa ra một lời giải thích, giống như cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông đã từng phải đối mặt với sự chỉ trích tại Hội nghị Bảy Ngàn Người vào tháng 01/1962.
Hội nghị Bảy Ngàn Người được tổ chức từ ngày 11/01 đến ngày 07/02/1962, sau thất bại thảm hại của phong trào Đại Nhảy Vọt của ông Mao, dẫn đến một nạn đói kéo dài ba năm trên khắp Trung Quốc từ năm 1959 đến năm 1961. Ước tính có khoảng 30 triệu người chết đói trong ba năm đó. Chủ đề chính của hội nghị này là kiểm điểm trách nhiệm của ông Mao trước sự thất bại của phong trào Đại Nhảy Vọt, sau khi ông Mao bàn giao quyền lực và về hưu, để ông Lưu Thiếu Kỳ, nhân vật quyền lực thứ hai trong Đảng, làm lãnh đạo ĐCSTQ.
Chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ tiết lộ số người tử vong thực sự xảy ra trong ba năm đó. Tương tự như vậy, ĐCSTQ đã báo cáo không đầy đủ số người tử vong vì COVID-19 trong ba năm qua.
Các số liệu chính thức do ĐCSTQ công bố cho thấy tính đến hôm 09/02 năm nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc là hơn 83,000 người. Tuy nhiên, hôm 16/02, tờ New York Times đưa tin rằng bốn nhóm học thuật không liên quan đã đưa ra các ước tính tương tự cho thấy dịch bệnh này có thể đã khiến từ 1 triệu đến 1.5 triệu người tử vong ở Trung Quốc chỉ trong hai tháng qua.
Do ĐCSTQ luôn che đậy sự thật và nói dối không chớp mắt trước người dân, nên người dân Trung Quốc đã tạo ra một câu khẩu hiệu trong năm nay: “Họ không quan tâm quý vị có tin hay không, họ chỉ quan tâm quý vị có phục hay không.”
Ông Ngụy tin rằng tuyên bố chiến thắng của ông Tập chính là kế “chỉ lộc vi mã” (chỉ hươu bảo ngựa, cũng có nghĩa là đổi trắng thay đen nói sai sự thật), sử dụng quyền lực để đàn áp và bịt miệng mọi người — bao gồm cả các đối thủ chính trị của ông.
“Có thể mọi người đều sợ hãi và sẽ chọn cách im lặng, nhưng kết quả cuối cùng thì khó mà có thể nói trước được,” ông Ngụy nói.
Sự trợ giúp của quân đội
Hôm 13/02, Tân Hoa Xã đưa tin rằng giới chức quân sự Trung Quốc đã bất ngờ ban bố một mệnh lệnh yêu cầu toàn quân tuyệt đối trung thành với ông Tập Cận Bình. Điều này ám chỉ ông Tập muốn bảo đảm quân đội tuân lệnh vài ngày trước khi tuyên bố chiến thắng Đại dịch COVID-19.
Bài báo của Tân Hoa Xã cho biết Quân ủy Trung ương ĐCSTQ (CMC) đã yêu cầu tất cả các sư đoàn của Quân Giải phóng Nhân dân củng cố “Hệ thống Trách nhiệm của Chủ tịch Quân Ủy”, “phải có được lòng trung thành tuyệt đối, sự trong sạch tuyệt đối, và sự tín nhiệm tuyệt đối.”
Cốt lõi của Hệ thống Trách nhiệm của Chủ tịch Quân Ủy là bảo đảm rằng quyền lãnh đạo và quyền chỉ huy cao nhất thuộc về Chủ tịch Quân Ủy.
Hôm 16/02, nhà bình luận chính trị Trần Phá Không (Chen Pokong) cho biết trên nền tảng truyền thông của mình rằng chỉ thị của Chủ tịch Quân Ủy phản ánh sự bất an sâu sắc của ông Tập.
“Bây giờ toàn bộ quân đội không còn là cận vệ của Đảng nữa, mà là quân đội riêng của ông Tập Cận Bình,” ông Trần nói.
Ngoài ra, chính sách Zero-COVID cực đoan của ông Tập đã làm cạn kiệt nguồn thu tài chính của chính quyền ở các cấp khác nhau. Các biện pháp phong tỏa hà khắc này đã châm ngòi cho cuộc Cách mạng Giấy Trắng hồi cuối tháng 11/2022, và sự cạn kiệt ngân quỹ của chính quyền đã dẫn đến việc cắt giảm bảo hiểm y tế cho những người về hưu, cuối cùng đã kích khởi cuộc Cách mạng Tóc Trắng ở một số thành phố của Trung Quốc vào tháng Hai năm nay khi có đến hàng ngàn người cao niên xuống đường biểu tình.
Ông Ngụy cho biết thêm rằng trong hơn một thập niên qua, chính quyền của ông Tập Cận Bình đã tống giam nhiều quan chức ĐCSTQ vì tội tham nhũng. Kết quả là, sự tức giận và bất bình trong lòng các quan chức ĐCSTQ ở tất cả các cấp đối với ông Tập đang ngày càng dồn nén và tích tụ nhiều hơn.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times