Ông Tập Cận Bình đến thăm Tây Tạng nhân kỷ niệm 70 năm Trung Cộng cai trị khu vực này
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) tiếp quản Tây Tạng, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã đến thăm khu vực và thị sát một dự án đường sắt có tầm quan trọng chiến lược trong việc “duy trì sự ổn định” dọc theo biên giới Trung-Ấn.
Theo Tân Hoa Xã, từ ngày 21 đến 23/07, ông Tập đã đến thăm Nyingchi (còn được gọi là Lâm Chi) và thủ phủ Lhasa. Nyingchi, một thành phố cấp tỉnh có vị trí chiến lược, giáp với Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
Ông Tập đã kiểm tra nghiệm thu một dự án xây dựng đường sắt chạy từ tỉnh Tứ Xuyên đến Lhasa, và thực hiện một chuyến đi trên tuyến đường sắt Lhasa–Nyingchi.
Theo một bản tin của Tân Hoa Xã, hôm 25/06, Nyingchi đưa ra thông tin khi Trung Cộng mở tuyến đường sắt điện khí hóa đầu tiên ở Tây Tạng, Tuyến Đường sắt Lhasa–Nyingchi, còn được gọi là Tuyến Lalin. Báo cáo cho biết tuyến đường sắt 270 dặm này làm giảm đáng kể thời gian đi lại từ Lhasa tới Nyingchi, vì tuyến đường sắt này có tốc độ tối đa khoảng 100 dặm mỗi giờ.
Bí thư Đảng ủy Khu Tự trị Tây Tạng, Ngô Anh Kiệt (Wu Yingjie), đã tuyên bố trong lễ khai trương rằng tuyến đường sắt đóng một vai trò quan trọng trong việc “duy trì sự ổn định” dọc theo biên giới Trung Quốc-Ấn Độ.
Ông Ngô cho biết, là một bộ phận của tuyến đường sắt Tứ Xuyên-Tây Tạng, tuyến Lalin là một dự án chiến lược quan trọng mà chính ông Tập Cận Bình đã lên kế hoạch, khai triển và quảng bá.
Đường sắt Tứ Xuyên-Tây Tạng là tuyến đường sắt thứ hai nối Tây Tạng với Trung Quốc đại lục, bắt đầu từ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đi qua Nhã An, Garzê, Qamdo và Nyingchi, và cuối cùng đến Lhasa.
Theo cơ quan ngôn luận Thời báo Hoàn Cầu của Bắc Kinh, tuyến đường sắt này cũng sẽ hữu ích cho quân đội Trung Cộng trong việc vận chuyển thiết bị và vật tư trong trường hợp xảy ra khủng hoảng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Bang giao Trung-Ấn trở nên xấu đi kể từ khi binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ tại Thung lũng Galwan ở Ladakh vào ngày 15/06/2020. Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng, theo quân đội Ấn Độ. Giới chức Trung Quốc cho biết, bốn người thiệt mạng và một người bị thương nặng. Tuy nhiên, tờ báo tiếng Hindi của Ấn Độ Navbharat Times năm ngoái đưa tin rằng 43 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng trong vụ giao tranh đó.
Tờ India Today đưa tin hôm 23/07 cho biết giới chức Trung Cộng đã và đang mở rộng các căn cứ không quân ở ít nhất 16 địa điểm giáp biên giới với Ấn Độ, bao gồm cả những địa điểm gần Ladakh, Himachal Pradesh và Uttarakhand.
Năm ngoái (2020), trong bối cảnh căng thẳng ở Ladakh, Trung Cộng đã bắt đầu xây dựng phi trường Tashkurgan Pamir ở khu vực viễn tây của Trung Quốc. Phi trường này nằm ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, giáp biên giới với Tajikistan, Afghanistan và Pakistan.
Với vị trí gần với Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, “phi trường [Tashkurgan Pamir] này được coi là căn cứ chiến lược quan trọng của Trung Quốc,” tờ India Today đưa tin.
Trong những tháng gần đây, Ấn Độ và Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo biên giới để hỗ trợ cho việc tăng cường quân số. Theo The Wall Street Journal, Trung Cộng đã tăng cường hiện diện quân sự lên ít nhất 50,000 quân, tăng từ 15,000 quân vào thời điểm này năm ngoái; Ấn Độ cũng đã khai triển thêm ít nhất 50,000 binh sĩ tới biên giới Ấn Độ-Trung Quốc. Ngoài ra, một lực lượng quân sự đáng kể đang tập trung ở phía đông Ladakh. Khu vực này nằm chồng lên khu Kashmir và Tây Tạng, khiến nơi đây trở thành một vị trí chiến lược quan trọng.
Do Jessica Mao thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: