Ông Roy Chapman Andrews: Hình mẫu Indiana Jones đích thực
Hồ sơ lịch sử về những người đã định hình thế giới chúng ta
“Trong mười lăm năm [đầu tiên] khi [làm việc thực địa], tôi chỉ có thể nhớ được mười lần mình thực sự thoát chết trong gang tấc. Hai lần là thoát khỏi chết đuối trong cơn bão, một lần là thuyền của chúng tôi bị một con cá voi bị thương truy đuổi, một lần là vợ chồng tôi suýt bị những con chó hoang ăn thịt, một lần là chúng tôi gặp nguy hiểm lớn với những tu sĩ Lạt Ma cuồng tín, hai lần là thoát chết trong đường tơ kẽ tóc khi tôi ngã xuống vách đá, một lần là tôi suýt bị con trăn khổng lồ quấn, và hai lần là tôi suýt bị những tên cướp sát hại.”
Như minh chứng từ trích dẫn nêu trên, ông Roy Chapman Andrews (1884–1960) yêu thích phiêu lưu, mạo hiểm, và khám phá. Lớn lên ở Beloit, tiểu bang Wisconsin, ông thực hiện những chuyến đi săn một mình với khẩu súng ngắn một nòng mà ông nhận được hồi năm 9 tuổi. Thường thì ông nhồi xác những con vật săn được, thông qua việc nghiên cứu quyển sách “Thuật Độn Xác Động Vật và Trang Trí Nhà Cửa” của tác giả William Hornaday. Ông nhanh chóng mở công ty kinh doanh nhồi xác động vật, giúp ông trang trải học phí vào trường Đại học Beloit. Năm 1906, ông lấy bằng về Anh ngữ tại ngôi trường này.
Say mê tất cả mọi thứ về cổ sinh vật học, ông Andrews đã đến Thành phố New York để gặp gỡ ông Hermon Bumpus, giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (AMNH), và xin việc làm. Ông Bumpus thông báo rằng không có vị trí nào còn trống. Đáp lại, ông Andrews nói rằng [bảo tàng] ắt phải cần có người lau dọn sàn nhà. [Vì vậy], ông Bumpus đã thuê ông Andrews để lau sàn, đồng thời làm phụ tá cho ông James Clark, người nhồi xác động vật của bảo tàng.
Ông Clark và ông Andrews trở thành bằng hữu thâm giao. Hai người được cử đi thực hiện một chuyến thám hiểm để thu thập và ghép lại phần hài cốt của một con cá voi đầu bò Bắc Mỹ từng bị sóng cuốn dạt vào bờ biển Long Island. Đó là cuộc thám hiểm đầu tiên của ông Andrews. Dù phải đương đầu với điều kiện khắc nghiệt giữa trời mưa, trời tuyết, và những cơn gió mạnh ở nhiệt độ âm 20 độ, nhưng cả hai người đã hoàn thành dự án này.
Những cuộc thám hiểm vĩ đại
Trước Đệ nhất Thế chiến, ông Andrews được phái đến khu vực cách rất xa bờ biển New York. Ông được cử sang tận bên kia địa cầu, đến nơi mà bấy giờ là Đông Ấn Hà Lan với vai trò là một nhà tự nhiên học. Ông đã sống vài năm ở đó. Khi Đệ nhất Thế chiến đang diễn ra, ông Andrews nảy ra một ý tưởng mà sẽ trực tiếp đáp ứng [nhu cầu] cho ông Henry Osborn, chủ tịch Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ. Ông Osborn tin rằng, châu Á là cội nguồn của nhân loại.
Ông Andrews đề xướng rằng, ông có thể “tái hiện lại toàn bộ lịch sử quá khứ của cao nguyên Trung Á” bằng cách sưu tập các mẫu hóa thạch. Sau khi gây quỹ cho sự kiện Các chuyến thám hiểm Động vật học Á Châu của mình, ông đã bắt đầu cuộc hành trình. Và đến cuối cùng, mặc dù ông không tìm thấy hóa thạch của người nguyên thủy, nhưng ông đã sưu tầm được khoảng 2,100 [mẫu hóa thạch của] các loài động vật có vú, 800 loài chim, cũng như 200 loài bò sát và lưỡng cư cho bảo tàng.
Sau những cuộc thám hiểm này (có hai cuộc thám hiểm), ông đã dẫn dắt năm cuộc thám hiểm nữa tới Sa mạc Gobi (vào các năm 1922, 1923, 1925, 1928, và 1930). Là những người đã quen với điều kiện khắc nghiệt, ông Andrews và nhóm của ông đã chiến đấu với những trận bão cát, bão băng, những tên cướp, và cuộc nội chiến đang diễn ra để gửi hàng ngàn mẫu hóa thạch về Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ. Trong các chuyến thám hiểm của mình, ông đã có ba khám phá tối quan trọng về cổ sinh vật học, đó là: những tàn tích hóa thạch của một con khủng long velociraptor; những quả trứng khủng long, chứng tỏ khủng long là động vật đẻ trứng; và hóa thạch của loài khủng long tiền sừng (protoceratops) được phát hiện lần đầu tiên, mà người ta đặt tên là “Protoceratops andrewsi” để vinh danh ông.
Năm 1934, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ. Ông không thích vai trò này, thậm chí ông còn tự nhận trong cuốn tự truyện rằng mình “bị đặt nhầm chỗ.” Ông Andrews phù hợp với vai trò là một nhà thám hiểm vĩ đại hơn là một người làm việc bàn giấy khi người ta xem ông là nguồn cảm hứng đằng sau hình tượng nhà khảo cổ học hư cấu Indiana Jones. Chiếc mũ phớt, khẩu súng lục ổ quay, vẻ ngoài điển trai phong sương, tinh thần phiêu lưu bất tận, và vô số trải nghiệm ngàn cân treo sợi tóc là những điều đã khiến ông trở thành hình mẫu cho biểu tượng hư cấu này của Mỹ quốc.
Trường An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times